Monday, January 17, 2022

Tình cha con qua từng trang sách


Quốc Vương 

Cuốn sách “Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu” của tác giả Phúc Lai được xếp hạng là một trong 10 cuốn sách dạy con thành công dân toàn cầu đáng đọc. Trước đó, tác giả Phúc Lai đã cho ra nhiều tác phẩm như: Chuyện cha con chúng ta là đồng bọn; Dạy con dạy cha; Chuyện con chuyện cha… tới đây sẽ là tác phẩm “Cha, con gái và những bức thư gửi vào tương lai”.

Giữa một xã hội vẫn nặng về khoa cử, tác giả Phúc Lai đưa ra một quan điểm riêng biệt: không nhất thiết con phải biết mọi thứ, mà quan trọng là được rèn luyện, hoặc trang bị bằng một thái độ học tập không ngừng nghỉ. Câu chuyện về “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” là quá trình “dò dẫm” của tác giả trên con đường đồng hành cùng con. Cuốn sách thể hiện bằng ngôn ngữ đơn giản, chặt chẽ, có tính logic, súc tích, dễ hiểu, không cầu kỳ, hoa mỹ, không nêu những lý thuyết xa vời, thể hiện bằng giọng văn điềm đạm, ấm áp, kèm với những dẫn chứng sinh động từ thực tế trong cuộc sống của chính gia đình mình... Qua đó, bất cứ bố mẹ nào cũng có thể làm theo để giúp con mình hoàn thiện bản thân hơn. 

Tác giả Phúc Lai thực sự biết cách diễn đạt thu hút người đọc. Không mang tính giáo điều, áp đặt, không có ý định đưa ra chuẩn mực phải theo như nhiều sách dạy con khác, “bố bỉm sữa” Phúc Lai cùng độc giả suy nghĩ, tìm tòi, cách tác giả Phúc Lai chia sẻ giúp các phụ huynh tìm ra cho mình phương pháp riêng hiệu quả để định hướng cho con và…tiết kiệm khá nhiều thời gian, như chia sẻ của nhiều độc giả cũng là “bố bỉm sữa” khác. Cuốn sách đặt ra những vấn đề đối với việc nuôi dạy con trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thông qua tâm nguyện của người cha mong muốn dạy con nên người, trở thành người hạnh phúc và sống có ích cho xã hội. Từ trải nghiệm thực tế và qua những điều học hỏi từ sách vở trong việc nuôi dạy hai con, tác giả Phúc Lai đã rút ra nhiều kinh nghiệm, phương pháp và đặt ra những gợi mở đối với việc nuôi dạy con cái. Theo tác giả, công dân toàn cầu đang trở thành “xu hướng thời thượng” trong giáo dục. Thế nhưng, để hiểu rõ khái niệm này như thế nào, qua đó chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để con mình trở thành “công dân toàn cầu” thực thụ, không phải bậc phụ huynh nào cũng rõ. 

Cần phải xác định các tiêu chuẩn như sau: Công dân toàn cầu không phải là phong trào mà là trách nhiệm; Công dân toàn cầu không được quên cội nguồn; Vấn đề ngoại ngữ đối với yêu cầu công dân toàn cầu là cần, nhưng không được yếu tiếng mẹ đẻ. Như vậy, trong ba yêu cầu này, có hai yêu cầu nghiêng về phẩm chất của con người, yêu cầu còn lại nghiêng về năng lực. Để đáp ứng được 3 yêu cầu này, trước hết con phải có một nền tảng sức khỏe vững chắc, biết chăm sóc bản thân và có một tâm hồn lành mạnh. 

Ở mỗi đứa trẻ, cần phải có đức tính chăm chỉ, yêu lao động, sẵn sàng tiếp nhận những điều chưa biết và sẵn sàng đáp ứng - thích ứng của quá trình toàn cầu hóa. Trẻ phải có tính đam mê, có nếp sống văn minh, ý thức chuẩn mực đối với nhân loại, có phẩm cách và mong muốn phục sự Tổ quốc, nhân loại và thế giới. Trang bị cho con cái những điều cần thiết như định hướng nghề nghiệp, niềm say mê đọc sách, cách học cho tốt, kỹ năng sống, cách tiêu tiền, sự quan tâm đến hình thức của bản thân … để vững bước trở thành “công dân toàn cầu” của thế kỷ 21. 

Tuyệt đối không được nhận thức rằng trở thành “công dân toàn cầu” là bằng mọi cách đi tìm sự an nhàn đầy đủ về vật chất, mà phải xác định biết hy sinh bản thân cho một thế giới tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. 

Không nhất thiết con cái chúng ta phải định cư ở một nước phát triển, tham gia một công ty toàn cầu hoặc một tập đoàn đa quốc gia, mà giới trẻ có thể trở thành một công dân toàn cầu ngay chính trên đất quê hương mình. Nghĩa là không cần dạy con thành “sao”, thành “thần đồng”, hoặc phải trở thành sinh viên Đại học Harvard, rồi buộc phải thành đạt và thật giàu có... Chỉ cần các bạn trẻ không sa vào những ảo tưởng phi thực tế, quá sức đối với bản thân mình, mà có thể ngẩng cao đầu vì đã sống tốt, sống có ích - đấy mới là cách dạy con trở thành những “công dân toàn cầu”. Đó là triết lý giáo dục xuyên suốt và chủ đạo, là tư tưởng chính trong cuốn sách “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” của tác giả Phúc Lai. 

Tác giả định hướng cho con ba yếu tố: thể chất, đạo đức và tri thức. Đó là vấn đề then chốt, tạo nên một con người hoàn hảo. Phúc Lai nhận định, thể chất và đạo đức là nền tảng cốt lõi, kiến thức tri thức là “nhân tố” không thể tách rời trong một con người. 

Lời của tác giả Phúc Lai: Khi viết cuốn sách này thực tế, tôi không nghĩ ra cái gì mới mẻ cả, chỉ quan sát và học hỏi kinh nghiệm. Những thu nhận từ độc giả quanh cuốn sách thực sự không như kỳ vọng, cũng một phần xuất phát từ việc người Việt bây giờ hầu như không đọc sách, mà đọc mạng xã hội và cuốn theo bấtcứ cái gì các KOL cho mình đọc. 

Nhưng cũng rất thú vị là có những độc giả là vài ông bố, nhận xét đọc cuốn sách này của tôi thấy thực sự hữu dụng vì họ không còn mất nhiều thời gian và có lẽ tôi đã cùng họ tìm ra phương án khả thi nhất cho mình. Quan trọng nhất trong câu chuyện dạy con: không được mơ hồ.

Bài trên VOV tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây 

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment