Wednesday, January 4, 2017

Giảm động giảm luôn cả chú ý

Bôn Ba Nhi Bá về độ hiếu động cũng bình thường, hồi nhỏ cũng thích chạy chơi ngoài đường, đi xe đạp, scooter đẩy chân… và đặc biệt chạy rất nhanh. Anh chàng còn có trò nữa là nhảy trên đệm theo nhạc disco, bao lâu cũng không chán, rất khỏe mạnh.

Đó là hồi nhỏ, khổ cái càng lớn, càng bị… “giảm động.” Bị thu hút bởi những trò chơi hiện đại mà chủ yếu là ti-vi và iPad, anh chàng rất ít vận động, cứ ngồi tịt một chỗ. Nếu không đi bơi (mà cũng do bố anh ta cưỡng bức là chính) thì chẳng có tí vận động nào luôn.

Tưởng “giảm động” thì phải tăng được khả năng chú ý, ai dè giảm động thì giảm luôn cả chú ý.

Năm nay lên lớp Sáu, vô khối vấn đề khó khăn phức tạp sảy đến với sự nghiệp học hành của anh chàng, kiểm tra liên tục, ngày nào cũng phải học bài với yêu cầu thái độ khác hẳn khiến anh chàng bị căng thẳng mất một thời gian.

Riêng môn Toán, ở lớp nhiều bạn học hành nổi bật, đặc biệt có những bạn đi học thêm đã học hết chương trình. Nhi Bá cũng phải đến học một bà giáo về hưu, về họ hàng thì anh chàng gọi bằng bà trẻ. Mục tiêu của việc học thêm, thực chất là “phụ đạo” này không phải là để học trước, cũng chẳng phải là để nâng cao mà giúp anh ta hiểu kỹ hơn những bài vừa học trong tuần và làm bài tập, có gì chưa hiểu thì còn hỏi lại được…

Thấm thoắt đã hết học kỳ, bây giờ đã là lúc quyết định – trong những tháng vừa qua Nhi Bá đã khá cố gắng ở từng bài kiểm tra, nên kết quả cũng rất tốt, nay chỉ còn bài thi này nữa thôi. Thày giáo đã phát cho tập đề bài “Đề cương ôn tập,” có từng đó bài tập cứ thế mà làm. Nhi Bá kỳ cạch cuối cùng cũng làm được hết, những gì chưa vững chắc đã có bà trẻ giúp đào đắp, có vẻ cũng ổn ổn.

Thời gian dùng để chuẩn bị cho môn toán vẫn còn đến 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ Bảy và Chủ nhật, thứ Hai sẽ là “lên thớt,” hi hi… Nhi Bá vẫn còn lo lắng, anh chàng kể rằng ở lớp các bạn còn làm những bài toán nâng cao rất khó, mà cậu ta đọc chẳng hiểu gì cả.

– “Cũng là bình thường thôi, hồi nhỏ bằng con ba chẳng bao giờ làm những bài toán khó như thế cả” – Ba cậu ta động viên.

– “Tại sao ba lại không làm ạ?” Thắc mắc, Nhi Bá hỏi ngay.

– “Vì những bài khó như thế là dành cho những thiên tài, thần đồng, những hạt nhân cho nền nghiên cứu toán học nước nhà,” ba cậu ta nửa đùa nửa thật nói. “Thực tế, một bài thi của con hầu hết là những bài dễ đến trung bình, có thể có bài khó hơn trình độ trung bình tức là ở mức khá. Với bài thi đó như con chỉ cần chú ý, học vững chắc là làm bình thường. Thường thì sẽ có một câu phân loại học sinh, chiếm có nửa điểm (0,5 điểm trên thang điểm 10) thôi, dùng cho những học sinh giỏi làm. Ba cảm thấy không cần thiết phải đánh vật với câu đó, thực tế khi làm bài thi thường ba thừa khá nhiều thời gian cho những câu bình thường, và dành thời gian đó để nghĩ câu khó. Lúc nghĩ ra, lúc không… nên cũng không thành vấn đề lắm. Kiếm được 9,5 điểm cho bài thi cũng là quá tốt rồi.”

– “Có bao giờ ba không làm được không?”

– “Phần lớn là không làm được, hoặc làm được mà không đúng hay làm được một phần. Bây giờ vấn đề của con, ba nhận thấy không phải là nằm ở kiến thức hay làm được bài khó hay không, mà nằm ở chỗ khác.”

– “Ở đâu hở ba?”

– “Con còn chưa cẩn thận, ẩu, kém tập trung. Do đó con làm bài thi thường mất nhiều thời gian, viết bẩn, dập xóa, chữ xấu, vẽ hình chưa đẹp… Nên con cần phải rèn luyện nhiều hơn.”

– “Bây giờ con rèn luyện như thế nào hả ba?”

– “Hồi bằng con, ba có một thày giáo dạy toán mà sau này do bà nội con kể ba mới biết, là ông giáo đó học cùng bà nội con ở trường sư phạm. Ông giáo học không giỏi, chỉ ở mức trung bình nhưng bù lại chữ rất đẹp, và khi dạy ba ông ấy không dạy những gì cao siêu như những thày khác, mà chỉ chú trọng rèn khả năng chú ý, tập trung, trình bày đẹp, cẩn thận. Bây giờ ba cũng hướng dẫn cho con như vậy. Bây giờ con còn dư hai ngày, không cần phải đem những cuốn sách bồi dưỡng, nâng cao ra hành hạ cái đầu của con làm gì, ít tác dụng. Con hãy dành một ngày rưỡi, tức là buổi sáng và chiều thứ Bảy, cùng sáng Chủ nhật lấy Đề cương ôn tập ra làm lại. Con không cần làm lại được hết, chỉ cần làm từ từ, cẩn thận, viết thật đẹp, trình bày thật rõ ràng và sáng sủa là được. Quan trọng là con cố gắng nhớ lại được những gì bà trẻ giảng và những gì con đã làm ở lượt đầu tiên, làm lại phải làm cho đúng.”

– “Như thế thì có ích gì cho rèn luyện chú ý với tập trung hả ba?”

– “Trong khi con cố gắng viết thật đẹp, rõ ràng, sạch sẽ và sáng sủa, chính là lúc con phải tập trung mới làm được như thế, còn nếu con không tập trung con sẽ viết xấu, bẩn lem nhem… Con chỉ cần như thế là đủ, lúc nào học cũng cố gắng trình bày sạch đẹp là dần dần khả năng tập trung của con sẽ được nâng cao. Không cần xông vào bài khó, bài nâng cao làm gì. Con chỉ cần luyện được như thế là đủ rồi. Sau này trong cuộc sống cũng như thế, con cũng chỉ cần làm tốt được những việc bình thường thôi, chứ không cần phải cao siêu gì đâu. Những kết quả cao siêu nhiều khi đến từ rất nhiều kết quả bình thường.”

Ba cậu ta nói tiếp. – “Tối thứ Bảy, con nên xem phim. Chiều Chủ nhật, đi ra ngoài chơi, như đi công viên, đọc sách một chút, hoặc có thể xem phim. Tối Chủ nhật con chuẩn bị sách vở, quần áo và cũng chơi cho đầu óc thoải mái. Như vậy thứ Hai con sẽ thi tốt. Chú ý đừng chơi quá sức, nếu không con mà ốm thì thi chẳng được tốt đâu.”

Trong thể thao người ta có khái niệm “điểm rơi phong độ.” Trước trận đấu nghỉ lâu quá đương nhiên là không được, nhưng tập căng quá cũng không tốt. Trước ngày thi mà nghỉ lâu quá thì quên, nhưng học căng quá thì vào phòng thi có khi chẳng nhớ gì cả.

– “Hồi bằng con, chiều hôm trước ba đi xem phim ngoài rạp, bà nội con mua vé cho ba đi. Ba rủ chú Dương đi, mẹ chú ấy không cho vì hôm sau thi. Ba đi một mình và hôm sau thi được điểm tối đa, còn chú ấy làm bài không tốt. Đến khi học đại học, có lần ba học hết đêm đến sáng, đến trường vào phòng thi luôn và không nhớ được chữ nào cả.”

Nhi Bá thực hiện đúng như vậy và cuối cùng, thi toán được… 9 điểm rưỡi, đúng như dự đoán, hì hì… có “tham mưu bố” có khác.

Thấy mấy cô có con học cùng cô con gái nhỏ của mình mà hãi. Con trai của họ cũng bị “giảm chú ý” và nay chỉ mong cô giáo giao thật nhiều bài tập cho con làm. Các bạn ấy có thế mạnh là vận động, đương nhiên là khả năng tập trung cho bài vở, tự giác… phải kém hơn. Thay vì dành nhiều thời gian hơn cho con, chỉ cần hướng dẫn làm được một bài trung bình nhưng thật cẩn thận, sạch đẹp… thì nay lại… tăng tải. Dần dần các bạn nhỏ sẽ mất ham muốn học hành và cuối cùng có khi chẳng đạt được gì cả.

Mình từ nhỏ học cùng rất nhiều bạn như thế, nghịch ngợm lắm và để chữa chạy, bố mẹ cứ ép học thật nhiều nhưng thực sự thiếu quan tâm sát sao đến con và bây giờ hầu hết không ai ổn thỏa, cả về con đường học hành lẫn công việc…

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây

No comments:

Post a Comment