Monday, March 27, 2017

Hãy để Phạm Duy yêu nước theo cách của cụ ấy

Ải Chi Lăng
Cộng đồng mạng lại một phen dậy sóng một phần vì bản bolero bị cấm, nhưng lại một phần lớn vì có nhà báo bình luận thể thao (không rõ vì sao lại có cả danh hiệu nhạc sỹ nữa) cho ý kiến về vụ cấm đoán đó. Cũng nhờ có ý kiến của ông mà nhiều người trong đó có tôi biết đến, vào năm 2006 nhà báo thể thao này đã từng chê bai nhạc sỹ Phạm Duy như thế nào…

Tôi chỉ chưa đi từ Sài Gòn đến mũi Cà Mau, nhưng nếu xuyên Việt từ Hà Nội đến Sài Gòn thì đã hai lần, còn đi đến Ải Nam Quan thì không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đi, tôi lại như trò chuyện với con đường như một người bạn cũ, và có lẽ cảnh vật hai bên đường lúc thế này, lúc thế khác… sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm. Nói “mỗi bước ta đi thêm yêu đất nước” quả không ngoa.

Nhưng có một lần, ngồi tại nhà tôi lại được đi xuyên Việt từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, bằng trường ca “Con đường cái quan” của Phạm Duy. Lần theo người nhạc sỹ già từng dặm đường, từng bước chân… tôi như thấy lại tất cả những nơi mình đã qua, gặp lại tất cả những khuôn mặt của đồng bào.

Không đủ kiến thức âm nhạc, tôi sẽ không phân tích các “thủ pháp nghệ thuật” của trường ca, nhưng nhạc sỹ như một người kể chuyện đại tài, lại như một hướng dẫn viên dẫn đường, vừa đi đường, vừa kể chuyện. Chúng ta có thể gặp được từng vùng đất, như nghe được những câu hò miền trung, gặp màu tím xứ Huế cho đến đồng bằng Sông Cửu Long bạt ngàn phì nhiêu…

Nếu không yêu nước, người ta không thể viết được một bản trường ca như vậy. Có thể nghi ngờ lòng yêu nước của người khác nếu như đứng trên lập trường giai cấp, nhưng nếu đã vượt lên được khỏi những cái lập trường thô sơ đó, thì tất cả đều không còn ý nghĩa, mà chỉ còn một lòng yêu Tổ Quốc cao cả. Nghe “Con đường cái quan” ta có thể cảm nhận một lòng yêu nước thiết tha của Phạm Duy, được gửi vào từng nét nhạc viết cho dàn hợp xướng, nó cũng ngân lên thiết tha trong thính phòng và rung động những tâm hồn chai sạn, những con tim cứng rắn nhất.

Trước đây tôi đã nghe trường ca về Mẹ của Phạm Duy, trong đó ta gặp lại câu ru của mẹ thời thơ bé trong trường ca của Phạm Duy, xin lỗi những ai mất mẹ từ thuở còn thơ, nhưng hãy nghe đi câu ru ấy để thấy lòng mình rưng rưng…


Với Phạm Duy hình ảnh Mẹ đã là hình ảnh Mẹ Tổ quốc, mà Mẹ Tổ quốc Việt Nam là hình ảnh “mẹ chờ mong,” một đất nước đau thương với đầy những cuộc chiến tranh, từ bằng súng đạn lẫn chiến tranh trong lòng người. Mấy chục năm rồi, khói súng trên chiến trường đã tan nhưng tiếng súng trong lòng người vẫn chưa tắt.


Tôi lại nhớ có một bạn tập tu thiền, theo Phật như tu theo pháp môn Thiền tông, có lần viết một status trên Facebook đại khái rằng sẽ không có yêu Tổ quốc gì hết, vì sau này sẽ đi đến một cõi nào đó chứ không còn ở trên cái dải đất này nữa. Nhưng Đức Phật cũng dạy yêu thương, hết thảy chúng sinh từ gần đến xa, từ cha mẹ đến cốt nhục, cho đến những người sống xung quanh ta… Tổ quốc là biết bao khuôn mặt thân thương hàng ngày ta vẫn gặp, từ người xe ôm đầu đường tới bà cụ hàng rong. Những khuôn mặt đầy nếp nhăn khắc khổ ngày ngày bươn chải mưu sinh đến những khuôn mặt ngọc ngà thơm tho… tất cả đều được yêu thương như nhau.

Không yêu Tổ quốc thì chẳng có thể yêu được cái gì cả. Người không yêu Tổ quốc, không yêu cốt nhục, đồng bào thì chẳng bao giờ khởi được tâm từ bi vô bờ bến dành cho tất cả.

Tôi ngờ rằng vị nhà báo thể thao chưa nghe trường ca “Con đường cái quan” của Phạm Duy, hoặc có nghe rồi thì cũng không hiểu; nếu như nghe rồi hoặc có hiểu chắc ông đã không chỉ trích lòng yêu nước của cụ nhạc sỹ già như thế. Mà có khi, khi đứng trên lập trường giai cấp người ta sẽ chẳng còn nhìn thấy cái gì khác cũng có thể đúng đắn như quan điểm của mình, và chỉ khăng khăng chỉ mình duy nhất đúng.

Có thể cụ sớm nhận ra “điều gì đó” nên không đi cùng con đường của nhà báo thể thao, nhưng không phải vì thế mà lòng yêu nước của cụ lại kém của bất cứ ai trong số chúng ta. Hãy cứ thử đi dọc đất nước trên “Con đường cái quan” của cụ đi đã, rồi sẽ hiểu tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc nó giản dị nhưng lại vĩ đại như thế nào.

Trường ca “Con đường cái quan”:



Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment