Monday, October 9, 2017

“Đúng lộ trình”

Có những người bạn mà chỉ vài năm mới gặp lại nhau một lần, thậm chí chỉ gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho nhau. Tuần trước tôi gặp lại một người bạn như thế…

H. kém tôi ba tuổi, nhưng hai anh em vào cơ quan nhà nước đi làm cùng một lứa, nên chơi với nhau vừa như bạn thân, vừa như anh em. Thời những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước mới mở cửa, các thành phần kinh tế sôi động làm ăn, trong khi chúng tôi là cán bộ trong biên chế, cuộc sống chỉ biết có đồng lương nên điều kiện sinh hoạt eo hẹp lắm. Gặp nhau trong một lần đi làm thêm cho một công ty – công việc chỉ kéo dài vài tuần, cũng đủ thấy ở nhau những phẩm chất tốt đẹp và quý nhau chân thành.

Thời đó, H. mới có con nhỏ, vợ chồng trẻ còn chưa có nhà riêng trong khi quê ở cách Hà Nội cả trăm ki lô mét, bố mẹ già yếu phải về chăm hàng tuần…Dù khó khăn như thế nhưng H. rất yêu đời, yêu quý vợ con hết mực. Lọc cọc chiếc xe máy cũ, H. chạy khắp nơi kiếm việc làm thêm ngoài giờ, nhưng nụ cười luôn luôn thường trực trên mặt cậu ta bất chấp cuộc sống nhọc nhằn. Chắc tôi chẳng bao giờ quên nụ cười rất hiền của H. mà tôi thường ví với nụ cười cũng cực hiền của nhạc sỹ Phạm T. Ngay cả cái vẻ bề ngoài của cậu ta cao cao, gầy gầy lòng khòng cũng rất gợi nhớ đến vị nhạc sỹ đó…

“Ra ngoài” làm doanh nghiệp, tôi vẫn luôn nhớ tạo điều kiện để H. có được những hợp đồng tư vấn phù hợp chuyên môn của cậu, ngoài ra “tiếng lành đồn xa” H. cũng có nhiều hợp đồng từ những đơn vị khác nữa. Cuộc sống đã đỡ khó khăn hơn nhiều, H. xây được nhà ở thành phố, xây lại được nhà cửa khang trang cho bố mẹ ở quê…

Cách đây khoảng 5, 6 năm, H. có báo với tôi cậu được vào diện “quy hoạch,” rồi điều đó thành sự thật, cậu ta được bổ nhiệm phó phòng trên cơ quan cấp Bộ. Bản thân vị trí đó cũng thuộc loại có nhiều “bổng lộc” nên chắc chắn thu nhập của cậu ta cũng sẽ khác. Bẵng đi một thời gian, có lần gặp người quen chung, anh này kể vừa lái xe đưa H. đi công tác, cậu ta có dắt theo một cô “bồ…” Bây giờ H. uống rượu như nước lã, uống vào mắt long lên và uống một lúc quá đi, cậu ta bắt đầu quậy phá. “Đòi” bằng được đối tác dẫn đi “hát hò tệ nạn,” nhân hơi men trong người cậu ta quậy tung cả quán xá, chọc ghẹo các em tiếp viên bằng đủ trò. Tiền, cậu ta tiêu như nước, tung ra “bo” cho các “em út” cứ hàng xấp, hàng xấp…

Đó là bối cảnh trước cuộc gặp uống cà phê của tôi với H. tháng trước. Gặp lại, hình dung bề ngoài của hai người bạn cũ đã khác hẳn thể hiện sự khác biệt quá nhiều về vị thế xã hội. Tôi ăn mặc xuềnh xoàng, đi cái xe máy cũ lọc tọc, còn H. thì ăn mặc chải chuốt, đi ô tô và điều quan trọng nhất là đã được “trang bị” một cái bụng thật là phệ, tròn xoe. Trông cậu ta bệ vệ hẳn lên, không còn “H. cò hương” ngày xưa nữa.   

Chuyện đi chuyện lại, chuyện công việc, xã hội, người quen cũ… cuối cùng cũng nói đến gia đình, cuộc sống riêng, chuyện vợ chuyện con. H. bỗng thở dài: “Vợ chồng em bỏ nhau rồi anh ạ…”

Tôi vừa thẫn thờ, vừa hốt hoảng… “Sao lại thế?” Chưa bao giờ lại nghĩ một cặp đẹp và hạnh phúc như hai bạn này, lại có thể vỡ. Cô vợ của H. hiền lành, tốt nết, tuy không phải sở hữu sắc đẹp chim sa cá lặn gì nhưng cũng có thể coi là mặn mà có duyên. H. lại hết mực yêu thương vợ con – có lẽ đây là một điều khó tưởng tượng nhất trong câu chuyện về H. Thế mà nó đã xảy ra!

H. kể lại cuộc đời mình từ khi lên tổ trưởng rồi phó phòng, chức vụ gắn liền với quyền lợi, bổng lộc. Có nhiều tiền hơn, H. cũng lợi dụng tiền bạc như một công cụ hữu hiệu để mở rộng quan hệ và đặt cả quan hệ lên các cấp cao hơn, với các “sếp.” Các cuộc nhậu nhẹt bao giờ cũng được “mở rộng” đến “chương trình hai” “chương trình ba” thâu đêm suốt sáng; không những thế tần suất của chúng ngày một dày đặc. H. đi tối ngày, không còn thời gian để quan tâm đến gia đình, vợ con, cậu ta thậm chí còn không biết con học lớp nào ở trong trường, chỉ biết con học trường đó, trường đó, và may quá, còn nhớ được con mình học lớp mấy…

Được một thời gian, theo “trào lưu” cậu ta cũng học các bạn cùng cơ quan và cả các đối tác làm ăn, “nuôi” một cô sinh viên. Thông qua một người bạn cũng đang “nuôi” một cô sinh viên và giới thiệu cho H. cô bạn học của mình, H. cũng thuê một căn nhà theo nguyên tắc “gần trường, xa nhà, xa cơ quan” để xây dựng cái gọi là “phòng nhì.” Buổi trưa H. không về nhà ăn cơm nữa, cũng không báo cơm bếp tập thể mà về nghỉ trưa cùng cô vợ hờ sinh viên.

Đây là cái mốt thịnh hành được cả chục năm nay rồi, mà chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Nhiều em gái sinh viên thích được chu cấp đầy đủ, có đồ hiệu dùng nhưng lại ngại lao động, chấp nhận làm vợ hờ của các anh cán bộ, doanh nhân mất nết. Rồi khi nào ra trường, đủ lông đủ cánh có thể các em sẽ biến…

Ngoài cô vợ hờ sinh viên, H. còn có đôi cô bồ nữa. Có cô là cháu một “sếp” rất to tận trên trung ương, thích cái mẽ ngon lành lại có tiền, có chức của H. mà gắn vào nhau. Đây chính là cô gái đi công tác cùng, được anh bạn chung của tôi và H. kể lại trên đây.

Chuyện gì phải đến – đã đến. Con lớn của H. không thể thi được vào lớp 10, đành phải học một trường dân lập “vừa đắt vừa hư,” và bản thân cháu cũng chán học đến cùng cực, vì đã quá đuối. Vợ H. mãi thì cũng biết được cái kim trong bọc nó lòi ra nhọn như thế nào.

Họ chia tay, hai con trai mỗi thằng một ngả, đứa theo mẹ, đứa theo cha (cũng chưa đến nỗi phải xuống biển lên rừng!) Nay H. mua căn hộ  khác, ở cùng đứa con trai lớn – cậu ta than lên vì “ông con” đến tầm khó bảo, nhất là hồi nó bắt đầu vào “tuổi teen” là lúc cần nhất lại ít được sự quan tâm dạy dỗ của bố. Cuộc sống của hai bố con không khó khăn về vật chất, nhưng mệt mỏi và đầy rẫy những khó chịu không thể giải quyết được. Đương nhiên là quan hệ của H. với đứa nhỏ, không vì thế mà khá hơn.

Ngồi nói chuyện với H. trong một buổi sáng Chủ nhật mùa hè oi bức, cũng thấy cái oi bức đó nó rõ rệt trong tâm trí của H. Cậu ta như không thoát ra được khỏi tình thế hiện nay, khi mà hóa ra lại không dễ mà tiến tới hôn nhân với những cô bồ vừa mặn nồng ấy, và cậu ta biết bây giờ nếu có “xây mới” thì cũng chưa chắc đã tốt bằng cái cũ đã mất. Mất phương hướng và hoang mang, H. không còn biết tiếp tục ra sao. Hai năm qua, từ khi tan vỡ H. tiếp tục say sưa trong các cuộc nhậu và dấn sâu vào quan hệ “bồ bịch” dù vẫn biết đó không phải cuộc sống đúng nghĩa, mà chỉ là một vũng bùn lầy.

Chuyện của H. nhưng cũng không phải của riêng ai. Tôi có vài người bạn y như H., ngoài ra còn chứng kiến một số câu chuyện tương tự vậy. Dù chưa bi kịch, nhưng rất nhiều người bạn của tôi “biến chất” từ những anh chàng rất dễ thương thời sinh viên, nhưng ra trường đi làm vài năm có chút tiền, y như rằng là thay đổi. “Ăn to nói nhớn, ăn sóng nói gió, mạnh vì gạo, bạo vì tiền” họ có cách cư xử khác hẳn, và cũng dần dần sa vào những tệ nạn giống hệt như bao người khác, từ rượu chè, trai gái bồ bịch… thôi thì đủ thứ. “Tan vỡ” một gia đình chỉ là bề nổi thôi, còn bên trong sâu xa còn rất nhiều chi tiết khác của bi kịch, từ những vết thương lòng khi người ta cáu giận đem tặng cho người bạn đời, đến sự thất vọng của con cái trước sự bỏ bê của người cha, người mẹ…

Người ta hay đổ lỗi cho “cơ chế xã hội” rằng cứ phải ăn nhậu, phải “hát hò”, thậm chí phải dẫn nhau tìm sự đồng lõa trong những quan hệ trai gái ngoài luồng thì mới có thể làm ăn được. Nhưng rõ ràng cũng có rất nhiều người không như thế mà vẫn thành đạt đấy thôi. Viết đến đây, sờ lên gáy tôi thấy lạnh, vì chính mình cũng đã từng như thế, may mà kịp dừng lại trước khi mọi sự đã quá muộn.


Đúng, chuyện không của riêng ai và rất nhiều người đi từ xuất phát điểm đầu tiên nghèo nhưng trong sáng, qua cái guồng điên đảo tiền, tình, quyền lực rồi đến sự đổ vỡ, cũng thật “đúng lộ trình.” Lại nghĩ, không nhất thiết trong sáng phải đi kèm với cái nghèo, nhưng rõ ràng rất cần phải tìm được một câu trả lời cho câu chuyện, rằng có nhất thiết phải như vậy không? Đến một ngày chúng ta sẽ nhận ra rằng, tiền của, quyền lực… rồi cũng sẽ phải buông xuống, để mà ra đi mãi mãi. Vậy thì tại sao chúng ta không buông xuống từ trước đi? Không buông được xuống, ta sẽ tiếp tục mê mờ mà bị cuốn theo dòng đời đầy cạm bẫy và sa ngã một cách “đúng lộ trình.”

Ngồi với H., suýt quên cả hai phin cà phê đã chảy hết chưa uống được giọt nào, nhấp mà thấy đắng ngắt (không khéo cà phê giả trộn kí-ninh!) và an ủi H., rằng đã “hết duyên” rồi thì phải tan, còn duyên thì còn gặp nhau.

Chợt nhớ ra người ta hay nói thế, vin vào đó để buông xuôi, không muốn cố nắm giữ một điều quý giá đang tuột mất. Đầu tiên là phải cố làm hết mình, dành cho điều quý giá mình đang có đó, những gì tốt đẹp nhất. Nếu đã làm như vậy rồi mà vẫn “tan vỡ” thì hẵng đổ tại “cạn duyên…”

Bài trên An ninh Thế giới số cuối tháng 8/2017, bản online tại đây

Bài trên Blog tại đây

No comments:

Post a Comment