Tuesday, January 2, 2018

Tiễn bạn lên đường

Buồn. Một nỗi buồn nhẹ nhẹ, thoang thoảng và có chút tiếc nuối. Mẹ của Nhi Bá tưởng ba bạn ấy ôm một nỗi buồn to lớn lắm, an ủi: “Đời vô thường cả mà…”

Chắc chắn là phải buồn rồi, khi mà chúng ta mất đi một người bạn, một trong số những người bạn gắn bó với chúng ta cả một thời tuổi trẻ sôi nổi, bồng bột nhưng trong sáng. Ta thấy như mất đi một mảnh cuộc đời, mà sẽ không có gì bù đắp lại được. Cũng vẫn biết tất cả chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải nói lời giã biệt.

Hôm qua tiễn bạn ra ngoài cánh đồng, gọi là cánh đồng nhưng xã đã lên phường, và nghĩa trang đã bị vây kín bởi những dự án chung cư. Nhìn những vòng hoa trắng mà cứ băn khoăn, tiếc cho một người bạn đã nhanh chóng khép lại chương cuối cuộc đời của mình, mà nếu cho làm lại, chắc là bạn sẽ cần một khởi đầu khác và một con đường khác.

Tối hôm trước lễ tang, ngồi nói chuyện với Nhi Bá về người bạn ấy, vì biết rằng con trai sẽ rất dễ… không yên tâm. Cậu ta tốt bụng, và quan tâm đến mọi người. Một sự ra đi như thế, con trai sẽ không thể không có những câu hỏi về người mới ra đi.

“Chú Hà thế là chưa kịp lấy vợ hả ba?”

“Chưa con ạ.”

“Sao vậy hả ba? Có lý do nào không?”

“Chú ấy cũng gặp nhiều người, cũng được giới thiệu nhiều người khác nữa… nhưng tất cả đều không thành công, đám cưới chưa bao giờ có được. Ba sẽ kể với con đôi chút về chú ấy, không phải để nói xấu, hay gì đó. Dù sao thì chú ấy cũng đã ra đi rồi, nhưng cuộc đời của chú ấy nếu biết cách học hỏi, cũng sẽ để lại cho chúng ta nhiều bài học.”

Chú Hà từ ngày còn trẻ, đã nổi tiếng là lười và thụ động. Con thử tưởng tượng cái xe máy chú ấy đi, đầu tiên là mất nửa cái hộp xích dưới vì nó rơi mất con bu-lông, cũng không vặn lại được. Sau đó là cái xích nó chùng thõng xuống tận đất, cũng không đi mà căng nó lên. Đến cái mức mà, ba bực quá, lôi xe của chú ấy ra căng xích. Không chữa đi, thì có ngày chú ấy sẽ bị tai nạn.

Trong việc mặc cũng thế, chú ấy mặc những cái áo sơ-mi hàng tuần không thay, và cũng rất lúi xùi. Chúng ta đã qua cái thời chỉ mong “ăn no mặc ấm” rồi, nay quần áo đã rẻ hơn trước. Ba không nghĩ là chúng ta cần quần là áo lượt gì, đủ là được, nhưng cũng không nên quá luộm thuộm, thậm chí với mẹ các con và tuổi trẻ của các con, ba ủng hộ việc ăn mặc diện một chút, trong khả năng của mình và gia đình mình.

Về rèn luyện thân thể cũng vậy, chú Hà không hề có một chút luyện tập nào hết, nên không có sức khỏe. Khi người ta không khỏe thì kể cả lao động trí óc cũng khó minh mẫn, đồng thời cũng không đáp ứng được nhịp điệu lao động cường độ cao của thời hiện đại. Tính lười của chú ấy không chỉ về luyện tập, mà còn từ góc độ lười lao động, ở đây chính là khiếm khuyết của giáo dục đấy con ạ.

Ba mẹ thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện cho các con tập làm việc chân tay, tức là học lao động. Lao động không chỉ làm cho con người khỏe mạnh hơn, mà còn làm cho chúng ta có kỹ năng khéo léo, và thật ra là sẽ thông minh hơn và không ngại việc. Đã làm được các việc lao động chân tay, thì sẽ làm tốt được các việc lao động trí óc.

Chú Hà thì không đụng chân đụng tay làm việc gì cả, do đó chỉ có thể làm được những việc đơn giản, như đến khi cuộc sống khó khăn chú ấy chỉ có thể… úp được mì gói là hết. Thế nên chú ấy không tự chăm sóc được bản thân, hoặc có cũng không đầy đủ. Việc này phải được rèn luyện từ nhỏ trong gia đình, thế nên các con cũng đã được ba mẹ hướng dẫn cho làm các việc nhà, đó là cách rất tốt để các con sau này yêu lao động.

Con có thấy cô chú người nước ngoài ở thuê cạnh nhà mình không? Họ học cao, tiến sĩ cả rồi nhưng rất thạo việc và chăm chỉ, vì nhiều người trong số họ còn học thêm nghề phụ mang tính chân tay. Gần là tự làm – cô chú ấy tự sửa nhà đấy con và xa hơn là khi không làm được nghề chính, ta có nghề phụ để sinh sống. Bây giờ nếu ba làm thợ điện, hoặc sửa xe máy… chắc chắn ba sẽ sống được và thậm chí đủ nuôi các con ăn học, tuy có thể phải tằn tiện hơn. 

Ba sẽ nói thêm với con một chút về lối sống – việc lao động hay rèn luyện thân thể, cũng chỉ là một phần của lối sống. Chú Hà như thế là chưa đủ kỷ luật để bắt mình làm việc này, việc khác mà sẵn sàng chấp nhận bỏ cái điều hay ho nào đó, chỉ để nhàn thân. Nhưng bù lại, chú ấy lại buông thả cho những thú vui có hại, như hút rất nhiều thuốc lá, uống thật nhiều cà phê đặc mà bỏ cả ăn uống… con thử hình dung như vậy thì sức khỏe ngày một suy giảm chứ.

Ba cũng đã kể cho con nghe về thời gian ba sống một mình khi đi học ở nước ngoài rồi nhỉ: sáng dậy sớm tập thể dục, rồi tự chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa. Chiều tan học đi chợ, về nấu nướng, ăn uống đúng giờ, mọi thứ sắp xếp gọn gàng mới học tập được. Ba còn tự ép mình ăn những món không thích, nhưng phải ăn vì không đủ chất sẽ ốm. Xa nhà một mình, ốm thì khổ lắm con ạ.

Tất cả những điều đó đã làm chú Hà có lối sống tiêu cực. Cả ba, chú Tuấn và chú Hà, công việc đều khó khăn vào cùng một thời điểm. Chú Tuấn chuyển hướng và bây giờ rất thành công, ba cũng vậy, tuy chưa thành công nhưng bước đầu đã khẳng định được mình cũng có khả năng làm tốt được việc đã chọn. Nhưng chú Hà thì không, chú chọn một cuộc sống tiêu cực…

Vậy đấy con ạ, mấy ngày vừa qua ba đã rất buồn, vì mất đi một người bạn. Ba con mình đều biết là ai cũng sẽ đến lúc phải ra đi, nhưng dù sao sự ra đi như thế cũng là quá sớm.

Do đó, buồn có buồn, nhưng vừa vừa thôi. Cái lớn hơn, là một niềm nuối tiếc. Cuộc sống không bao giờ có “giá như,” vì thời gian và cơ hội đã qua không bao giờ lấy lại được. Nhưng với chúng ta, những người còn sống, thì cần phải có những suy nghĩ khác.

Người Á Đông thường có quan niệm không nói xấu về người đã khuất, đây là một phong tục tốt đẹp, nhưng cũng chính vì thế, có nhiều bài học chúng ta sẽ bỏ qua mà không học được. Chúng ta cần nhìn lại một cách tỉnh táo và khoa học hơn, là chỉ không nên nói về người đã khuất khi mình ghét, hận thù người ta thôi, chứ nếu nói chuyện về họ với một lòng yêu thương, để mà rút kinh nghiệm thì rất nên – như thế không phải là người đã khuất vẫn giúp đỡ được chúng ta à? Sự ra đi của họ, lại giúp chúng ta sửa được nhiều điều không tốt có thể chờ đợi chúng ta trong tương lai.

Chúng ta không cần sống lâu, nhưng nên sống có ích cho mọi người, sống làm sao để cuộc đời của chúng ta không vô nghĩa, và phải khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn cho đến lúc chết…

Đoạn viết thêm. Khi đưa bài này lên mạng xã hội, có một bạn đọc hỏi: “Nếu Nhi Bá không hỏi, bạn ba hư vậy sao ba vẫn chơi thân? Ba trả lời thế nào ạ?” Thì ba Nhi Bá rất tin tưởng, rằng những câu chuyện của cha và con, đến nay đã được sáu, bảy năm… Nhi Bá đã có những nhận định rất chín chắn, người lớn bên cạnh những điều còn cực kỳ… gà tồ. Nhưng chắc chắn bạn ấy sẽ không nghĩ chú Hà là một người bạn hư.

Và ba của Nhi Bá trả lời: “Bạn ấy (chú Hà) không hư. Bạn ấy chỉ thiệt thòi thôi.” Kể lại điều này cho hai bạn nhỏ nghe, không chắc các con có hiểu không. Cha mẹ làm cho con cái, không chỉ là cho ăn, cho mặc, cho đi học chỗ này chỗ kia… mà còn có cả những lần chúng ta cùng dọn nhà với nhau, cùng tập chạy, nhảy dây, đi cắm trại, những điều cha mẹ hướng dẫn các con làm, để sau này các con sẵn sàng tung cánh bay xa.


Cha mẹ không dạy được cho con những điều đó, thì những người con đó thật thiệt thòi…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment