Wednesday, February 15, 2017

Người Việt “dũng cảm”


Mùa xuân thì năm nào cũng đến, và nó đến thì cũng mang theo biết bao nhiêu chuyện. Những câu chuyện của đầu xuân năm mới thời của mạng xã hội bây giờ năm nào cũng như năm nào, càng ngày càng ít chuyện hay ho mà chuyện còn chưa ổn mỗi năm một nhiều. Chuyện lặp đi lặp lại đến mưc “chán chẳng buồn nói,” chợt nhận ra chưa lúc nào chúng ta thử đi tìm một nguyên nhân cô đọng nhất cho tất cả những chuyện thiếu hay ho đó.

Như chuyện lễ hội, ra Giêng hết Tết là liên miên lễ hội, đến 8, 9000 lễ hội khắp các địa phương và người ta phải than lên rằng sao mà người Việt Nam bây giờ sính lễ hội, mê mẩn cầu cúng, xin lộc cướp lộc đến thế. Mọi thành phần xã hội đều có thể được điểm mặt ở đây, từ nam thanh nữ tú đến doanh nhân và cả công chức, không thiếu ông to bà nhớn… hết thảy đều sẵn sàng tham gia.

Thấy toát lên trong tất cả những lễ hội ngày một nhiều, ngoài sự thiếu hiểu biết về những hoạt động mang tính văn hóa, tín ngưỡng; ngoài sự lợi dụng thiếu hiểu biết đó để trục lợi cá nhân… được bao trùm bởi biểu hiện của bệnh hình thức. Lễ hội đương nhiên là sự trình diễn lại những phong tục, những tuồng tích… từ xa xưa, có tác dụng nhắc nhở con cháu thời nay không quên những gì tốt đẹp thuộc về lịch sử. Nhưng khi diễn lại tuồng tích mà lại lẫn lộn với cầu cúng, lại sa vào mê tín.

Chính bệnh hình thức mới nảy sinh ra những lễ vật mang tính kỷ lục, mà thực sự chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào cho thấy trong truyền thống có những cái đó hay không, hay ở hiện tại những lễ vật kỷ lục đó thực sự có ích gì không.

Chen lấn xin lộc, xin vật “khước” lấy may cũng vậy – chỉ là những vật dụng vừa bày trên bàn thờ, những mảnh nhựa mảnh bìa vô tri nhưng qua hoạt động cầu cúng của con người mà chúng trở nên linh thiêng, đáng để chen lấn bẹp ruột tranh cướp cho bằng được. Ít ai đặt câu hỏi rằng liệu có thực sự Phật hay Bồ Tát có giáng trần, phù phép, ban phước vào những cái thứ được gọi là “lộc” đó hay không.

“Năm nào cũng vậy…” câu đó bị nhắc lại bao lần, nhưng chúng ta quên mất việc nhìn lại và đặt câu hỏi, rằng năm trước, năm trước nữa… các lễ hội, cầu cúng… vẫn diễn ra và năm ngoái, năm kia vẫn chính chúng ta tranh cướp được từng này cái ấn, từng kia cái “lộc thánh lộc chùa…” nhưng hiệu quả của chúng mang lại trong năm như thế nào? Nếu năm ngoái cướp được cái “ấn” mà ăn nên làm ra, năm nay ta lại đi cướp tiếp, hay làm ăn thua lỗ ta cần cướp nhiều gấp đôi gấp ba? Thực sự chưa có nghiên cứu nào nghiêm túc về vấn đề đó.

Chỉ thấy một sự thiếu hiểu biết là quá rõ ràng.

Vài năm trở lại đây, qua báo chí truyền thông, chúng ta cũng biết được cứ qua một cái Tết thì toàn quốc lại có vài nghìn ca nhập viện vì… đánh nhau. Nếu “nhận xét nhanh” thì dễ cho rằng người Việt Nam bây giờ trở nên hung dữ hơn và ít yêu thương nhau hơn. Thậm chí có người nhận định rằng chúng ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, việc ca ngợi chủ nghĩa anh hùng đã làm cho người dân quá quen với việc muốn sử dụng bạo lực với đồng bào.

Riêng tôi bây giờ lại nghĩ khác đi một chút. Thẳng thắn mà nói, những biểu hiện ưa dùng bạo lực của người Việt Nam ngày nay không phải là dũng cảm, nên nếu nói người Việt “dũng cảm” cần phải có thêm cái ngoặc kép.

Ở đâu cũng sẽ có ẩu đả, nhưng nếu đi ra nước ngoài sẽ thấy ít nơi mà con người khi ẩu đả lại ưa thích sử dụng hung khí như ở Việt Nam. Ẩu đả của người Việt bây giờ là “gọi hội” theo kiểu bầy đàn và dùng hung khí nguy hiểm để giành phần thắng, chứ không còn kiểu ẩu đả “quân tử” mặt đối mặt bằng chân tay nữa. Vì vậy thời nay, người Việt đã đánh nhau là thành án mạng, chứ không chỉ với những vết bầm tím hoặc cục u trên đầu của thời cách đây 2, 30 năm.

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa chiến thuật du kích mưu mẹo đầy trí khôn với “cắn trộm,” điều này cũng sẽ đúng với thời nay, thời của khởi nghiệp làm giàu chính đáng. Một trong các yếu tố dẫn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất kém là ý thức làm ăn chụp giựt rất cao, trong khi đó tính cộng đồng cho một quá trình phát triển bền vững lại hầu như không có.

Tựu trung lại, điều người Việt còn đang thiếu là sự dũng cảm. Người Nhật hoặc người Hàn có hèn kém không khi gặp chúng ta họ cúi mình thật thấp, thấp hơn người đối thoại rất nhiều. Chắc chắn họ không hèn kém, vì những gì họ làm được cả thế giới phải ngưỡng mộ. Còn chúng ta thì quá kiêu hãnh không biết cúi đầu, nhưng thực sự những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta, khó có ai có thể ngưỡng mộ được, nếu không nói là đáng hổ thẹn.

Chúng ta không đủ dũng cảm để nhường nhịn người khác đi trước trên đường, thì cũng không đủ dũng cảm để chấp hành pháp luật – như thế việc vượt đèn đỏ, cướp đường chỉ là biểu hiện của sự liều lĩnh một cách hèn kém, chứ đâu có phải là dũng cảm.

Trông chờ ở sự ban ơn, ban huệ ở tận đâu đó… thì có dũng mãnh đến mấy để cướp được “lộc,” thì sự dũng cảm đó cũng vẫn chỉ là sự hèn kém. Có bao giờ chúng ta đủ dũng khí gạt cái cám dỗ của phần “con” đó đi, để phần “người” dẫn dắt chúng ta dạo bước du xuân, tôn trọng sự thanh tịnh nơi của Phật?

Nói đi thì cũng phải nói lại, tất cả những gì tôi nhận thấy và viết ra ở đây phần lớn từ chia sẻ từ mạng xã hội. Và tôi muốn đặt câu hỏi, rằng khi than phiền của chúng ta hôm nay về những chuyện chẳng lấy gì làm hay ho đó, đã bao giờ chúng ta đủ dũng cảm nhìn thẳng vào tâm can của mình xem mình đã có gì khác, hay hơn như thế chưa? Chỉ trích không khó, nhưng biết đó là chưa đẹp và cũng thấy mình chưa tốt đẹp, mới là khó.

Mỗi người trong số chúng ta cần phải có dũng khí, nhưng không phải để chỉ trích, mà nhìn và thấy có bản thân mình trong những điều chưa hay ho đó, để mình ngày một tốt đẹp hơn, và mùa xuân cũng sẽ đẹp và ý nghĩa hơn…

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment