Wednesday, April 19, 2017

Liệu có hình thành thế chân vạc Mỹ – Nga –Trung Quốc?

Cuối năm ngoái, tổng thống Nga V.Putin đã có chuyến thăm Nhật Bản, mà từ trước cuộc gặp thượng đỉnh này người ta đã chờ đợi và hy vọng việc hai nước sẽ ký kết được hiệp ước hòa bình đã tồn tại từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có vẻ cuộc gặp gỡ này không đem lại kết quả gì nhiều về quan hệ chiến lược giữa hai nước: không có thêm thông tin đáng mừng nào về hiệp ước, cũng như cả về những tồn tại liên quan đến lãnh thổ.

Cuối tháng 3 năm nay, một cuộc gặp “bất thường” đã được tiến hành, gọi là cuộc gặp 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước, nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Rõ ràng là những yêu cầu ưu tiên của cả hai bên, đã không đạt được những thỏa thuận, nhượng bộ… win-win, mà đầu tiên là những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Nga không dễ gì buông mà với Nhật Bản vùng “lãnh thổ phương Bắc” cũng là chuyện danh dự, không chỉ là kinh tế hay địa chiến lược.

Đó là nói về Nga, về phần mình, Trung Quốc cũng có những lo ngại riêng của mình. Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jongun không những không giảm đi, mà các hoạt động thử tên lửa còn được tiến hành nhiều hơn thời bố của mình, chỉ làm tình hình vùng Đông Bắc Á thêm căng thẳng. Tháng 2, nước này thử thành công tên lửa Pukguksong-2 thì liền sau đó, Trung Quốc quyết định trừng phạt bằng biện pháp dừng nhập khẩu than đá Triều Tiên, chắc chắn gây khó khăn không nhỏ khi người bị trừng phạt lại có một nền sản xuất khá hạn chế.

Chưa dừng lại, ngày 6/3 Triều Tiên bắn tiếp 4 quả tên lửa ra biển, làm hai nước láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản đều khá… run. Đáp lại, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung và chắc chắn việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ sẽ được “nhiệt tình” thúc đẩy hơn, bất chấp những biến động của chính trường Hàn Quốc. Có vẻ như hành động cấm vận kinh tế của Trung Quốc chẳng ăn thua gì với Triều Tiên, thậm chí có khi còn đẩy Kim Jongun vào những hành động cực đoan hơn…

Cho cả Nga và Trung Quốc, điều lo ngại chính là gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ chống tên lửa đạn đạo (ABM – antiballistic missile) của Hoa Kỳ. Nếu như hệ thống này được triển khai ở gần hai nước, thế cân bằng kiểu “chân vạc” về chiến lược quân sự sẽ không bao giờ được thiết lập.

Về quân sự, thế giới hiện nay hình thành nên các “cực,” trong đó Hoa Kỳ và ở một mức độ nào đó, sự liên kết với Canada là một cực lớn nhất, sau đó là các thành viên còn lại của NATO, Nga và Trung Quốc cũng là hai cực đáng gờm. Các nước nhỏ hơn nhưng ở những vị trí địa lý quan trọng về địa chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, các nước vùng Trung Đông… chưa thể được coi là các cực, đóng vai trò “đệm” và luôn tiềm tàng khả năng trở thành địa bàn cho những xung đột trong tương lai.

Mặc dù không phủ nhận khả năng có thể xảy ra xung đột trực tiếp giữa các siêu cường, nhưng xu thế thế giới sẽ vẫn là các cuộc xung đột, đối đầu mang tính khu vực, cục bộ và sẽ sa vào những cuộc “chiến tranh ủy nhiệm.” Tuy nhiên các siêu cường cũng vẫn luôn e dè và lo ngại cho sự an toàn của mình. Chính vì thế việc duy trì và phát triển kho vũ khí hạt nhân cũng luôn luôn là ưu tiên để giữ được ưu thế mang tính “răn đe,” và ngược lại sẽ làm cho các siêu cường khác đề phòng nhiều hơn.

Hệ thống ABM của Hoa Kỳ mặc dù chưa thể đủ để ngăn chặn được, trong tương quan với hai kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga và Trung Quốc, nếu có xung đột thì nước Mỹ vẫn có thể bị tổn thương nặng nề bởi đòn tấn công. Vậy tại sao họ vẫn lo ngại?

Chúng ta chỉ cần hình dung ra trên lãnh thổ các thành viên của NATO, trong đó có cả Canada đã được triển khai các lá chắn tên lửa, nghĩa là từ phía Nga bất cứ một hành động tấn công nào cũng có thể bị chặn lại, kể cả theo hướng xuyên qua Bắc Cực. Điều đó cho thấy nước Mỹ chỉ còn có thể bị tấn công từ những đối thủ tiềm tàng như Nga, Trung Quốc hoặc Triều Tiên từ phía Thái Bình Dương, vào bờ biển phía tây, cũng là nơi tập trung những “tiểu nền kinh tế” quan trọng như bang California.

Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản là nước có sở hữu vũ khí hạt nhân và như vậy cũng là nước có khả năng tấn công hạt nhân. Nước này với đặc thù về địa lý: diện tích nhỏ lại phân tán trên các đảo, mật độ dân số đông và tập trung nhiều cơ sở kinh tế. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản ưu tiên phát triển kinh tế nên cả hai nước khá nhỏ về diện tích này sẽ rất dễ tổn thương trước đòn tấn công bằng hạt nhân. Dễ hiểu, họ sẽ cực kỳ lo ngại về bất cứ căng thẳng nào được tạo ra bởi bất cứ nước liên quan nào trong khu vực. Đương nhiên họ sẽ dựa vào đồng minh truyền thống lâu nay, Hoa Kỳ.

Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ không chỉ mang lại khả năng phòng thủ hai nước này, mà chính là việc củng cố năng lực phòng thủ từ xa cho bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ. Nếu được triển khai, cũng có nghĩa là cả Nga và Trung Quốc bị đẩy vào thế yếu, ưu thế tấn công răn đe giảm sút đáng kể.

Không chỉ thế, gần đây có một số chi tiết được tiết lộ, về loại đầu đạn hạt nhân W-76-1 của Hoa Kỳ với công nghệ mới cho phép nó phát nổ ở một độ cao chính xác trên mục tiêu, cũng như khả năng vượt trội của nước này trong vận chuyển vũ khí tới địa điểm xác định trong thời gian ngắn nhất, cho thấy vấn đề của chiến tranh trong tương lai không chỉ là số lượng của kho vũ khí, mà còn là công nghệ, đặc biệt là độ chính xác và tốc độ triển khai.

Nếu như tình hình Đông Bắc Á thêm căng thẳng, một mặt lá chắn tên lửa sẽ được dựng lên và mặt khác, cũng dẫn tới khả năng triển khai cả hệ thống vũ khí tấn công, điều mà cả Nga và Trung Quốc đều không thích. Vì thế mà Nga thì tìm tới Nhật Bản, còn Trung Quốc thì lo… trấn áp Triều Tiên.

Về chính trị, từ tháng 1 năm nay ông Donald Trump ngồi lên ghế tổng thống, còn chưa quan tâm gì được nhiều đến những vấn đề quốc tế, vì bản thân những vấn đề trong nước ông còn đang rất lúng túng khi mà các chính sách của mình ban hành như “Trumpcare” hoặc một số dự luật đều bị phản đối, hoặc bị kiện ra tòa án. Chính vì thế mà Trump về đối ngoại, nếu theo khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” có thể sẽ bị “thả nổi” nhưng không hề theo hướng dễ chịu hơn cho các đối thủ của Hoa Kỳ về địa chiến lược.

Nước Nga của Putin, với những đồn đoán xung quanh việc can dự của tình báo nước này với chiến dịch tranh cử của ông Trump, hào hứng bao nhiêu với thắng cử của Trump thì cũng nhanh chóng nguội lạnh bấy nhiêu. Người ta thống kê, lượng tin tức trên truyền hình Nga trong tháng 1/2017 dành cho ông Trump vượt xa ông Putin, nhanh chóng sụt giảm đến mức nguội lạnh vào tháng 2. Điều này diễn ra do những diễn biến bất lợi cho chiến lược đố ngoại Nga trong chính trường Hoa Kỳ: Michael Flynn vốn được coi là “thân Nga” từ chức Cố vấn an ninh quốc gia, cáo buộc của FBI về liên hệ giữa FSB (tình báo Nga) với chiến dịch tranh cử của ông Trump và chính ông Trump cũng dự đoán: “Chính phủ Nga sẽ gia tăng bạo lực sẽ ở Đông Ukraine và phải trả lại Crimea.”


Nếu như chiến lược của Hoa Kỳ về quốc tế và quân sự bất lợi cho Nga, rất dễ cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc, vì nhãn quan lâu nay thì cả hai nước này đều là những thế lực đáng bị… dè chừng.

Nếu như nước Nga ngoài quân sự, còn có cả những khó khăn về kinh tế cần được tháo gỡ, như lệnh trừng phạt của phương Tây đang áp đặt lên nước này vì những cáo buộc liên can tới bất ổn ở Đông Ucraina thì Trung Quốc sẽ dễ thở hơn về kinh tế. Chính sách của tổng thống Trump thu hút đầu tư vào nền sản xuất nội địa Hoa Kỳ có thể rất phù hợp với chiến lược đầu tư gián tiếp bằng tung vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp sản xuất Mỹ của Trung Quốc. Nhưng với cả hai, dù có những mục đích khác nhau cả về kinh tế, một muốn thoát khó khăn, một muốn tiếp tục phát triển và bành trướng, thì đều gặp một điểm chung là không muốn bất lợi về địa chiến lược, trước mắt ở một địa bàn ngay cửa ngõ của mình: Đông Bắc Á.

Vì thế, cả với Nga và Trung Quốc dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể tìm tới các động thái ngoại giao – quân sự hòa hoãn, đối thoại; thậm chí quay trở lại với “náu mình chờ thời” nếu cần… Hiện nay “thế chân vạc” vẫn chưa thể hình thành, và trước những gì đang diễn ra, chúng ta còn chưa rõ là nó có thể hình thành trong tương lai gần hay không.

Bài trên An ninh thế giới số giữa tháng, tháng Tư 2017. Bản điện tử tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây

No comments:

Post a Comment