Friday, May 5, 2017

Chuyến tàu Tết

Mấy chú thợ xây sửa nhà cho gia đình nhà Nhi Bá, người cùng làng với nhau. Sát trước Tết họ về quê hết, hẹn mùng Ba, hoặc mùng Bốn Tết gì đó ba con nhà Nhi Bá xuống làng họ chơi. “Có hội làng, vui lắm…” mấy chú hẹn thế.

Đúng hẹn, mùng Bốn Tết ba con Nhi Bá chở nhau bằng xe máy ra Ga Hà Nội, mua vé tàu Nam Định và lên đường. Xuống khỏi tàu là mua vé chiều về ngay, cho chủ động.

Từ thành phố Nam Định đi xuống làng phải đi taxi mất 20 cây số nữa. Hai ba con đi taxi thấy đắt quá, quyết định chiều về sẽ đi xe buýt  cho tiết kiệm. Hội làng, ăn trưa vui vẻ chán chê, đi vòng quanh thăm thú, chúc tụng… cuối cùng cũng đến giờ ra xe lên thành phố. Chờ mãi, mãi đến trước giờ tàu chạy 1 tiếng mới bắt được chuyến xe buýt sẽ đỗ đúng cửa Ga Nam Định.

Xe đông, hai ba con phải đứng. Dưới chân là hai bao tải gạo dễ thường phải chục cân mỗi chiếc – là gạo “tám Hải Hậu” được các chú thợ xây gửi lên làm quà biếu ông bà Nhi Bá.

Càng chạy, xe càng đón được nhiều khách, đứng ken vào nhau. Tết năm nay đến lạ, nắng chang chang, nóng như mùa hè. Chiếc áo vest dạ của ba Nhi Bá dày cộp, đến giờ đã “phát huy tác dụng,” mồ hôi chảy ròng ròng mà không dám cởi. Cởi ra chẳng biết cầm bằng gì, vì tay còn phải bám vào chỗ vịn, không chú ý xe giật cái là ngã ngay.

Càng chạy, đường càng đông. Càng gần thành phố, càng kín chật người xe. Xe ken vào xe… cả người chúc Tết, lẫn những người đi làm xa đã đến ngày chia tay gia đình, lên đường vào Nam, ra thủ đô làm việc. Cuối cùng cái gì phải đến, đã đến: tắc đường. Rồng rắn một đoàn xe có đến cả cây số, xếp hàng ở một chỗ đường giao nhau cách thành phố khoảng 15 phút chạy xe.

Cái ô tô buýt cứ nhích từng tí một trên đường, nóng bức ngột ngạt lại càng thêm trầm trọng. Đứng cạnh ba, hẳn Nhi Bá phải sốt ruột lắm, chốc chốc lại hỏi:
“Ba ơi, liệu có kịp lên tàu hỏa không hả ba?”
“Chắc là kịp con ạ.”

Cái kim đồng hồ cứ tàn nhẫn chạy, cho đến khi thoát được đám tắc đường thì chỉ còn chưa đến 10 phút là tàu chạy, mà với giao thông nhà ta thì xe bình thường cũng phải chạy đến 10 phút, nói gì đến xe buýt còn dừng đón trả khách. Cũng may cuối bến, chỉ nhiều khách xuống, ít khách lên nên xe dừng nhanh, và nó cũng không còn trở ngại gì.

– “Thế nếu không kịp thì sao hả ba?”
– “Thì ta sẽ đi xe khách về Hà Nội. Nếu thiếu xe quá không đi được, thì mai đi tàu hỏa về cũng được con ạ. Tối nay thuê khách sạn ngủ lại Nam Định, ba có nhiều bạn lắm, không sợ buồn đâu.”
– “Ba có sợ muộn tàu không?”
“Trước đây thì có, bây giờ thì không con ạ. Lo sợ, sốt ruột… thì cũng không làm được gì cả. Chúng ta đang ở trên xe, mà đường thì đang tắc. Có bỏ xe chạy xuống đường, thì cũng không kiếm được phương tiện nào khác để đi. Sốt ruột, lo muộn tàu không những không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ làm cho mình không yên tâm, dễ hoảng loạn, dẫn đến có những hành động không tỉnh táo.”

Ga Nam Định đây rồi. Nhìn đồng hồ chỉ còn khoảng 2 phút gì đó, ba Nhi Bá hô “Chạy nhanh nào con!” rồi hai tay hai bao tải gạo, Nhi Bá khoác ba lô đựng đồ của hai ba con, cùng chạy đua như thi Olympic. Phóng thẳng một mạch qua cửa vào ga, ra sân ga… khi con tàu đang từ từ đến. Nó phải đi từ tận Sài Gòn ra đây, nên nó cũng không chính xác lắm. Mà như thế cũng là chính xác rồi.

Lên được chuyến tàu Tết không phải dễ dàng – người đông như nêm, ở toa ngồi này toàn những người đi ngắn, từ Quảng Bình là cùng, ra Hà Nội. Rất nhiều người không mua được vé, phải ngồi ghế nhựa, cực vất vả vì những chiếc ghế nhựa oặt oẽo, mỗi lần tàu tăng tốc hoặc giảm tốc, nó mềm xèo đi làm người ngồi trên nó, chỉ muốn ngã xuống sàn.

Ba con nhà Nhi Bá mua vé từ sớm, nên có chỗ ngồi, dù rất chật vì còn phải nhường một chút ghế cho ai đó ngồi ké nữa, nhưng còn hạnh phúc chán. Như hai cặp cô chú đối diện kia, có hai em bé một em trai, một em gái… họ ngồi ghế nhựa, chắc mỏi ê ẩm mà vẫn phải ôm con. Hai bé chắc ngột ngạt nóng bức, oằn oài quấy khóc trông đến tội.

Ba con Nhi Bá lại thầm thì nói chuyện.

– “Lúc trên xe, ba không nói gì cả về việc có thể muộn tàu, nhưng xuống khỏi xe một cái là ba rủ con chạy nước rút ngay. Những lúc mình không làm gì được, thì nên bình thản. Nhưng lúc có thể cố gắng hết sức được, thì phải cố gắng. Lúc nãy có thể ba con mình chẳng cần chạy vẫn kịp thừa sức lên tàu, nhưng tại sao ta lại chạy? Vì nếu đi từ từ và không kịp lên, lúc đó ta hối tiếc tại sao đã không cố gắng hơn, còn nếu đã phi hết tốc độ rồi mà vẫn không kịp, thì ta sẽ nghĩ, ta đã cố hết sức rồi còn việc không kịp, cũng không sao. Sẽ có cách giải quyết khác. Tất nhiên dù có cách, nhưng đạt được điều tốt hơn thì vẫn là tốt hơn, còn cố gắng được thì cứ cố gắng.”
– “Tàu đông nhỉ ba nhỉ…”
– “Ừ, tàu đông nhưng đi còn sướng hơn xe khách nhiều. Xe khách đông hơn, chật chội hơn, và bất tiện hơn, như rất khó đi vệ sinh cá nhân. Sau này khi nào lớn, biết lái xe con sẽ thấy khi chuẩn bị tới nút giao đèn xanh đèn đỏ, cái đồng hồ đếm ngược nó chạy như giục con… nhưng một khi con đã kịp, thì dù có đi từ từ vừa phải con vẫn sẽ kịp, còn một khi đã không kịp, thì phóng như điên lên cũng không kịp, mà lại nguy hiểm.”

Gặp chuyện nào cũng thế, bình thản tốt hơn là nóng ruột, sồn sồn. Khi đã có điều kiện, thì làm hết sức, khẩn trương nhưng không vội. Còn cái gì đã không thể đạt được, thì nó chẳng phải của ta, càng cố, càng mệt mỏi và có khi, dễ tai họa nữa…


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment