Friday, June 2, 2017

Nếu đời gọi tên con…

Một – con voi màu đỏ.

Đầu hè mà vẫn như mùa thu – gió đông bắc liên tục về làm cho Hà Nội có những ngày đẹp trời ngất ngây, và ba bố con cứ thế nhong nhong trên cái xe máy bé tẹo, yếu ớt đi khắp chốn trong thành phố. Đang bon bon thì đằng sau có tiếng rì rì… rồi một “con voi” to tướng, sơn màu đỏ, chầm chậm vượt lên. Nó hiền lành nhìn hai anh em bằng năm, sáu cặp mắt trẻ măng, sáng ngời, và tiếp tục cười nói.

Đó là năm sáu cặp mắt của các anh lính cứu hỏa, chỉ hơn con trai vài tuổi thôi – những nụ cười trắng lóa, những mái đầu xanh, vẻ đẹp của tuổi trẻ làm cho lứa tuổi trung niên của chúng ta xốn xang. Ta thấy yêu họ, yêu tuổi trẻ, yêu mùa xuân rớt vẫn lưu luyến mãi, chẳng muốn bước sang hè.

“Sao xe cứu hỏa không chạy nhanh, hú còi ba nhỉ…” Bôn Ba Nhi Bá suy tư, hỏi như chẳng phải hỏi.

“Chắc nó đi đâu đó, rồi về nhà, mà không có nhiệm vụ chữa cháy. Này con để ý không, nghề lính chữa cháy đặc biệt nhỉ, khi người chạy ra khỏi đám cháy, thì họ lại phải chạy vào…”

“Vâng, chạy vào để cứu người.” Nhi Bá nói.

“Con có nhớ một bạn hồi bé, mắt tròn xoe, ê a hát bài gì không…”

Nhi Bá đọc ngay, và em bé Nhi Bôn cũng đọc theo:

Mình đỏ như lửa,
Bụng chứa nước đầy
Tôi chạy như bay
Hét vang đường phố…” [1]


Hai – “Bài ca thời thanh niên sôi nổi” [2]

Một chiều, lang thang trên mạng tự dưng nghe lại được một bài hát cũ, nhưng được các ca sỹ Nga trình bày lại theo kiểu nhạc rock hay quá. Nhớ thời mười tám đôi mươi, mình cũng đã từng say mê hát bài đó, đã từng ước mơ.

Mình gọi con trai: “Con nghe thử và xem clip này…”

Nhi Bá nghe xem và tò mò hỏi: “Ai hát và những hình ảnh này là về ai hả ba?”

“Một ca sỹ nổi tiếng của Nga, hát cùng những người lính cứu hộ của Nga con ạ. Trong clip là những hình ảnh họ tham gia cứu hộ trong những đám cháy, hoặc những vụ thiên tai ở Nga và cả khắp nơi trên thế giới. Bài hát này ba đã từng hát ở thời thanh niên…”

“Là thời nào hả ba?”

“Cũng là thời của con, chỉ vài năm nữa thôi. Hồi đó ba và các bạn hát bài đó, và cảm thấy trong mình có đầy sức mạnh của tuổi trẻ, sẵn sàng phục vụ đất nước và xã hội. Là thanh niên, cũng là thời gian đẹp nhất của cuộc đời, mình phải biết đem những năng lực của tuổi trẻ đóng góp, cống hiến cho xã hội chứ không phải chỉ bo bo sống cho bản thân mình con ạ. Nếu sống như vậy, sau này nhìn lại chúng ta sẽ thấy thật hổ thẹn, vì chúng ta đã bỏ phí những năm tháng đẹp nhất đó của cuộc sống mà chỉ sống lang thang, vật vờ không mục đích, không làm được một điều gì thực sự có ích, ít nhất là học tập và lao động.”

“Bài hát hay nhỉ ba nhỉ…” – “Ừ, rất hay, rất cảm động. Mỗi lần nghe ba lại thấy thời thanh niên nhiều ước mơ và cũng đầy sôi động của ba trong đó.”


Ba – Anh Hiếu.

Anh Hiếu là con cô Thu, làm cùng với mẹ Nhi Bá. Anh học hết lớp 12 ở Mỹ, quyết định không vào đại học ngay, mà về Việt Nam làm một việc gì đó để trải nghiệm.

“Con thấy thú vị không – Anh Hiếu quyết định thế không phải là cá biệt đâu, mà ở Mỹ có rất nhiều anh chị như thế. Họ muốn trải nghiệm và ngẫm nghĩ kỹ, xem mình có thể theo nghề gì mà sẽ sống với nó cả đời, làm nó thật tốt và cống hiến được nhiều nhất cho xã hội. Khi đó chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì sự lựa chọn sai lầm.”

Nhi Bá băn khoăn lắm – hiện nay cậu ta vẫn đang ước mơ...

“Nhưng con vẫn muốn trở thành nhà công nghệ máy bay mà…”

“Tất nhiên, ba vẫn ủng hộ con theo đuổi ước mơ đến cùng mà – đừng mỗi năm một ước mơ rồi loăng quăng, chẳng theo được cái gì cho đàng hoàng. Nhưng trải nghiệm cũng là cần thiết – thậm chí đi làm vài năm, để định hướng rõ ràng. Làm công nhân không phải là điều vô ích đâu con ạ. Rồi ba con mình sẽ quay lại chuyện này sau.”

“Có lần ba kể cho con rồi” – mình nói tiếp – “Hồi thanh niên, học hết phổ thông do nhà ở trong khu vực buôn bán, ba không muốn đi học tiếp, một phần vì xã hội đang chuyển mình từ bao cấp sang kinh doanh tự do hơn, mà trước đó cuộc sống quá khó khăn, đến mức học hành cũng không có được những đãi ngộ xứng đáng. Thịnh hành những câu hát như thế này:

Đầu đường đại tá bơm xe
Cuối đường tiến sỹ [3] bán chè đỗ đen

Hơn thế nữa, bà nội con ốm, ba buôc phải đi làm để phụ giúp gia đình. Sau một năm, ba hiểu việc đi học tiếp lên với ba là cần thiết, và ba muốn điều đó. Tuy nhiên ba chưa hạ quyết tâm đúng mức, thời đó thi đại học rất khó. Ba thi trượt đại học. Mãi năm sau ba mới đỗ, và đi học, nhưng vẫn tiếp tục đi làm thêm để có tiền học và thời đó cũng là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình, bà nội con ốm nặng lắm rồi. Nhưng đó cũng là thời kỳ đẹp trong thời tuổi trẻ của ba: vì đi làm nhiều việc, ba đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều khi chỉ 19, 20 tuổi.”

Đó là thời kỳ “trải nghiệm bất đắc dĩ” của ba bạn Bôn Ba Nhi Bá.


Bốn – Nếu đời gọi tên con.

Sau khi nghe bài hát “Bài ca thời thanh niên sôi nổi” vài lần, mình nhớ ra một chuyện.

“Ba nhớ, có lần xem bộ phim về một anh thanh niên, đã có suất học bổng ở những trường đại học danh tiếng, nhưng vì anh ấy là vô địch bơi học sinh, sinh viên nên quyết định đi làm nghề cứu hộ bờ biển. Anh ấy giải thích, vì thấy xã hội cần anh ấy trong năng lực bơi lội của mình.”

“Thế… có những người như thế thật không ba nhỉ?”

“Phim là hư cấu, nhưng thực ra ngoài đời có rất nhiều người như thế, như những anh lính cứu hỏa chẳng hạn. Khi ba ra trường, đi thi tuyển vào một cơ quan mà điều kiện tuyển rất khó, nhưng ba đỗ đầu – làm lính, trong lực lượng vũ trang con ạ. Ba lúc đó nghèo, còn phải nuôi chú con, nên muốn tiếp tục làm việc cho một công ty nước ngoài để có nhiều tiền hơn, nhưng có một bác tuyển dụng của cơ quan đó đến nói chuyện với ba, bác ấy nói thế này:

“Tất nhiên, hầu hết anh em trong đơn vị đều nghèo, khó khăn nhiều, phải đi làm thêm nhiều việc khác ngoài việc chính – nhưng công việc bảo vệ sự bình yên của xã hội là cần thiết, và vẫn phải có người đảm nhiệm. Nếu ai cũng từ chối, thì chẳng ai làm cả. Vậy nếu chúng ta không làm, thì ai làm?” – bác ấy nói thế, và ba đồng ý vào làm ở cơ quan đó. Tất nhiên sau một thời gian, do một số điều kiện thì ba không tiếp tục làm việc ở đó nữa, nhưng nếu có những lựa chọn tương tự, thì ba cũng sẽ lại nhận làm.”

Cuộc đời của con còn nguyên cả một chặng đường dài ở phía trước, làm cha mẹ ai cũng muốn con cái được hưởng sự an nhàn, thành công về tiền bạc và mọi người thường coi đó là tiền đề của hạnh phúc. Mặc định, chúng ta coi việc người khác phải hi sinh, gánh vác những phần khó khăn của cuộc sống xã hội là đương nhiên. Và cũng đương nhiên chẳng cha mẹ nào mong con cái mình lại đi làm một nghề nguy hiểm luôn rình rập, thậm chí mất đi mạng sống bất cứ lúc nào.

Nhưng nếu chúng ta không làm, thì ai làm? Đến lúc chúng ta hoạn nạn thì ai cứu chúng ta đây?”

Đọc đến đây, sẽ có nhiều bạn nói: “Gớm, ở xã hội ta làm gì có công bằng, đãi ngộ cho những công việc khó khăn đó có ra gì đâu… hi sinh như thế lớn quá!” Không sai! Nhưng đó là khiếm khuyết của xã hội.

Đọc đến đây, sẽ có nhiều bạn nói ngay: “Ôi dào, ở xã hội ta chính nghề lính chữa cháy cũng đang có rất nhiều tiêu cực đấy...” Không sai nữa! Nhưng đó là khiếm khuyết của xã hội.

Và chắc chắn cũng sẽ có nhiều ý kiến cho rằng, do đãi ngộ quá kém, những nghề nghiệp nguy hiểm đó lại còn rất nghèo, “ít tiền” – nhưng thực ra chúng ta biết quá rõ, tiền bạc không phải là điều kiện của hạnh phúc kia mà.

Thế hệ của chúng ta, thậm chí cả của các con của chúng ta nữa – là những thế hệ “lỡ bước.” Ngày hôm nay, khi có vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước đã gọi bộ máy, “có cả một bầy sâu” chứ tiêu cực trong xã hội đã không còn là cá biệt – thì nhiều người băn khoăn chẳng muốn cống hiến làm gì. Cứ cho là chúng ta “không may mắn” thế nào đó, mà sống trong một xã hội còn nhiều vấn đề, nhưng có cái gì cứ thế tồn tại mãi đâu – dần dần nó cũng phải thay đổi đi chứ…

“Không phải ai cũng có cơ hội được cuộc đời chọn để làm nghề bảo vệ người khác. Làm nghề nguy hiểm, có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng phải hi sinh tính mạng của mình “Để những người khác có thể sống” [4]. Nhiều khi không chỉ người chọn nghề, mà nghề nghiệp cũng chọn người nữa. Chẳng hạn, nếu như con được sử dụng sức khỏe và khả năng bơi lội của con để làm nghề đó, cũng có nghĩa con có cơ hội được làm một phước đức rất lớn là cứu mạng người khác, chẳng có tiền bạc nào so sánh được với điều đó cả.”

“Vì thế, nếu cuộc đời gọi tên con, hãy đừng từ chối…”

“Bài ca thời thanh niên sôi nổi” – 
Песня о тревожной молодости” của Alexandra Pakhmutova, thơ Lev Oshanin. 
Nghệ sĩ nhân dân Nga Aleksandr Buinov và 
dàn đồng ca Bộ những tình trạng khẩn cấp LB Nga (MTrS)

[1] “Xe cứu hỏa” – Phạm Hổ

[2] Песня о тревожной молодости” của Alexandra Pakhmutova, thơ Lev Oshanin.

[3] Người ta hát “Cuối đường đại úy bán chè đỗ đen” – nhưng mình không thích “phiên bản” đó, nghe nó đau lòng cho những người lính vừa bước ra từ trận chiến lắm.

[4] So others may live” – khẩu hiệu của lực lượng Cứu hộ bờ biển Hoa Kỳ


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment