Friday, September 16, 2016

“Tôi và Trịnh Xuân Thanh” hay Đạo Phật chống tham nhũng bằng cách nào?

Giựt cái tít cho nó oai, thực chất mình chẳng biết cái anh Trịnh Xuân Thanh ấy là ai cả, và chắc chắn là anh ta cũng chẳng biết mình là ai. Nhưng mà dạo này anh ta cùng cái cậu “gió máy” gì đó đình đám quá, nên cũng hơi hơi biết biết.

Số là hôm kia viết bài “Tôi và Ngô Bảo Châu,” có rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc phải chăng Đạo Phật chủ trương thủ tiêu đấu tranh, đặc biệt bà con bức xúc vì hiện nay xã hội tham nhũng lan tràn, “người xấu” [1] nhiều quá, thậm chí còn gọi là “bọn gian ác.” Nhìn chung những bức xúc xã hội là chính đáng, cần nhận được sự thông cảm.

Vậy Đạo Phật có chủ trương thủ tiêu đấu tranh không? Xin khẳng định như đinh đóng cột rằng là “khờ ông không,” không thủ tiêu đấu tranh một chút nào. Đạo Phật chỉ đấu tranh bằng một cách khác.

Quay lại với anh chành Trịnh Xuân Thanh kia, chẳng nói xa xôi làm gì, đã lên được chức vụ đó, nhà cửa như thế, xe cộ như thế… không tham nhũng mới là lạ. Sống trong xã hội ta, nếu đã “chui” vào guồng máy thì không “ăn” không được, không “ăn” nó “phá dây” thì người ta cũng đào thải mình thôi. Chúng ta có thể kể “Trịnh Xuân Thanh 1,” “Trịnh Xuân Thanh 2” đến “Trịnh Xuân Thanh en nờ…” tất cả đều như nhau hết.

Chuyện bây giờ anh ta đang ở đâu, số phận như thế nào mình không bàn, biết gì mà bàn – nhưng dù có “thoát,” ý là ra nước ngoài thì cái “thoát” ấy nó cũng khác với việc anh ta đi định cư một cách đàng hoàng, hoặc đi du lịch nhiều lắm. Trốn chui trốn nhủi, bây giờ mà lên tiếng ầm ĩ lên quá, có khi “ka giê bê” họ sang tận nơi họ “khừ” không biết chừng.

Sống mà như thế thì đâu gọi là sống. Nếu là mình mình sẽ chọn cách sống thanh thản, nghèo cũng được, đủ ăn đủ mặc là tốt rồi.

Chuyện ngoài lề. Có lần nghe chuyện có đám cưới ở Hải Phòng, đại gia cưới chồng cho con gái, cái váy cưới giá 1 tỷ 600 triệu đồng, mỗi mâm cỗ chi phí 60 triệu, riêng tiền hoa hoét trang hoàng mất 1 tỷ 800 triệu đồng nữa. Ông ta tự hào rằng đó là những đồng tiền ông ta kiếm được chân chính, không tham nhũng, ăn cắp của ai cả. Cứ ghi nhận những điều đó là đúng đi. Có điều là dù chúng ta có kiếm được nhiều tiền ghê gớm chăng nữa và hoàn toàn trong sạch, nếu chúng ta chi tiêu hoang phí quá mức nhu cầu cần thiết, thì hành động đó cũng tạo “nghiệp” xấu.

Ông Bin Ghết do đó ổng chọn cách sống giản dị, đem phần lớn tiền đi làm từ thiện. Con cái cũng chẳng được để lại cho bao nhiêu. Trong khi đó chúng ta đọc thường này về những đám cưới xa hoa của giới nhà giàu mới nổi bên Trung Quốc. Còn các quan chức của ta và cả các doanh nhân thì đã giàu lại muốn giàu hơn, tích tụ của cải cho con cái và vài đời sau nữa ăn chưa hết. Các đời sau của họ chỉ phá là tài thôi, chứ chắc gì đã giữ được và nhân số của cải đó lên. Hầu hết là các gia đình kiểu đó sa vào bi kịch, con cái hư hỏng, nghiện hút.

Giải thích theo nhân quả và luân hồi, thì lên đến thủ tướng, bộ trưởng vân vân… và có của nả nhiều vô kể như thế, là phúc của cụ cũng lớn từ vài kiếp trước rồi, và đã thi hành bố thí của cải vật chất rất nhiều, nên đời nay được hưởng trở lại. Nhưng rơi vào nước như nước ta, để đạt được những gì như hiện nay thì người ấy lại phải làm nhiều việc tạo “nghiệp” ác, hệ lụy về phần “siêu hình” người trần mắt thịt chúng ta không nhìn thấy, chẳng hề nhỏ.

Chuyện cá nhân. Mình cũng thích đủ thứ, ví dụ như nhìn thấy anh em mua những cái mô tô to đùng đến hàng trăm triệu đồng, thì rụt lại dù cực thích. Mua thì chắc chắn là có thể cố mà mua được, nhưng nếu so trên bình diện toàn xã hội, khi mà người nghèo cũng còn quá nhiều, thì đó là một sự phí phạm không thể chấp nhận được. Lãng phí là tội ác, nên nếu chưa làm ra được thì không nên lãng phí.

Vậy đấy, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ ích xì y zét” nếu số phận đẩy chúng ta vào con đường trở thành quan chức. Cứ cho là một ngày anh ta (Trịnh Xuân Thanh) hối hận vì những gì đã làm và muốn chuộc lỗi – vậy thì chúng ta nên suy nghĩ như thế nào?

Chúng ta nên hiểu, bất cứ một suy nghĩ và hành động hối hận và thành tâm muốn chuộc lỗi lầm nào, cũng là tốt, đáng quý và đáng trân trọng. Xin đừng nói tôi là trong sạch còn tất cả chúng nó, từ cán bộ cấp Phường xã lên đến tận trung ương là xấu xa. Tất cả chúng ta, chẳng có ai là không có lỗi lầm.

Đó chính là cái nhìn của Đạo Phật. Phật pháp chỉ ra cho con người những sai lầm dễ mắc phải, ví dụ như cái “tham” mà trên đây mình nói đến rất nhiều. Nếu thấm nhuần những điều đó, con người không “tham” nữa thì số lượng “Trịnh Xuân Thanh” sẽ giảm đi nhiều đấy.

Tất nhiên sẽ có những “Trịnh Xuân Thanh” chưa bị làm sao, và đã có những “Trịnh Xuân Thanh” bị trừng phạt rồi. Không có gì nằm ngoài nhân – quả, Đạo Phật giải thích nếu cá nhân nào chưa đến lượt, là “quả” chưa đến, nên khuyên anh ta nếu đang làm những việc xấu thì nên dừng lại. Còn anh nào vừa mới làm mấy việc con con mà “quả” đã đến rồi, là do những cái “nhân” to đùng từ trong quá khứ nó tạo tác, anh nên chấp nhận, sám hối, sống tốt mà chuộc lỗi.

Khổ cái hầu như tất cả chúng ta là người phàm, mắt thịt không nhìn thấy, không tin thì chẳng yên tâm đâu. Chúng ta hậm hực – trước đây ra chửi ngoài vỉa hè, ở quán nước thì nay lên Facebook chửi. Đó không phải là đấu tranh. Mình coi trọng những nhà báo dù bị kiểm duyệt nhiều nhưng vẫn phản ánh được thực trạng xã hội – họ chỉ cần đưa tin thông tấn là đủ, không cần phải định hướng.

Phải thừa nhận một điều, thời của thế giới phẳng và toàn cầu hóa, không có mạng xã hội thì nhiều cái chúng ta không biết và sức lan tỏa của thông tin cũng kinh khủng. Đáng tiếc là điều hay đi xa một, lan tỏa một thì điều xấu, tư tưởng xấu lan tỏa mười. Bài viết về những điều hay điều tốt, thì lèo tèo vài like còn những thị phi thì hàng nghìn đến cả vạn like trên mạng xã hội.

Chúng ta quen nhìn thấy “Trịnh Xuân Thanh” như người dưng, nhưng một ngày phát hiện ra trong số người nhà, họ hàng có một “Trịnh Xuân Thanh” khác thì sao nhỉ? Chúng ta cũng kêu gọi xử lý anh ta theo đúng công lý đòi hỏi, hay chúng ta sẽ áp dụng tiêu chuẩn kép, nếu “Trịnh Xuân Thanh họ hàng” thì châm chước nhẹ tay cũng được?

Theo học Phật đầu tiên phải học từ bi, nhưng là từ bi có trí tuệ, không được mù quáng. Trong bốn thày trò Đường Tăng, thì Huyền Trang là thứ từ bi nhưng chưa trí tuệ, còn Tôn Ngộ Không là trí tuệ và sức đấu tranh, nhưng chưa có tâm từ. Không có trí tuệ, chúng ta sẽ không biết những gì cần tránh và có cơ hội, chúng ta sẽ biến thành một “Trịnh Xuân Thanh mới,” không có tâm từ, chúng ta hô hào xử lý anh ta, nhưng vì thiếu trí tuệ, nên cái hô hào đó đang ở mức cần thiết vừa đủ, nghĩa là ủng hộ công lý và sự thật để anh ta sẽ phải chịu những gì anh ta đáng phải chịu; chúng ta thả rông thú tính, tâm ác trong chúng ta khởi lên, chúng ta sinh sân hận và làm hại chính chúng ta nhiều vô số kể.

Nếu ai hỏi mình nghĩ như thế nào về “vụ Trịnh Xuân Thanh” mình sẽ nói y như trên đây: đúng, anh ta chắc chắn có tham nhũng. Tôi ủng hộ một nền pháp luật công bằng, xử đúng người, đúng tội, anh ta cần phải trả giá cho những gì đã làm, chấm hết. Mình sẽ không cần hô hào phải xử anh ta ba lần treo cổ, xong bắn thêm 10 viên, rồi chặt thành từng khúc… cho hả giận. Điều đó là không cần thiết. Còn nếu ai đó lại hoạnh họe tiếp, rằng Trịnh Xuân Thanh anh ta có tiền, anh ta lại chạy chọt để thoát tội… thì đó vẫn nằm trong câu chuyện của chúng ta. Lời Phật dạy vẫn thế, đừng có tham – ai tham nhận tiền của anh ta thì là không nghe lời, lại tạo nghiệp, tạo “nhân” và sau này nó lại tạo tác thành “quả”…

“Một chú em” sau khi đọc bài “Tôi và Ngô Bảo Châu” chú ấy viết như thế này: “Em không hiểu a đang hướng người đọc đến lối ứng xử nào, khi lũ người độc ác cướp cả “ngày lẫn đêm,” ông NBC khuyên mọi người phải “Biết phẫn nộ,” một cách dùng từ theo e là rất khéo léo, thì a lại khuyên mọi người tha thứ theo quan điểm nhà Phật. Em chưa thấy ở đâu lối ứng xử như vậy mang lại thành quả hết, chưa kể, làm theo cách của anh, ít ra thì người bị áp bức phải chờ thêm đến tận 8000 năm nữa sao?”    

Mình có hỏi lại, vậy cách đấu tranh của chú như thế nào? Chú ta chưa trả lời, nhưng mình biết, chẳng trả lời được – vì quan sát lâu nay tất cả những “nhân sĩ trí thức Facebook” đều chỉ có duy nhất một cách là “chửi trên Phây.” Viết một bài tử tế thì khó, nhưng chửi thì dễ. Viết một bài tử tế theo đúng chánh pháp, còn khó nữa.

Đúng chánh pháp ở đây là tôi nhìn gương Trịnh Xuân Thanh làm điều xấu, hại dân hại nước, tôi nguyện không theo tấm gương đó; tôi biết như vậy, tôi khuyên người khác không làm như vậy. Tôi biết Trịnh Xuân Thanh cần bị trừng phạt xứng đáng với những gì đã làm, và mong các cán bộ của cơ quan pháp luật giữ trong sạch, đừng tạo “nghiệp” nếu tư túi, làm sai lệch câu chuyện hòng chạy tội cho anh ta. Hãy làm đúng chức phận của mình.

Về “lũ người độc ác” mình đã trình bày rồi. Còn về chuyện 8000 năm lâu quá, xin nói như thế này: chúng ta chỉ còn chịu đựng những chuyện này một thời gian rất hữu hạn nữa thôi, ví dụ như chú em kia năm nay 33 tuổi, nếu sống đến 99 tuổi thì chú còn có 66 năm nữa. Sau kiếp này, giải thích theo tinh thần của Đạo Phật thì hoặc chú lên cõi khác tốt đẹp hơn hoặc chú rơi xuống cõi khác tệ hơn, hoặc vẫn ở cõi này nhưng với cái thân khác, như chó mèo, lợn gà chẳng hạn. Và nếu như vậy thì chuyện 8000 năm hoặc rất có ý nghĩa nếu chú em lại lộn cổ vào đúng đất nước này và lại chịu những gì mà chú đang chịu, hoặc chú em thoát lên cõi tốt đẹp hơn, tệ hơn xuống địa ngục, thì cả 2 trường hợp sau 8000 năm chẳng có ý nghĩa gì. Để thoát lên những cõi tốt đẹp hơn thì phải tu cho cái thân của mình, chứ không phải là quan tâm đến “Trịnh Xuân Thanh” có bị trừng phạt hay không. Nếu chú theo học Phật, chú chỉ còn có 66 năm nữa thôi để tu thân – tưởng dài nhưng là mấy đâu. Nhoằng cái đã thấy nằm trên giường cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn rồi.

Mọi người có thể cười nhạt mà rằng: ôi xời, sống kiếp này thì biết kiếp này, sao biết chuyện kiếp sau? Nhưng mình đang nhìn sự việc trên nhãn quan của Đạo Phật thì mình phải đi tiếp như vậy – ví dụ chuyện 8000 năm trên đây, chú em đã quan tâm thì lại phải nói tiếp từ quan niệm của Đạo Phật, chứ không thể nói ra ngoài lề được. Điều đó có nghĩa là, “duyên” của ai đến đâu thì người ấy đọc, nghe và hiểu đến đó…

Vậy đấy, theo học Phật trước hết là làm vì “cái tâm” của mình trở nên thanh tịnh hơn, và đừng bao giờ nghĩ là chúng ta có quyền áp dụng tiêu chuẩn kép, hô hét đòi xử Trịnh Xuân Thanh mà không khởi tâm ác trong ta. Chúng ta người phàm, không làm được điều đó đâu.

[1] Người học Phật nhìn mọi người theo cách không có người xấu, chỉ có người làm việc làm xấu, do đó mình cho vào trong ngoặc kép.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment