Friday, August 5, 2016

Làm thế nào để các đồng chí hết “sốc?”

Phiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội mới đây nóng rực không phải vì cháy, mà vì phòng cháy khi các đại biểu nêu vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố. Như lời của vị trưởng ban pháp chế: “Các đồng chí nhìn clip chúng tôi quay thì sẽ sốc”.

Con số thực sự gây sửng sốt với 38 công trình không đảm bảo về PCCC, mà riêng Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chiếm đến 15 tòa. Còn nhớ năm ngoái, vụ cháy chung cư CT4A ở Xa La của chủ đầu tư này đã gióng lên hồi chuông báo động về trình trạng “sống trong sợ hãi” của cư dân các chung cư Thủ đô. Năm 2015, chỉ trong tháng 9 và tháng 10 đã xảy ra 3 vụ cháy tại các chung cư của doanh nghiệp này.

Quy trình đã chặt, sao vẫn trớ trêu?

Đối với một dự án đầu tư xây dựng, văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC là điều kiện bắt buộc phải có để Sở kế hoạch và Đầu tư các địa phương xem xét đề nghị UBND tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Sau đó việc xin cấp giấy phép xây dựng cho dự án cũng vẫn cần phải có văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC này. 

Dự án sau khi được xây dựng xong lại phải được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu hạng mục thi công PCCC theo đúng như thiết kế đã được thẩm duyệt. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì cơ quan công an có quyền kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, ra văn bản xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm với mức độ nặng, hay vi phạm nhiều lần có thể ra quyết định yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục.

Cho đến thời điểm này, trong nghề nghiệp liên quan tư vấn cấp phép dự án đầu tư, với hàng chục dự án đã “qua tay”, tôi chưa thấy có trường hợp nào cơ quan cảnh sát PCCC lại “xuê xoa” với chủ đầu tư, trong bất cứ khâu nào. Đơn giản là họ không có lý do gì để “xuê xoa” cả, vi phạm là vi phạm, biến “có” thành “không” nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì chính người kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm.

Quy trình rất chặt chẽ, thậm chí các quy định còn quá… đủ, ấy thế mà tình trạng trớ trêu vẫn diễn ra. 

Pháp luật bắt buộc chủ đầu tư phải có được văn bản nghiệm thu hạng mục thi công PCCC, và được cấp Chứng chỉ đủ điều kiện PCCC thì mới được bàn giao nhà, căn hộ cho khách hàng dọn vào ở. [1] 

Một khi thi công thực tế đã không đúng với phương án thiết kế được thẩm duyệt, thì công trình không thể được nghiệm thu, và khi đó cơ quan công an đương nhiên sẽ phải kiến nghị. Ấy thế mà các căn hộ vẫn được bàn giao cho người mua và người dân vẫn cứ điềm nhiên dọn vào ở. Và khi đó, nếu muốn khắc phục sẽ rất khó, vì quá trình này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của dân cư.

Rõ ràng có một sự ngang nhiên vi phạm pháp luật trong chuyện này, trước hết là từ phía chủ đầu tư. Không thể đùa giỡn với tính mạng con người, những hành vi này phải được xử lý theo đúng quy định để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật. 

Trong câu chuyện của Hà Nội, một khi cơ quan cảnh sát PCCC đã có báo cáo chính thức, đồng nghĩa với việc toàn xã hội đổ dồn những cặp mắt quan tâm xem chính quyền thành phố sẽ làm “tận bờ sát góc” được đến đâu. 


Người mua hàng đừng xuê xoa

Khía cạnh khác cũng cần đề cập là dường như người dân khi mua nhà chung cư vẫn chưa thực sự chú ý đến vấn đề PCCC. Một thời gian dài, cơn sốt đất làm chúng ta bị cuốn vào dòng lũ cố gắng mua bằng được nhà ở bằng mọi giá. Phần nữa cũng vì lâu nay việc mua nhà chung cư mới qua quá nhiều “cầu,” “khâu” trung gian, người mua cuối cùng bị “cách ly” khỏi rất nhiều quy định cả của pháp luật lẫn chủ đầu tư.  

Một sản phẩm nhà chung cư đã không đủ điều kiện an toàn PCCC thì cũng đáng bị nghi ngờ về chất lượng xây dựng lắm. Xin lưu ý trong danh sách 38 công trình được Sở cảnh sát PCCC Hà Nội công bố, có những dự án còn được “mệnh danh” là cao cấp. Những nhà chung cư thương mại mà cũng bị ăn bớt ăn xén như vậy thì thật đáng ngại.

Nay cơn sốt bất động sản đã qua, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sốt trở lại. Bây giờ chính là lúc người mua chúng ta tỉnh táo, đặt lại tất cả các “bên” trong giao dịch mua bán căn hộ vào đúng vị trí của nó. Chúng ta là người mua hàng, có quyền được lựa chọn và nếu hàng hóa không đủ điều kiện thì đừng mua, hoặc mua rồi có quyền yêu cầu phải được giao hàng đúng chất lượng đã cam kết.

An cư mới lạc nghiệp – nhà ở không chỉ là chỗ chui ra chui vào nữa, mà đã phải đạt các yêu cầu về môi trường, về hạ tầng và điều không thể coi thường, là an toàn cho tính mạng từng người trong cộng đồng dân cư.

[1] Nghị định Số: 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 quy định ở các điều:

Điều 12. Nội dung hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở: “d) Các giải pháp thực hiện: Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); phương án sử dụng công nghệ xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng đối với dự án; đánh giá tác động môi trường; phương án phòng cháy, chữa cháy; các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; khả năng sử dụng hạ tầng xã hội của khu vực;”

Điều 16. Kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở: “Việc bàn giao nhà ở cho người sử dụng chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở nêu trong nội dung dự án được phê duyệt vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.”

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment