Friday, November 24, 2017

“Câu chuyện hèn hạ” thứ hai: dũng khí của người cha

Tặng các con trai và con gái lớp 7A2 Đống Đa

(Bức thư này tôi viết không chỉ cho con trai của mình, mà còn cho tất cả các bạn của con. Sau bao hoạt động chung, tôi đã nhận ra, chúng cũng như con cái của mình, và thực sự thấy yêu chúng.)

Con trai yêu quý,

Ba cứ lần lữa mãi không viết cho con bức thư này. Tuần trước, khi đến nói chuyện ở lớp của bạn An Khánh, gặp một bạn khác thì ba mới quyết định viết…

Ba có hỏi các bạn ở lớp, rằng các con đã có ước mơ gì cho cuộc đời chưa, hầu như các bạn đều trả lời rằng: “Chưa có ạ!” Riêng có một bạn, cũng nhỏ người thôi nhưng đã bắt đầu dậy thì, đẹp trai, là dám trả lời: “Con có rồi!”

Con ước mơ trở thành lính cứu hỏa!

Thật tuyệt vời khi nghe điều đó từ một “chàng trai” gần 13 tuổi, khi mà ba coi các bạn đồng tuổi của con, cũng như con của mình. Thực sự ba thấy xúc động, không phải vì điều đó có gì to tát hay lớn lao, mà nó đã chạm vào điều ba canh cánh trong lòng bấy lâu nay.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được an nhàn, như người ta thường nói là “có điều kiện.” Ngay cả việc mong con mình có được hạnh phúc, thì các bố mẹ cũng thường hiểu chung vào thành một khái niệm: một công việc tốt, thu nhập tốt, không phải là lao động chân tay, không phải làm thợ, công nhân… cao xa hơn nữa, là có địa vị xã hội. Có như thế, thì các con mới có thể có được một gia đình ấm no, vợ chồng xứng đôi vừa lứa, con cái được học hành, khỏe mạnh, lớn khôn, rồi lại tiếp tục tung cánh bay xa…

Đó là những mong ước chính đáng của những người làm cha mẹ, và như ở nước ta thì con đường để thực hiện những mong ước đó, hầu hết với tất cả các gia đình, là con đường học hành. Chính vì thế rất nhiều vị phụ huynh khi nói với con khi con mình học hành chểnh mảng: “Học như thế thì chỉ có nước đi làm công nhân thôi!” “Không học thì chỉ có đi làm công nhân, lao động phổ thông, đi xúc đất, đi hót rác thôi con ạ!”

Ở nhà mình thì ba mẹ, ông bà không nói như thế. Có nói, nhưng không như thế. Chẳng hạn có lần mẹ con nói, ý là chân tay của con lóng ngóng sẽ khó khăn trong công việc của người thợ, như vậy con sẽ khó có thể trở thành người thợ lành nghề được. Do đó việc khuyến khích con học tập là con đường dù sao cũng dễ dàng hơn những việc khác.

Nhưng đó không phải là điều ba muốn nói với con. Con có nhớ có lần ba con mình nói chuyện “Nếu đời gọi tên con” không? Con có những khả năng khác, không nhất thiết phải là học giả, là nhà kinh tế, là doanh nhân, lại có thể không trở thành một người thợ lành nghề. Đó là những nghề cần sử dụng đến khả năng bơi lội của con, như làm một người lính cứu hộ. Ở một số nước, mà ngay cả nước ta bây giờ, lính cứu hộ cứu nạn cũng đồng thời là lính cứu hỏa.

Khi nói trước lớp của bạn An Khánh, với cái bạn có ước mơ trở thành lính cứu hỏa kia, rằng đó là một ước mơ hết sức cao đẹp, vì nó có thể cứu được người khác. Ba cũng nhắc lại câu mà ba nói với con nhiều lần: “Nghề đó cao quý lắm, vì khi có đám cháy, người khác thì chạy ra, còn con thì phải chạy vào.”

Ba đã không hỏi rằng, liệu bạn ấy có đủ dũng cảm để bước chân vào nghề hay không. Nhiều bố mẹ, hay người lớn nói chung, rất dễ buông một câu phũ phàng với con trẻ: “Đồ hèn!” khi chúng không dám làm một việc gì đó. Trên thực tế, tuổi nào cũng có những việc khó khăn không dễ vượt được qua. Với các con, thì những việc khó khăn đó có thể đã là quá khứ với người lớn, nhưng họ chẳng nhớ đã từng phải khổ sở như thế nào để vượt qua khó khăn đó. Thay vì giúp đỡ các con, họ lại phũ phàng và nhiều trường hợp, điều đó làm các con vượt qua được trở ngại, nhưng sự vượt qua đó không phải là vượt qua với dũng khí, mà vượt qua nhờ sự sợ hãi.

Một khi đã vượt qua trở ngại bằng sự sợ hãi như thế, thì ký ức sẽ không bao giờ phai mờ, như một vết thương. Bạn của ba vừa kể câu chuyện tuổi thơ, rằng chú ấy đã từng không dám bước qua “chốt chặn đường” của một anh chàng chuyên bắt nạt – ngay cả khi bố của chú ấy đi cùng. Chú ấy sợ, mai không có bố nữa thì anh chàng ấy càng bắt nạt hơn. Đó là cái sợ chính đáng, nhưng điều mà bố chú ấy làm thì không thỏa đáng. Ông buông một câu đúng như ba vừa viết: “Đồ hèn!”

Con đã hình dung ra được rằng với tất cả những gì ba con mình đã làm cho đến ngày hôm nay, chắc chắn ba sẽ không nói với con như thế. Ba sẽ khuyến khích con tìm cách đi qua mà anh bạn kia sẽ không bao giờ dám và muốn tiếp tục bắt nạt con nữa. Vũ khí con đã được trang bị là sự thân thiện, yêu thương mọi người.

Cách nhìn của ba trong tình huống này sẽ khác: con được khuyến khích đương đầu với “áp bức cường quyền” không phải bằng sự đối đầu, vì dù sao thì con cũng chưa đủ sức, còn lâu mới đủ sức. Ba dạy con nhún mình, hạ cái tôi của mình xuống. Đến đây có rất nhiều người phản đối ba, rằng dạy con như thế là làm “hèn” con mình đi – không phải. Điều khác biệt rất lớn giữa các quan niệm, là việc nhún mình ở đây có lòng thương yêu đằng sau: khi mình đã thương yêu người ta, thì mình nhúng nhường cũng được chứ sao. Ba thì cho rằng, việc đối đầu với bản thân chúng ta, mới là dũng khí, chứ  không phải việc cố gắng hạ gục cái anh chàng nào đó đang đứng cản đường chúng ta kia. Có thể, chính ba cũng sẽ bị coi là “hèn” khi dạy con như thế.

Không phải – ba luôn luôn động viên, khích lệ con, thậm chí vẫn có sự cưỡng ép con làm việc này, việc khác, nhưng không bao giờ nói con là “hèn,” mà bao giờ cũng khen con là đã có cố gắng, thậm chí rất dũng cảm. Trong con mắt của ba, con rất dũng cảm.

Ba cũng nói với các bạn ở lớp An Khánh, rằng bác sẽ trao cho các con chìa khóa vạn năng mở tất cả các cánh cửa, vượt tất cả các trở ngại trong tương lai. Đó là sự yêu thương, có nó các con sẽ vượt qua tất cả.

Nói với anh bạn “lính cứu hỏa” tương lai của chúng ta, ba cảm thấy như nói với con trai của mình. Vỗ vai anh bạn nhỏ như một người ngang hàng, ba không hỏi có đủ dũng cảm để làm nghề không, mà mặc định là có; ba đặt lòng tin vào anh bạn nhỏ, tin chắc anh bạn sẽ làm được.

Với con cũng vậy, ba sẵn sàng khuyến khích con chọn những nghề khó khăn, như đã từng trò chuyện với nhau: “Nếu đời gọi tên con, hãy đừng từ chối!” Một nghề có thể không nhiều tiền, không được gần gia đình thường xuyên, thậm chí luôn luôn có những hiểm nguy rình rập, đe dọa tính mạng… Nhưng nếu ai cũng chê bai nó, thì ai sẽ gánh vác công việc đó bây giờ?

Nếu bây giờ ba được quay lại quãng đời tuổi trẻ, và nếu “đời gọi tên ba” thì chắc là ba cũng sẽ chọn một con đường khó khăn. Không nhất thiết phải có một cuộc sống an nhàn, đầy đủ vật chất thì mới là hạnh phúc, và do đó cũng không nhất thiết phải chạy theo những quan niệm rằng thế nào là khôn ngoan và khờ dại.

Điều khó khăn nhất của ba, là thay vì khuyến khích con cố mà đạt được những địa vị nào đó, những công việc nào đó đủ đầy vật chất trong tương lai, thì nay là đủ dũng khí dẹp bỏ những ham muốn đó, để sẵn sàng đón nhận những lựa chọn, sẵn sàng bước chân vào những con đường khó khăn.

Với ba, đó chính là dũng khí, “dũng khí của một người cha.” Thế nhé, chào con trai.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment