Thursday, November 10, 2016

Thế là nước Mỹ đã không có được nữ Tổng thống đầu tiên

Cuộc bầu cử ở nước Mỹ đã đi vào thời gian của phút 89 (lúc tôi viết bài này là 13h20 phút) và chắc là bà Hilary Clinton sẽ không có cơ hội để lật ngược thế cờ. Có lẽ đây là cuộc bầu cử không bình thường nhất của nước Mỹ, và cũng có lẽ nó cho thấy, nước Mỹ đang ở trong một giai đoạn bất thường nhất.

Chưa bao giờ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lại thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới như lần này, vì nó quy tụ được quá nhiều yếu tố đặc biệt.

Đầu tiên chúng ta cần có cái nhìn tổng thể cục diện thế giới – khi mà thế giới cũng đang bước vào một giai đoạn bất ổn với những vấn đề vượt ngoài tầm của bất cứ quốc gia nào, ảnh hưởng đến toàn khu vực và thậm chí toàn cầu. Môi trường sống ô nhiễm; kinh tế thế giới có nhúc nhích sau một chu kỳ đi xuống, nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng; hố ngăn cách giàu nghèo ở tất cả các châu lục tiếp tục trở nên sâu sắc hơn… Đặc biệt là sự chia rẽ của các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn như Châu Âu hay chính nước Mỹ, cũng đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển tiến bộ của thế giới.

Một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố kéo dài từ ngày 11/9/2001 đến nay, không những khủng bố không bị đẩy lùi mà còn phát triển đến mức hình thành “nhà nước khủng bố” (Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS) và các cuộc tấn công đã diễn ra trên mức độ nghiêm trọng về độ đẫm máu ở ngay trung tâm Châu Âu.

Một cuộc chiến khác làm tất cả những cặp mắt quan tâm từ khắp địa cầu, đổ dồn theo dõi là “cuộc chiến của Putin,” bắt đầu từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea đầu năm 2014 và chiến dịch không kích của họ vào IS ở Syria cuối năm 2015, nhưng lại bị Phương Tây quy kết cho rằng mục tiêu của Nga chỉ là không kích lực lượng đối lập và ủng hộ Tổng thống Bashar Al Assad, người vốn chịu áp lực “phải ra đi” từ Phương Tây.

Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, một nước Trung Quốc chững lại về kinh tế, đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng về môi trường và những bất ổn xã hội về phân hóa giàu nghèo, vùng miền, kể cả những vấn đề sắc tộc… nhưng lại muốn vươn ra bên ngoài bằng những hành động gây hấn ở Đông Hải với Nhật Bản và Hàn Quốc, hay với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông…

Trong bối cảnh đó, đương kim Tổng thống Hoa Kỳ là ông Barack Obama mặc dù đã có những nỗ lực để đưa nền kinh tế nước này đạt được những thành tựu ấn tượng vào cuối năm 2014, nhưng vẫn bị chê trách là quá… hiền lành trong chính sách đối ngoại, làm giảm vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Ngay cả việc ông có công lớn trong tiến trình bỏ cấm vận đối với Cuba và tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng chúng ta không nên quên trong chính trường nước Mỹ có nhiều người không coi đó là thành tựu, mà là thất bại của nước Mỹ.

Những giọt nước mắt của ông Obama khi xảy ra những vụ xả súng, chết người là hình ảnh ấn tượng nhất, như một sự bất lực của ông trước một thực trạng xã hội nước Mỹ nhiều vấn đề, nhiều hệ lụy. Không chỉ thế, những vụ cảnh sát da trắng sẵn sàng tấn công người da màu cũng có thể diễn ra bất cứ lúc nào trên đất nước…

Một nền kinh tế hàng đầu, thị trường khổng lồ và vốn lâu nay là siêu cường duy nhất trên thế giới bộc lộ những bất ổn, “họ” chỉ cần hắt hơi sổ mũi là toàn cầu ốm nặng… Do đó ai sẽ là tổng thống mới của nước Mỹ, có khi đến ¾ dân số thế giới quan tâm. Với những người không phải là công dân Hoa Kỳ, ai sẽ là tổng thống nước này nhiệm kỳ mới sẽ quyết định bộ mặt của thế giới tương lai.

Cực Châu Âu đang chia rẽ, không rõ có hình thành được “cực Nga – Trung” hay không, và “cực Hoa Kỳ cùng các vệ tinh” sẽ như thế nào, đó chính là diện mạo khó đoán của thế giới ngày mai.

Khi bước vào cuộc tranh cử, người ta đồn đoán nếu bà Hilary Clinton làm tổng thống, quan hệ của Hoa Kỳ với nước Nga sẽ xấu đi, xuất phát từ quan hệ của bà với chính giới và chính sách của nước này từ thời bà còn làm ngoại trưởng. Tương ứng, người ta đoán tiếp nếu ông Donald Trump làm tổng thống thì quan hệ của Hoa Kỳ và Nga sẽ nồng ấm hơn, dựa trên thái độ của ông này và tổng thống LB Nga Putin dành cho nhau…

Quan hệ Nga – Mỹ chưa bao giờ xuống thấp đến mức như hiện nay, do đó đây là điều được chú ý vì dù sao, nước Nga vẫn là một siêu cường ít nhất là về quân sự và nắm trong nay vũ khí hạt nhân, lại là 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Để dẫn đến tình hình xấu đến cỡ đó một phần cũng là do thái độ không thân thiện của Phương Tây dành cho Liên Xô, nay nước Nga “được thừa hưởng” và nay thậm chí dẫn đến tình trạng đối đầu.

Putin và Trump có thể sẽ tìm thấy ở nhau một điểm chung nào đó của hai người cùng là “người đặc biệt,” nhưng xa hơn thì không thấy có gì đáng chia sẻ hơn nữa. Và những điểm đặc biệt đó có thể dẫn tới mối quan hệ nồng ấm, như kiểu Putin – Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) hay không, chưa ai có thể đoán định được. Nhưng nếu quan hệ Nga – Hoa Kỳ tiến triển tốt đẹp, thế giới có thể ổn định hơn.

Lại “nhưng,” rõ ràng ông Obama đã không có được hành động gì nhiều để can thiệp vào “tiến trình Brexit” thì cả hai ứng cử viên tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng không cho ai thấy được rằng họ sẽ làm gì, thái độ của nước Mỹ dưới quyền của họ, sẽ như thế nào. Nước Anh có thể lại tiếp tục tách ra hẳn khỏi châu Âu về mọi mặt, nhưng biết đâu họ sẽ lại nhích lại gần Bắc Mỹ, là nơi họ gần gũi hơn ít nhất là về… huyết thống?

Cả hai ứng cử viên đều không mặn mà với TPP (Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương) nên với các nước liên quan, chưa trông chờ gì được ở kết quả của cuộc bầu cử này. Tuy nhiên với Việt Nam thì có thể có khác, thái độ của họ đối với chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ ra sao, còn có như thời ông Obama nữa hay không, nước Mỹ còn muốn có chỗ đứng vững chắc ở Biển Đông nữa không khi mà quan hệ của nước này với Philippines từ khi ông Duterte lên ngồi ghế tổng thống, đột ngột lao dốc?

Chưa có cuộc tranh cử tổng thống nào “chán” như lần này, khi mà hai ứng viên công kích nhau bằng những đòn vụn vặt, tủn mủn của đời thường; mạt sát nhau bằng những lời lẽ rất thô lỗ. Bà Clinton vốn là chính trị gia chuyên nghiệp đương nhiên cũng có thể đưa ra được những dự kiến chính sách chuyên nghiệp hơn một chút.  Đáng ngại hơn, ông Trump lại có quan điểm rất cực đoan như vấn đề người nhập cư Mexico hay cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ… Đây là những quan điểm đi ngược lại giá trị của Hoa Kỳ, một đất nước của tự do và thu hút nhân tài xây dựng nên nước Mỹ ngày hôm nay.

Khi kết luận cho bài viết cũng là lúc có kết quả của cuộc bầu cử: thế là nước Mỹ đã không có được nữ Tổng thống đầu tiên, và với vị tỷ phú này thì dư luận toàn cầu lại càng hoang mang vì quá khó để hình dung, bộ mặt của thế giới ngày mai sẽ như thế nào.

Bài trên Dân Việt tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment