Sunday, December 4, 2016

Chê Guêvara và Phiđen

Chuyện cách đây có đến gần hai chục năm. Ở Hàng Bài, Hà Nội có một triển lãm do ĐSQ Cuba tổ chức về Chê Guêvara. Mình hồi đó mê Chê như điếu đổ, một phần vì thèm bộ râu quai nón quá đẹp của ông ta. Ở nhà có cuốn “Che Guevara” do NXB Thanh Niên ấn hành từ lâu rồi, mang ngay đến triển lãm. Túm được đồng chí tùy viên văn hóa ĐSQ Cuba ở đó, bắt ký vào sách, kiếm được một cái danh thiếp và cũng kẹp vào đó luôn…

Nhớ ở triển lãm xuất hiện một anh chàng thanh niên trạc bằng tuổi, ăn mặc giản dị, có vẻ chất phác – thấy mình đang chém gió bằng thứ tiếng Anh lỉnh kỉnh với đồng chí tùy viên văn hóa, anh ta lại gần và chìa cái cẳng tay ra, nghẹn ngào: “Đồng chí nhìn đây, tôi xúc động quá, nổi hết cả gai ốc lên đây này!” (He he, vừa xúc động vừa buồn cười chứ!) Nhìn “da gà” sởn hết cả lên trên đôi cẳng tay gầy guộc và đen sạm, mình cũng thấy nghẹn ngào xúc động theo.

Người Việt Nam chúng mình hồi ấy yêu các lãnh tụ cách mạng thật thà vậy đấy, yêu là nổi gai ốc lên, nhất quyết là phải chìa cho các đồng chí: xem này, tình cảm quốc tế vô sản là phải như thế chứ!

Cùng với tuổi tác, nhận thức dần dần cũng khác. Mình không còn thấy cần phải có một thần tượng nào đó nữa, trong đó có cả Che Guêvara. Ông ta chỉ còn đọng lại trong mình là ở… hai cái áo phông, một cái mua ở Thái Lan và một cái mua ở Hội An. À trong nhà còn cái nữa của ông con trai do chú ruột nó cũng mua ở Thái Lan về cho. Có lần chụp ảnh ông con đưa lên Facebook, thằng Facebook nó nhận diện khuôn mặt thế nào mà cứ hỏi có tag hết người này đến người kia không.

Thằng bạn thân của mình từ hồi phổ thông thì khác, nó vẫn thần tượng cả hai, Chê và Phiđen. Hồi năm 2000 nó đọc báo, rồi hồi hộp kể rằng lão Oliver Stone đang làm một phim tài liệu về Phiđen (Phim “Comandante.”) Cậu cảm động lắm, trích dẫn lời đạo diễn: “Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa để làm phim về Người.” Hóa ra là phim ra lò trước khi Cụ Phiđen đi vào cõi vĩnh hằng đến 13 năm. Thọ quá là thọ.

Thằng bạn này là điển hình của yêu thần tượng, yêu lãnh tụ đến cuồng nhiệt. Nó hơn mình ở điểm là kiên định, chứ không như mình thay đổi như chong chóng, gió chiều nào theo chiều ấy. Vì thế nên nghe tin Phiđen mất, mình thấy bình thường, vì đó là lẽ tự nhiên, ai chẳng đến lúc chết.

Rộ lên những thông tin này khác về ông Cụ lẫn chế độ nhà nước đang tồn tại trên đất nước Cuba. Đọc để biết vậy thôi, chứ mình đã chứng kiến cụ thể như thế nào đâu mà biết mà nói.

Chờ gần hết ngày quốc tang mới viết bài về Phiđen. Thấy trên Facebook, trên truyền thông ta có những cái ảnh về người dân Cuba cũng xúc động lắm, lại đổ ra đường đông nghịt đi tiễn Cụ. Âu cũng là cái phước của Cụ được hưởng sự yêu quý đến thế.

Nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại, gì chứ các nước cộng sản chúng ta tuyên truyền đến giỏi. “Tự diễn biến” ác liệt như mình nhưng nghe những chất giọng ngọt ngào trên tivi, trên đài mà đọc “Bác sống như trời đất của ta…” thì cũng nghẹn ngào rưng rưng lắm. Vì xúc động trước cái đẹp, cái cao cả… là thuộc tính chung của con người, và chế độ cộng sản rất khéo khai thác yếu tố đó. Chiều tối nay tivi lại có đoạn nghẹn ngào về Phiđen. Ông con trai tròn mắt ngồi xem, thấy giọng đọc cảm động có vẻ cũng rất ấn tượng và cảm động theo.

Nhớ cách đây mấy năm mình viết bài về Nguyễn Văn Trỗi, khi ông con hỏi về anh Trỗi. Khi post lên Facebook, có bác phản đối dữ dội: “Dạy con thế là sai, Trỗi không phải anh hùng mà là khủng bố!”


Chúng ta đang sống trong một xã hội có những chuẩn mực riêng, và theo chuẩn mực đó anh Trỗi là anh hùng. Nếu đã như vậy, thì anh Trỗi vẫn cứ là anh hùng, chứ không thể là khủng bố, trẻ con cần phải được bồi đắp lòng tin vào những điều tốt đẹp, chứ không phải bị nhuộm đen bởi những nhận thức đầy thành kiến của người lớn.

Chính vì thế, nếu con chúng ta có xúc động vì những gì tivi ca ngợi Phiđen, thì đó là điều tốt, vì tâm hồn của chúng vẫn còn rất đẹp. Còn sau này để chúng nhận ra điều này điều khác, còn rất nhiều thời gian. Như chúng ta cũng vậy, mấy chục năm nghe tuyên truyền một chiều mà đến nay khối người đã nghĩ khác được đi đấy thôi.

Chính vì thế với Chê Guêvara hay Phiđen, một mặt mình vẫn nghĩ rằng họ là những vĩ nhân, và nhiều người của thế hệ họ, tương tự như họ cũng đã từng tin vào những điều mà họ cho là tốt đẹp, dám hi sinh vì những điều đó.

Vì thế mà vẫn có rất nhiều những người yêu quý Chê và Phiđen, đều là những tình cảm rất đáng trân trọng. Có vẻ không như thời Trump trúng cử, lần này Phiđen ra đi, người Việt Nam ít block nhau trên Facebook hơn…


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment