Wednesday, September 6, 2017

Chuyện đại gia mì tôm bất động sản sản xuất ô tô

Bà con bàn tán xôn xao chuyện cái bác gì, nguyên đại gia mì tôm ở Ucraina, múc bao nhiêu đất làm du lịch và bất động sản – và kinh doanh kể ra cũng rất tốt, dịch vụ được “của ló…” nay nhảy cả vào lĩnh vực sản xuất ô tô. Mình không đi ô tô, nhưng cũng đã từng tham gia viết mấy dự án sản xuất ô tô, cũng như chạy chọt thủ tục xin cấp phép cho chúng, nên cũng biết đôi điều…

Điều thú vị là, khi mà ngành sản xuất ô tô trong nước chết ặc ặc, nhường đường cho xe ô tô nhập khẩu, thì sao cái anh mì tôm này lại nhảy vào làm? Không phải là đã có những tấm gương tày liếp như bố con nhà ông Xuki đã ngoẻo củ từ từ tám mươi đời rồi à? Chẳng lẽ cứ có tiền thuê chuyên gia nước ngoài về bắt nó làm việc là sản xuất được ô tô?

Trông người…

Sang Trung Quốc mua bộ linh kiện về lắp ô tô, phải thừa nhận trong hai chục năm trở lại đây công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển vượt bậc, một số loại xe đã dần dần đuổi kịp, chưa soán ngôi nhưng đe dọa nghiêm trọng vị thế của ô tô Hàn quốc, đó là các loại xe tải, xe đặc chủng, xe chuyên dùng và xe khách. Tuy nhiên riêng xe ô tô cá nhân, xe gia đình (tạm gọi là xe con) thì ngay người Trung Quốc cũng chẳng mấy ai mua, người cần xe giá rẻ để chở hàng chở đồ, đã có xe tải cỡ nhỏ và kính thưa các kiểu xe ba bánh chạy như kiến ngoài đường.

Ngồi viết bài này, mình cứ nhớ cái nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh miền núi B. chỉ cách Hà Nội có 160km, nằm ngay đường quốc lộ. Nó chết thẳng cẳng đến mười mấy năm nay, và khi anh Tr., một thứ trưởng được luân chuyển lên tỉnh làm chủ tịch, đã cố gắng lôi kéo được đại gia hay doanh nghiệp nào đó nhảy vào mua lại cái dự án nhà máy đó, để dụ được “nó” anh ấy “xin” Chính phủ và Bộ tài chính được cho miễn thuế nhập khẩu chừng 3 chục ngàn bộ linh kiện…

Vậy câu chuyện sản xuất ô tô và mở rộng ra cả xe máy ở Việt Nam chúng ta ra sao?

Bắt đầu bằng thời kỳ “xe máy Tàu” – tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp liệt kê cái gì mua trong nước, cái gì nhập khẩu, cộng lại chia ra, đạt bao nhiêu % mua trong nước thì ở mức tính thuế suất bao nhiêu % đó đối với bộ linh kiện nhập khẩu về để lắp ráp. Lúc đầu các doanh nghiệp tự liệt kê giá trị, khai tăng giá mua các phụ tùng trong nước, đánh tụt giá các linh kiện mua nước ngoài… để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Về sau có một cái barem được ban hành, nó fix luôn cái gì bao nhiêu %, cứ thế cộng vào rồi tính ra xem bộ linh kiện của mình phải chịu thuế nhập khẩu bao nhiêu…

Đến thời Bộ Tài chính thấy ngon ăn, “nhảy vào” tham gia, tất cả lại quy ra tiền hết – họ tính ra xem cái này bao nhiêu, cái kia bao nhiêu tiền, chứ chẳng cần biết cái gì quan trọng hơn cái gì trên một chiếc xe… Từ đó họ đưa linh kiện sản xuất ô tô xe máy vào biểu thuế xuất nhập khẩu, cứ nhập cái gì, tính thuế cái ý. Chính kiểu quản lý này đã góp phần giết chết công nghiệp ô tô Việt Nam, vì không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, chi tiết đặc biệt là những chi tiết công nghệ cao.

Dần dần các doanh nghiệp ô tô trong nước chuyển sang nhập khẩu hết. Đầu tiên là nhập khẩu nguyên bộ động cơ tổng thành về Việt Nam lắp vào xe, vì phải nói thẳng ra một điều, công nhân Việt Nam làm ăn chán quá. Lắp ráp ở nước ngoài vừa nhanh, vừa rẻ, chất lượng đảm bảo hơn nhiều.

Viết đến đây nhớ chuyện, các bác “bài Trung” cứ thấy dự án này, dự án khác có nhiều công nhân Trung Quốc lại phản đối rầm rầm, rằng “nó” đưa quân nó sang rình có biến nó xâm lược nước mình… Khổ cái công nhân Trung Quốc họ làm chăm chỉ, ít cảnh vẻ, và lương thì không cao hơn công nhân Việt Nam mình, đã thế năng suất lao động cao hơn nhiều. Như thế tội gì mà không thuê?

Vậy anh V mì tôm sẽ sản xuất ô tô cách nào?

Chúng ta nên nhớ, “sản xuất” nó khác với “chế tạo” nhé. Chế tạo ở đây phải là thiết kế được một cái xe từ A đến Z, rồi từ đó dựa trên thực tế năng lực sản xuất mà cái thì tự làm, cái thì đi thuê. Như anh Nhật Bản, từ 80 đời họ nhất nhất lắp lên xe giảm xóc của hãng Showa, phanh thủy lực Nissin, bougie NGK và bóng đèn Denso… Nhưng hãng chính sẽ thiết kế chiếc xe và quan trọng nhất là trái tim của nó, động cơ xe. Về chiếc xe, ngoài đảm bảo kiểu dáng đẹp, thì còn các yếu tố khác như độ cân bằng động sẽ liên quan đến an toàn… Về động cơ, thì mỗi hãng có một truyền thống thiết kế khác nhau, nhưng thường của một nước thì khá tương đồng như đồ của Đức nó có truyền thống riêng của nó, cầu kỳ hơn máy Nhật Bản nhiều. Ngay trong hãng Toyota, máy của Land Cruiser bây giờ thế nào không biết, nhưng những đời 9 mấy nó cầu kỳ phức tạp lắm, đơn giản nhất là cái máy Corolla 1.6 đời 2000 trở về trước, cái này dễ sửa như máy xe Cub vậy.

Ngay trong cái động cơ, cũng không phải cái gì họ cũng tự làm lấy, dựa trên những linh kiện sẵn có thằng khác sản xuất tốt hơn mình (piston, xéc-măng, chế hòa khí, xi-lanh và sơ-mi của xi-lanh, bạc biên pa-li-ê, vòng bi và kính thưa các loại bánh răng…) thì họ chỉ làm những thứ gì cực chẳng đã, không thuê được mà thôi. Ngay như vách máy (các-te) như thằng cha viết bài này đã vào xem một nhà máy đúc nhôm công nghệ cao của Nhật Bản đặt ở Trùng Khánh, Trung Quốc… họ chuyên đúc các tiết động cơ chủ yếu là các-te, nắp máy (quy-lát, culasse) cho các hãng lớn như Toyota, Honda ở Trung Quốc…

Nhưng kiểu gì thì cái động cơ vẫn phải do ông tự thiết kế - đó mới là chế tạo ô tô. Còn mua động cơ khác lắm nguyên bộ tổng thành vào, thì là sản xuất. Như Hàn Quốc khi mới làm ô tô, họ mua động cơ nước ngoài – Hyundai say mê động cơ Mercedes. Cái Kia Sorento đời 2009 máy 2.4 mình đã từng đi, là động cơ nguyên chiếc của Mercedes. Bây giờ thấy bẩu họ tự chế tạo được động cơ của mình, và cũng như câu chuyện trên đây, cái gì mua được thì cứ mua, chứ không ai dại gì tự sản xuất từ A đến Z cả.

Trung Quốc cũng vậy, gì chứ bây giờ thì động cơ ô tô Trung Quốc đặc biệt là những động cơ diesel cỡ lớn đã dần dần trở thành bá chủ đến nơi.

Vậy anh V mì tôm liệu có chế tạo được ô tô hay không? Câu trả lời – chắc là chưa. Đọc trên báo thấy anh ấy thuê chuyên gia nước ngoài làm phòng thiết kế mà nhà báo nào đó liệt kê một loạt các hãng danh tiếng… đó là kiểu định lòe nhau một cách… thiếu hiểu biết. Nói về sản xuất ô tô, người ta không nghe vào tên xe đắt tiền. Phòng thiết kế may ra thiết kế được cái kiểu dáng, từ đó thiết kế được các mảnh vỏ, chassis… và tiến hành đặt làm bộ khuôn, bộ đồ gá hàn. Khuôn chế tạo xong, thì cho tôn vào máy mà dập ra vỏ, lắp lên bộ gá mà hàn vào nhau và cuối cùng thì cho vào sơn. Vậy thôi chứ có gì đâu.

Do đó, anh mì tôm chắc đầu tư được phần thiết kế, rập vỏ, công nghệ hàn bằng robot, sơn siếc, phốt phát hóa phát hiếc gì đó… Cuối cùng là đặt mua hoặc đặt sản xuất những thứ khác, cái gì trong nước được thì trong nước, gì chứ ống xả chắc chắn là Goshi Thăng Long, ghế Xuân Hòa, ắc quy GS đâu như sản xuất ở Bình Dương, Đồng Nai… chứ không phải gì khác.

Nôm na là, nếu anh mì tôm bảo anh ấy chế tạo ô tô thì mình không tin, nhưng sản xuất ô tô thì được, chứ sao không? Tuy nhiên nếu sản xuất xe con (thì có căn cứ cho chúng ta thấy là xe con, chẳng phải trên báo đã liệt kê toàn những Lamboghini đó sao, không nhẽ Lamboghini có cả xe chở rác?) thì có bán được không?

Trung Quốc làm sao, Việt Nam chiêm bao làm vậy – xe ô tô con thương hiệu trong nước không có chỗ trên thị trường Trung Quốc thì ở Việt Nam cũng chắc gì đã vậy. Người Việt Nam thích chưng diện và sính ngoại – đơn cử cái xe ô tô con cũng vậy thôi, bét ra cũng phải xe Hàn Quốc, chứ xe Trung Quốc Lifan kiểu dáng BMW đã chẳng có ma nào mua rồi. Hơn thế nữa, khi mua xe đi rồi, đố có thấy bác nào đi mua lốp Cao Su Đà Nẵng, Casumina hoặc Sao Vàng thay vào; ít nhất phải Kumho, Hankook, không thì Dunlop, Michelin, Goodyear…

Người Việt Nam quan niệm, bỏ tiền ra mua cái ô tô vừa để đi, vừa chưng diện, vừa phục vụ thỏa mãn cả gia đình… nên đắt tí cũng được, miễn là đẹp, oai, và đương nhiên phải tốt, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn. Đến như Toyota mà còn bị anh Tạch anh ấy phăng ra bao nhiêu tội lỗi nào những túi khí với dây đai, thì chắc gì mấy cái ô tô chuẩn bị xuất khỏi xưởng mì tôm đã đạt.

Vậy anh V mì tôm trông chờ vào đâu? Có anh bạn ở nước ngoài đoán, chắc anh ấy sẽ dùng thế lực của mình để xin ưu đãi, ép các doanh nghiệp ô tô trong nước khác. Bàn tay sao che được mặt trời, các doanh nghiệp ô tô kia cũng toàn là to đầu cả, họ không liên kết được với nhau à? Mà cơ chế ưu đãi thì cũng chỉ được đến vài chục bộ linh kiện nhập khẩu chứ sao được mãi – nguyên tắc của luật là tất cả bình đẳng trước pháp luật kia mà?

Chúng ta không nên quên, Toyota cũng là “Toyota Việt Nam” và Honda thì cũng vậy – theo luật Việt Nam thì đó là các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng được thành lập ở Việt Nam mà. Nếu ưu đãi anh V mì tôm vĩnh viễn, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và ở đâu có bất công, ở đó có đấu tranh, he he…

Dự án này mà tìm cách lắp ráp cho các hãng như Land Rover hay Lamboghini thì chắc có cửa, lúc đó chúng ta sẽ hi vọng siêu xe Lamboghini đắt hơn cái Camry một tí, nó sẽ chạy đầy được con đường quê gập ghềnh bụi mù… Cứ mơ đi, tại sao không?


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây    

No comments:

Post a Comment