Tuesday, September 12, 2017

Ngay cả tham nhũng cũng phải có phước

Mấy ngày cứ loạn xạ hết cả lên về chuyện 6 tỷ đi xây trường cho trẻ vùng cao là "tiền bẩn," cần tẩy chay. Phải nói rằng, mình  cũng là một con người bình thường với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố... và thành kiến, cũng bị ảnh hưởng bởi "dư luận" cho rằng cô nào đó, con ông nào đó, trùm tham nhũng thế này thế khác. Những điều đó hoàn toàn có căn cứ, thậm chí rất vững chắc để chúng ta tin là có thật.

Nhưng, đáng tiếc, từ góc độ bồi dưỡng cái tâm của bản thân mỗi con người, tin vào thành kiến lại rất có hại. Mình viết như vậy đã nhìn thẳng vào chính bản thân mình cũng có cùng suy nghĩ với hầu hết mọi người như vậy.

Vì thế, cần phải cùng nhau nhìn một góc độ khác của câu chuyện, là vấn đề phước đức, nhân quả... Mình nhớ có một vị Thày (Hòa thượng) đáng kính về nhân cách, một vị Thày thực thụ ít nhất chưa vướng vào những chuyện thị phi làm hỏng Đạo lan tràn Việt Nam hiện nay, nói: “Con nên nhớ, ngay cả tham nhũng cũng phải có phước.”

Nói thế chắc nhiều người cảm thấy không thể chấp nhận được, nhưng điều đó đúng. Người ta phải có không chỉ là phước, mà đại đại phước mới bước được lên đến ghế Tổng thống, Thủ tướng... của một đất nước.

Nhưng...

Cái gì cũng có hai mặt, dính liền, giằng không ra và dứt cũng không ra. Người hưởng phước nhiều, thì không dễ mà tu. Phước nhiều khi đi kèm với họa, hưởng phước cũng đi kèm với các việc làm tổn phước, đặc biệt như ở đất nước của chúng ta, cộng nghiệp của dân ta cũng nặng hơn dân chúng của nước khác, việc lên đến ngôi cao tột đỉnh buộc anh cũng phải làm việc này, việc khác hao tổn phước đức. Mà ở nước khác cũng thế, chắc gì đã hơn. Tuy nhiên, với cơ chế kiểm soát quyền lực như ở Việt Nam ta, thì việc một người có quyền lực thao túng đủ thứ, để dễ bề tư túi, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, và do đó, cũng làm hao tổn phước đức của người đó một cách ghê gớm.

Có tin đồn tham nhũng ăn cắp, cũng có nghĩa sẽ có tin đồn người ta biết sợ vì những điều đã làm.

Việc tốt dù chỉ một móng tay cũng là đáng kể, việc xấu, dù chỉ bằng móng tay cũng là lớn. Tên cướp dù đã lấy mạng nhiều người, nhưng khi nó muốn cứu một tổ kiến cũng nên được khuyến khích, vì đó là mầm mống của cái tốt đang nảy mầm trong nó, hội đủ duyên thì nó có thể còn cứu được người khác nữa, chứ không chỉ là cứu con sâu cái kiến.

Không có gì nằm ngoài nhân quả, tên cướp rồi vẫn sẽ phải trả quả cho những gì nó đã làm, việc (hô hào trừng trị) đó không phải việc của chúng ta, vì đến Đức Phật còn không can thiệp được vào nhân quả. Những sinh linh hắn ta cứu được, sẽ giúp hắn ta thay đổi nghiệp báo, nhân quả của chính hắn ta. Nếu ai đó đã xem phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân” của Hàn Quốc, sẽ thấy những hành động của vị Thiền sư trong phim rất đáng suy ngẫm. Khi đệ tử của ông, một vị sư trẻ không tránh nổi cám dỗ dục lạc, đã yêu và thậm chí có quan hệ tình dục với một cô gái trẻ do chán đời được gia đình gửi đến chùa; ông đã không trách cứ gì hai người trẻ tuổi đó. Ông chỉ nói một câu: “Đó là bản năng thôi.” Khi cô gái từ giã để về nhà, đệ tử của ông lại tiếp tục đi theo, ông cũng không trách cứ gì cậu ta, và cuối cùng khi cậu ta quay trở lại chùa vì bị truy nã, tội giết vợ (giết chính cô gái đó) – ông chỉ trách khi cậu ta có những hành động xuẩn ngốc ngay lúc đó, chứ lại không trách cứ những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Tại sao vậy?

Vì triết lý của nhà Phật tuyệt đối tôn trọng từng cá nhân và đặc biệt là mầm mống tốt, le lói bên trong của từng chúng sinh. Còn những gì đã diễn ra, “không có gì nằm ngoài nhân quả,” đệ tử của Thiền sư vướng lưới tình, đó là duyên, là nghiệp… rồi do nợ nần, ân oán từ kiếp trước, đặc biệt là cái duyên lung tung cùng nghiệp nặng của cô vợ mà ngoại tình rồi bị chồng giết… Và đến lượt anh chồng phải trả quả, bằng một số năm tù. Anh ta quay lại chùa khi thày đã viên tịch, và bây giờ tiếp tục bước đi trên con đường tu hành vẫn ở ngôi chùa đó. Mùa Xuân lại đến.

Nên bất cứ tên tướng cướp nào đến gặp một vị hòa thượng chân tu nào đó, cũng sẽ nhận được sự yêu thương và kính trọng. Chúng ta cũng vậy, mỗi chúng ta có tốt, có xấu bên trong mình, nhưng trước cửa Phật, chúng ta được kính trọng như bất cứ ai.

Tất cả là bình đẳng.

Do đó, phản ảnh các hiện tượng tiêu cực của xã hội là cần thiết để xã hội có cơ hội tốt đẹp hơn. Nhưng điều cần thiết hơn nữa, là việc phản ánh phải là sự phản ánh có hiểu biết, không phải mù quáng và cực đoan. 

Lộn lại Facebook lối này

No comments:

Post a Comment