Monday, August 29, 2016

30 điểm rưỡi không được vào trường an ninh và 200 nghìn cử nhân thất nghiệp

Câu chuyện cô bé 30,5 điểm không được tuyển vào trường ngành công an tưởng đã lắng xuống, lại được khuấy động vì nguyện vọng “kiên cường” của cô: sang năm sẽ thi vào trường quân đội.

Chúng ta tôn trọng nguyện vọng chính đáng này của cô bé, khi hình ảnh của người sỹ quan công an hay quân đội đã ăn sâu vào tâm trí một cách đẹp đẽ. Đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang, lâu nay được hiểu là một trong những cách tốt nhất, trực tiếp nhất để phục vụ Tổ quốc.

Sẽ là lý thuyết suông nếu lên giọng khuyên cô bé, và những cô bé cậu bé khác ở hoàn cảnh tương tự “Nghề nào cũng là nghề, miễn là cháu có thể phát huy được hết khả năng của mình.”

Mong muốn được vào công an quân đội, chỉ là một góc nhỏ của suy nghĩ “phải đi học đại học” của đa số chúng ta hiện nay. Dường như con đường đại học là con đường duy nhất cho tất cả. Với những gia đình “có điều kiện” thì không thể chấp nhận được con cái của mình không đi học đại học, hoặc xa hơn là đi du học nước ngoài. Còn với những gia đình nghèo thì từ khi con còn bé đã động viên “cha mẹ hi sinh tất cả, con phải cố gắng học để đổi đời.”

Chuyện “phải vào bằng được đại học” lại là một góc của tư tưởng “ăn sâu trong lòng dân tộc” không phải hàng trăm mà cả ngàn năm nay, vì nó có gốc rễ từ tư tưởng Nho giáo: học để làm quan.

Con đường đại học bằng bất cứ giá nào cùng chế độ thi tuyển của ta đến nay “có đổi nhưng chưa mới” đã mấy chục năm nay đẻ ra cách học gạo, học chỉ để lấy đỗ đại học và có bằng. Không thiếu “bằng đỏ” bộc lộ đầy khiếm khuyết: kiến thức lỗ mỗ, thiếu chuyên nghiệp, tư duy cứng nhắc và bảo thủ... Mục đích học tập của chúng ta chỉ là một công việc và có tiền chứ không phải là một sự đam mê.

Con đường bước chân vào trường quân sự, an ninh đạt được nhiều thứ chỉ với một lựa chọn “đúng đắn.” Như dân gian hay đùa, vào học những trường đó “bố mẹ đỡ phải nuôi,” “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày…” những cô tú cậu tú vừa xong phổ thông đã giải thoát cho cha mẹ một gánh nặng khá sớm: nuôi ăn.

Sinh viên Việt Nam đi làm không phải là phổ biến, thậm chí khá hiếm. Gần đây khi quan tâm tìm hiểu giáo dục nước ngoài, Mình bất ngờ vì Việt Nam là nước khá đặc biệt khi bố mẹ vẫn phải nuôi các sinh viên đi học. Nước nào thì bước chân vào trường đại học cũng phải “lo” cả, nhưng cái “lo” của ta trách nhiệm được đổ trước hết lên vai cha mẹ. Sinh viên chưa biết thực sự có học được cái gì đến đầu đến đũa không, nhưng bố mẹ của chú ta cứ phải nuôi hết mấy năm cái đã, “chế độ bao cấp” này là một trong những nguyên nhân đam mê “công an quân đội.”

Trong khi đó các thanh niên Mỹ ra trường phổ thông là tự động đi làm để tích lũy cho những năm đại học sau đó. Những công việc họ làm, các hoạt động xã hội khi còn đi học lẫn sau khi ra trường đều là những cơ sở tốt để làm đẹp hồ sơ có thể xin được một suất học bổng.

Câu chuyện phải vào bằng được trường công an hay quân đội, xa hơn là ra trường phải vào bằng được biên chế Nhà nước, còn cho thấy một thực trạng nữa: con đường đó đảm bảo “đầu ra” khi học xong chắc chắn sẽ có một chỗ làm trong biên chế Nhà nước. Mới đây nhất, con số thống kê từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội “cả nước có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp.”

Hai mươi mấy năm nay, cứ vài năm thì “mốt” lại thay đổi một lần, khi thì kinh tế khi thì luật; ngay trong kinh tế thì lúc tài chính, lúc lại ngân hàng… lên xuống theo nhịp đam mê của xã hội. Những cái “mốt” này toàn những ngành nhìn vào đã thấy hào nhoáng và đẹp đẽ, chứ làm kỹ sư chăn nuôi “băm bèo thái rau” chẳng ai thích. Chính vì thế mà chúng ta có một nền kinh tế “không sản xuất nổi một cái ốc vít” và ngược lại “tài chính, quản trị kinh doanh” lại cứ thế hút hàng.

Cái lý thuyết “nghề gì cũng quý” ở đây phải là câu hỏi, ai cũng công an bộ đội cả thì ai sẽ lao động sản xuất – vì nếu có chiến tranh thì quân và dân vẫn cần ăn; và ai cũng làm tài chính kinh doanh cả, thì ai sẽ tạo ra máy móc và những giống lúa mới?


Xin kể câu chuyện của người anh họ “nhiều đời nông dân” chưa học hết lớp 12. Anh là một điển hình làm ăn giỏi ở nông thôn miền Bắc. Từ mấy sào ruộng được chia, anh nghiên cứu gieo các giống lúa tốt, chất lượng cao, gieo trồng cẩn thận đảm bảo “sạch và an toàn” và tất nhiên “kén” người mua. Dần dần anh có thị trường: từ vài gia đình ở Hà Nội, nay đã có hàng trăm gia đình đặt mua gạo của anh, anh đã phải thuê thêm ruộng để sản xuất. Tất cả các khâu anh tổ chức làm hết, thuê thêm mấy chục người và họ đều có thu nhập tốt. Tấm, cám sau xay xát anh nuôi lợn, nấu rượu… và lại có phân bón. Từ một người nghèo, anh trở thành giàu có nhất nhì trong xã nếu chỉ tính những nhà chỉ làm nông nghiệp. Vừa rồi về quê, anh kể rất tự hào: “Cháu chú (con cả của anh) hết nghĩa vụ trong Khánh Hòa, nay anh chuẩn bị “chạy” cho cháu ở lại để đi sĩ quan…” Mình sửng sốt: “Anh đã thành công như thế này rồi mà sao vẫn ham cho cháu đi bộ đội cả đời làm gì?” “Thì nhà mình nông dân mấy đời, cũng phải có thằng làm quan để mở mày mở mặt ra chứ…”

Nếu như vào thời chiến, chúng ta sẽ không nghi ngờ ước muốn có lẽ là cao cả của các cô bé, chú bé. Đất nước chúng ta đã trải qua thời cắt tay lấy máu viết tâm thư xin nhập ngũ từ lâu, và nay nếu có những tâm thư như vậy xin ra phục vụ ở Trường Sa thì thật đáng mừng. Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng là như vậy…

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment