Wednesday, June 8, 2016

Đời là bể khổ

Chẳng cần theo học Phật, bao người nói được câu đó. Chỉ cần xịt cái lốp xe còng lưng đẩy hoặc nóng nhễ nhại thay bánh xe là có thể than lên được rồi.

Có những cái khổ không tránh được, như những cái khổ gắn với cái thân tứ đại của chúng ta. Chẳng có ai sống cả cuộc đời mà không bao giờ ốm đau, vấp một cái bật cái móng chân đau gần chết, là khổ. Sinh lão bệnh tử, tất cả chúng ta ai chẳng thế. Đó là cái khổ gắn với cái thân, sở dĩ có nó vì cái thân này có được từ những nhân duyên rất lớn, có nhân duyên tốt đẹp, được hưởng phúc mới có được thân người, nhưng đồng thời cũng có yếu tố nhơ uế (quan hệ tình dục nam nữ) mà có, nên nó vẫn có những cái đau khổ đó như một thuộc tính không thể tách rời. Kể cả bậc Phật, Bồ Tát nếu thị hiện ở kiếp người, cũng sẽ phải chịu những nỗi khổ đó.

Nói đến sinh lão bệnh tử, lại có những người có cuộc sống an lành hơn người khác, hay có những số phận chịu tột cùng đau khổ, như những người đã đi qua cả cuộc chiến tranh. Xem những bộ phim tài liệu về số phận của người Do Thái trong Thế chiến II, và cả những tù binh nữa, thì thật kinh khủng. Chúng ta không thể giữ lòng mình dửng dưng trước hình ảnh hàng núi xác bị đưa vào lò thiêu…

Mình viết ở bài nào đó rồi, với một cộng đồng nhiều chúng sinh, đó là phép cộng nghiệp. Đã sinh ra là dân Việt Nam, là một cái “nghiệp” của nghìn năm Bắc thuộc, của chiến tranh giặc giã liên miên, của tham gia xóa xổ Champa, của trăm năm Pháp thuộc và 20 năm chiến tranh 1954 – 1975. Ngày nay cái “cộng nghiệp” của tất cả chúng ta, những người sống trên dải đất hình chữ S này còn là cá chết ngập bờ biển miền Trung, của hạn hán Tây Nguyên và xâm nhập mặn đồng bằng Sông Cửu Long còn người Việt thì đầu độc người Việt bằng đủ các thứ thuốc độc.

Thế mà đến ngày hôm nay, hơn 40 năm lòng người chia rẽ mà người Việt vẫn chưa tỉnh ngộ, vì họ chưa hiểu tại sao họ lại ở hoàn cảnh như vậy. Họ đổ lỗi cho chủ nghĩa này chủ nghĩa khác, họ đổ cho dân tộc này dân tộc khác, nước này nước khác… tất cả những cái đó chỉ là bề nổi, là phương tiện thực hiện cái “nghiệp” của chúng ta mà thôi.

Mấy hôm lên mạng cứ nhộn nhạo lên vì ông Bob Kerrey nào đó mà thấy sao người Việt ta khổ thế, không những khổ mà làm người khác khổ theo. Đành rằng ông Kerrey ấy là khổ rồi – đang hứng chịu “gạch đá,” là do những việc ông ta đã làm trong quá khứ và chắc là trong tương lai ông ấy sẽ còn nhiều khổ đau nữa. Rõ ràng những gì ông ta đã làm để chuộc lỗi (nếu có thật, như người ta nói) là chưa đủ, vậy thôi.

Nhưng nếu chúng ta ào ào ném đá ông ấy vì bất cứ lý do gì, lý luận gì, quan điểm gì, thì chúng ta tự hại chúng ta, và tiếp tục rơi vào vòng đau khổ.

Vì nguyên nhân khổ thứ hai là tham, sân, si của con người. Chúng ta chưa bao giờ đặt tay lên trán mà nghĩ, là khi chúng ta điên dại lao vào mua hàng tập chứng khoán hay nhà đất, hi vọng một ngày bán được với giá cao hơn vài lần – thì tiền đó chẳng qua là móc túi người khác hay không? Tham ở đó chứ ở đâu.

Vụ ông Kerry này thực sự buồn – vì chỉ cần lên mạng thôi là thấy người Việt ta nổi sân hận nhiều quá, si mê quá. Người này chửi người kia, rồi chửi ông Kerry chửi Mỹ, chửi cả chế độ chửi Nhà nước… thôi thì chửi tất.

Liên quan đến việc này có một bạn của mình, luật sư nổi tiếng. Chắc chắn anh bạn đứng về phía phản đối ông Kerry, cũng chẳng sao. Điều mình băn khoăn suốt, là anh bạn nói về “cái chết của lòng tự trọng của cả một dân tộc” – là dân tộc ta đấy, người Việt.

Anh bạn hình như cũng theo học Phật.

Mình thì từ lâu không còn phân biệt dân tộc này với dân tộc khác – chúng sinh là bình đẳng. Có những cộng đồng (gắn với “cộng nghiệp”) rất gần, nhưng trùng khớp với dân tộc, nên sẽ cảm thấy rất gần nhau giữa việc xem xét “cộng nghiệp.”

Tâm phân biệt cũng là một nguyên nhân của khổ.

Một nguyên nhân nữa của khổ, là cái tôi ngã mạn quá lớn. Không ai chịu ai, chỉ có ta là nhất. Và ta đi cãi cọ. Cái khổ của ta không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Đến đây chắc nhiều bạn sẽ hỏi, mình biết thế nào là mất mát, nhất là những mất mát trong chiến tranh để nói về sự tha thứ. Nhớ hồi nói chuyện về vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết bạn gái cũ, mình nói, nếu mình là chú Ba “còi” cựu Cảnh sát trật tự phường nhà mình, bố em Phương Linh, mình sẽ tha thứ. Một người bạn hỏi, không sợ người đời chê cười vì không biết trả thù à?


Nhưng cách trả thù tốt nhất là tha thứ kia mà?

Mình chắc không ít bạn ném đá người khác trên mạng, chưa biết nếm mùi khổ đau là gì, khi phải tiễn người mình yêu thương nhất rời cõi tạm, chưa biết cái cảm giác đau đớn tột cùng khi biết, tiền nong, công sức… nhiều đến mấy cũng không cứu được người thân.

Ngày 19/5/2001, 21h tối, một bạn trẻ ngã xe máy đập đầu xuống đường Thụy Khuê trước trường Chu Văn An. Mình dựng xe bên cạnh để không ai đâm vào bạn ấy, rồi gọi hết người này đến xe khác, mình gọi đến khóc mà không ai muốn giúp cả. Không ai dừng lại cả, mãi một người bạn hơi quen quen đi qua giúp mình bê chú em kia đi bệnh viện. Máu từ chỗ vỡ trên đầu, chảy ướt cả mặt mũi, quần áo… nhưng đến sáng, được biết chú em được cứu sống sau khi mổ kịp thời, thì không còn nước mắt của tuyệt vọng nữa mà là sung sướng. Mình đã trải qua cả cái sung sướng vì lôi được một người khỏi bàn tay của Thần Chết, nên mình hiểu cả hai trạng thái đau khổ và sung sướng đó vậy.

Mình tự hỏi tại sao những bạn đang ném đá người khác hôm nay, lại không muốn học yêu thương trước đã? Đừng nói về yêu thương người thân, hay nói về đồng loại, đồng bào, về tất cả những lá cây ngọn cỏ, sinh vật sống trên trái đất này?

Chưa bao giờ người Việt lại thiếu yêu thương nhau đến thế. Hãy tỉnh lại khi còn chưa muộn. Không ai có thể cứu được chúng ta, ngoài bản thân chúng ta. Ném đá ông Kerry, chỉ làm cho chúng ta càng chìm sâu vào bể khổ trầm luân mà thôi.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment