Monday, June 13, 2016

Chuyện Hàn Tín “thông cống”

Bẵng đi một thời gian khá lâu, nghỉ hè này con trai lại đi sinh hoạt Hướng đạo sinh trở lại. Thế nào mà cuối buổi sinh hoạt hôm nay anh phụ trách lại cho chơi một trò đến là… hoài niệm, hì hì hì…

Anh cho các bạn chia nhóm, đứng xếp hàng dọc sát vào nhau, dạng chân. Bạn đứng sau cùng chui xuống dưới háng các bạn từ sau ra trước cho đến đầu hàng thì đứng vào đó. Đội nào chui được hết lượt trước là thắng.

Ba của bạn Nhi Bá đứng xem, thấy thú vị ra trò, và… bâng khuâng quá. Trò này hồi bé chơi suốt, tất nhiên hồi đó nó không phải là một trò chơi độc lập, mà là một phần thưởng hoặc một biện pháp trừng phạt, tùy cách hiểu. Thường là chơi đá bóng, đội nào thủng lưới thì phải bò dưới háng của đội vừa sút vào, trước sự cười cợt sung sướng của bọn thắng cuộc và cả khán giả nữa. Loại hình phạt này hồi đó gọi là “thông cống.”

Suốt cả vụ hè, ba của Nhi Bá chơi trò đó cho đến một ngày… Ông ngoại của ba Nhi Bá đi đâu rõ sớm (hồi đó đá bóng từ 5 giờ sáng, mùa hè mà, đá sớm cho mát) bắt quả tang ông cháu đang nhăn nhở cười đứng hàng đầu dạng chân rõ rộng, một lũ xếp hàng đứng sau và năm sáu thằng khác mặt mũi méo mó, bò lồm cồm, chui qua.

Về đến nhà đã thấy ông ngồi chờ, thằng bé nem nép đi vào. “Từ bây giờ không được chơi trò đó nữa. Người ta coi việc phải chui dưới háng của người khác là sự xỉ nhục. Bây giờ các cháu chơi thiếu gì cách thưởng phạt, tại sao lại bày ra cách này?” Từ đó mình nhớ, không chơi khi các bạn đề xuất thưởng phạt bằng “thông cống.”

Nói chuyện với các cô chú cũng có con cùng sinh hoạt, ai cũng nói hồi bé có “kinh qua” bộ môn “thông cống” này rồi, với một thái độ rất độ lượng. Nhưng câu chuyện vào bữa cơm buổi tối thì lại không theo chiều hướng đó.

“Ba ạ, hôm nay anh Thúy tổ chức cho bọn con chơi một trò rất kỳ.” “Sao mà kỳ hả con?” “Các anh các chị lớn không thích đâu.” “Thế con có thích không?” “Con cũng không thích ạ.” “Sao mà con không thích?” “Con không rõ, khó giải thích lắm, nhưng con không thích phải chui dưới háng người khác và cũng không thích ai chui dưới háng con.” “Ồ, câu chuyện này hay đây. Để ba kể cho con nghe một chuyện nhé!”

Hàn Tín người đất Hoài Âm nước Sở đời Tây Hán, thuở hàn vi thường câu cá ở sông Hoài. Có khi cả ngày tìm không được một bữa cơm. Phiếu mẫu thương thình thường cho cơm ăn. Tín tạ ơn, nói:
- Tôi ngày sau được đắc đạo sẽ xin báo đáp.
Một hôm, Hàn Tín đem cá ra chợ bán, gặp đứa tiểu nhân tên Ác Thiểu đón đường làm nhục, bảo:
- Chà, bán cá mà còn đeo gươm cho oai, nhưng có dám đâm ta không?
Tín ngẩn ngơ. Tên Ác Thiểu lại tiếp:
- Nếu không dám thì hãy chui dưới trôn của ta đây mà qua ...
Tín không do dự, cúi mình chui dưới trôn của nó mà đi. Người ở chợ đều cười ồ lên, cho Tín quá hèn nhát. Có người tên Hứa Phụ vốn xem tướng giỏi, nói với Tín:
- Tướng ngươi sang lắm, hưởng đến tước vương hầu, oai danh thiên hạ.
Hàn Tín phì cười:
- Một ngày chẳng có một bữa cơm no, còn trông giàu sang sao được.
Khi Hạng Lương khởi binh đánh Tần Thủy Hoàng, Hàn Tín đến đầu mong lập công, nhưng Lương khinh Tín, chỉ cho làm chức Chấp kích lang để dùng hầu hạ nơi trướng mà thôi. Sau Hạng Lương chết, cháu là Hạng Võ lên thay cầm quân, vẫn khinh thường Tín, cho Tín là tên “luồn trôn,” hèn nhát nên không dùng vào việc lớn.
Trương Lương là quân sư của Hán Lưu Bang, biết Hàn Tín là người có tài kinh bang tế thế nên tìm đến, yêu cầu Tín bỏ Sở sang giúp Hán. Tín bằng lòng.
Hàn Tín được Hán Lưu Bang đăng đàn bái tướng phong chức Nguyên nhung, cầm quân đánh Sở. Đánh được nhiều trận thắng lợi to, cuối cùng hạ được Sở Hạng Võ, gồm thâu thiên hạ, thống nhứt đất nước, giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp Hán triều, Tín được phong làm Sở vương.
Về quê cũ cai trị, Hàn Tín cho người tìm Phiếu mẫu và Ác Thiểu đến. Cả hai phủ phục, gầm đầu không dám nhìn lên. Hàn Tín sai người lấy ngàn vàng thưởng cho Phiếu mẫu gọi là đền đáp ơn ngày xưa. Phiếu mẫu lạy tạ ra về. Đoạn Tín lại phong cho Ác Thiểu làm chức Trung húy.
Ác Thiểu cực kỳ ngạc nhiên, thờ thẫn một lúc mới nói:
- Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, chẳng biết đại nhân mà xúc phạm uy nghiêm, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu được ban chức tước.
Hàn Tín ôn hòa bảo:
- Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng cừu hận. Hành động đối xử của nhà ngươi ngày xưa xem qua tuy có vẻ quá đáng nhưng cũng là một bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi đừng tị hiềm, mà hãy nhận lấy chức ta ban.
Ác Thiểu cảm mến lạy tạ ra về. Hàn Tín lại nói với kẻ tả hữu:
- Tráng sĩ đó trước kia làm nhục ta. Lúc ta còn hàn vi, không thế lực gì, nếu ta chống cự, giết nó đi thì chưa chắc ta được như ngày hôm nay. Nhờ ta biết nhẫn nhục nên mới yên thân mà giúp được nước lập nên công danh. Nó giúp ta đấy, nên ta mới phong thưởng chớ không phải là việc vô cớ.
Cổ thi có câu “Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân.”
Mang ơn người, đền đáp ơn âu cũng một lẽ thường. Bị người làm nhục mà cũng đền đáp, cho là công ơn “mạ nhân như giáo nhân,” thật là thái độ của một sĩ quân tử.

“Con nghe hiểu chuyện không?” “Có ba ạ.” “Đấy, chuyện rất thú vị. Ông Hàn Tín này mới là cái ông kỳ tài. Ông ấy lúc nghèo hèn, chăm chỉ học về nghệ thuật quân sự để sau này làm tướng. Lúc bị anh hàng thịt xỉ nhục, bắt “chui háng” mà trong chuyện kể là “luồn trôn” đấy, ông ấy ngẫm nghĩ, rồi cũng lặng lẽ làm. Hồi đó người ta coi đó là sự xỉ nhục ghê gớm, mà ông ấy làm được. Nếu không làm, anh hàng thịt hẳn sẽ gây sự, có khi đánh đấm mất mạng ấy chứ! Nếu ông ấy không vượt qua, thì sau này không thể trở thành tướng tài của Lưu Bang, phá tan quân Sở lập ra nhà Hán được. Thú vị nhất là cứ ra trận đánh nhau, là ông ta bị lôi chuyện cũ ra chửi. Thường thì ông ta không nói gì, không nổi nóng, nhưng hết sức bày mưu tính kế, chỉ huy quân sỹ mà thắng hết trận này đến trận khác. Đấy, khi người ta chiến thắng được lòng sĩ diện của bản thân thì có khi điều đó lại tiếp thêm sức mạnh để đi đến thắng lợi lớn hơn. Câu chuyện còn kể về lòng biết ơn của Hàn Tín với người thợ giặt đã cho ăn trong lúc hàn vi, với anh hàng thịt thì lại là sự biết ơn khác, biết ơn vì sự xỉ nhục đã giúp mình có thêm sức mạnh. Phải là người có trí tuệ siêu việt, bậc anh hùng mới suy nghĩ được như vậy. Ông Hàn Tín cực kỳ quân tử, khi thành công, thành danh không quay lại trả thù mà lại trả ơn. Làm như vậy thì người ta sẽ nhớ ơn mình suốt đời, còn nếu trả thù thì lại tạo mối thù không biết bao giờ mới giải xong. Ta nên học cách cư xử quân tử của ông ấy con ạ.”

“Vâng ạ. Nhưng thế trò chơi chui qua háng bạn khác thì sao hả ba?” “Không sao cả, khi mình đã không có cái sĩ diện hão thì chơi cũng được. Có điều là không phải ai cũng thích, cũng đồng ý và có cái nhìn thoải mái về chuyện đó – như ông ngoại của ba ngày xưa ấy. Khi nghe ông nói, thì ba cũng không chơi nữa, chẳng phải vì nó xấu xí đến thế nào đó, mà là ông ngoại ba có lý: khi chúng ta lựa chọn được cái khác hay ho hơn, tại sao chúng ta lại phải đâm vào cái xấu xí hơn? Ngay hồi ba bé, lắm lúc trêu chọc nhau trong lúc “thông cống” cũng đã nổi quạu mà đánh nhau sứt đầu mẻ trán nhiều trận rồi chứ. Theo ba, nó không xấu, nhưng không phải là hành vi đẹp. Nếu có thể, hãy chọn cái đẹp hơn, hoặc cái đẹp nhất.”

“Sau này trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có viết câu:

Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân?

Là để chỉ sự giúp đỡ lúc nghèo thì chỉ một chút thôi, cũng bằng hàng nghìn vàng lúc giàu sang phú quý con ạ.”

Chuyện xong rồi ba của Nhi Ba cứ ngồi ngẫm mãi. Chúng ta không phải là Hàn Tín, nên chúng ta không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn việc nuốt nhục hay chống lại. Sau này trong cuộc đời, ba mong con trai là người vui vẻ, hòa nhã, yêu quý mọi người thì hầu như con sẽ không bị sa vào tình thế nguy hiểm, bị thách thức đến mức như thế…

Xã hội nhiều nhiễu nhương, người ngay sợ kẻ gian, động một cái là người ta muốn “xử lý” nhau mà chẳng thèm nhờ đến pháp luật, ra đời nhiều lúc “nhịn” không được là “nhục” ngay, có phải lúc nào người ta cũng chơi quân tử với mình đâu, bây giờ thì đến người có võ nghệ vớ vẩn cũng bị hại nữa là người thường chúng ta. Nên học cách xử sự đĩnh đạc, công bằng, hòa nhã… thì tai họa nào cũng dễ qua thôi.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment