Saturday, April 10, 2021

Bà nội của con gái

Đằng xa kia có hai con cá đuối khổng lồ, không rõ có phải là một cặp vợ chồng hay không, chúng bơi bằng cách vén khẽ những tấm da mềm linh động hai bên viền thân, uốn thành các đợt sóng và kéo theo cái đuôi dài ngoẵng bé tí, trông thật ngộ nghĩnh. Cặp đôi hoàn hảo bơi đến đâu, che rợp cả một khoảng đáy bể nước lót cát trắng. Màu của cái thân đen viền trắng thật nổi bật trong làn nước trong xanh. 

Ở dưới đáy có những nhóm cá bọ cạp[1] trong hình hài rất lằng nhằng, từa tựa như một nhúm xơ mướp ngày xưa người ta vẫn dùng để rửa bát, lừ lừ chẳng thèm cọ quậy. Chắc chúng nó ý thức được mình là loài cá độc nên tỏ thái độ bất cần đời như mấy gã trai choai choai chốn làng quê, sẵn sàng chơi ăn thua đủ nếu có ai dám đụng vào chúng. Đây đó là những đàn cá bò nữ hoàng[2], mỗi đàn một màu một kiểu, cái thân bầu dục sặc sỡ nổi bật như hoa hậu, khác hẳn cái vẻ thô kệch, có vẻ gì đó như vụng về, kềnh càng của những con cá mú nghệ[3] lừ lừ gớm chết. Nếu cái bể nước của Công viên Thủy cung là một làng quê đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, những con cá bọ cạp là lũ thanh niên choai choai thì bọn cá mú nghệ này là đám mấy đầu gấu về già, đã bắt đầu có tuổi đủ để sợ những tai họa sóng gió cuộc đời, nhưng vẫn muốn giữ vị trí của mình trong giang hồ, độc địa xúi bẩy bọn choai choai ra tuyến đầu đánh đấm. 

Nhưng tất cả lũ chúng, chỉ là những thứ nhãi nhép, kể cả cặp cá đuối bự kềnh kia chỉ là hai vợ chồng to xác bán thịt giữa chợ, “chẳng tuổi gì” so với tay chúa tể của đại dương. Một con cá mập to đùng, lừng lững bơi bằng những động tác rất khoan thai, tựa như nó không phải là bơi mà chỉ lắc nhẹ một cái… Những cơ bắp trên cái thân màu thép xám của nó chìm sâu dưới lớp da dày không nhìn thấy, nhưng có lẽ chúng chỉ co khẽ một cái, nhưng cả cái khối đầy sức mạnh như một quả ngư lôi ấy vẫn trôi vèo vèo trong nước. Có những lúc nó lắc thân mạnh hơn, lao lên để cái vây lưng trứ danh xé tan mặt nước và cái đuôi dựng đứng như chiếc đuôi đứng của máy bay phản lực, quẫy mạnh để lại những bọt nước sủi lên, là lúc nó quyết tâm bắt được miếng mồi trong cái hàm dữ tợn đầy răng như cái bẫy sói hình hai vòng cung. Thái độ của nó như một tay trùm, một “Bố già” thậm chí bọn đầu gấu về già kia, cũng chỉ là muỗi mắt chẳng đáng quan tâm. 

<<<>>> 

Đoàn khách ồn ào, xì xồ “hảo kan[4]!” “hảo kan ma?” dán mắt vào bể kính chờ đến giờ xem show diễn, nhưng vẫn có hai bà cụ chừng ngoài bảy mươi tuổi, ngồi một góc xa xa thì thầm với nhau. Đi đến đây đã mỏi chân, ba con nhà Nhi Bôn ngồi xuống gần hai bà, để anh chàng Nhi Bá đã bắt đầu nhổ giò lêu nghêu đi cùng mẹ ra ngó con cá mập. Đôi lần bắt gặp hai bà già rụt rè ngó sang cô bé mũm mĩm và trắng trẻo ngồi cạnh bố, hai bà già muốn nói gì đó rồi lại thôi. Thấy vậy, mình chủ động chào trước bằng tiếng Trung Quốc phổ thông: 

– “Chào hai dì. Các dì sang chơi lâu chưa?” 

Không giấu được vẻ mừng rỡ, hai bà già cảm động quay sang vồn vã nói chuyện. Họ từ Bắc Kinh mới sang thăm Tân Gia Ba được hai hôm nay. Đây là lần đầu tiên đi ra nước ngoài của hai bà… ngay cả ở nhà, lâu lắm không có người trẻ để trò chuyện. Con cái đi làm xa tận thành phố khác, một năm mới về một lần, đến điện thoại còn khó có thời gian mà gọi cho bố mẹ. Suốt ngày suốt tháng, chỉ có các ông già bà già ra vườn hoa khu chung cư ngồi chơi với nhau. Họ rất muốn biết những người trẻ bây giờ sống như thế nào, và khi có ba của Nhi Bôn dù không còn trẻ nữa nhưng lại ngồi nói chuyện rõ nhiều, đủ để họ thấy cảm kích. Họ còn bất ngờ hơn vì cái thằng cha trung niên kia, hóa ra không phải người Trung Quốc. 

– “Cháu học tiếng Trung Quốc ở đâu mà nói giọng Bắc Kinh tốt vậy?” 

– “Cháu học tiếng Trung ở Nam Ninh, môn khẩu ngữ do một cô giáo người Bắc Kinh dạy, nhưng hồi ở Mạc Tư Khoa cháu ở cùng phòng ký túc xá với hai bạn người Đại Liên đã từng học đại học ở Bắc Kinh hai dì ạ.”   

Hai bà già cứ cảm động khi được gọi là “dì[5],” nhưng khi thấy ba Nhi Bôn bảo cô bé lại chơi với hai bà, thì còn xúc động hơn. Mình lại nhớ trước đó hai năm cũng ở Singapore này, chỗ “Garden by the Bay”, có bà già người Đức còn đến xin phép: “Có thể cho bà chơi với cháu gái một chút được không?” và bà cũng rơm rớm nước mắt khi được ôm cô bé con một lát. Quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt định trào ra, ba Nhi Bôn nói: “vâng, bà chơi với cháu đi…” 

Và bây giờ hai bà già Trung Quốc cũng thế, run run nói líu ríu gì đó đáp lại cô bé được ba cô ấy “xui:” “Con chào bà đi: “nải nai[6] hảo!”…” 

<<<>>> 

“Sáng nắng, chiều mưa, trưa gió mùa đông bắc” là câu chính xác để chỉ trạng thái tâm lý thường xuyên thay đổi của các cô gái, và cô gái nhà tôi từ khi lên mười một tuổi cũng đã bắt đầu như vậy. Từ năm nay lên lớp Sáu, Nhi Bôn bắt đầu đổi khác, dáng người đã bắt đầu thành cô thiếu nữ, to kềnh càng lớn hơn cả mẹ lẫn bà ngoại, nhưng tính tình thì cũng chớm lẩm cẩm. Những bạn năm ngoái còn thân, bây giờ không còn thân nữa – kiểu thân do bố mẹ các bạn chơi với nhau thì các bạn cũng phải chơi, hoặc cho chơi với ai thì các bạn phải chơi với bạn ấy, không còn thích hợp nữa. Bây giờ cô bé đã thân với vài bạn khác cùng lớp với cái “lý luận” phải hợp mới chơi chứ! 

Hiện tại thì thân ơi là thân với cô bé Violetta cùng lớp lại gần nhà, đi cùng xe buýt trường. Cứ gặp nhau là hai cô dính chặt, thì thào nói với nhau những câu chuyện bất tận. Đưa Violetta vào buổi sáng ra xe và chiều đón về là bà nội bạn, một bà cụ bảy mươi ba tuổi, gần bằng tuổi bà ngoại Nhi Bôn. Bà rất hay chuyện, cũng hỏi đủ thứ chuyện: Nhi Bôn ở nhà thế nào, học thêm có nhiều không, có đi chơi đâu không, ăn có khỏe hay không… 

Sáng hôm kia, chở Nhi Bôn ra thấy Violetta vẫn ngái ngủ, chưa tỉnh hẳn. Mình hỏi bà của bạn: “Sao cô bé trông buồn ngủ thế bà?” “Tối qua Violetta học khuya lắm, mãi đến mười hai giờ rưỡi mới đi ngủ…” và có vẻ sốt ruột, bà hỏi xem Nhi Bôn thức có khuya không, bây giờ cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, có tập môn thể thao nào không… Chuyện như chẳng có gì thì chiều qua Nhi Bôn đi học về, trong lúc chờ ba chở đi học ở Trung tâm tiếng Đức, tự dưng nổi cáu. 

– “Ai khiến ba nói chuyện với bà Violetta về bạn ấy?” 

– “Ba đã nói chuyện gì nhỉ?” – Mình thực sự chưa hiểu cô bé cáu vì cái gì. 

– “Ba nói chuyện con cao bao nhiêu và nặng bao nhiêu với bà bạn ấy.” 

– “Thế chuyện đó nói thì sao?” 

– “Con không thích, và bà bạn ấy lại nói chuyện ở nhà làm cho bạn ấy rất bức xúc và cả bố mẹ bạn ấy cũng bức xúc nữa!” 

– “Những chuyện đó nói cũng bình thường thôi mà con?” 

– “Với ba là bình thường nhưng với bọn con là không bình thường!” Cô bé quát lên. 

Trên đường chở cô bé đi, câu chuyện vẫn tiếp tục căng thẳng, thậm chí rất căng thẳng, cô bé còn ngồi sau quát vào gáy ba của hắn. Đến mức ba của cô bé cũng bực, gắt lên. 

– “Ba nói chuyện một cách bình thường, và chuyện đó với con mấy năm trước là bình thường, mấy năm nữa là bình thường, còn hiện nay con thấy không bình thường – điều đó là “bình thường” vì bạn nào ở tuổi con cũng sẽ như vậy. Bây giờ ba mẹ sẽ giúp con hiểu rõ cái điều đó, để con biết điều chỉnh cảm xúc, nếu không điều chỉnh con sẽ rất khổ, lúc nào cũng cáu gắt không đâu vào đâu cả. Với tất cả mọi người, ba hay trò chuyện vì tính ba rất cởi mở. Hơn thế nữa, ba rất thích nói chuyện với các ông già, bà già, vì ba thấy như nói chuyện với cha mẹ mình vậy.” – đến đây chợt nhận ra đang gắt con, giọng mình chùng xuống. 

– “Con còn nhớ hồi ở Singapore có hai bà cụ người Trung Quốc rất vui khi được ba nói chuyện không… cả hai bà ấy và bà cụ người Đức hai năm trước nữa, suýt khóc khi được chơi với con không? Người già là vậy đấy, còn được tiếp xúc với người trẻ, là còn thấy mình được sống. Chỉ ít năm nữa thôi, ba mẹ của con cũng sẽ già như vậy con ạ. Con hiện nay còn đang có mẹ, nhưng ba thì mất mẹ đến hai mươi bảy năm rồi…” 

Con gái yêu quý, con có biết rằng bây giờ mỗi Giao thừa nghe bài hát “Chúc mừng năm mới” của ban nhạc ABBA, ba lại nghẹn ngào nhớ mùa xuân cuối cùng của bà nội con. Năm đó ba cùng bà con mới sửa xong căn nhà, bà mua cho ba một cái đài ba mơ ước rất lâu và ba cùng bà, chú con đón Giao thừa khi nghe bài hát đó. Một bài hát thiết tha, da diết và buồn man mác, về những điều đã qua không bao giờ quay lại và mong ước về những điều tốt đẹp chưa đến. Chỉ khi về sống với gia đình ông bà ngoại con, ba mới chỉ tìm lại được gia đình của mình con ạ. 

Cô bé và cô bé im lặng suốt dọc đường đến Trung tâm. Chia tay ba để vào lớp, cô bé khẽ nói thoáng trong cơn gió thoảng mùa xuân ấm ấm lạnh lạnh: “Bye bye…” 

<<<>>> 

Sáng hôm sau khi hai bạn đã đi học, bà ngoại kể hôm qua em bé “mất ngủ” trằn trọc đến gần một giờ sáng mới thiếp đi. Ông ngoại thì đề nghị tìm xem nguyên nhân là gì… 

Ba Nhi Bôn kể lại cho mẹ bạn và nói: chẳng sao đâu, con mình nó ngoan, nên thấy sai nó sợ ba nó buồn, thế thôi mà. 

Mẹ Nhi Bôn cười, nói: chắc bà của Violetta về nhà cũng tỏ ra sốt ruột, lại nói chuyện kể Nhi Bôn thế này, Nhi Bôn thế kia… và bị cả nhà phản đối là “so sánh với con người khác…” 

– “Đúng là như thế đấy, chú Mạnh bố bạn Violetta còn trẻ, nên trách bà như thế chứ thật ra bà làm gì có ý so sánh đâu. Chỉ có thể phê bình là so sánh khi bố mẹ đem so con với bạn này bạn khác, còn bà thì chỉ là sốt ruột quá cho cháu mình thôi mà.” Ba Nhi Bôn nói với mẹ bạn ấy. 

Làm người trẻ, phải biết thông cảm với người già, đặc biệt với người trung niên chúng ta chỉ vài năm nữa mình cũng sẽ già.   

<<<>>> 

Hồi đó trong cái bể kính bên Singapore, có một con rùa biển, lặng lẽ ở một góc, như một bà cụ già đã sống gần hết cuộc đời. Tất cả dòng đời đang trôi qua trước mắt như cuốn phim quay chậm, chẳng còn gì là quan trọng với nó nữa. Có khi với nó, chỉ cần lũ rùa trẻ bơi ngang qua cho nó thấy mặt, cảm nhận được hình như có gì đó của mình vẫn được tiếp nối trong lớp trẻ kia, thế là đã quá đủ rồi.


Bài trên Fanpage tại đây



[1] “Scorpaenidae” – tiếng Anh “Scorpionfish,” họ cá mù làn

[2] “Balistes vetula” – tiếng Anh “The Old Wife”, họ cá nóc gai

[3] “Epinephelus lanceolatus” – loài cá xương sống ở Ấn Độ Dương, có thể có ở vùng biển Australia hay biển Đông Nam Á vùng xích đạo.

[4] 好看– [Hǎokàn] – Câu trong câu chuyện nghĩa là “Đẹp quá kìa!” “Nhìn đẹp không?”

[5] 阿姨 – [Āyí]

[6] 奶奶 – [Nǎinai]

No comments:

Post a Comment