Friday, May 26, 2017

“Vấn nạn nghỉ hè”

Ông bạn vong niên gọi điện một cách gấp gáp, vời sang để bàn ngay một chuyện về một vấn đề vừa nổi lên cực kỳ cấp bách: làm thế nào để trông thằng cháu ngoại sắp “rơi vào đầu ông bà.” Số là con gái bác ấy định cư ở Châu Âu, đã nhập vào quốc tịch của nước họ rồi, và hai đứa con chuẩn bị nghỉ hè. Bố mẹ chỉ có thể trông được một đứa, còn đứa kia – “tống” về cho ông bà.

Ông ngoại chú bé thế là lên mạng tìm hết khóa trại hè này đến khóa trại hè khác để “nhốt cháu.” Theo lời bác ấy kể, chú bé này vốn đã bướng, được học trong môi trường tự do thể hiện cái tôi cá nhân ở Châu Âu nên với ông bà nó, lại càng khó bảo. “Ca này khó, quá khó” – bác ấy nói vậy.

Đây chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện “vấn nạn nghỉ hè” mà hầu như gia đình nào cũng gặp phải, nhất là ở thành phố. Để giải quyết “vấn nạn,” các gia đình đi tìm đủ các thứ giải pháp và có cầu ắt có cung, mấy năm nay các trung tâm, công ty… hỗ trợ đào tạo kỹ năng sống, tổ chức hoạt động hè, trại hè, học kỳ quân đội, công an… nở rộ như nấm sau mưa. Trăm hoa đua nở, chắc chắn điều này gây khó cho các gia đình khi lựa chọn cho con mình một hoạt động nào đó.

Không thiếu các gia đình “có điều kiện” thì “tống” hẳn con đi nước ngoài. Trường hợp như ông bạn vong niên tôi kể trên đây cũng là ngoại lệ, “tống” từ nước ngoài về Việt Nam. Dù ở trường hợp nào chăng nữa, thì tất cả đều cùng một câu chuyện, một nhu cầu là “quản” con trong những ngày hè. Với bố mẹ Việt ngày nay, dường như năm học là hạnh phúc, còn con mà nghỉ hè thì chỉ có điên cái đầu. Khi quan sát nhiều câu chuyện, tôi nhận thấy có một số những khía cạnh khá thú vị của “vấn nạn” này…

So sánh với thời bố mẹ của các cháu.

Đến nay chúng ta mới thấy nhớ thương thời “bao cấp nghèo nhưng thanh bình,” khi mà mùa hè chúng ta được nghỉ hẳn 3 tháng, còn học thêm thì mãi đến khi bỏ bao cấp mới có. Bố mẹ ngày xưa không rỗi rãi hơn bố mẹ thời nay, cũng đi làm từ sáng đến chiều, còn chúng ta thì chơi nhong nhong khắp chốn, da dẻ đem cháy và tóc thì sang màu đỏ. Hồi đó sáng sớm, chúng ta dậy sớm đi ra một điểm tập trung nào đó để “Hoạt động hè” – lớn thì làm anh chị phụ trách, còn bé thì đã được các anh chị lớn hướng dẫn. Ngay cuối năm học, đã có người của các Nhà văn hóa từ Phường, Quận đến thành phố, mà cả người của các Thư viện đến tận trường, khuyến khích các học sinh đăng ký các lớp sinh hoạt hè (hầu như không mất tiền học) và làm thẻ thư viện đọc sách miễn phí. Tất cả chúng ta đều “tự đi” và “tự về” hết, chẳng có ai đưa đón.

Thời nay thì sao? Chẳng ai dám để con đi một mình, và các nơi đó vẫn tiếp tục tổ chức sinh hoạt hè bình thường, chi phí khá rẻ, nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Bố mẹ thời nay coi “đắt xắt ra miếng,” những chỗ đắt tiền mới là tốt và “của rẻ là của ôi.” Nói quả đáng tội, hầu hết các trung tâm, nhà văn hóa “bao cấp,” chất lượng cũng không được cao cho lắm…

Nhu cầu đầu tiên là muốn con có một mùa hè bổ ích, không phí thời gian là nhu cầu chính đáng, do đó mới có câu chuyện đi tìm chỗ nọ, chỗ kia… cho con học và sinh hoạt. Những gì mà Nhà nước chưa làm tốt, thì các tổ chức, cá nhân… đáp ứng được, cũng là điều rất tốt. Tuy nhiên người viết bài này vẫn nhận thấy một số điểm khá tế nhị, vì nó sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi người trong cuộc.

Tôi đồng ý rằng những gì mà nhà trường chưa làm được, thì gia đình và xã hội phải có trách nhiệm làm nốt. Ai cũng biết, nền giáo dục của nước nhà lâu nay vốn bị nhận ra rằng, chỉ chú trọng dạy thật nhiều, thật nặng về kiến thức, mà hầu như không dạy được cho trẻ các kỹ năng, cả kỹ năng sinh tồn lẫn những kỹ năng xã hội. Nhu cầu này thôi thúc các bậc cha mẹ ngày nay đi tìm cho con các lớp học về kỹ năng sống, đặc biệt những thứ mà chính cha mẹ chúng không dạy cho con được: kỹ năng sinh tồn. Thời của chúng ta, các bậc cha mẹ ngày nay đi học cũng hầu như không được học, dạy về những cái đó; và chính ngày nay cũng nhiều ông bố bà mẹ rất tiến bộ: đi học cùng con. Điều này thực sự đúng đắn, vì kỹ năng sinh tồn thì ai cũng cần, không cứ gì trẻ nhỏ. Học cùng con, rồi từ đó cùng thực hành với chúng hàng ngày, là một ý tưởng tuyệt vời. Tôi quen một nhà văn – võ sư Karate, anh ấy khuyến khích bố mẹ học võ cùng con, đây không chỉ giúp việc tập võ dễ dàng hơn nhiều mà còn giúp cha mẹ gần gũi con cái hơn.

Vậy thì những kỹ năng xã hội thì sao? Tiếp xúc một số bạn trẻ đang làm trong lĩnh vực cung cấp những dịch vụ kiểu này thì tôi nhận thấy chính những bạn trẻ đó, do đặc thù cùng xuất phát điểm là nền giáo dục quá nhiều khiếm khuyết của chúng ta, cũng có quá nhiều vấn đề về chính cái họ đang truyền thụ lại cho người khác, là kỹ năng xã hội. Một công ty chuyên về kỹ năng sống, mà có những nhân viên truyền đạt cho các em nhỏ là “Đi vào rừng phải đề phòng lâm tặc, rừng bây giờ đầy lâm tặc…” là không ổn. Tôi ở đó phải chỉnh ngay: “Lâm tặc hay không, cũng đều là bà con vùng cao mình cả. Vì cuộc sống, vì chưa được phổ biến đầy đủ mà bà con phá rừng… không nên gọi như thế.”

Những kỹ năng xã hội, giao tiếp, cũng như thái độ của các con đối với cuộc sống, phi cha mẹ, chẳng ai làm tốt được cả. Một khi mà cha mẹ từ chối làm điều đó, đồng nghĩa với việc xã hội cũng không thể làm được.

Đến đây, tôi lại nghĩ đến một điều rằng, tại sao có những việc rất bình thường của những đứa trẻ bình thường nhất đều phải làm và phải làm tốt được, thì bây giờ trẻ em Việt Nam lại phải đi học và bố mẹ chúng phải trả tiền cho những việc đó? Chẳng hạn, việc cho con đi học “Học kỳ trong quân đội” mà vào đó, các hướng dẫn viên phải dạy lại cho con cái chúng ta từ gấp quần áo đến tự phục vụ bản thân. Đối với gia đình tôi, những việc đó là không cần thiết vì các cháu phải tự làm: cất quần áo từ chỗ phơi vào, gấp và cất vào tủ cho cả gia đình chứ không riêng gì của các cháu. Hàng ngày, các cháu vẫn có những nhiệm vụ như quét phòng, dọn dẹp, lau sàn nhà và cả rửa bát – trên cơ sở phân công cho cả gia đình, bố mẹ, các con… đều phải làm hết, đảm bảo công bằng.

Chính vì vậy mà gia đình tôi không có người giúp việc, và cũng không có cả gia sư luôn. Kỳ nghỉ hè, các cháu cũng không đi học thêm, mà nghỉ hè là cơ hội để rèn cho các cháu nếp sống tự giác, tự trọng, tự tôn trọng công việc của mình. Định mức mỗi ngày học bao nhiêu bài, đúng giờ đó phải ngồi vào bàn và tối thì báo cáo kết quả công việc đã thực hiện cho cha mẹ. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ “học” lại kiến thức cũ cùng với con.

Tôi rất tâm đắc với bài báo (Giáo dục Việt Nam), mà trong đó giáo sư Văn Như Cương đã nói rằng “Oshin và gia sư làm hỏng con cái của chúng ta.” Có rất nhiều điều mà nhẽ ra, chúng ta có thể làm được, thì chúng ta lại đi thuê người khác làm hộ, như việc dạy một số kỹ năng sống cho con, hoặc cùng con học một số môn… tôi không tin là có ai đó… dốt đều tất cả các môn – ít nhất phải có một môn gì đó mà cha mẹ tinh thông chứ!

Đến đây chắc chắn sẽ có người phản biện, với lý do rằng “bận.” Phải nói thật là ai cũng bận, nhưng ai cũng có thể thu xếp được thời gian. Tại sao dạy con là điều rất có ích thì ta không làm mà trả tiền để người khác làm trong khi chưa chắc đã tốt hơn chúng ta, để chúng ta mê mải kiếm tiền? Bớt chút thu nhập, ngược lại chúng ta làm được những điều kỳ diệu kia, được nhiều hơn là mất.

Nghỉ hè cũng là thời gian vàng để con cái của chúng ta rèn luyện các kỹ năng liên quan đến lao động, rèn luyện thói quen và khả năng lao động chân tay. Bố mẹ cần thu xếp thời gian hướng dẫn và cùng con làm bước đầu những việc liên quan đến ngôi nhà của gia đình chẳng hạn: sơn sửa hàng rào, cửa ra vào, cửa sổ… đến may vá quần áo, thêu thùa đan lát… Chắc chắn hầu hết chúng ta đã quên đi những kỹ năng đó, thì nay có điều kiện được cùng học lại với con, cũng là điều tốt.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng con cái chúng ta và cả chúng ta nữa, càng ngày càng thiếu chỗ chơi. Nhưng đó cũng chỉ là nhận xét ban đầu khá vội vàng của cá nhân tôi. Năm nay, nhìn nhận lại vấn đề, tôi quyết định nếu con thích, sẽ cho các cháu đi sinh hoạt hè một môn gì đó ở nhà văn hóa Phường ngay gần nhà. Tôi nhận ra chính mình cũng vậy, cho rằng “Bụt chùa nhà không thiêng,” muốn con phải được học cái nọ, cái kia… thật oách cơ. Thật ra chính mình hồi bé cũng đi sinh hoạt ở tổ dân phố, Phường… nhiều năm, mà rất vui khỏe… trẻ con mà, nhiều khi cũng đâu cần… chất lượng, mà thật ra cái chất lượng đó nhiều khi nó ở trong trí tưởng tượng của bố mẹ là chính. Mấy năm nay, chính con tôi cũng đánh mất một thứ rất quý, là quan hệ với bạn hàng xóm, chỉ biết bạn học cùng lớp và họ hàng, may ra một số bạn học của vài nhóm kỹ năng sống khác là hết.

Đi sinh hoạt hè gần nhà, ngoài ưu điểm chi phí thấp, còn là việc rèn cho các cháu tự đi, tự về… không nhẽ bố mẹ cứ phải kèm riết mãi cho đến lớn? Tại sao không tổ chức một nhóm các cháu gần nhà tụ tập tự đưa nhau đi, đứa lớn kèm đứa bé?

Cuối cùng, là tâm lý tranh thủ nghỉ hè, “nhồi” cho con tiếp tục học, điều này tôi đã từng viết trong một số bài báo trước rồi. Đó là tâm lý của nhiều cha mẹ (tôi nhận thấy là tỷ lệ các mẹ nhiều hơn) muốn con mình giỏi hơn các bạn cùng trang lứa, nên muốn con học (và kể cả được trải nghiệm) thật nhiều với quan niệm “không bổ ngang thì bổ dọc.” Học thật nhiều, sao không đề nghị ngành giáo dục cắt luôn nghỉ hè đi cho rồi… Còn trải nghiệm thật nhiều thì là tốt, nhưng cũng nên chú ý, trải nghiệm theo kiểu bố mẹ khác, trải nghiệm theo kiểu của con khác, và bản thân nhu cầu của các con cũng khác…    

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment