Sunday, May 3, 2020

Đôi điều về “Vụ tập kích Sơn Tây”



Tháng Mười một năm 1970, Mỹ tổ chức một vụ tập kích táo bạo vào tận sát nách thủ đô Hà Nội để giải cứu tù binh phi công đang bị giam giữ tại một trại tù trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Về vụ này có thể đọc ở đây.

Bài báo trên
New York Times
Về quân sự, vụ này Mỹ thành công 100% trong điều kiện hoàn toàn mù mờ về thông tin và chỉ phân tích dữ liệu công khai và từ không ảnh. Việc Mỹ tổ chức gây mưa nhân tạo đã được tiến hành từ trước, đặc biệt nhiều trên đường Trường Sơn chứ không phải đến 1971 mới làm và trận lụt to khủng bố năm '71 là kết quả của cả thiên tai lẫn mưa nhân tạo, không liên quan đến Sơn Tây. Tuy nhiên mưa nhân tạo cũng ảnh hưởng đến kết quả vụ tập kích là gần sát ngày họ không còn trinh sát được tình hình trại nữa. Tôi có trích ở đây một bài báo trên New York Times ngày 3 tháng Bảy năm 1972 về việc Mỹ đã bí mật gây mưa nhân tạo từ khoảng năm 1963 đến tầm 1970 – 1972 thì tăng cường, tiến hành liên tục và đỉnh điểm là trận lụt năm 1971.

Điều kiện công nghệ thời đó còn hạn chế với cách tác chiến “canh, giam, chuyển tù” của ta quá tài tình nên họ hầu như không bao giờ nắm được di chuyển của tù binh. Nếu trong điều kiện công nghệ hiện nay thì họ có khả năng giám sát mặt đất tốt hơn nhiều nhưng tôi tin là “vỏ quýt dày” Việt Nam cũng nghĩ ra nhiều chiêu để nghi binh, giữ bí mật chứ không chở khơi khơi tù binh để cho người ta nắm được.

Đường bay của máy bay Mỹ
trong chiến dịch "Sấm rền"
(Rolling Thunder)
Vụ này được đánh giá nghiêm trọng ở chỗ Sơn Tây là trọng điểm phòng không Bắc Việt. Trận đầu đánh thắng của Tên lửa Việt Nam năm 1965 là ở Sơn Tây. Thời đó máy bay còn bay “bằng mắt” nhiều, nên phi công sử dụng địa tiêu để tự tìm đường. Do đó đường bay của máy bay Không lực Hoa kỳ thường chọn là từ các sân bay Thái Lan (Korat, Udorn, Nakhon Phanom. Ubon và Takhli là các căn cứ dự phòng) bay sang Bắc Việt Nam bao giờ cũng chọn Sơn Tây làm điểm hội quân, sau đó hoặc xuống đánh Hà Nội và các mục tiêu phía bắc khác như Bắc Giang hoặc gần nhất là Yên Viên, theo trục đường số 1 và đường sắt liên vận từ Trung Quốc vận chuyển vũ khí sang Việt Nam. Nhóm khác nếu không đánh Hà Nội, bay từ Sơn Tây vào đánh Thanh Hóa hoặc thậm chí đánh đầu mối lên đường Trường Sơn rồi vòng về. Sơn Tây cũng là điểm quay về của máy bay Hải quân Hoa Kỳ nếu bay từ biển vào không vòng ra được, có thể từ đó bay về Thái Lan đáp xuống các căn cứ của Không quân rồi bay ra tàu ngoài biển Đông sau. Do đó tên lửa Việt Nam đã chọn Sơn Tây làm địa bàn “mai phục” chính để đón bắn máy bay Mỹ. Sau chiếc F4 đầu tiên bị tên lửa bắn rơi, Việt Nam còn có cú bắn một phát rơi hai máy bay Mỹ cũng ở gần Sơn Tây, mà về sau chính các CCB tên lửa Việt Nam cho biết là tên lửa nổ ở gần không trúng nhưng cả hai chiếc cùng cơ động tránh nên va vào nhau mà rơi. Cũng vẫn là chiến công của tên lửa. Sơn Tây nhẽ ra phải được mệnh danh là “thị xã Tên Lửa.”

Ấy thế mà một vụ tập kích luồn sâu bằng trực thăng đến tận một vị trí chỉ cách Ba Đình 45km, là một chuyện không thể chấp nhận được. Điều đó cho thấy trên đất nước không có chỗ nào là không thể bị tập kích bằng lực lượng tác chiến đặc biệt. Ở đây là vấn đề của cảnh báo sớm: nó làm bộc lộ quan điểm của cách đánh du kích của tên lửa Việt Nam là đón lõng ở điểm chắc thắng chứ không hẳn lúc nào cũng có mục đích đánh chặn giảm thiệt hại. Quan điểm này của Việt Nam thậm chí đến nay vẫn rõ như vậy: tên lửa và khí tài phòng không nói chung dùng để bắn máy bay, không phải dùng để chống bom, tên lửa hành trình… do đó đẩy mạnh nghi binh, sơ tán, để cho địch bắn vào vườn không nhà trống… Khi kẻ địch bị đánh rơi một số lượng máy bay đủ lớn sẽ nản và thôi, như vậy là từng trận máy bay Mỹ có thể phá tan hoang cả làng, toàn nhà tranh vách đất nhưng người thì sơ tán được hết, tên lửa phá được toàn bằng gỗ sơn đóng giả… và Việt Nam có bậc thầy nghi binh là Liên Xô dạy, đã trở thành học trò xuất sắc.

Nhưng câu chuyện của Tập kích Sơn Tây lại làm cho tất cả cần phải nghĩ khác đi: rõ ràng là hệ thống phòng không của Việt Nam không chặn được tập kích đường không khi cần chặn. Nhỡ mục đích của vụ tập kích không phải cướp tù, mà là cướp… thi hài Bác Hồ ở Đá Chông K9 gì đó, hay quá bộ phi xuống Hà Nội bắt cóc Bác Tôn thì cũng không chống được, vì khả năng lên kế hoạch và thực hiện quá xuất sắc của họ.

Đường bay của máy bay Mỹ
Operation Ivory Coast 1971
Điều nữa, vụ tập kích cho thấy có nhiều điều mà người Việt Nam còn quá ngây thơ, không hiểu được tại sao người Mỹ lại có thể… hiểu được là trong trại đó có tù binh phi công. Kết quả này xuất phát từ giáo dục, chứ không chỉ là huấn luyện. Rất nhiều nước coi trọng giáo dục kỹ năng sinh tồn trong tương tác với người khác để ứng cứu lẫn nhau, điều này không chỉ khi bước chân vào lực lượng vũ trang con người mới được trang bị. Các kỹ năng này trẻ con Việt Nam ở các vùng thôn quê hay miền núi được học tự nhiên, thành phố hoàn toàn không có, đến bây giờ thì cả nông thôn lẫn miền núi đều không có.

Cái máy bay bị hỏng là họ cố tình dùng nó dọn quang bãi lấy chỗ cho những cái kia xuống nên chọn phi công kỹ thuật lái rất cao cường: hạ làm sao cho cánh quạt phạt xong cây cối là máy bay trượt nhẹ vào góc sân hết đà nằm gọn ở đó, xăng tính cũng vừa hết để không cháy nổ. Câu chuyện chỉ còn là họ không kịp phá nó khi rút đi. Còn việc không cứu được tù binh Mỹ thì chỉ là rất rất ngẫu nhiên mà thôi. Đến vụ tập kích tiêu diệt Bin Laden họ đã rút kinh nghiệm rất tốt từ vụ này.

Các vụ tập kích như thế này có lịch sử từ các hoạt động của lính dù, như lính dù Quốc xã, Anh và đặc biệt là Liên Xô đều có những chiến dịch hoạt động rất xuất sắc, nhưng Hoa Kỳ đã nâng nó lên một tầm rất khác. Cả thế giới sửng sốt trước những vụ như tấn công tiêu diệt Bin Laden… Từ góc độ phân tích tình báo thì đó cũng là một vụ xuất sắc, cũng như vụ tiêu diệt  thủ lĩnh tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS Al-Baghdadi và gần đây là tướng Iran Soleimani. Thế giới nhận ra tính chất chiến tranh bây giờ đã khác, những cuộc chiến tổng lực sẽ ít dần và nhường chỗ cho sự phát triển của máy bay không người lái, tên lửa có điều khiển và tấn công thọc sâu bằng lực lượng đặc nhiệm, đề ra nhu cầu xây dựng lực lượng đặc nhiệm và chống đặc nhiệm cũng như chống cả drone, tên lửa hành trình và cao hơn hết là khả năng phân tích tình báo từ những thay đổi nhỏ nhất trên mặt đất.

Link đến post trên group tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment