Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, September 13, 2018

Chuyện “Ba ba bỏ bể” và “quả bứa”

Con cá trê này
đủ phá nhà chưa?
Từ hồi bé tí tôi đã rất mê hai cuốn liền nhau là “Quê nội” và “Tảng sáng” của nhà văn Võ Quảng. Nhờ chúng mà tôi luôn cảm thấy con sông Thu Bồn như quê mình vậy. Nhưng lần này tôi sẽ nói chuyện khác: Ba ba bỏ bể. Tôi xin trích nguyên một đoạn trong “Quê nội,” về chuyện mấy chú bé đi học lớp đồng ấu:

“Thầy Lê Tảo dạy cho thằng Cù Lao học chữ a rồi đến chữ b. Sau đó nó học chữ o, chữ ô. B ghép với a thành ba, b ghép với o thành bo, thêm dấu hỏi thành bỏ. B ghép với ê thành bê, thêm dấu hỏi thành bể. Thầy bảo đọc: Ba ba bỏ bể. Thầy Lê Tảo bảo tôi: – Trước đây, mày học đến vần tr. Tr ghép với ê thành trê. Mày đã học vần ph. Ph ghép với a thành pha, thêm dấu sắc thành phá. Thầy bảo đọc: Cá trê phá nhà. Thằng Cù Lao đọc trọ trẹ, ba ba bỏ bể nghe như ba ba bò bể. Cả lớp cười ồ. Thầy Lê Tảo quát: – Cười cái gì! Đọc to lên đi! Tất cả chúng tôi nổi rống như ễnh ương. Miệng đọc nhưng mắt vẫn liếc về phía thằng Cù Lao. Ra về, thằng Cù Lao bảo nó chưa hề thấy người nào bắt được con ba ba lại đem thả xuống bể. Hễ bắt được ba ba, là phải làm thịt để chén. Ba ba nấu với lạc ăn rất ngon. Tôi hiểu câu “ba ba bỏ bể” có một nghĩa khác. Nghĩa là ba ba khi rơi xuống đất phải nát ra từng mảnh. Bể có nghĩa là nát, là vỡ ra. Thằng Cù Lao có vẻ chưa thông vì nó biết cái mai của ba ba rắn lắm. Tôi tiếp luôn: – Nếu thả rớt không bể, thì phải ném thật mạnh. Mai nó phải bể toang ra chớ! Thằng Cù Lao còn quả quyết là nó biết tất cả những loài bơi lội dưới nước. Cá trê không bao giờ phá nhà cả. Tôi phân tích cho nó thấy giống cá trê thường thích chui rúc trong hang. Lúc lụt to, cá trê sẽ chui vào các lỗ cột. Cột nhà bị long, nhà phải ngả. Cách giải thích của tôi cũng chưa thoả đáng. Rốt cục chúng tôi phải tưởng tượng một con cá trê to bằng cái đình làng, có đôi ngạnh to bằng cây cột. Nó lách đến đâu thì nhà cửa sụp đổ đến đó. Có một con cá trê như vậy nom cũng rất lạ. Dần dần chúng tôi tin nhất định phải có một con cá trê to như vậy. Câu chuyện đến tai chị Ba. Chị Ba giảng giải: – Ba ba là ba ba. Bỏ bể là bỏ bể. Đó là những chữ riêng rẽ không dính dáng chi nhau cả. Cũng như cá trê là cá trê, phá nhà là phá nhà. Những chữ đó không ghép thành câu mà chỉ để đánh vần. Chị đã học những chữ đó trong quyển quốc văn lớp đồng ấu. Nghe chị Ba giải thích xong, chuyện ba ba, cá trê chẳng còn thú vị gì nữa. Cách giải thích của chị Ba đã quét sạch cái màn sương kỳ diệu bao phủ chung quanh cái kỳ lạ. Những chữ “ba ba bỏ bể”, “cá trê phá nhà” bỗng chốc hoá trơ trụi, khô héo, không có ý nghĩa gì nữa.”

Cách dạy trẻ con này như thế đã có từ tám mươi đời, chẳng phải bây giờ mới có. Ông tôi kể ngày xưa học Tam tự kinh, hay cả Kinh thi, lúc vừa học trẻ con đã biết chữ Hán Nôm nào đâu, do đó cũng chẳng giải thích nghĩa ngữ gì, mà cứ học vẹt vậy thôi. Mà ngẫm ra, những cái “quan quan thư cưu, tại hà tri châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” thì có giải nghĩa chúng cũng chẳng hiểu, hiểu cũng chẳng nhớ được, thế mà cũng dám dạy cho trẻ con.

Thật ra cách tiếp cận này, có căn cứ của nó. Đạo Phật hay Nho giáo, đều là những hệ thống giáo dục vĩ đại được đặt nền móng và xây dựng bởi những bậc thánh nhân với trí tuệ vượt không – thời gian. Những bậc đó bằng tuệ giác của mình, đã nhận ra điều quan trọng của giáo dục không phải là dạy chữ, tức là nhồi nhét kiến thức, mà làm sao để “khai mở trí tuệ.” Cái đầu của con người bằng quả bưởi là cùng, làm sao nó chứa được đủ thứ mà cứ hăm hăm nhồi kiến thức, do đó quan trọng là dạy cho trẻ con cách tư duy mở, sẵn sàng mở lòng để tiếp thu kiến thức mới, chứ không phải cố chất cho thật nhiều.

Khoa học cũng chứng minh rằng con người mới chỉ khai thác được 3% năng lực não bộ, vậy 97% còn lại đâu mất rồi? Vẫn ở đó thôi, nhưng nó như nằm trong cái vỏ hồ đào cứng, không đập vỡ thì không được giải phóng. Vỏ hồ đào đó là tham sân si, ái ố hỉ nộ, là ngã mạn kiêu căng, là thành kiến, biên kiến… không chịu học tập để tiếp thu thêm cái mới, và cả cái cũ nhưng đúng đắn hơn.

Quay lại với câu chuyện “Quả bứa” trong sách CNGD của cụ Hồ Ngọc Đại bị tranh cãi mấy tuần nay, ngay cả Phật tử theo Đạo Phật cũng hoang mang trước tính “phản giáo dục” của nó. Nếu đã học Phật, chắc hẳn đã phải học về giáo lý “Tứ y” của Đạo, trong đó có “y nghĩa bất y ngữ” và nếu cứ đơn giản mà áp dụng điều này vào “Quả bứa” thì hỏng luôn. “Y nghĩa bất y ngữ” là đừng chấp và từ ngữ, mà hãy hiểu ý nghĩa của nó. Chúng ta thử gạt ra những từ ngữ khó hiểu kiểu “địa phương” mà xông ngay vào ý nghĩa câu chuyện, thấy nó thật khó chấp nhận.

Tuy nhiên “y nghĩa bất y ngữ” cần được áp dụng để xem xét sâu sắc hơn thế. Những ý nghĩa của câu chuyện ngay lập tức tác động vào tâm trí chúng ta, cũng vẫn chỉ là “từ ngữ” mà chưa nói lên những câu chuyện khác nữa phía sau nó. Những câu chuyện này bạn đọc có thể đọc tại đây. Cần phải đặt câu chuyện vào tổng thể cả một tư tưởng giáo dục, đó là mong muốn đầu óc của trẻ được giải phóng, không chấp, không vướng vào bất cứ một kết luận nào, mà vạn vật phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

Một đạo hữu của tôi nói, câu chuyện thật ý nghĩa khi quán chiếu sang cách tu Phật của cậu ta: cứ niệm Phật, niệm Kinh… mà không cần băn khoăn về ý nghĩa của nó, đến một ngày tự khắc trí tuệ khai mở, hiểu được ý nghĩa, thứ ý nghĩa vượt xa những khả năng hết sức hạn chế của ngôn từ có thể giải thích. Còn nếu băn khoăn về ý nghĩa, thường là những trí thức bị vướng vào chuyện này, thì sa vào “nghi” – tức là nghi hoặc. Đức Phật thì bảo, “chứng” đi đã rồi hẵng tin, nhưng bản thân “tín” hay không bị sa vào “nghi” lại là phước của hành giả.

Như tôi là người hay bị vướng vào “nghi,” nên mất quá nhiều vào những băn khoăn, nghi vấn, những thắc mắc lớn nhỏ mà bỏ lỡ mất rất nhiều độ đường. Từ khía cạnh này, những bà cụ nông dân có được sự thành tín tự động, lại tiến bộ hơn nhiều so với trí thức chúng ta.

Suy cho cùng, cãi cọ lôi thôi, cũng chỉ là dùng ba cái ngôn từ thô sơ của loài người, chứ đâu phải dùng trí tuệ đâu, còn chưa nói đến trí tuệ siêu việt vượt không thời gian, thì không biết đến bao giờ có được. Cố chấp giữ cái mình tưởng mình biết, thì càng dốt nát chứ báu cái gì.

Quay lại Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment