Monday, July 18, 2016

Nước Nga trong sự bao vây của NATO: “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng?”

Ngày hôm qua, Hội đồng Nga – NATO đã họp trở lại sau 2 năm những cuộc đối thoại giữa hai bên bị gián đoạn vì những hành động của Nga ở Crimea và tình hình bất ổn ở Đông Ukraine.

Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra ở Vacsava hồi cuối tuần trước và đã đi đến quyết định triển khai thêm 4 tiểu đoàn ở các nước thành viên vùng Bantích và Ba Lan.

Tại cuộc họp báo sau buổi họp kín, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho báo giới biết rằng những hành động này của Khối nhằm “đối phó những hành động của Nga ở Ukraine.” Về phần mình, đại diện Nga là ông Aleksandr Grushko nhấn mạnh rằng việc triển khai các nhân viên NATO thêm gần biên giới Nga là một bước đi chệch hướng. “Chúng tôi tin rằng những biện pháp này là không cần thiết, phản tác dụng, hành động đối đầu của họ (NATO) về cơ bản làm suy yếu an ninh châu Âu và khu vực khi đưa chúng ta trở lại với các hình mẫu an ninh của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.”

Mà đúng thật – với những động thái mới này, lực lượng NATO đã ngày càng tiến sát biên giới với nước Nga. Ngoài việc bố trí thêm quân, trước đó khối này đã triển khai lá chắn tên lửa mà mục tiêu của nó không là gì khác, chính là để đối phó với Nga. Nói một cách thẳng thắn, Khối này đã chuyển từ chiến lược đảm bảo an ninh cho các thành viên sang mục tiêu ngăn cản bước tiến của Nga.

Nhìn lại tổng thể tình hình từ đầu năm 2016 đến nay, sự kiện đáng chú ý nhất là việc Nga rút quân khỏi Syria sau hơn 4 tháng không kích “Nhà nước Hồi giáo.” Từ đó đến nay Nga hoàn toàn không có bất cứ một hành động nào đáng kể có thể gây quan ngại cho phương Tây và các thành viên NATO về an ninh. Chỉ có đáng chú ý là thái độ, lập trường của nước này đối với tình hình tranh chấp Biển Đông và những động thái xích lại gần Trung Quốc hơn, thể hiện qua chuyến đi thăm nước này của tổng thống Nga V.Putin vào tháng 6.

Điều đáng chú ý hơn phải là việc các nước Phương Tây thống nhất gia hạn lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga thêm 6 tháng nữa (21/6.) Mới đây nhất, Hoa Kỳ trục xuất nhân viên ngoại giao Nga để đáp trả sự việc cảnh sát Nga đánh nhân viên ngoại giao của mình ở Moscow và đang có lời qua tiếng lại giữa hai bên; chỉ hôm qua Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phát thanh Truyền hình Mỹ ông Jeff Shell bị Nga cấm nhập cảnh “vĩnh viễn” cũng cho thấy quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc chưa hẳn là xấu đi nhưng cũng đã có chiều căng thẳng.

Trong bối cảnh như vậy nên ngay tại cuộc họp lần này của Hội đồng Nga – NATO, thái độ của Nga cũng khá “mềm,” dù ông Grushko có trách cứ NATO, nhưng thể hiện một điều rằng Nga hoàn toàn không có ý làm cho quan hệ của hai bên xấu đi thêm nữa. Phía Nga nhắc nhở, việc cần làm không phải là gia tăng đối đầu giữa hai bên, điều đó sẽ làm giảm đi hiệu quả của một cuộc chiến quan trọng hơn là chống Nhà nước Hồi giáo.

Về phía mình, NATO vẫn tiếp tục đề cập đến tình hình chiến sự gia tăng ở Đông Ukraine, và quan hệ Nga – NATO chỉ có thể được cải thiện nếu thỏa thuận hòa bình Minsk được thực thi đầy đủ.

Như trước đây chúng ta đã nhìn nhận, chiến dịch không kích của Nga ở Syria vào đúng sau vụ xả súng liên hoàn, đẫm máu ở Paris (Pháp) có thể kéo Nga và Phương Tây xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng cuối cùng thì câu chuyện không hoàn toàn diễn ra như vậy: Nga đơn thương độc mã tiến hành không kích trong khi Hoa Kỳ và Phương Tây mặc dù vẫn tiếp tục các phi vụ, nhưng cầm chừng như cưỡi ngựa xem hoa, thậm chí còn… khen về hiệu quả không kích của lực lượng không quân Nga. Mọi chuyện đang có vẻ thuận lợi thì “cú đâm sau lưng” (lời của tổng thống Putin) Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc SU-24 của Nga đã làm tiêu tan khả năng hai bên xích lại gần nhau và chẳng bao lâu, sau khi Nga rút quân thì dư luận thế giới chẳng mấy ai quan tâm đến chiến dịch không kích của họ ở Syria nữa…

Thế giới đã quan tâm đến những điều khác hơn, như Brexit – sự ra đi của nước Anh liệu có làm tan rã Liên minh Châu Âu hay không, Nga sẽ hưởng lợi gì từ sự kiện này… Tuy nhiên, Brexit thì Brexit, NATO vẫn cứ là NATO, một Khối được ra đời chỉ nhằm đối phó với Nhà nước Xô-viết và các vệ tinh Đông Âu của nó.

Sự ra đi của Liên Xô năm 1991 thực sự đã làm cho sự cân bằng về an ninh toàn cầu bị nghiêng ngả nghiêm trọng, NATO không còn biết mình phải đối đầu với ai nữa. Tan vỡ thành 15 nước cộng hòa mà trong đó không có nước nào đủ sức gánh vác trọng trách của một siêu cường ngoài Nga, nước Nga đương nhiên kế thừa phần lớn lực lượng và trang thiết bị vũ trang, và gánh vác luôn… vai trò đối thủ của NATO.

Nước Nga của thời kỳ Boris Eltsin, ốm yếu và nát rượu, chẳng là một mối lo đối với NATO, nhưng nước Nga của Putin thì khác, từng bước vững chắc lấy lại vị thế của một siêu cường. Dưới thời đại trị vì của mình, Putin hoàn toàn không giấu diếm tham vọng phục hồi không gian Liên Xô cũ bằng những hành động quyết đoán, mạnh mẽ và cũng rất mưu lược. Về địa chính trị, ảnh hưởng của nước Nga lên các nước lân bang thuộc Liên Xô trước đây, như Belarus hay Kazakhstan, Uzbekistan… còn rất mạnh. Về kinh tế, Nga là trụ cột cho một liên minh các nền kinh tế mới nổi BRICS, hứa hẹn sẽ là một đối trọng với kinh tế Hoa Kỳ và Châu Âu trong tương lai. Về quân sự, Nga không ngần ngại sử dụng “biện pháp mạnh” như trong “Cuộc chiến tranh tháng Tám” (“Cuộc chiến tranh 5 ngày”) để “xử lý quan hệ” với Gruzia hay hành động thu hồi Crimea năm 2014 đối với Ukraine…

Thật quả không sai nếu người ta nhận định, nước Nga thời kỳ Putin đã làm phục hồi… NATO, từ một Liên minh quân sự thất nghiệp, không biết phải làm gì nay đã tìm lại được đối thủ xứng tầm.

Phải chăng NATO không nhận thức được rõ vai trò quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố, mà Nga đang rất muốn tham gia thậm chí có thể đóng một vai trò tích cực; phớt lờ thiện chí của Nga để tiếp tục xác lập tình thế đối đầu? Người viết bài này không cho rằng như vậy. Phương Tây và NATO là đối tượng tấn công chủ yếu của chủ nghĩa khủng bố, quá rõ về mối hiểm họa này nên họ không thể coi thường. Có thể đoán rằng thái độ của NATO theo kiểu với Nga “anh tham gia chống khủng bố thì tùy anh, chúng tôi ủng hộ nhưng không hợp tác, vì chúng tôi vẫn dè chừng anh.” Đây như một sự xác định rạch ròi: một đối thủ phi truyền thống vừa hữu hình, vừa vô hình là Nhà nước Hồi giáo và một đối thủ có tính truyền thống, một quốc gia với đầy đủ các yếu tố cấu thành và có vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên, cần phải thấy được rằng từ tháng 9 năm ngoái, sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích ở Syria, thái độ của Hoa Kỳ đối với Nga đã hòa dịu đi rất nhiều và họ công khai thừa nhận vai trò của Nga đối với tình hình chiến sự và lập lại hòa bình ở Syria. Ngày 14/7 ông John Kerry thăm Nga, hội đàm với người đồng cấp S.Lavrov về tiến trình ngừng bắn ở Syria cho thấy vị trí quan trọng của Nga trong giải quyết vấn đề này.

Sự lo ngại đối với nước Nga là có thật, đặc biệt với các thành viên ở phía Đông của khối này. Những hành động gia tăng khả năng phòng thủ bìa phía Đông của NATO nhằm đối phó cả hai mặt, là tiềm năng hạt nhân của Nga và cả những hành động của nước này trong thời gian gần đây.

Nếu như nước Nga cũng sẽ hành động đáp trả tương xứng với NATO, bằng cách triển khai các lực lượng tên lửa chiến lược, lá chắn tên lửa về biên giới phía Tây, thậm chí ở thành phố Kaliningrad “con dao trong nách NATO” thì rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới, như lời của ông Grushko: “Một cuộc chiến tranh lạnh mới.”

Nhưng nước Nga sau 2 năm đã không còn duy trì được sức mạnh như trước đây do tác động kép của giá dầu thấp và lệnh trừng phạt, Putin đủ tỉnh táo để không sa vào cái bẫy đang giăng ra trước mặt mình. Bất cứ một hành động làm gia tăng căng thẳng nào cũng có thể sẽ dẫn tới những chuyện nghiêm trọng hơn nữa, ngoài khả năng kiểm soát của Putin – “Anh căng thì tôi chùng” đó là điều cần thiết trong bàn cờ chính trị quốc tế.

Bất chấp điều đó, NATO bảo vệ quan điểm của mình vẫn coi Nga là mối đe dọa chính; còn thái độ hòa hoãn của Nga làm chúng ta đặt ra một câu hỏi, rằng trong thời gian sắp tới Putin sẽ hành động như thế nào, liệu có “lên gân” đối đầu NATO? Hay là lợi dụng sự suy yếu đáng kể của nước Nga mà NATO được thể “làm già” đẩy Nga và tình thế “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng?”


Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment