Năm 16 tuổi, ông bạn nối khố cạnh
nhà rủ đi học võ – nó mê chứ mình không có mê. Ừ thì đi, và cuộc đời học võ chủ
yếu bằng mồm bắt đầu. Tập ở gần nhà, trong sân một cái chùa, cứ tối mò mò, chẳng
nhìn thấy gì, nên chắc chắn là nếu có nhếu nháo tí, thày chẳng biết…
Đi tập mới biết hóa ra học võ
có nhiều khía cạnh mệt ra trò, chứ chẳng dễ dàng gì. Đầu tiên là về tập hết hơi
những cái liên quan đến thể lực, nhìn chung là rất cơ bắp của cơ thể vật lý,
như đấm bao cát, lắc vòng sắt, hít đất bằng nắm đấm. Gian khổ lắm, mình tập được
vài hôm thì bỏ. Khía cạnh thứ hai là học quyền, tức là hệ thống các động tác
tay chân ghép lại thành bài, các chú cứ thế mà múa từ dễ lên khó. Nhưng khía cạnh
quan trọng nhất là đối luyện, thả các chú vào oánh nhau túi bụi, cho nó dạn đòn
là chính, quen đánh nhau đi sau này không ngại không sợ nữa. Khía cạnh cuối
cùng là luyện nội công, thì còn khướt mới được học. Hồi đó trẻ con biết đâu cái
này là quan trọng nhất, thày không dạy thì cũng chẳng chết ai.
Thế mạnh của mình là cái môn
thứ hai, tức là quyền, học nhanh và động tác đẹp, đại khái như là múa ấy mà,
hai cái còn lại là luyện cơ thể và đánh nhau, mình chẳng thích, luyện công
không tính. Khổ cái, tối nào đi tập, cũng có phần đối luyện, mình gặp tất cả
các bạn tập trong lớp và không đánh được ai cả.
Nói chính xác, gặp bác nào
cũng chạy, nam phụ lão ấu, mình “tiếp” hết bằng cách chạy quanh “sàn đấu,” cái
sân chùa to như thế mà mình chạy hăng đáo để, không ai đánh được. Duy nhất có một
lần, cậu Hùng giỏi nhất lớp, học trò cưng của thày bị đổ máu với mình. Nó đánh
một đao tay ngược vào cổ mình, ai dè mình mặc cái áo khoác bạt bà cụ may cho để
chống rét, cái cổ áo nó cứng quá, gặp đúng cái phéc-mơ-tuya bằng đồng quá sắc,
cứa cho cậu một nhát máu chảy tóa tòa, đi khâu mấy mũi. Mấy cậu bé, ít tuổi hơn
mình càng chạy khỏe, chẳng cậu nào đánh được.
Thày chán quá than lên: “Thằng
này không có đối thủ!”
Trong khi đó ông bạn thân học
rất tiến bộ, đặc biệt sức nó khỏe hơn mình nên nếu đấu với nó nó đá cho cái,
mình văng ra góc sân.
Thế mà vì chiều nó, mình đi tập
được với nó lâu ra phết, cũng được mấy năm, học được nhiều bài múa vờn vờn hay
đáo để, thỉnh thoảng múa tay múa chân lên, mấy ông bạn khác mắt xanh lè, đoán
chắc mình là cao thủ võ lâm ấy chứ chẳng chơi. Chúng nó biết đâu mình chẳng
đánh được ai cả, loẻo khả loẻo khoẻo.
Hai năm sau, tự dưng điên lên
thế nào, đúc tạ, đóng giá, tập thể hình. Chỉ vài tháng, cơ thể thay đổi, cao
lên, to ra, mọi thứ cũng từ đó thay đổi theo, chủ yếu là khỏe mạnh thì tự tin
hơn, đặc biệt vóc dáng khác hẳn, trông ngon giai ra phết, cũng là một điều thú
vị. Chỉ duy nhất có điều không thay đổi là vẫn không thích đánh nhau. Mãi đến một
hôm…
Hai thằng nối khố rủ nhau đi
xem triển lãm Giảng Võ, có triển lãm ô tô xe máy. Mình gửi xe, nó mua vé, gửi
xe xong ra quầy vé thế nào thấy có một thằng ôm sau lưng ông bạn, còn hai thằng
đang đánh mà ông bạn cố tránh đòn, có vẻ cũng ăn mấy quả thụi vào bụng với mặt
rồi. Mình chẳng nói chẳng rằng, cướp ngay cái ghế băng của bà hàng nước gần đó,
nhảy vào phang thẳng cho hai thằng kia mỗi chú một ghế vào lưng. Bị đánh bất ngờ,
hai thằng choáng váng, bỏ chạy. Ông bạn thừa cơ, thúc cho chú kia được một cùi
chỏ vào bụng, làm thằng ranh gập người xuống. Định tẩn cho một trận, nhưng mình
can bỏ chuyện đó luôn để nó chạy. Mình rất khôn, vào bãi lấy xe đạp, hai thằng
đạp ngay ra cổng Ngọc Khánh của triển lãm, gửi vào cổng đó để lúc sau ra có đường
mà chuồn, phòng hờ chúng nó kéo cả đàn đến đón ở cổng chính hết đường mà về.
Ông bạn phát hiện ra một phát
kiến vĩ đại, là hóa ra đánh nhau đường phố nó khác đánh trên sàn đấu nhiều lắm.
Điều đó đúng 100%, đánh nhau đường phố nó cần những kỹ năng khác. Mình trông lằng
nhằng thế nhưng rất nhanh nhẹn, đã lâm trận là ra đòn dứt khoát, di chuyển nhiều
và nhanh, chọn đối thủ quan trọng nhất đánh hạ gục hoặc ít nhất hạ được nó về
tinh thần để trấn áp bọn còn lại. Còn nếu đã không hạ được thì cũng tranh thủ
được thời gian để… chạy. Riêng môn này mình là thượng thừa, ít thằng đuổi được,
he he… Nhưng gì thì gì, đánh nhau đường phố cũng phải vồ cho được những thứ vũ
khí kiểu như đòn gánh, ghế băng, kể cả chổi của bác lao công đêm đêm quét rác
cũng được, chơi hết. Thời đó chúng nó xài dao với côn nhị khúc rồi, cho chúng
mày chơi, tao cứ đòn gánh hoặc ghế băng tao diễn, có lần mình đánh văng cả dao
bằng đòn gánh rồi ấy chứ.
Lúc đã đánh nhau, thì chẳng nhớ
võ nghệ quái gì, cứ phải quan sát tốt, vận động nhanh, di chuyển liên tục… trận
chiến chỉ vài phút, còn phải tính đường mà té thật nhanh, chứ còn lâu mới cù
cưa được. Gần nhà có thằng to đùng, tập boxing thế nào bị quây đánh cho nhừ tử,
đúng lúc mình đi qua nhảy vào đánh giải vây, cậu chạy được thế là quen, cũng hết
gườm gườm mỗi lần đi qua phố nó.
Thằng em họ, thế nào bị 5 thằng
đến tận trường hỏi thăm nói chuyện phải quấy. Mình lơ ngơ mò đến thấy vẫn lằng
nhằng nói lảm nhảm với nhau, mà chắc chắn không tha, nhưng đánh thì chưa đánh.
Mình điên tiết chọn thằng phó đàn, khỏe nhất để xử lý đầu tiên, tính toán sao
ra đòn với nó xong, trên đường di chuyển xử lý tiếp thằng đầu đàn lắm mồm. Bốp
bốp, gục thằng phó đàn, đến thằng đầu đàn mình quật nó ngã sấp, chẹn cổ lôi đứng
dậy, dọa 4 thằng còn lại không bỏ đi tao bóp cổ thằng này chết, thế mà giải quyết
xong.
Võ nghệ là một chuyện, chứ kỹ
năng đường phố lại là một chuyện khác hẳn. Đó là thời đánh nhau tay chân. Càng
về sau, trẻ con càng dùng dao rựa nhiều, lại càng không cần võ nghệ.
Học võ để học cái đẹp, đây
càng ngày người Việt Nam càng thích hạ gục nhau bằng những thủ đoạn rất đê hèn.
Chán kinh khủng. Mình cũng không ngoại lệ, nếu cần thì cũng xài hung khí.
Chẳng nhớ đi đâu về, thấy lão
hàng xóm vốn người to khỏe nhưng rất hèn, đang cãi cọ với ông cậu ruột. Nhà ở
chợ chỗ buôn toàn đồ cơ khí, mình vác cái bánh răng trái khế có một cái chuôi
dài đầy rãnh can-đuya, lia thẳng vào mặt lão ta. Định nhảy vào chiến tiếp thì
lão anh ruột của lão ra còn nhanh hơn, xông vào ra đòn, làm mình phải bỏ chạy,
đuổi chạy mãi sang phố bên, vì mình cao chân dài, bố kia lùn chân ngắn nên cuối
cùng không đua việt dã được, bố già bỏ cuộc. Hóa ra cái bánh răng nếu không có
ông anh đẩy ông em thì đã không tránh được, mình ném thẳng vào mặt. Sau trận
đó, dẹp yên khu vực, không bao giờ dám đụng vào gia đình mình, dù là một câu chửi.
Càng về sau, đặc biệt là thời mình đã đi làm, tuyệt đối không dám ho he. Đời
cũng lạ, già dái thì non hột, chỉ một lần ra tay mà cái thằng hèn nó có thể sợ
cả đời…
Nhưng chỉ sau này sang tây
mình mới thấm một điều, là võ nghệ đến mấy thì cái lẽ “nhất lực nhì thế” nó rõ
ràng ghê gớm – thằng Tây nó cao mét chín, nặng tám mấy cân, mình nhảy như con
choi choi, đánh đấm giề, võ vẽ giề. Nhưng chính cái thằng ấy mà đi học võ thì
đúng là biết tay nó, cũng có đầy thằng nó là thiên tài võ học, khả năng tốt đâu
kém dân ta với dân Tàu?
Mình thích đi bộ ngắm phố xá,
một ngày đi đoạn đường giữa metro Profsoyuznaya và Novye Cheryomushki có đoạn
đường vắng, vỉa hè to mà có cả cái bãi cỏ rộng cao vồng lên như gò sát bức tường
dài của một cái gì đó không rõ, rất rộng. Đang lang thang thì gặp 3 thằng “trọc”
đi ngược lại – chúng nó thấy mình dân châu Á, hè nhau “lùa” luôn. “Ù té quyền”
được giở ra ngay lập tức, nhưng chạy làm sao lại với chúng nó khi mình thì mét
sáu mấy còn chúng nó thằng nào cũng mét tám mấy, có mà vài bước đã bắt kịp. Ơn
Giời thế nào chạy đến đầu đường có nhóm “đầu đen” chẳng rõ Ajerbaizan hay
Gruzia đang đào đường, vồ ngay được một cái xẻng, quay lại múa một đường lên đầu
rồi thủ thế. Ba thằng trọc đuổi đến nơi, thấy mình lăm lăm cái xẻng có vẻ dám
ăn thua đủ, chúng nó ngần ngừ, tỏ ý đe dọa rồi bỏ đi. Chúng nó mà xông vào thì
chắc đánh thành thương được một thằng, còn mình thì mất mạng. May mà chúng nó
không có tinh thần của… Việt Cộng, chứ không thì mình đi đứt, sĩ diện hão sao
được. Lớ ngớ để nó giáp vào gần cận chiến, nó giật mất cái xẻng là mình rồi đời.
Nhưng Tây nó không thích chơi kiểu hung khí, nó bỏ đi chứ nó có mà sợ mình đấy,
còn lâu nhé.
Những chuyện như trong phim Diệp
Vấn ấy, không bịa đâu. Ta với Tàu có luyện công đến mấy, gặp thằng quá khỏe,
chơi đôi công một lúc mất dần khí lực, thì có mà đánh vào… mũi. Đã dính đòn
liên tục loạng choạng thì võ cũng loạn xạ đòn thế lên chứ đánh vào đâu. Mà đến
tầm cụ Diệp Vấn mà cũng “chạy được rồi mới nói” chứ không phải là “đánh thắng rồi
mới nói.”
Nên chuyện tỉ thí với anh Tây,
quan trọng không phải là thắng thua, to bé… mà là việc chiến thắng bản thân
mình, dám bước qua sự e ngại, nỗi sợ hãi trước thằng to đùng mà khả năng nó
đánh thắng mình là lớn. Thế là thắng rồi chứ còn gì. Phải mình không cho cái xẻng,
còn lâu mới dám nghênh chiến, nói nhanh cho nó vuông.
Thế mới có chuyện tỉ thí với
nhau thế nào chẳng còn võ nghệ, oánh nhau “tả bổ xiểng” không còn rõ là môn
phái nào luôn.
Nên bây giờ nhận ra, có tuổi rồi,
nên tập cái gì mang tính nâng cao sức khỏe, luyện được nội công bên trong cho
lâu chết một chút, tâm thần thư thái, không bị vọng động nhiều những chuyện mạng,
chuyện xã hội.
Đời bây giờ nó dùng dao dùng rựa,
dùng giáo dùng mác, xài cả súng hoa cải lẫn mìn cài vào cửa, ai tự bảo vệ được
ai… Đến võ sư nói nặng cái thằng vừa đến tập một câu, nó bỏ về. Cuối giờ xuống
cổng, đến hai chục thằng nó đè vào cửa, đâm cho mấy nhát lưỡi lê, suýt mất mạng.
Hóa ra đòn quan trọng nhất phải
học, lại là khiêm tốn.
TUYỆT! <3
ReplyDeleteNgười xưa có câu "thế võ không bằng thế ở đời". Đọc bài này thấy đúng vậy
ReplyDeleteNgười xưa có câu "thế võ không bằng thế ở đời". Đọc bài này thấy đúng vậy
ReplyDelete