Tuesday, June 13, 2017

Họp phụ huynh

(Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Tính ra đến năm nay mình đã có thâm niên đi họp phụ huynh đến… 25 năm – kinh chưa, hẳn một phần tư thế kỷ! Đầu tiên là đi họp cho ông em trai, mình trẻ đến mức mà nhiều bậc cha mẹ phản ứng, cho rằng như thế là gia đình không nghiêm túc, cử anh đi họp cho em. Sau này các “cụ” ấy mới biết là nhà chẳng có ai khác để đi họp cho cậu ta cả…

Nên đến lượt hai con của mình, thì việc họp phụ huynh đã là “chuyện thường ngày ở xã.” Và cũng chẳng hiểu sao mấy chục năm nay “format” (định dạng) của buổi họp phụ huynh vẫn thế, một năm ba lần họp, trừ buổi đầu năm học là phổ biến kế hoạch giáo dục của nhà trường thì cuối hai học kỳ, là thông báo đủ các thứ của trường lớp, hầu hết những thứ phụ huynh không cần nghe…

Mà mình thì lần nào cũng muốn gặp cô giáo để… nói chuyện riêng. Trừ những “mẹ bỉm sữa” có con thiên tài, đi cuộc họp đông chỉ để vênh mặt thì mới không có nhu cầu đó thôi chứ mình thì có bao nhiêu chuyện để hỏi. Kinh nhất là thời ông em trai đi học, ổng quá nghịch, nên lần nào đi họp cũng phải vác cái rổ rõ to đi để… che mặt, khiếp hồn.

Cũng nhớ thời đi học, mỗi lần họp phụ huynh là một lần run như cầy sấy, chủ yếu sợ bị mách tội, nói quả đáng tội mình cũng nghịch vừa vừa thôi, chính xác là hay nói chuyện và luyên thuyên trong giờ học.

Và năm nay cũng thế, suốt ba ngày cuối tuần trước buổi họp phụ huynh, ông con trai lo lắng. Đến thứ Bảy, trước một ngày, hắn bỗng thổ lộ:

“Con run quá…”

“Con run cái gì nào?” Mình cười cười, hỏi lại.

“Con sợ bị mách tội…”

“Con có nhiều tội lắm hay sao mà sợ?”

“Ở lớp con cũng nghịch lắm ba ạ.”

Mình cười to: “Ha ha, y như ba nhỉ. Hồi bé bà nội con đi họp cho ba là ba run lắm, đến chỉ sợ cô giáo mách tội rồi về bị bà mắng. Và cũng có mấy lần bị mắng rồi chứ. Cô giáo thông báo khuyết điểm trước lớp luôn, làm cho bà nội con cũng xấu hổ. Nhưng xấu hổ hơn là những bố mẹ có con học kém, cứ bị các cô chì chiết suốt…” Thật là kinh khủng.

Bây giờ đỡ hơn nhiều, các cô chỉ phát kết quả học tập của từng bạn cho đúng bố mẹ của bạn ấy thôi, và không có kiểu thông báo oang oang khuyết điểm của các bạn trước lớp. Cũng là một tiến bộ theo hướng văn minh…

Vào buổi họp, ngồi nghe mãi thấy tên con trai trong danh sách các bạn có sút kém về kết quả học tập ở học kỳ 2. Thực ra điều này mình biết và lúc sau có phát biểu ý kiến. Con trai không những không sút kém, mà còn rất nỗ lực ở hầu hết các môn, như sử, địa, sinh vật… môn văn học dù điểm thi kém hơn, nhưng mình thì rõ cậu ta ngày càng có khả năng cảm thụ văn học tốt lên. Tuy nhiên sút kém rõ ràng là ở điểm thi môn toán, vì học kỳ này bài tập toán cậu ta “tha” về nhà khó lên trông thấy, và cả bài thi cũng rất khó.

Giải đáp câu hỏi này, cô chủ nhiệm nói là do có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học toán… thật khó để thi sang chuyên toán – “Ơ thế họ có nhu cầu thì họ xin riêng chứ tại sao lại hành cả khối để các con khổ thế ạ? Theo như em hiểu thì toán khó như thế không có ý nghĩa gì với các gia đình định hướng cho các bạn du học, không có nhiều tác dụng trong mục tiêu luyện vào lớp 10 và chỉ có duy nhất một tác dụng là định hướng cho con trở thành nhà toán học như Lê Bá Khánh Trình hay Ngô Bảo Châu thôi, mà em dám chắc số phụ huynh ở đây muốn cho con theo hướng này, rất ít…”



Về đến nhà, thấy ông con trai vẫn lo lắng:

“Ba đi họp có chuyện gì không hả ba?”

“Ngoài việc con có tên trong danh sách các bạn bị sút kết quả học tập trong học kỳ 2 so với học kỳ 1, thì không có vấn đề gì. Vụ sút kém đó thì ba mẹ đã biết từ trước, ngay từ khi con thi toán về và nói có mấy bài quá khó không làm được. Ba mẹ thì đánh giá con còn nỗ lực hơn học kỳ trước, thể hiện ở các bài kiểm tra và đều ở các môn. Như thế là đáng tuyên dương. Nhưng có một điều rất vui con ạ.”

“Điều gì hả ba?”

“Sau buổi họp ba xin gặp cô giáo chủ nhiệm của con một lát. Cô khen con ngoan, lễ phép, chăm chỉ… nhưng điều tuyệt vời nhất, là cô khen con là một người rất có tinh thần trách nhiệm. Một khi đã giao cho con việc gì, thì hoàn toàn yên tâm là con sẽ hoàn thành với kết quả tốt nhất có thể.”

“Cô nói thế thật hả ba?”

“Đúng vậy, cô nói thế, và ba thấy rất mừng. Sau này lớn, đi dự tuyển tìm việc làm con sẽ thấy việc con thể hiện ra là người tài giỏi thế này thế khác, không quan trọng, và người ta sẽ chẳng đánh giá được đâu. Nhưng nếu bằng cách nào đó, con truyền tải được một thông điệp cho người tuyển dụng rằng con là người có tinh thần trách nhiệm với công việc, đã làm là làm đến cùng với kết quả tốt nhất, thì chắc chắn con sẽ có được công việc đó. Rồi trong quá trình làm việc, con vẫn tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm đó, thì dần dần con sẽ xây dựng được cái gọi là “thương hiệu cá nhân.” Để có tinh thần trách nhiệm, phải có lòng tự trọng, đã nói làm làm, đã làm là làm đến cùng. Đã biết cách bắt đầu, là phải biết cách kết thúc với nỗ lực cao nhất, như các cụ nhà ta nói “tận bờ sát góc.” Người đi cày ngày xưa, người nào cày kỹ sẽ lùa được cái cày vào góc ruộng, hoặc đi những đường cày sát bờ ruộng, còn người làm dối thì làm nhếu nháo cho xong…”

Phải trung thực mà nói rằng, người Việt Nam chúng ta có một “ưu điểm” là tinh thần trách nhiệm hơi bị… thấp. Dù là đi làm thuê cho ông chủ, thì mình cũng phải có tự trọng, nhận đồng lương của người ta rồi thì làm cho nó thật tốt, đó là tự trọng, còn nếu chê lương thấp đãi ngộ không xứng đáng, thì cứ việc yêu cầu, hoặc đi tìm việc khác, sao phải làm kiểu “cà giựt cà tưng” thế?

Ai đã thuê thợ người Việt Nam làm nhà chẳng hạn, cũng sẽ thấy mệt mỏi, vì nếu họ không “ăn cắp” được vật liệu, thì họ sẵn sàng “ăn cắp công,” càng làm ẩu, làm dối được bao nhiêu họ càng thích bấy nhiêu. Tìm được người say mê với nghề, làm với lòng tự trọng cao nhất, hiếm lắm. Có, nhưng mà hiếm.

Thế nhỉ con trai nhỉ, học sinh giỏi như con bây giờ có mà đầy, “học sinh khá còn khó hơn” – người ta nói đùa thế, hì hì. Ba mẹ có hơi hơi quan tâm kết quả học tập của con thôi, vì biết con đã nỗ lực không đến nỗi nào. Nhưng điều vui nhất sau buổi họp phụ huynh năm nay lại ở chỗ khác.

Điều cô giáo khen con, đã nói lên rằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của cả gia đình, từ ông bà, ba mẹ đến cả con, đã bắt đầu có những kết quả đầu tiên. Kết quả học tập là quan trọng, nhưng việc con trở thành con người như thế nào lại quan trọng hơn rất nhiều.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment