Thursday, April 23, 2020

“Học toán để làm gì?” – bài không tên thứ hai


Hôm trước viết bài đầu – “Học toán để làm gì?” có một bác viết comment trên Facebook rất thú vị: - Câu hỏi đó dân toán cực ghét! Ơ hay nhỉ, tại sao lại cứ bắt người ta thích cái thứ mình đam mê cơ chứ?

Vậy học toán có quan trọng đến mức bắt người ta phải yêu nó đến thế hay không? Chúng ta cần khẳng định toán cực kỳ quan trọng, chẳng hạn thời những năm 1980s của thế kỷ trước, tôi muốn đi tán gái từ ô Cầu Dền cuối phố Huế, Hà Nội mà cô bạn nhà tận Yên Phụ, ngoài xe đạp, áo sơ mi trắng muốt (thời tôi không cần “Cụ Mượt” giắt túi nữa, nhưng bút thì vẫn có) thì thường phải có cái đồng hồ đeo tay. Để đảm bảo đến đúng giờ hẹn với cô bạn, phải căn giờ chính xác, đạp từ cuối phố lên đầu phố là bao nhiêu phút, từ đầu Hàng Bài lên Hàng Đào là bao nhiêu phút, từ đó đến đầu đường Thanh Niên là bao nhiêu phút… để không đến muộn mà không phải đạp quá nhanh – mùa hè đạp nhanh lên đến nơi mồ hôi mồ kê nhễ nhại ra thì chở nàng đi đằng sau có mà thơm điếc mũi. Đấy, không phải toán thì là cái gì?

Như vậy toán có mặt trong từng bước chân của chúng ta bước trên mặt trái đất này và nếu ai đó nói là học toán rất tốt cho dạy phương pháp tư duy, tôi ủng hộ luôn, nhiệt tình, cả hai tay. Điều tương tự sẽ xảy ra với môn văn, ngữ văn, tiếng Việt… nói thế nào cũng được. Rõ ràng cái anh hoạt ngôn sẽ tán gái giỏi hơn anh ậm ọe chứ còn gì nữa.

Nhưng câu chuyện nó không dừng ở chỗ đó. Như hôm trước tôi có viết một ý, là cần phải có triết lý giáo dục và chắc chắn chưa thể làm rõ được ý đồ, ngay ở đây cũng khó thể làm được việc đó mà cần có cả một cuốn sách. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt ngược lại một số vấn đề thì tình hình sẽ khác.

Ví dụ, bố mẹ cần hiểu là con mình đi học để làm gì? Có phải để học giỏi hay không? Suy rộng hơn, “đi học” tức là đến trường, là để được dạy những gì? Có phải để chỉ được dạy chữ, hay còn dạy làm người nữa? Nếu trả lời được câu hỏi đó – chưa cần biết câu trả lời đúng hay sai, là đã bắt đầu có triết lý giáo dục rồi. Như thế, ý của tôi muốn trình bày, triết lý giáo dục không chỉ là áp một hệ tư tưởng triết học vào đó, thì mới là triết lý. Nó đơn thuần là một khái niệm của một cá nhân và rộng hơn, nhiều cá nhân về giáo dục từ các góc độ: mục đích, phương châm và phương pháp giáo dục.

Đặt vào câu chuyện học toán, chúng ta sẽ lại hỏi nhau, vậy một trong những mục đích ngăn ngắn đi, của việc gửi con đến trường, là để cho nó giỏi phải không? Chuẩn quá, ai cho con đi học chẳng mong con học giỏi chứ. Vậy những tiêu chí học giỏi ra sao? Điều đau khổ của chúng ta bắt đầu từ đây: mặc định toàn xã hội coi toán và sau đó là văn, là quan trọng nhất (khẳng định trên đây rồi nhé) nhưng khổ cái từ cấp trên đến cấp bố mẹ, cứ mặc định coi “giỏi” là chỉ có “toán văn giỏi” và nếu toán văn không giỏi thì là dốt, là sao? Những cháu khác không may lại giỏi các môn “phụ” thì đúng là “khốn lạn thân cháu” – luôn bị coi là học kém, cô giáo thày giáo cứ liên miên thông báo về bố mẹ là “học kém” và bố mẹ cũng lại cuồng cả lên.

Tôi có ông em trai trong tình trạng y như thế, nó học toán rất nhanh nhưng nhớ được 30 phút là lâu nhất, sau đó là mọi thứ quay lại như mới. Môn văn có khá hơn, nhưng do lười học thuộc lòng, mà Việt Nam ta thì học văn kiểu học thuộc lòng chứ việc ngấm những thủ pháp nghệ thuật của nhà văn khi đọc, gần như vô tích sự… Nhưng rõ ràng đến ngày hôm nay chính ông em trai đó lại là một họa sĩ không tồi, vì phát triển được sở trường của hắn. Việt Nam là nước trọng bằng cấp, nên thời thi đại học hắn mới phải học môn văn mửa mật ra để thi đầu vào, chứ như Michellangelo có cần bằng của Trường Mỹ Thuật Yết Kiêu khối ra đấy, vẫn đầy kiệt tác.

Nhớ lại thời đi học, tôi thấy chính mình cũng có những quan niệm sai lầm, chung với hầu hết toàn xã hội. Chẳng hạn những bạn nào khỏe mạnh chơi thể thao giỏi, chẳng là cái gì cả - vớ vẩn, hạng võ biền vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, đầu óc ngu si tứ chi phát triển, kiến thức chỉ hơn giống man di một chút. Chính vì vậy mà ngay từ hồi đó, cách đây gần 40 năm, người ta đã mạnh dạn cắt thê thảm các giờ học dành cho các môn “phụ” (bị coi là phụ) – một tuần có 1 tiết thể dục, sử địa… nhiều khi còn bị coi là vớ vẩn hết. Ngược lại lại còn có một số quan niệm hiện nay, đặc biệt với cấp Trung học cơ sở là trẻ con đi học quá nặng, môn nào cũng quan trọng, dàn hàng ngang. Có lẽ có mỗi môn thể dục là chưa quan trọng bằng thôi.

Chỉ sau này khi bước chân ra nước ngoài tôi mới thấy đó là quan niệm sai lầm. Nước ngoài họ cũng không hề giàn hàng ngang môn nào cũng quan trọng như ta mà tất cả các môn đều được coi bình đẳng như nhau và tôn trọng khả năng cũng như lựa chọn của học sinh mà coi một môn nào đó là quan trọng với mình.

Quay lại với rất nhiều “triết lý giáo dục” – ở đây ta có thể nhặt ra một ví dụ một “triết lý đi học” là đi học để học phương pháp tư duy, và dạy học để dạy phương pháp tư duy. Trong việc dạy phương pháp tư duy thì dạy toán là một trong những công cụ tốt nhất và mạnh nhất, hữu hiệu nhất, nhưng không phải là tất cả mà tất cả những môn khác cũng tham gia. Nếu tất cả từ lãnh đạo quản lý đến bố mẹ mà xác định được như vậy thì học sinh đỡ khổ bao nhiêu.

Vậy thì tiêu chuẩn của “người ta” đánh giá học sinh như thế nào là giỏi? Chị Sarah Imas trong “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” có viết là ở Mỹ, người ta có xu hướng coi thường học sinh chăm chỉ và coi trọng những học sinh sáng tạo. Thực chất của việc này cần phải được nhìn nhận là: tiêu chí đánh giá của giáo dục nhiều nước coi học sinh nào ứng dụng những kiến thức học được vào thực tiễn tốt nhất, đó là học sinh giỏi. Học giỏi toán mà không biết toán để làm gì, thì học sinh đó là dốt chứ không phải là giỏi, và nền giáo dục đó là một nền giáo dục thất bại.

Vì thế toán muốn để người ta thấy mình thực sự quan trọng, thì hãy làm thế nào để học sinh hiểu được, là sang năm mày thích con bé nào, mày không giỏi toán, mày đến muộn, mày hộc tốc phi đến mồ hôi dầu bay ra thơm như cú, thì đừng hòng tán được gái, đảm bảo học sinh chúng nó hiểu ngay “học toán để làm gì.”

Tôi lại nói một chuyện nữa – họ hàng nhà tôi có những bà bác, bà cô… chữ nghĩa kèm nhèm, đọc còn chưa xong, đừng nói toán tiếc với các bả. Ấy thế mà toàn giàu nứt đố đổ vách cả, tính toán cứ nhoay nhoáy… Nghe thoáng cái là phải biết mua ngay cái gì bán ngay cái gì, để bao lâu lại bán lại mua thì lãi được bao nhiêu. Học toán là phải như thế - nghĩa là cần phải xem xét lại “triết lý dạy học,” dạy gì thì dạy, phải dạy được kỹ năng. Cháu nào cần toán để tính tiền, cho nó học tính tiền, cứ tính thật giỏi đi… Do đó toán và tất cả các môn học khác ở Việt Nam, suy ra cả cái Bộ Giáo dục Việt Nam nữa, toàn là những thứ giời ơi đất hỡi, học mà chẳng biết ứng dụng như thế nào thực tiễn, do đó dạy tràn lan từ bé đến lớn, anh chị học sinh nào cũng bắt buộc học những thứ để trở thành Lobasevski. Mấy bà buôn kia cần quái vì vi phân với tích phân, chỉ cần biết giá vàng hôm nay bao nhiêu và muốn mua thì thì phải mở cái bát họ thế nào mới đủ tiền.

Điều đó cũng như là từ lớp 6 tôi đã biết đo nồng độ acid sulfuric để pha dung dịch đổ vào bể mạ, đến mức khi học hóa ở cấp 3 tôi làm thí nghiệm nhoay nhoáy, các bạn khác như bò đội nón. Tất cả các môn học đều vậy – đều phải được đặt vào cuộc sống, có tính ứng dụng. Trên mạng có tất cả những công cụ đó để cho trẻ con học, miễn là biết ngoại ngữ. Chẳng hạn, tôi đã từng phát hiện ra cả chục trang web cho trẻ con học… toán kinh tế, với những bài toán quản trị kinh doanh và đầu tư chứng khoán gì đó… từ dễ đến khó… rất hay. Còn những trang web về khoa học tự nhiên thì nhiều vô thiên lủng.

Tiếc là giới chức quản lý giáo dục Việt Nam đã lẩm cẩm, bố mẹ Việt Nam cũng lẩm cẩm nốt, lại sa vào câu chuyện “giỏi toán giỏi văn mới là giỏi.” Giỏi thi toàn 10, nhưng như con gà công nghiệp thì giỏi để làm gì? Đầy cháu giỏi nhưng không biết là học nhiệt độ sôi có ứng dụng gì, nhưng nhiệt độ sôi của nước chính là để thổi được nồi cơm, luộc được nồi rau đấy chứ làm gì.

Chờ mấy ông quản lý nhà nước còn lâu, cái thay đổi được trước, là thay đổi bản thân mình. Tôi có thằng con lớn năm hay 15 tuổi, toán cực phọt phẹt nhưng học tiếng Anh dễ như chơi, chỉ thích bơi và hiện đã đạt mức vận động viên cấp 1 theo chuẩn của Việt Nam – ơ đấy là nó giỏi chứ, sao bảo nó phọt phẹt như môn toán của nó được? Vậy thì con cứ học toán đến mức đủ tính được là mai đi chơi với bạn gái cần xin bố bao tiền để mua vé xem phim và bỏng ngô là được, cần gì nhiều.

Chuyện còn dài, mai kia tôi xin viết tiếp. Tuy vậy, đến đây chúng ta đã hòm hòm câu trả lời “Học toán để làm gì?” rồi – với thằng cu con nhà tôi ngoài mua vé xem phim, còn để tính là bây giờ nó bơi tự do 100m hết bao nhiêu giây và sang năm nó phải đạt mức bao nhiêu giây để được đi… Xi-ghêm, thế là đủ.

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment