Monday, January 8, 2018

Vụn vặt 59. Nước da cô hoa hậu

Một. Tháng trước lên thăm lại Hồ Ba Bể, đi qua cái nhà ký túc xá của chương trình “Cơm có thịt” xây tặng các cháu người dân tộc ở mấy thôn vùng cao xã Nam Mẫu, để trọ học đỡ phải đi xa.

Ngã ngửa ra, là nó đang được khai thác không hết công suất, nôm na là khá phí phạm. Các cháu không thích ở, mặc dù rất… thích cái nhà. Tại sao vậy? Vì nếu cháu nào vào ở (miễn phí) thì ô tô ma tích bị cắt đi một khoản tiền trợ cấp. Còn khoản này, các cháu ở trọ nhà dân, rồi cố tiết kiệm ăn mì gói, thì còn dư ra một khoản dù chỉ vài chục nghìn, hỗ trợ gia đình.

Lỗi chẳng của ai cả, cả chính quyền, cả các cháu, cả chương trình “Cơm có thịt.” Nếu nhà ký túc xá mà xây được đủ cho tất cả các cháu, sẽ không có chuyện như vậy – chúng ta sẽ tìm cách đề nghị cho các cháu vẫn được hưởng tiền trợ cấp mà vẫn được ở miễn phí. Mình tin là “Cơm có thịt” thừa sức xây được số nhà đủ đến thừa ra như thế, nhưng không hề dễ, chuyện ở đây là ở quỹ đất vùng miền núi. Đến làm được một cái còn khó khăn, nữa là nhiều cái. Chừng nào mà không đủ, thì chính quyền bắt buộc phải áp dụng biện pháp trên đây để duy trì một sự công bằng tương đối nào đó. Đến đây mời bạn đọc suy nghĩ tiếp.

Hai. Mình quen nhà báo Đào Tuấn chính trong lần đi lên Hồ Ba Bể để xử lý khúc mắc về đất, cát mới có mặt bằng mà xây cái nhà đó. Việc không đơn giản vì đó là vùng lõi Vườn quốc gia, quy chế bảo vệ không biết có nghiêm ngặt hay không nhưng chắc chắn là nhiêu khê. Cuối cùng cũng giải quyết được xong.

Từ bấy đến giờ thành bạn Facebook với nhau. Tầm mình tẹp nhẹp, chứ anh Đào Tuấn thì là “hot” trên mạng, may mà có vụ đó chứ chắc cũng khó làm quen được với nhau. Lại từ qua đến giờ, anh Tuấn đã hót lại càng hót vì vụ bình luận nước da của cô hoa hậu.

Chuyện đó là vấn đề của anh Đào Tuấn, mình không quan tâm lắm.

Ai cũng biết mình học Phật, do đó mình quan niệm “không có người xấu, chỉ có người làm việc làm xấu.” Thôi không làm việc xấu nữa, thì ai cũng có quyền vẫn là người tốt. Chuyện làm việc này, việc khác không vừa ý người xung quanh cũng là bình thường, và ai cũng có quyền giữ quan điểm của mình về chuyện đó. Nhưng ai cũng có quyền quay lại.

Dũng khí của con người nói chung, của đàn ông nói riêng không chỉ ở chỗ dám đương đầu với những tiêu cực nghịch cảnh xung quanh, quan trọng nó nằm ở chỗ dám nhận ra sai sót và nhận lỗi. Đó là khả năng chiến thắng bản thân mình.

Hãy dành cho bất cứ ai một cơ hội để người ta làm việc đó.

Ba. Cũng nhờ có “Cơm có thịt” mà mình quen nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Nhớ vụ “người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh” anh Tiến sau khi tưởng họ là những kẻ xấu khi giết cán bộ, chiến sĩ biên phòng của ta, đã rút status và viết status mới xin lỗi cộng đồng mạng bạn của anh. Anh nhận ra họ, những người Tân Cương đang tìm đường thoát khỏi đất nước Trung Hoa cộng sản, mới chính là những người đáng thương. Đó chính là dũng khí của người đàn ông, dám làm, dám chịu, dám nhận lỗi và xin lỗi, đáng được học tập.

Bốn. Cũng nhờ Facebook mà làm quen anh Châu Đoàn, một người cũng rất đáng được học tập. Anh Châu cá tính mạnh mẽ, nhưng hướng ngoại. Mình trước đây cũng vậy, bây giờ nhận ra cần hướng nội nhiều hơn. Anh Châu đề xuất trẻ em cần được học võ để khỏe mạnh, tự bảo vệ mình và bảo vệ người yếu hơn, đây là một quan điểm rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên mức cao hơn của nhiệm vụ này, là rèn luyện tính hiền hòa và yêu thương đồng loại, nhờ đó trẻ con mới tránh được va chạm. Ngăn là phải ngăn từ gốc rễ. Trẻ hiền hòa, nó được an toàn hơn nhiều so với trẻ hung hăng.

Năm. Bác luật sư Trần Quốc Quân bên Ba Lan kể về vài gia đình có đất rộng trong thành phố do được thừa kế, bây giờ số tiền lên đến hàng trăm hàng nghìn cây vàng, nhưng vẫn chăm chỉ làm lụng, đến mức đầu tắt mặt tối. Người vẫn giúp việc trông con, người vẫn làm xe ôm, nhà vẫn cặm cụi làm nông nghiệp trồng rau.

Mình tâm đắc với câu của một Đạo hữu: chính người tưởng là có điều kiện hơn người khác, mới là người khó khăn và đáng thương hơn người khác. Hưởng phước nhiều thì khó tu. Hưởng phước ở đây là cả về tiền của lẫn học hành chữ nghĩa.

Ai đã tiếp xúc với Cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (ảnh), chăm chú nghe cụ nói, rồi chiêm ngưỡng lượng sách của cụ viết và dịch ra tiếng Việt, sẽ thấy cụ có một trí tuệ tầm cỡ như thế nào. Nhưng chỉ cách đây vài năm, tức là ngót nghét trăm tuổi rồi, cụ vẫn có thể đi cày ruộng được. Ở chùa Viên Minh chỗ cụ, người ta giấu cái cuốc của cụ đi, thế là cụ không làm được, đến mức chẳng buồn ăn cơm. Cái cuốc lại được đưa ra, cụ lại ra cuốc vườn và mọi chuyện lại êm đẹp.

Không cứ người Việt, mà khắp thế giới con người đang trong tình trạng thoái hóa – lối sống hiện đại gần vật chất làm cho con người xa rời lao động. Ở Việt Nam còn nặng hơn, ngoài xa rời lao động con người còn xa rời cả vận động, một bước lên xe máy, đi 500 mét cũng gọi taxi.

Con đường của người hưởng phước về tiền của và con đường của người muốn giác ngộ và giải thoát, hoàn toàn khác nhau. Tất cả các quan niệm đều đúng, từ góc độ thế tục thì chúng ta thấy những người chẳng màng vật chất, vẫn hì hục lao động là khổ, nhưng biết đâu người ta thấy thế mới là sướng.

Sáu. Chúng ta nhiều khi quen dánh sự yêu thương, lòng trắc ẩn, từ thiện… cho những người yếu thế hơn, và thiếu yêu thương với những người có điều kiện hơn. Như anh Đào Tuấn, chắc chắn là người tốt, vì rất nhiệt tình với những chương trình từ thiện; nhưng lại cay nghiệt với hoa hậu.

Thực ra lòng yêu thương cần phải được giành cho tất cả, kể cả cái cậu Hải Dương nào đó mới đứng đầu vụ giết mấy người một lúc ấy. Nghiệp chướng đều nặng cả, cả những nạn nhân lẫn cậu ta.

Tất nhiên yêu thương và công bằng còn phải được giành cho cả hoa hậu lẫn ban giám khảo nữa.

Bảy. Những quan niệm của Đạo Phật thực ra là khó nghe, nhưng từ góc độ của người học Phật, mình vẫn cho rằng mọi người luôn đúng nếu xét trên tiêu chuẩn thế tục, nhưng với người học Phật nhìn nhận thì vẫn vậy – chỉ khác về cách thức xử lý vấn đề mà thôi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment