Wednesday, July 26, 2017

“Bớ làng, bớ làng, có thằng bắt cóc!”

Một đứa trẻ rời nhà – như thời “bao cấp” cách đây mấy chục năm trước hết gọi là trẻ lạc, đi báo công an nhờ nhà chức trách tìm thì gọi là “báo trẻ lạc.” Ngay như Tây họ cũng gọi là “Missing,” chưa rõ lý do để khẳng định rằng làm sao cháu lại biến mất. Ở xứ ta vào thời kỳ thế giới phẳng của mạng xã hội, chẳng ai bảo ai cứ thế khẳng định luôn là “bị bắt cóc.”

Chúng ta không phủ nhận vai trò cực kỳ mạnh mẽ của mạng xã hội, khi nó đóng góp vào rất nhiều chuyện kỳ diệu như thân quyến tìm được nhau và tìm được một số trẻ lạc, nhưng đến ba chuyện đánh người chỉ vì một căn cứ cực kỳ vu vơ là (nghi) “bắt cóc trẻ con” – thậm chí đến mức đốt ô tô, hủy hoại tài sản của các nạn nhân thì vấn đề đã vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta sẽ hoang mang rằng một ngày xấu trời, ta đi đâu đó và bị hô hoán lên, ai sẽ bảo vệ chúng ta khỏi đám đông u mê và hung hãn kia đây?

Hãy thử đặt mình vào địa vị người khác, nếu chúng ta là anh doanh nhân đi mua đồ gỗ, hay là hai chị bán bông ngoáy tai bị đánh như thế xem chúng ta có đau không? Con người cùng bằng xương bằng thịt cả, người ta đau sao, chúng ta đau như vậy. Trong mỗi con người có lương tri sẽ nổi lên câu hỏi, rằng tại sao ngày nay con người sống thiếu tình thương đến vậy?

Ngược dòng thời gian, cá nhân tôi “chơi” các diễn đàn online rồi đến mạng xã hội cũng đã mười mấy năm, chuyện các thành viên mang tin này, tin kia lên mạng không phải là hiếm. Nhưng với các diễn đàn online, vẫn còn có những người chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin thì thời của mạng xã hội bây giờ, tốc độ lan truyền quá nhanh mà tính trách nhiệm thì hầu như không có. Tính tương tác cao, gần như tốc độ phản hồi ngay lập tức làm con người ta mê muội hơn, sống ảo hơn… thích “câu like, câu view” mà “chia sẻ” hú họa bất cứ cái gì lọt vào mắt.

Hồi đó tôi đã từng gọi trào lưu đó là của “các bố, các mẹ “kênh quớ” (kinh quá!)” chuyện gì cũng đem lên mạng, “kênh quớ các bố các mẹ ạ…” từ chuyện đi lễ thấy đàn rắn nhô lên nhảy múa, chứng tỏ Thánh ở đó thiêng lắm đến chuyện bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng, vứt xác trong rừng.

Cái nguy hiểm của mạng xã hội ngày nay không chỉ ở tốc độ lan truyền của nó, mà còn ở chỗ ai chia sẻ cũng thêm vài câu mắm muối, kiểu như “Cái bọn bắt cóc trẻ con này đáng bị tùng xẻo các mẹ ạ…” Ngày mỗi ngày, cứ lên mạng gặp hết người này đến người khác, mà cứ cùng một thái độ lặp đi lặp lại, người bình tĩnh thì không sao, người dễ dao động cứ thế bị dẫn dắt đi từ hết sự hận thù này đến sự hận thù khác.

Đám đông vừa đánh người đốt xe cũng vậy thôi – cũng bị dẫn dắt bởi sự hận thù. Không phải ai trong số họ cũng “lên mạng” dù thời nay mua cái điện thoại thông minh quá dễ, “ba gờ bốn gờ” cũng rẻ nữa, nhưng cơ chế lan truyền thông tin trong dân chúng vẫn nguyên như vậy sau hàng trăm năm, là tin càng thất thiệt, càng giật gân thì lại càng dễ lan tỏa sâu rộng.

Sự hận thù kết hợp với u mê, đã lên đến đỉnh điểm và cho ra một hàm số, chỉ cần một câu hô hoán, một sự kích động nhỏ xíu có thể bùng lên thành một vụ bạo lực nghiêm trọng. Đến đây chúng ta sẽ tự hỏi, rằng tại sao nếu con người Việt Nam đang sống trong một xã hội khắp nơi có khẩu hiệu “Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà lại xảy ra những chuyện bạo lực tập thể từ đám đông man rợ đến vậy?

Phải thành thật mà nói, chúng ta đang sống trong một xã hội mà niềm tin bị xói mòn đặc biệt là với hệ thống tư pháp và hành chính. Ở các đô thị tình hình còn khá, ở các vùng nông thôn người dân khó có thể được tiếp cận với các khái niệm chính mình cũng có quyền làm chủ đối với quá trình quản lý xã hội, cùng với nhận thức còn hạn chế của cán bộ cấp thấp gần dân, tư tưởng “phụ mẫu” thích áp dụng quyền sinh quyền sát còn rất nặng… Hệ thống tư pháp làm việc còn chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ xử lý “đúng người, đúng pháp luật” đã đặt những viên gạch cuối cùng của bức tường tâm lý người dân. Khi con người ta luôn luôn phải sống với tâm trạng rằng mình đang phải chịu một sự bất công, thì cũng nảy sinh mong muốn lập lại công bằng ngay lập tức.

Và cách nhanh nhất và “có vẻ an toàn” nhất chính là việc sử dụng bạo lực tập thể. Chúng ta nhớ đến chuyện đánh chết, thậm chí nổi lửa thiêu chết những thanh niên trộm chó (thật và cả không phải) mấy năm trước – thì nay tình hình mặc dù chưa có hậu quả nghiêm trọng bằng, nhưng về nguyên nhân thì lại nói lên rằng, xã hội đang ở trong tình thế nguy hiểm hơn nhiều. Bây giờ chỉ vì những hô hoán hết sức vu vơ, chẳng cần nhìn thấy cái bao tải đầy chó, người ta cũng có thể áp dụng “đòn hội chợ” được rồi.

Lại còn có một góc nữa cũng nguy hiểm không kém – tuần trước có tin bà con một địa phương ở Lạng Sơn kéo nhau ra trừng trị được một nhóm côn đồ đi đập phá nhà người khác. Nếu xét từ góc độ “thế trận an ninh nhân dân” thì bà con đã làm rất tốt khi vô hiệu hóa được nhóm côn đồ và giao cho chính quyền xử lý, có vẻ như không có bất cứ hậu quả đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng không dừng lại ở đó, hai chiếc taxi bị bà con lật ngửa bụng xuống ruộng, giả sử chuyện không dừng lại ở đó mà có yếu tố “châm lửa đốt” thì vấn đề lại khác đi nhiều lắm. Nguy hiểm ở đây chính là cho bà con, những người không hình dung ra được giới hạn của việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người khác với những quyền dân sự của chính những người đó, ở đây là quyền về tài sản.

Còn cái “thằng” cộng đồng mạng thì nó vẫn chứ nhơn nhơn – bất luận trường hợp nào có cũng cứ “chia sẻ” với tốc độ chóng mặt với cùng một thái độ: “Cho chết đi.” Cộng đồng mạng không hiểu sự hận thù khi đã lan truyền, một thành mười, mười thành trăm… thì nó nguy hiểm đến mức nào. Nhưng mà chính cộng đồng mạng lại không nhận ra trách nhiệm của mình, hôm sau chính “nó” lại lên án những người dân đang sử dụng bạo lực tập thể kia…

Nói đi thì cũng phải nói lại, ở đây có cả “vai trò” của báo chí. Nhiều báo mải chạy theo thị trường, cũng thích “câu like, câu view” và góp phần cùng mạng xã hội tác quái. Nhưng rốt cuộc, vậy thì cả mạng xã hội lẫn báo chí họ đều nhằm vào ai? Chẳng phải ai khác, họ nhắm vào chính chúng ta, những cư dân mạng và những độc giả của báo chí.

Nếu chúng ta bình tĩnh, sáng suốt trước những thông tin nhiễu loạn; cũng như chúng ta không để sự kích động dẫn dắt thì làm sao có thể xảy ra những chuyện bạo lực như vậy được. Chuyện còn chưa rõ ra làm sao, mà chúng ta đã vội áp đặt lòng hận thù lên những người mà chính chúng ta cũng chưa biết là ai, sự việc ra sao… Là người trong cuộc thì chính chúng ta đẩy mình vào vòng lao lý khi đánh đập người khác và hủy hoại tài sản, còn người từ xa cũng chẳng vô can vì trước hết bị cuốn theo “Cho chết đi” chúng ta đã đầu độc tâm hồn của mình rồi.

Sẽ cực khó khi cho rằng “tôi đặt được giới hạn, tôi cần căm thù những kẻ thủ ác và yêu thương những người tốt” nghĩa là trái tim tôi chia hai phần rõ rệt, nửa lành lặn để yêu thương còn nửa kia thường xuyên rỏ máu. Việc làm ác cần lên án, điều đó không cần phải bàn cãi, nhưng hãy tha thứ cho người làm việc ác để người ta có đường quay lại và quan trọng hơn, và cũng để trái tim chúng ta có cơ hội chữa lành những vết thương.

Hận thù chỉ có thể kích động thêm hận thù, nhưng hận thù cũng chỉ có thể được xóa sạch bằng sự yêu thương, mỗi chúng ta phải tự biết và tự làm điều đó.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment