Thursday, March 2, 2017

Leo cầu thang không nổi thì học giỏi để làm gì?

Phát triển tầm vóc của người Việt không chỉ là nhu cầu của những ông bố bà mẹ nữa, mà từ mấy năm nay đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 (gọi tắt là Đề án 641) đến nay thực hiện đã được 5 năm.

Chiều 21/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về đổi mới công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Phó thủ tướng phát biểu vấn đề này đã được đặt ra, nhưng chưa được quan tâm đúng mức và do đó thực sự Đề án 641 chưa đạt hiệu quả.

Bài viết này xin nêu ý kiến của một phụ huynh có con đi học để góp phần tìm ra giải pháp từ góc độ tư duy chung của xã hội.

Nếu những ông bố bà mẹ cùng lứa 7x với tôi hiện nay còn nhớ, thì chúng ta thời đó rất “có điều kiện” để chơi ngoài trời. Chúng ta có nhiều chỗ chơi, đồng thời những phương tiện như ti-vi, máy tính, trò chơi điện tử… hầu như không có (đến điện thắp sáng còn hiếm!) nên chủ yếu là chơi các trò dùng đến thể lực, ngoài đường phố. Thế hệ chúng ta chỉ thấp bé do thiếu dinh dưỡng, nhưng chắc chắn thừa nắng, thừa gió, thừa vận động.

Với thế hệ con cái chúng ta ngày nay tình hình khác hẳn: không có chỗ chơi, quá nhiều phương tiện làm chúng không muốn chơi ngoài trời nữa, không được bố mẹ quan tâm đúng mức đến chăm sóc thể chất, thừa dinh dưỡng nhưng thiếu vận động và học quá nhiều không đủ thời gian để chơi thể thao.

Như phường tôi đang ở chẳng hạn, vốn dĩ đã rất ít khoảng không dành cho cộng đồng, nay do nhu cầu bãi trông giữ xe mà ao làng còn bị rào lại. Rất may là từ khi thi công xong, chắc do có ý kiến của các cụ bô lão mà đến nay chính quyền vẫn đắn đo chưa đưa nó vào hoạt động. Đây là tình trạng chung của toàn thành phố chứ không riêng gì phường nào quận nào: đất chật, người đông… Để chen vào thành phố ở người ta phải hi sinh nhiều thứ, mà trước hết là khoảng không để đi dạo, hít thở, vận động.

Đây là một trong những lý do đầu tiên khiến trẻ em của chúng ta muốn được chơi ngoài trời, cũng phải đi khá xa, và với giao thông đông đúc không mấy trật tự của thành phố, lại đòi hỏi phải có người lớn đưa đi. Câu chuyện chính của chúng ta bắt đầu từ đây: sự thiếu quan tâm đúng mức và đúng cách của cha mẹ.

Đương nhiên, chúng ta quá bận bịu, nên nhiều khi việc chăm sóc con cái trong đó có cả nhu cầu phát triển thể chất bị giao phó cho người giúp việc. Trong nhóm các cháu tôi hướng dẫn bơi, có cháu chỉ có mẹ cực kỳ quan tâm, trong khi người bố thì chỉ một lý do “Bận!” và sau vài năm, tôi chỉ gặp anh đưa con đến bể có một lần. Dường như cha mẹ (mà chủ yếu là các ông bố) thích vin vào cớ “Bận!” để thoái thác các trách nhiệm khác với gia đình. Đừng phản bác tôi vội – tôi có những người bạn làm việc rất giỏi nhưng lúc nào cũng dư thời gian cho con, và bản thân tôi lúc làm được nhiều việc nhất, hiệu quả nhất lại là lúc chủ động thời gian nhất. Có thời gian chăm sóc con cái, nếu muốn thì ai cũng có thể thu xếp được, chẳng qua là không muốn làm mà thôi. Chúng ta nhiều khi thừa thời gian ngoài hàng bia, nhưng thiếu thời gian cho con cái là vậy.

Tuy nhiên, ngay cả với những gia đình có sự quan tâm của cha mẹ đối với chăm sóc thể chất cho con, nhiều khi cũng không đúng cách. Các cháu bây giờ cao lớn hơn thời của bố mẹ chúng, nhưng thứ nhất, còn quá nhiều cháu béo phì. Chỉ cần xem một bức ảnh lễ khai giảng thì có thể đếm được đến non nửa các cháu béo ngồn ngộn trong khuôn hình là đủ thấy tình trạng nghiêm trọng đến như thế nào - ở tuổi học sinh do trao đổi chất mạnh, các cháu có thể nhẹ hơn chỉ số chiều cao tính bằng xăngtimét trừ đi 100, rồi trừ đi 10 nữa… trong khi bây giờ các cháu có thể cao 1m80 nhưng lại nặng ngoài 80kg. Đó chính là tình trạng thừa dinh dưỡng, nhưng thiếu vận động. Các cháu tôi là điển hình, cả hai anh em mới chỉ lớp 7 và lớp 9 nhưng đều thừa mỗi cháu 20kg… mỡ.

Một khía cạnh nữa về “kém thể chất” là cận thị quá nhiều – một lớp có một nửa số cháu cận thị. Thời bố mẹ chúng lớp học tối hơn nhiều, ban ngày còn không có điện thắp sáng, nhưng lại ít bị cận thị hơn. Có những cháu bị cấm gần như hoàn toàn, cách ly với tivi và thiết bị điện tử, nhưng vẫn cận. Theo tôi hiểu, chủ yếu là sự mất cân bằng giữa học tập và vận động dẫn đến tình trạng đó. Kể cả cặp mắt các cháu cũng không được vận động: chơi ngoài trời, nơi có nắng, có gió đặc biệt có cây xanh… nên dễ cận thị.

Nếu ai đã tiếp xúc với công nhân người nước ngoài rồi, kể cả các nước lân cận như Trung Quốc… đều thấy công nhân Việt Nam sức khỏe kém hơn hẳn, cả về sức mạnh tức thời lẫn độ dẻo dai, làm việc cường độ cao. Đó là do thể chất kém, nhưng sau khi tìm hiểu tôi biết được là do không được rèn luyện khả năng vận động từ nhỏ. Ở nhiều nước, khả năng này được rèn luyện cho trẻ em bằng nhiều hình thức, như lao động tập thể và chơi thể thao. Thời chúng ta đi học, chúng ta thường xuyên có những buổi lao động vác xẻng cuốc đến trường đào hố, nhưng trẻ con bây giờ cả năm có một buổi trải nghiệm ở một trang trại nào đó, ngó nghiêng cho biết là chính và đương nhiên bố mẹ chúng phải đóng tiền và thế là hết.

Còn về thể thao, thì tùy thuộc vào mỗi gia đình quan tâm đến đâu mà con cái sẽ được chơi một hai môn thể thao, còn thì chưa có được sự quan tâm đúng mức thành phong trào từ phía ngành giáo dục. Con cái chúng ta đến trường, có giờ học thể dục và cũng… hết! Hầu như không có các phong trào chơi thể thao đến mức tiệm cận chuyên nghiệp, “mầu cờ sắc áo,” trò nào thích chơi gì về tự chơi, bố mẹ phải tự lùng sục đi tìm xem có câu lạc bộ nào để con chơi môn đó trong thành phố hay không… Việt Nam không có được những học sinh sinh viên vừa học xuất sắc vừa là vận động viên thể thao, trong khi các nước khác thì đầy sinh viên kiêm vận động viên. Thế giới có những đội bóng tỷ lệ bác sỹ, luật sư rất cao trong khi đó nước ta tiến sỹ là đầu to mắt cận, còn vận động viên là “vai u thịt bắp mồ hôi dầu.”

Gần đây thì thể thao học sinh có vẻ được quan tâm hơn, nhưng lại theo hướng… tiêu cực, tức là các giải thể thao mở ra nhưng lại phục vụ cho nhu cầu kiếm thêm điểm cộng để các cháu vào lớp 10, nghĩa là một hướng phát triển rất phi thể thao, trong khi nhẽ ra thể thao phải đòi hỏi hào hiệp và trung thực.

Cuối cùng điều tôi muốn nói là con cái chúng ta không có thời gian chơi thể thao. Con nhà tôi luôn luôn bị giục, rằng con học tập trung, hoàn thành cho nhanh lên còn có thời gian chơi, đọc sách… nhưng lượng bài vẫn quá nhiều. Không chỉ nhiều, bài của cháu còn rất khó, thày cô giao những bài ngoài chương trình của bộ, và buộc cháu phải đi học thêm mới giải quyết được những “pháo đài” đó. Trên thực tế, điều này rất đáng ngại vì nó lại phù hợp với nhu cầu của nhiều gia đình. Nhà thì muốn con được giao nhiều bài để… đỡ chơi lang thang. Nhà thì quá lo sau này các cháu sẽ phải thi vào lớp 10 rất khó, phải học thật nhiều (trong khi cháu còn đang học lớp 2!) Tôi đã từng phải góp ý đến mức năn nỉ, rằng nếu các cháu mải chơi, thì không phải là thảm họa, vì yếu cái này cháu có thế mạnh khác: kỹ năng vận động, giải quyết sáng tạo vấn đề… nên bớt thời gian “bận” đi để học cùng với cháu, giúp cháu tăng khả năng tập trung thì tốt hơn là bắt học cả ngày. Còn với nền giáo dục của chúng ta hiện nay, “cửa ải” thi vào 10 không phải là vấn đề nghiêm trọng đến thế, chẳng hạn cần phải xác định rõ về dài hạn các cháu cần cố gắng để được 4 năm học sinh giỏi, còn ngắn hạn thì lúc nào các cháu cần dồn sức để tập trung cho các môn thi… Nghĩa là chính cha mẹ cũng phải rõ được các con của mình nên học những gì và học như thế nào.

Nhiều bậc cha mẹ vẫn lơ mơ là mong con mình học giỏi, nhưng học giỏi cái gì, và thế nào là giỏi… vẫn không rõ. Thế nên mới có những cháu học cực giỏi, nhưng ra trường không xin được việc vì không biết làm việc, và cũng chẳng ai tuyển vì “tội” học giỏi. Lại có những cháu học giỏi nhưng yếu ớt về thể chất, to cao nhưng leo cầu thang không nổi, sức khỏe như vậy thì học giỏi để làm gì?

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment