Monday, April 3, 2017

Thày giáo cũ

Mùa hè năm ngoái đi hội kỷ niệm 60 năm thành lập trường, như thường lệ như các dịp họp lớp chúng tôi lại được liên hoan với thày giáo cũ thời trung học. Chuyện qua chuyện lại nhưng xa gần mãi cũng lại xoay quanh chuyện cũ ngày xưa…

Thời ấy lớp chúng tôi gặp được một thày giáo day lý làm chủ nhiệm. Thày dạy hay, cách tiếp cận thông minh, nhưng ngược lại về kỷ luật thày là người khắc nghiệt. Có lẽ chưa có thời kỳ đi học nào của tôi lại nhiều kỷ luật, bản kiểm điểm đến thế. Ngay từ thời đó, một người bạn rất từng trải học cùng của tôi đã nhận xét thày mắc bệnh thành tích, muốn lớp phải dẫn đầu toàn trường về mọi mặt.

Thực sự, tôi luôn luôn khâm phục thày về ý chí vươn lên, vượt mọi khó khăn. Thời bao cấp nghèo, toàn xã hội khó khăn nhưng thày không bao giờ chịu bó tay, thày tổ chức sản xuất hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, kể cả vót tăm để xuất khẩu.

Sau khi chúng tôi ra trường, phong trào luyện thi đại học đem lại cho thày một thu nhập đáng nể mà học trò của thày “tuổi trẻ tài cao” cũng khó có thể có được. Nhưng đồng thời những thăng trầm của cuộc đời thày cũng chẳng hề “kém cạnh,” bởi số phận sóng gió, hoặc gì gì đó khó cắt nghĩa của hai con thày, một con trai, một con gái mang đến.

Gần 20 năm dạy thêm, có những lúc thày có vài cái nhà nội thành Hà Nội, có cả nhà ở ngoại thành… nhưng cuối cùng thì cũng có lúc mất gần hết. Cuộc đời của thày không hề bình lặng chút nào, ít nhất là về vấn đề tài chính.

Đến nay, thày vẫn giữ nguyên những cái nhìn của mình về giáo dục thế hệ trẻ, chủ yếu dựa trên kỷ luật hà khắc, những lời khuyên hợp tình hợp lý tuy có, nhưng không hiểu sao học trò vẫn không cảm nhận được nhiều tình thương trong đó. Không dám nói thày không thương trò, nhưng quan niệm cần phải thật nghiêm khắc đã ngăn thày có những cư xử tình cảm hơn. Đồng thời cách giáo dục của thày luôn luôn chỉ một chiều, áp đặt mà không có sự tôn trọng đối với học sinh.

Khi nhìn vào cuộc sống riêng của các học trò trong lớp, thày vẫn tự hào về sự thành công của lũ chúng tôi, ít nhất không có trò nào tù tội hay một dạng nào đại loại thế… Biết tôi bây giờ quan tâm nhiều đến giáo dục, thày nói “Có thể anh sẽ viết về tôi một cách không ra gì, nhưng tôi tin những gì tôi đã làm, nhờ có chúng các anh các chị mới có ngày hôm nay…”

Tôi lặng yên và suy nghĩ về câu nói đó, suốt một năm qua và nghĩ xem nếu viết lại thì mình nên viết như thế nào. Cuộc đời thày, chúng tôi cũng chỉ biết qua lời kể của thày hoàn toàn không phẳng lặng, sóng gió… nhưng điều đáng nói, nó đầy bon chen. Tôi hoảng sợ, vì đến nay đã 75 tuổi, nhưng thày vẫn nhìn nhận sự thành công của đời người, chủ yếu ở sự thành đạt về tiền bạc và địa vị xã hội theo kiểu “ông nọ bà kia”. Và bản thân sự thành đạt “ông nọ bà kia” như thế cũng ngược lại nó phục vụ sự thành công về tiền bạc.

Chưa bao giờ, từ khi đi học đến mỗi khi gặp lại thày, chúng tôi được nghe thày nói về những điều sẽ làm cho tâm hồn con người trở nên cao đẹp, và cuộc sống của con người có được hạnh phúc. Những câu chuyện về gia đình, về quan hệ xã hội… hầu như không có đối với thày, hoặc nếu có cũng lại chỉ về tiền. Vài năm gặp một lần, lần thì thày khoe cả hai con thày đều có công việc tốt và lương cao… và lần sau thì lại ngược lại, chúng khó khăn rơi rụng thày phải chìa tay cứu…

Cuộc đời của thày sóng gió như thế nào, thì của các con thày vẫn vậy. Khi người ta xây dựng một quan niệm “sự thành công của cuộc đời” mà gắn với tiền bạc, thì sự thành công nó cũng phù du vậy thôi.

Đến nay, ngay cả trong lớp tôi số bạn có được một nhãn quan về cuộc sống thực sự hạnh phúc và an lạc, có vẻ không nhiều lắm…

Khi tôi nói một ý nhỏ thôi, rằng thời nay các giáo dục của thày sẽ không còn phù hợp nữa, vì chắc chắn học trò sẽ không nghe kiểu áp đặt một chiều đó đâu. Lần đầu tiên, thấy thày thở dài, thừa nhận đúng như vậy. Bình thường, học trò của thày chắc không có quyền đúng đắn hơn thày…

……

Cũng lại năm ngoái, dịp 20/11 thế nào mà gặp lại được một loạt những người bạn cũ thời lớp 5 chuyên văn. Các bạn ao ước được gặp người thày dạy chúng tôi năm đó. Chỉ sợ người ta không muốn, chứ nếu muốn thì chẳng có gì là không tìm được. Và chúng tôi đã tìm được thày.

Ông giáo ngày xưa cũng đã là ông giáo già, đến nay ông cũng không già hơn thời chúng tôi là trẻ con 10 tuổi, trong khi học trò cũng đã bạc trắng hết đầu như tôi. Lại đủ các thứ chuyện, khi mà con người ta gặp lại nhau sau 35 năm chia tay, nhiều chuyện để mà nói lắm.

Thày kể đủ chuyện, chuyện các anh, các chị con thày ra trường, đi làm và làm những công việc ra sao… không có gì khác với ông thày cấp 3 của chúng tôi. Nhưng vẫn khác – thày không nói về sự thành đạt tiền bạc, mà thày quan tâm đến sự bình an. Với chúng tôi cũng vậy, thày chỉ hỏi các con sống có hạnh phúc không, và mong chúng tôi yêu thương gia đình, con cái… Sự thành công về công việc thày có hỏi, nhưng lại mừng là như thế, có nghĩa là chúng tôi cũng có ích cho xã hội.

“Thày đã nghiệm ra từ thời đó rồi, nên với các con thày không đặt vấn đề các con phải có điểm số tốt, chuyện đó không quan trọng. Thày cũng không đặt vấn đề là các con phải giữ kỷ luật nghiêm phăng phắc, vì hết thảy các con đều ngoan. Các con còn nhỏ, đương nhiên là hiếu động, nên thày chọn cách dạy làm sao trong lớp lúc nào cũng đầy tiếng cười. Cố nhồi thật nhiều kiến thức cho các con cũng là không cần thiết, vì nếu các con đã đến trường, là phải yêu học hành, mà đã yêu học hành thì không phải bây giờ, sau này các con cần đến đâu, học đến đó… Quan trọng là cuộc đời các con phải được hạnh phúc. Mà như thế thì thày muốn dạy các con lòng yêu thương…”

Kể lại cho các bạn nghe thì không có gì to tát và ghê gớm, nhưng lúc nghe lại giọng người thày, nhẹ nhàng và cực kỳ tình cảm, chúng tôi không ai để lộ nhưng ai cũng cảm động. Chính thày là người dạy thì ít, nhưng ngày nào cũng đọc sách cho chúng tôi nghe. “Những tấm lòng cao cả” thày đọc mất mấy tuần, rồi thày chuyển sách khác. Chính thày là người gieo trong lòng chúng tôi hạt giống của lòng nhân ái.

Chỉ được học thày có một năm, nhưng năm đó lại là năm hạnh phúc nhất của cuộc đời đi học. Bây giờ lại có con đang đi chính con đường học hành mình đã đi, tôi cũng chỉ mong con cái có được một cuộc đời đi học hạnh phúc. Là cha mẹ, chúng ta cũng phải có bổn phận tạo điều kiện cho con cái được hưởng điều đó.

Cho con đến trường, nhiệm vụ của cha mẹ không phải chỉ có trả tiền là xong…

P.S. Nói chuyện với bạn học cũ, kể “Tao vừa viết về thày cấp ba của anh em mình…” hắn hỏi ngay “Nói xấu gì thày thế?” “Không, tao thương thày gần 80 rồi, mà thân tâm vẫn chưa được an lạc...”


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment