Monday, December 3, 2018

Cúc họa mi


Hà Nội mùa cúc họa mi… chỉ vài tuần, mùa hoa đến và đi, nhanh như nó chưa bao giờ có mặt trên thế gian này. Mười năm trước, mấy ai biết đến có nó, chỉ coi đó là hoa dại… nhưng một ngày em đến với cuộc đời của chúng ta, ai biết được cuộc sống lại chứa đựng nhiều diệu kỳ đến thế. 

Đầu năm học, lớp con gái được “nhận” một cô giáo trẻ măng vừa ra trường. Cô trẻ lắm, lại còn nhỏ người nữa – nên khi đứng trước cô giáo thì ba của bạn Nhi Bôn, đúng như một ông cụ. Mà đúng năm nay, nếu đem số tuổi của ba Nhi Bôn chia đôi ra, có kết quả là tuổi của cô giáo… Kể vậy để thấy cô trẻ như thế nào, chuyện không nói nữa.

Nhưng chính vì cô trẻ sinh ra lại… có chuyện. Vừa có tin nhà trường phân công cô về, có mấy mẹ cứ sôi lên ầm ầm rằng cô trẻ quá, chưa có kinh nghiệm mà năm nay học nhiều kiến thức quan trọng… Ba Nhi Bôn ở cuộc họp phải hỏi các mẹ: Hồi chúng ta trẻ măng mới ra trường, nếu ai cũng nghĩ như vậy thì cơ hội phát triển của chúng ta ở đâu?

Ba Nhi Bôn chỉ mong cô yêu thương các con và dạy được cho các con những điều tốt đẹp, còn các con đang nhỏ lắm, chuyện học dù quan trọng đến mấy cũng đâu có vấn đề gì… Thấm thoát học kỳ một, rồi học kỳ hai qua đánh vèo… thời gian đúng là nhanh như gió thổi mây bay, mấy chốc mà cô giáo trẻ măng cũng đã trải qua được năm học đầu tiên của mình. Năm học có biết bao chuyện buồn vui, cô chưa có gia đình nhưng lại có đến ba mươi đứa con thật đáng yêu, tuyệt vời biết bao. Nhưng cái tập thể dễ thương đó của con gái, con có thêm anh em mà đến giờ vẫn chưa biết mặt.

Một ngày đi học về, con gái kể: “Lớp con có một bạn mới, nhưng bạn không đi học. Bạn bị ốm ba ạ, con nghe các cô nói bạn bị bệnh gì ấy, “giai đoạn cuối!””

“Thế giai đoạn cuối là gì con?”

“Con không biết ba ạ, nhưng các cô bảo bạn ốm nặng lắm. Thế giai đoạn cuối là gì hả ba?”

“Bệnh mà nhẹ thì giai đoạn cuối là lúc sắp khỏi, còn bệnh mà nặng không chữa được thì giai đoạn cuối là…” Đến đây mình không nói được nữa. Thấy tim nằng nặng, đau đau. Lại một thiên thần bé nhỏ nữa chắc không chống cự được khỏi số phận. Nhi Bôn không giống như Nhi Bá, anh của em nếu gặp câu trả lời như vậy sẽ hỏi tiếp, nhưng cô em gái thì im lặng khi biết ba không muốn nói tiếp. Chuyện chỉ có thế và mãi đến 9 tháng sau, lúc hết năm học thì mình mới có dịp tiếp tục suy nghĩ về nó.

Chắc là để con vẫn được có suy nghĩ là “đang được đi học,” gia đình bạn của Nhi Bôn cho con nhập học và vẫn đóng học phí bình thường. Suốt cả năm học, cô giáo trẻ cùng cô tiếng Anh, hàng ngày cứ tan trường là đến nhà con, dạy con học đến tối muộn mới về. Chỉ khi bệnh của con chuyển nặng, ban Phụ huynh đến thăm con mới biết cái dáng người mảnh khảnh, nhỏ xíu như một em bé kia, đã có sức mạnh đến như thế nào. Nếu không có lòng yêu thương con trẻ, thì đã không thể làm được điều đó. Nếu ai đó nói rằng, cô còn son rỗi, nhiều thời gian nên dễ dàng làm được… thì mình cũng có thể dám nói rằng ai mới làm cũng hăng hái, đi một đoạn đường rồi thì mới thấy khó khăn. Nhưng can đảm bước tiếp hay không thì không phải ai cũng làm được, dù có gia đình rồi hay chưa có…

Suốt từ hôm đó đến nay, chưa có lúc nào tiện để nói chuyện với các con về những điều này. Mãi tuần trước hỏi con trai xem bây giờ mê bóng đá, đã biến anh cầu thủ nào làm “thần tượng” của mình hay chưa, thì mới nhớ ra. Ngay lúc đó chưa nhớ, mãi vài hôm sau, cứ ngẫm nghĩ mãi về câu chuyện mới nhớ và chắc hẳn còn lâu mới có cơ hội để nói lại cho con nghe về những suy nghĩ của mình…

Rằng chúng ta cứ mải đi tìm đâu đâu những thần tượng, trong khi xung quanh có đầy những hành động thầm lặng nhưng đâu kém phần anh hùng? Suốt thời thơ bé, mẹ thức bao đêm để chăm con, con chẳng cần đi kiếm ở đâu, đó là thần tượng đấy. Và cô giáo trẻ, người mẹ bé xíu đứng trước những phụ huynh già đời còn run run ấy, lại tìm đâu được sức mạnh đến vậy mà tới học cùng một đứa con mà hôm qua còn chưa quen biết? Vô tình, người mẹ mảnh dẻ ấy đã giúp những người cha mẹ đẻ của con cùng duy trì sợi dây nối con với sự sống, dù chỉ là một cuộc sống bình thường của một đứa trẻ đang tuổi đến trường.

Hà Nội đang qua nốt những ngày cuối cùng của mùa thu, nắng rực rỡ và gió lồng lộng thổi qua những ô cửa sổ của ngôi trường… Lúc này chắc cô vẫn còn đang bận với các em bé hơn, những đứa con lứa thứ hai của cô và tiếp tục công việc anh hùng nhưng thầm lặng của mình. Chẳng có lời cảm ơn nào sánh được với điều những người mẹ nhỏ bé ấy đã làm, như những bông cúc họa mi giản dị, khiêm nhường, nhỏ bé nhưng biết rực rỡ đúng mùa.

Tự nhiên mình nghĩ, nếu mình là chú học trò nhỏ trên giường bệnh ấy, thì cũng vẫn thật hạnh phúc biết bao. Mình sẽ vui vẻ và thanh thản ra đi, mang theo một tình yêu thật lớn với cuộc sống bất tận… nhờ những bông cúc họa mi.  

<<<>>> 

Con gái đã không còn được học với cô giáo trẻ nữa, nhưng vài ngày lại rủ mấy bạn tới chơi với cô một lần. Cả những cô giáo của vài năm trước, các con vẫn nhớ và tìm đến thăm. Sau này các con cũng sẽ gặp những câu chuyện này chuyện khác về nghề thày cô giáo, như ba của con bây giờ cũng đang đứng trên bục giảng… cũng gặp bao rắc rối nhưng hãy đừng bận tâm về những điều đó, vì con thấy đấy, cúc họa mi có gì rực rỡ lắm đâu, cũng chẳng tỏa hương thơm gì quyến rũ và chắc nhiều người chẳng thấy hoa đẹp. Con người cũng vậy, có cái tốt và có cái chưa tốt. Nhưng cũng đâu vì thế mà cúc họa mi không biết góp cho đời những gì tốt đẹp nhất của mình, phải không con?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment