Monday, December 18, 2017

Xây lâu đài trên cát


Tui hình dung việc nuôi dạy con trẻ nó giống như việc xây một cái nhà. Phần móng nhà, phải được dựa trên hai yếu tố sau làm nền tảng:

1. Thể chất. Sức khỏe quá quan trọng, không có sức khỏe, chẳng thể làm gì được.
2. Đạo đức. Ta có thể gán tất cả các thứ đang được gọi là “kỹ năng sống” vào trong này cũng được. Cách cư xử của các bạn nhỏ với những người xung quanh thì dễ hiểu, nhưng cách sống tự lập, kỹ năng lao động... cũng cho cả vào đây là phù hợp.

Từ cái móng nhà đó, việc cho con HỌC CHỮ hay rẽ nhánh sang hướng khác, như HỌC NGHỀ (lao động mang tính chân tay một chút, kinh doanh buôn bán) được coi như xây cái nhà lên trên hệ thống móng nhà.

Móng nhà mà yếu, nền đất được chuẩn bị không tốt, thì càng chất đống vật liệu lên trên, nhà càng nặng, càng dễ đổ. Nói như vậy để các bố mẹ dễ hình dung. Tui ví dụ tiếp, các CLB học này học khác... thì ngoài việc cho các bạn rèn luyện một số kỹ năng như lao động, hay thể chất nhưng thường là không nhiều, còn lại nhiều CLB lại đưa ra cách tiếp cận là giúp cho các bạn nhỏ có cách học khác đi so với chương trình học ở trường, nghĩa là vẫn nằm trong phần ngọn, phần xây nhà, chứ không phải là phần nền móng. Hay đưa các bạn đi chơi dã ngoại, trải nghiệm nhiều... cũng rất tốt, đặc biệt là các hoạt động như Hướng đạo sinh thì giúp các bạn học được kỹ năng sinh tồn (chất lượng như thế nào thì còn phải bàn nhiều) nhưng nó không thay thế được sự giáo dục đạo đức một cách có hệ thống, thống nhất và từng bước bài bản, mà gia đình đóng vai trò quan trọng nhất và cũng không thay thế được sự rèn luyện thể chất thường xuyên, cũng một cách có hệ thống và kéo dài trong một thời gian đủ lâu. Mọi hoạt động như thế có tính giải trí là chính, cũng giúp các bạn nhỏ mở rộng quan hệ, có sự va chạm xã hội nhưng những bài học trong nó thường mang tính “vá víu” nhiều hơn là việc may một cái áo hoàn chỉnh.

Không gì thay thế được vai trò của bố mẹ và gia đình, vì chỉ có bố mẹ và gia đình mới làm được việc chuẩn bị nền móng và xây nhà trong một thời gian dài đến thế (cứ cho là 18 năm đi.) Nếu bạn cho rằng mình bận, phó thác con cho nhà trường và một số các nhóm kinh doanh giáo dục thì bạn cũng chuẩn bị luôn cho việc ngôi nhà đó sẽ đổ là vừa.

Năm nào có chuyện anh tiến sĩ học nước ngoài về hành hạ mẹ của mình vì nhà cửa hay chăm sóc gì đó. Lại có chuyện cậu thạc sĩ học Đài Loan về, mẹ nghèo bán sạch đủ thứ cho cậu ta đi học, được thời gian không xin được việc, tự tử chết. Còn những tấm gương tày liếp học nhiều quá bị dở hơi thì cũng chẳng thiếu. Ở bể bơi chỗ tui thường cho trẻ con ra tập, có cậu người to đùng, ngày nào cũng đi bơi nhưng nói lảm nhảm là chính, thái độ cư xử rất kỳ lạ. Đi xin nước của người khác uống, rồi nhổ bọt vào trong chẳng hạn… Đó là những ví dụ của việc xây nhà rồi đổ kềnh, đổ sụp, hoặc ít nhất sạt mất một góc…

Vài chữ vậy thôi, ngõ hầu các ông bố bà mẹ trước hết xây dựng được cho mình một kế hoạch, một lộ trình, một con đường phù hợp – như xây cái nhà cần có bản thiết kế rồi mới có kế hoạch chào thầu, mua vật liệu, tổ chức xây ấy mà.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment