Wednesday, May 6, 2020

Người Hà Nội và anh nhà quê



Mụ vợ tôi rất phản đối tôi lắm lúc chê: “Đúng là nhà quê!” và tưởng đó là sự… kỳ thị. Thực ra, từ hồi nhỏ chúng tôi vẫn hay dùng từ đó để chê nhau trong rất rất nhiều trường hợp: “Thằng này, mày nhà quê éo chịu được!” và hê hế cười với nhau. Từ “nhà quê” được dùng như kiểu ngố, cà tẩm, lắm lúc áp dụng cho cả những cư xử lẩm cẩm và không thằng nào thoát, kiểu gì cũng bị chê như thế một lần trong đời.

Hôm qua hôm nay đọc được trên mạng một bài ai đó viết về “người Hà Nội bị oan” khi ghép hết cả người Bắc vào một hố… Nhưng chân thành mà nói rằng ngay Hà Nội của những năm 1970, 1980… thì cũng đã rất nhiều người ở Hà Nội nhưng cư xử chẳng Hà Nội chút nào. Từ đây tôi sẽ từ từ cố gắng làm rõ, có những lúc từ “nhà quê” sẽ bị coi là kỳ thị, thậm chí xúc phạm; nhưng cũng có những lúc từ “nhà quê” như tôi nói trên đây, không hàm chứa ý đó.

Nhưng trước hết, chúng ta cần phân định rõ, người Hà Nội là người Hà Nội thế nào cái đã. Hà Nội thì có ti tỉ hạng người, chứ đâu có phải nhất quyết thế này, thế khác đâu; ngay cả về nguồn gốc. Như tôi chẳng hạn, thì một bên là gốc làng ven đô từ thế kỷ 19, một bên ngoại thì là anh nhà quê đúng nghĩa không may làm tận… chủ tịch tỉnh thời Pháp, và tập tọe bước vào làng Tây, như tôi đã kể trong bài “Gã hãnh tiến.” Xét về thứ bậc xã hội, thì người ở Hà Nội cũng bao nhiêu bậc xếp hạng, và qua những câu chuyện kể lại trong gia đình thì những người ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 vẫn trải qua một sự đấu tranh lâu dài với thái độ kỳ thị, đặc biệt về giai tầng xã hội. Những người có quyền cao chức trọng nhưng gốc gác được giáo dục tốt, không bao giờ kỳ thị, thậm chí cư xử rất tôn trọng những người thuộc gia tầng xã hội thấp hơn. Tôi còn nhớ ông nội mình, một công chức của Nhà băng Đông Dương về già, vẫn nhẹ nhàng “thưa gửi ông tôi” rất cẩn thận với những người lao động bình thường, làm lũ… Còn bên ngoại, ông bà luôn giữ và cũng dặn dò con cái phải giữ được sự tôn trọng, lễ độ với từ những người làm cũ của gia đình cho đến người lao động ngoài xã hội. Cái lễ nghĩa này không liên quan đến địa vị của gia đình, mà nó trở thành chuẩn mực chung cho rất nhiều người, nhiều gia đình trong xã hội.

Phải thẳng thắn mà nói, dù thời nào cũng có người xấu, người tốt nhưng xung quanh gia đình chúng tôi là sự lương thiện bao trùm, không thấy có lừa đảo, giựt dọc bao giờ. Gia đình dù thu nhập cao, cũng không bao giờ chỉ bo bo cho bản thân mà bao giờ cũng có ý thức hướng tới xã hội, gần thì lo cho người làm của gia đình, xa hơn là hướng tới quốc dân, đồng bào. Do đó mới có chuyện đóng góp rất lớn cho Cách mạng từ các nhà tư sản cũ. Gia đình họ hàng tôi cũng đã đóng góp những số vàng không nhỏ cho “Tuần lễ vàng…”

Có một điểm rất khác biệt giữa thời Hà Nội cũ ấy và bây giờ, chẳng hạn như ông ngoại tôi liệu có ý thức được rất rõ mình là anh nhà quê trèo được lên ghế cao trong thứ bậc quản lý xã hội, thời đó người ta có chuẩn mực chung: điều đầu tiên tránh là… cái tiếng là anh hãnh tiến. Càng vội vàng biến mình thành người thượng lưu trong xã hội, thì càng mang tiếng. Việc con cái được hưởng những tiêu chuẩn của xã hội bấy giờ như giáo dục chẳng hạn, là cần thiết và là quyền của mỗi người khi có điều kiện, nhưng việc chạy theo các tiêu chuẩn thông thường của giới thượng lưu như “cầm kỳ thi họa” cũng rất cần phải thận trọng. Dần dần ông bà chúng ta sẽ học được thái độ của “người Tây” như thế nào về những vấn đề này: ai cũng có lúc đổi đời, và làm thế nào để từng bước hòa nhập được với giai tầng xã hội mới…

Hồi ấy như vậy, thì bây giờ vẫn nên như thế, nhưng thực tế thì nhiều khi không phải như thế. Điểm khác biệt mấu chốt giữa những “người Hà Nội lặng lẽ” và các anh “nhà quê ồn ào” là sự bon chen, sự bon chen thể hiện ra từng tí một, từng góc một của cuộc sống. Cùng đưa con đi học piano, nhưng anh Hà Nội lặng lẽ cho con học “gọi là” vừa phải thôi, nếu con có tài năng thực sự thì đi sâu, nếu không thì học đủ để biết thưởng thức, và về cũng lặng lẽ mua bộ giàn âm thanh nghe hàng ngày và chơi thì chơi cực sâu; còn anh ồn ào thì kể cả cho con đi học piano cũng là để bon chen muốn biến hình ảnh con đánh đàn thành biểu tượng cho sự giũ bùn đứng dậy sáng lòa. Nhưng chắc chắn anh ồn ào không bao giờ dám bỏ tiền ra mua vé máy bay bay sang Châu Âu chỉ để nghe một buổi hòa nhạc, nhưng anh lặng lẽ thì dám làm.

Ngày nay chơi trên mạng xã hội cũng thế, bạn có thể va chạm với một anh nào đó, thậm chí cãi cọ với anh ta, nhưng nếu thấy căng quá anh ta dám thừa nhận là bạn đúng và anh ta rút lui, vì đó là anh lặng lẽ, việc hơn thua với bạn không quan trọng bằng sự bình an của cả bạn lẫn anh ta. Lối sống đó ngoài đời như thế nào thì lên mạng vẫn vậy. Bạn có thể lừa được anh ta một lần, thậm chí vài lần… có khi anh ta biết, nhưng tại sao nhiều khi vẫn để bạn làm? Anh ta ngu chăng? Nếu bạn có bảo là anh ta ngu nhiều khi anh ta cũng không cãi lại. Với anh ta, cuộc sống này có nhiều cái quan trọng hơn nhiều, mà quan hệ với bạn cũng là một trong những điều quan trọng đó. Còn nếu bạn trở nên quá đáng, có thể anh ta sẽ lẳng lặng không quan hệ với bạn nữa và không cần nói một lời nào. Đơn giản vì anh ta không muốn bạn xa hơn nữa với anh ta, chứ không phải ghét bỏ gì bạn. Bạn không đủ quan trọng với anh ta, để anh ta ghét bạn. Nhưng nếu anh ta đã quý bạn, thì anh ta sẽ quý trọng bạn đến cùng dù xuất thân của bạn như thế nào.

Bây giờ chúng ta đã chia sẻ với nhau cái thành phố Hà Nội hỗn độn này, ngày ngày đưa con đi học lại va với nhau, thì cái sự bon chen trong “đè cổ con bắt học” cũng y như những góc độ khác. Bạn có ý chí mạnh mẽ, sắt đá trong vươn lên nên bắt con học hết lớp này đến lớp khác, nhồi hết trận này đến trận khác… Nhưng anh ta thì không, anh ta lặng lẽ khuyên con… học ít thôi. Học chữ không quan trọng bằng học làm người, học cách cư xử trong từng điều nhỏ nhất của cuộc sống. Còn sự nghiệp hay gì gì đó, miễn là đủ sống lương thiện là được rồi. Với anh ta, sự bình an trong cuộc sống gia đình quan trọng hơn là những chuẩn mực mà xã hội bon chen ngoài kia đang chạy theo.

Đã đến lúc quay lại với “đồ nhà quê” có phải là kỳ thị hay không – nếu bạn chơi với một anh lặng lẽ mà thấy anh ta chẳng quan tâm đến xuất xứ của bạn – thì đó là chuẩn mực bình thường của anh ta và nếu anh ta có bảo bạn “thằng này nhà quê quá đi!” thì hãy lấy làm mừng, vì anh ta chẳng có gì phân biệt với bạn cả. Còn nếu bạn thấy tự ái vì câu đó, chắc chắn bạn chưa hiểu những người Hà Nội lặng lẽ suy nghĩ như thế nào và như vậy thì bạn còn là anh nhà quê thực sự. Thế đấy bạn ạ, anh ta không phân biệt bạn đâu, và điều quan trọng nhất với anh ta, là bạn giữ được là bạn, và với anh ta thì điều giúp bạn trở thành người Hà Nội không phải là những gì bạn coi là thành công hay những cái lòe loẹt hào nhoáng, kể cả tưởng như rất quý tộc như “cầm kỳ thi họa,” mà chính là việc bạn có hạ được cái bon chen xuống hay không.

Thật ra, từ “lặng lẽ” ở đây mang tính ước lệ, bạn có thể gặp anh ta ở bất cứ một sự thể hiện nào, có thể ồn ào vui vẻ, nhưng bao giờ họ cũng có một góc riêng nào đó bạn không thể tiếp cận được, đó là “cái góc lặng lẽ của anh ta.”

Ảnh đầu bài: “Cánh đồng làng Bình Đà”, chụp năm 1998 / Praktica, 50mm 1:2.4. Kodak 100. Phim phục chế và scan năm 2010.

Bài trên Fanpage ở đây


No comments:

Post a Comment