Thursday, August 11, 2016

Erdogan – Putin: Cái bắt tay của hai “người hùng cô đơn”

Chỉ mất 9 tháng từ sau sự cố tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích SU-24 của Nga đang oanh kích ở Syria làm quan hệ hai nước đóng băng, ngày 9/8 tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thăm Nga và bắt tay tổng thống Nga V.Putin. Đã có cơ quan truyền thông đánh giá đây là sự kiện “mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, bắt đầu quá trình “bình thường hóa”…”

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều là hai nước nằm trên hai lục địa Á – Âu và đều có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với thế giới. Cả hai đều có thể được đánh giá là nước mạnh về quân sự, thậm chí Nga còn là cường quốc quân sự có vũ khí hạt nhân và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Đồng thời quan hệ giữa hai nước còn đầy “duyên nợ” mang tính lịch sử để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Đến thời điểm tháng 12/2015, quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn “bình thường,” thậm chí có thể đánh giá được là nồng ấm, vì Thổ Nhĩ Kỳ dù là thành viên của NATO nhưng lại hoàn toàn không nhiệt tình trong việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì việc sáp nhập Crimea và nội chiến đông Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ như cái cầu nối của Nga sang Châu Âu, sau khi “cái cầu Ukraine” gãy thì vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ lại càng quan trọng.

Quan hệ chỉ thay đổi từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích của mình ở Syria, mà như người Nga nói là “tấn công Nhà nước Hồi giáo IS chống khủng bố.” Chỉ hai tháng sau khi chiến dịch mở màn, là sự kiện “cú đâm sau lưng” – như lời tổng thống Nga Putin gọi vụ bắn máy bay SU-24 như vậy.

Nhanh chóng, quan hệ hai nước xấu đi đến mức đã áp dụng các lệnh trừng phạt lên nhau về kinh tế. Tuy nhiên ngay từ thời điểm đó, “đại diện gia đình nạn nhân” là tổng thống Putin cũng đã rất dè dặt, những tuyên bố của ông loại trừ khả năng những hành động về quân sự chống Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, không chỉ là thành viên bình thường mà còn khá lâu đời và là nước có lực lượng rất mạnh trong khối này. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, nếu quan hệ hai nước trở nên quá căng đến mức thù địch, thì việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng eo biển này sẽ biến Biển Đen trở thành “cái ao tù” với các với các tàu chiến của Nga.

Có một điều rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu khi không quân Nga “ngoài” tấn công Nhà nước Hồi giáo, “còn” tấn công “thêm” các vị trí của lực lượng nổi dậy đối lập người Turks ở bắc Syria vốn được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Nếu không có cáo buộc này thì chắc không có sự việc “bắn máy bay” trên đây.

Lệnh trừng phạt của Nga do đó chỉ dừng lại ở các hàng hóa nhập khẩu từ Thổ như nông sản hoặc dừng các tour du lịch từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ, còn các lĩnh vực quan trọng hơn như năng lượng, vốn dĩ các dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Thổ đã chưa đâu vào đâu từ trước “cú đâm sau lưng,” đưa vào trừng phạt cũng được mà không thì cũng… chẳng chết ai. Cấm vận hàng Thổ Nhĩ Kỳ, càng tạo điều kiện cho sản xuất trong nước của Nga phát triển; trong điều kiện kinh tế Nga có nhiều khó khăn sau 2 năm bị phương Tây trừng phạt và giá dầu giảm thấp, thì có dừng các tour du lịch đến nước này cũng không phải là chuyện quá nghiêm trọng với Nga… Và thế là cuối tháng 7, ngay sau cuộc đảo chính bất thành làm chao đảo chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, phó thủ tướng nước này Mehmet Simsek đã đi thăm Nga, kết quả hai bên thống nhất sẽ khôi phục lại hợp tác năng lượng và thương mại.

Ankara, trung tuần tháng 7/2016 – cuộc đảo chính bất thành đã nổ ra và hậu quả của nó là vụ đàn áp rất lớn từ phía chính quyền của tổng thống Erdogan đối với những thành viên của cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính này đã làm quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Phương Tây xấu đi vì những nghi ngờ, cáo buộc qua lại lẫn nhau; nào là Phương Tây đứng đằng sau “giật dây” cho đảo chính hay Mỹ từ chối dẫn độ giáo sỹ Gulen về Thổ để chính quyền nước này “xử lý…” Đồng thời việc ông Erdogan muốn khôi phục án tử hình để trừng phạt các thành viên của cuộc đảo chính, cũng vấp phải những chỉ trích nặng nề về nhân quyền.

Thật dễ hiểu khi truyền thông Phương Tây rất dè dặt khi đưa tin về chuyến thăm của Erdogan sang Nga, dù người ta đã biết trước về nó đến vài tuần.

Có “chuyên gia về Nga” (người Việt Nam, tất nhiên! he he) còn vội vàng nhận xét về khả năng NATO khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi khối này. Chuyến thăm Nga lần này của ông Erdogan đáng chú ý, vì nó là chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài sau cuộc đảo chính. Chính vì thế những người Việt Nam quan tâm đến nước Nga đã nghĩ đến một mối quan hệ khăng khít kiểu như một liên minh chiến lược để cả hai cùng thoát khỏi thế bị cô lập.

Từ tháng 4/2016, Nga dừng chiến dịch không kích ở Syria, từ đó nước này không có nhiều động thái đáng kể trên trường quốc tế, ngoài một số phát ngôn từ giới chức ngoại giao nước này đối với Biển Đông trước thềm vụ kiện của Philippines lên PCA chuẩn bị có phán quyết. Lệnh trừng phạt còn nguyên, NATO tiếp tục “lấn tới” tiến ngày càng sát biên giới Nga… Và “ông chủ Điện Kremli” V.Putin trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Những tưởng liên minh Nga – Trung đã được xây dựng vững chắc để tiến dần thành một “cực” của trật tự thế giới mới, nhưng Trung Quốc có những vấn đề của Trung Quốc. Dường như cả hai ông Putin và Tập Cận Bình đều chẳng hăng hái trong việc liên kết với một đối tác mà điều mang lại nhiều khả năng lại là một sự cô lập hơn nữa.   

Cần nhìn lại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu – ngay trong năm 2015 các nước Liên minh Châu Âu đã nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ 61 tỷ 603 triệu euro hàng hóa, và xuất khẩu sang nước này đến 79 tỷ 129 triệu euro, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 140 tỷ 732 triệu euro. Trong khi đó xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga thời điểm cao nhất là tháng 10/2015 đạt 354,804 triệu đôla Mỹ, tháng 11 giảm xuống còn 303,358 triệu đôla và tháng 12 sau “vụ SU-24” chỉ còn có 228,636 triệu đôla. Nghĩa là so với Liên minh Châu Âu, thì thị trường Nga đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là quá khiêm tốn. Thổ Nhĩ Kỳ còn được ví như “Trung Quốc của Châu Âu” nếu xét về quan hệ kinh tế hai chiều, quá quan trọng để người ta cân nhắc mọi nhẽ.

Một nước như Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát điểm là “mũi nhọn chống Liên Xô của NATO” thời chiến tranh lạnh, thì sẽ luôn luôn có xu hướng gần phương Tây hơn là gần Nga. Do đó tôi chưa bao giờ cho rằng NATO sẽ khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi khối này.


Những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện dưới quyền của ông Erdogan từ sau vụ bắn máy bay Nga, thực sự cho thấy đây là một vị nguyên thủ phức tạp, khó hiểu và khó lường – điều đó làm cho cả hai quan hệ Thổ - Nga và Thổ - Phương Tây cũng phức tạp theo. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ, Erdogan là Erdogan, và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là Thổ Nhĩ Kỳ; sau Erdogan sẽ lại là một nước Thổ Nhĩ Kỳ khác. Một Phương Tây đang chia rẽ và không thống nhất, lại bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì chưa thể có một hành động gì rõ ràng ngoài việc tỏ… thái độ. Không loại trừ chính trường Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn có những sự kiện chao đảo nữa chứ chưa thể ổn định được ở đây.

Tìm đến Putin lần này là Erdogan, như hai “người hùng cô đơn” tìm đến nhau. Dư luận Nga thì chưa thể quên được “vụ SU-24,” do đó khó có thể đặt được niềm tin vào ông Erdogan. Nếu như có đánh giá cho rằng ông này đến Nga chỉ để mặc cả với Phương Tây, thì cũng là điều dễ hiểu. Còn nếu như cho rằng lần này “làm lành” sẽ vô hiệu hóa thái độ dè chừng ra mặt của NATO, của Phương Tây dành cho nước Nga của Putin, e có phần hơi lạc quan quá.  

9 tháng là quá ngắn ngủi để thiết lập một quá trình “bình thường hóa” nếu như giữa hai nước này thực sự có một mối quan hệ “bất thường.” Chính vì thế, đây giống như một sự giảng hòa giữa hai cá nhân Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin hơn là “bình thường hóa” quan hệ giữa hai quốc gia.

Do đó, nếu có chuyện “lịch sử sang trang” hay “chương mới được mở ra,” thì đơn giản là quan hệ hai nước này quay lại được như thời “tiền SU-24” thì cũng là quá tốt rồi, chứ chưa thể hi vọng được gì hơn. 

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment