Saturday, February 26, 2022

“Hoạt động quân sự đặc biệt” của Putin chống Ukraine: cái nhìn đầu tiên

24 giờ sau những đòn tấn công đầu tiên của lực lượng Nga vào lãnh thổ Ukraine trên ít nhất bốn hướng: đông, nam, đông nam và tây bắc; ngay từ lúc đầu báo đài đã tràn ngập tin tức về sự xâm nhập của quân Nga có nơi rất sâu. Vậy chúng ta cần nhìn nhận sự việc như thế nào – liệu Nga có chiếm và chiếm được Kyiv, thủ đô Ukraine hay không? Nếu chiếm thì bao nhiêu lâu sẽ chiếm được? 

Bài viết này không mong đem lại một câu trả lời thỏa đáng, mà với vị trí của một người có chuyên môn phân tích về tình hình quốc tế (không chuyên về quân sự) lại ngồi ở cách xa hàng vạn kilômét, cái nhìn sẽ bị hạn chế về tin tức, do đó ở đây tôi sẽ xin có một số phân tích dựa trên lý thuyết và thực tiễn phát triển quân sự hiện đại. Từ đó bạn đọc sẽ cùng tác giả suy nghĩ và đưa ra những nhận xét riêng của mình về tình hình. 

Đã từ lâu khi nghiên cứu những học thuyết quân sự, đặc biệt là những lý thuyết của quân đội Xô-viết được đúc kết qua hai cuộc chiến tranh lớn: Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân các dân tộc Xô-viết và cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi có thể rút ra một số kết luận: 

– Chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng – Blitzkrieg” của Đức quốc xã áp dụng rất thành công trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai vì đối thủ của nó là các nước vẫn sa lầy trong học thuyết “Chiến tranh trận địa” kiểu Thế chiến thứ nhất mà điển hình là Pháp. “Chiến tranh chớp nhoáng” với đặc điểm là đánh những đòn thọc sâu bằng không kích (máy bay cường kích ném bom bổ nhào Ju-87 “Stuka” lên ngôi nhờ chiến thuật này) đổ bộ đường không bằng lính dù, gây hoang mang đằng sau hậu phương địch bằng cả lính dù biệt kích lẫn lính ăn mặc giả đối phương vừa phá hoại (các đầu mối giao thông, đường dây thông tin liên lạc) vừa tung tin giả, sau đó đến các đòn thọc sâu bằng thiết giáp. Giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chiến thuật này có những kết quả đáng kể, nó làm cho Hồng quân bị bất ngờ và tan rã từng mảng lớn. Sau đó thì Hồng quân đã lấy lại tinh thần và chiến đấu kiên cường, gây cho quân Đức những thiệt hại đầu tiên. 

– Học thuyết “Chiến tranh trận địa” tưởng như lỗi thời lại được Quân đội Xô-viết ứng dụng một cách tài tình trong trận Kursk, khi họ xây dựng một hệ thống phòng ngự nhiều tầng, chủ động đón đánh xe tăng Đức bằng các trận địa mìn, sau đó là pháo chống tăng, vũ khí chống tăng cá nhân… tất cả được hỗ trợ bằng một lực lượng pháo binh hùng hậu. Xe tăng và pháo tự hành chỉ được dùng vào nhiệm vụ chống tăng trong trường hợp tình hình trở nên bất lợi, như ở hướng Phương diện quân Voronez của tướng Vatutin. Đó là tình thế dẫn đến trận đấu xe tăng nổi tiếng gần làng Prokhorovka. 

– Nhận ra được thiếu sót nghiêm trọng trong chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng” kiểu Đức là quá coi trọng xe tăng, coi nhẹ pháo binh và giao trách nhiệm tập kích các lực lượng phía sau tiền duyên cho máy bay cường kích, Quân đội Xô-viết đã phát triển một chiến thuật có thể gọi là “Blitzkrieg Xô-viết.” Việc phát triển lực lượng pháo binh một cách thích đáng được đánh dấu ngay trong trận Kursk đã dẫn trên đây, khi họ sử dụng đòn “phản chuẩn bị” bằng pháo binh và không quân đánh như vũ bão vào quân Đức đang ở vị trí chuẩn bị tấn công. Trong các chiến dịch phản công từ sau đó cho đến hết chiến tranh, chiến thuật “Blitzkrieg Xô-viết” được vận dụng tài tình: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, sử dụng phương án yêu thích là tổ chức những đòn tấn công mạnh ở hai bên sườn cụm quân địch rồi hợp vây, chia cắt, tổ chức tiêu diệt lực lượng bị vây. Để đảm bảo chiến thuật này, lực lượng pháo binh Xô-viết càng ngày càng trở nên mạnh mẽ đáng gờm: thông thường với những chiến dịch tấn công, họ tập trung có đến 1000 thậm chí 1500 khẩu pháo và súng cối trên 1 kilômét chính diện mặt trận. Sau đó là những đòn tấn công mạnh bằng lực lượng thiết giáp, mà tư tưởng phát triển chính là “số lượng bù chất lượng,” với một số lượng đông đảo xe tăng chưa từng thấy, và cuối cùng là sự hỗ trợ của bộ binh cho xe tăng, đặc biệt là việc sử dụng chiến thuật đổ bộ bằng xe tăng. Vào thời kỳ tấn công cao điểm, có những chiến dịch Hồng quân tiến được 150 kilômét/một ngày đêm. 

– Chiến thuật này được Quân đội nhân dân Việt Nam vận dụng tài tình ở nhiều mức độ khác nhau, trong nhiều trận đánh khác nhau và đỉnh cao của nó, là ở Chiến dịch Hồ Chí Minh, là chiến dịch phối hợp quân chủng hợp thành hoàn chỉnh và quy mô nhất. 

Từ đó chúng ta có thể rút ra được rằng đến nay, kiểu học thuyết quân sự như thế này được coi là truyền thống và khá hoàn hảo, việc phát triển các quân binh chủng đồng đều và phối hợp trơn tru là cần thiết. Vai trò “dọn chiến trường” vẫn thuộc về pháo binh và không quân tầm trung và tầm xa, sau đó đến các đòn tấn công của lực lượng thiết giáp và bộ binh. Đó là cách thi hành cuộc chiến tranh đối xứng. Tuy nhiên cuộc chiến tranh Chesnia lần thứ nhất với tổn thất nặng nề của Quân đội Nga, đặc biệt khi lực lượng thiết giáp sa lầy trong những trận đánh đô thị, đã cho thấy học thuyết này cần phải thay đổi từ góc độ thi hành những cuộc chiến tranh phi đối xứng. 

Hơn ai hết, người Mỹ là những người có được bài học nhớ đời về chiến tranh phi đối xứng khi phải đối mặt với chiến thuật chiến tranh du kích của đối thủ mà họ gọi là Việt Cộng. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tiến rất nhanh đến thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia, tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot, nhưng sau đó thì chiến tranh du kích của Khmer đỏ làm cho cuộc chiến còn lai nhai đến cả chục năm. Câu chuyện tương tự vẫn tiếp diễn tại Afghanistan với Quân đội Liên Xô, sau đó là tại Trung đông trong suốt cả đến hai thập kỷ từ sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất 1991 với Quân đội và hải quân Hoa Kỳ. Vì thế, việc thay đổi học thuyết quân sự và từ đó là cách thức tiến hành chiến tranh, là điều không thể tránh khỏi với tất cả các nước. Đến đây tôi xin tạm dừng, sẽ quay lại chủ đề này… sau ít phút. 

֍֎֎ 

Tôi nhớ hồi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải dương Thạch du 981 vào thăm dò trái phép trong vùng biển Việt Nam, tôi đã có bài phân tích về kịch bản của một cuộc chiến tranh quy ước nếu diễn ra giữa hai quốc gia như thế nào. Cụ thể ở đây chúng ta giả định là có một kẻ địch lớn ngay bên cạnh tấn công, thì những gì diễn ra sẽ được hình dung như thế này:

– Đánh phá các mục tiêu quân sự, đặc biệt là khu vực tập trung khí tài và lực lượng nhân lực chủ lực, công nghệ cao. Trong cuộc chiến tranh hiện đại, nhiệm vụ này được giao cho máy bay chiến đấu đa năng ném bom thông minh, máy bay không người lái, sau đó mới đến tên lửa hành trình tầm trung, pháo tầm trung, tầm xa. 

– Gây rối loạn đời sống xã hội bằng việc đánh các đầu mối giao thông, mà ở thời nay là các nút giao đường cao tốc là điểm dễ tổn thương và dễ gây hỗn loạn nhất. Một cầu vượt điểm nút đường quốc lộ số 5 với quốc lộ 1A mới bị đánh sập, sẽ làm cho người đi người về không được, các lực lượng ứng cứu, khí tài không di chuyển được. Nhưng trước đó những mục tiêu như trạm biến thế Ba La (Hà Đông) Phổ Yên (Thái Nguyên) thậm chí đập thủy điện Hòa Bình cũng bị đánh sập, nhiệm vụ này thường được giao cho tên lửa hành trình; song song với nhóm năng lượng là nhóm viễn thông: các cột sóng, các trung tâm truyền dẫn… đều có thể đồng loạt bị đánh, gây tê liệt liên lạc cả của dân chúng lẫn bộ đội. Các kênh liên lạc quân sự có thể ít ảnh hưởng hoặc nhanh chóng phục hồi, nhưng những kênh dân dụng bị tê liệt sẽ gây hỗn loạn kinh khủng… 

– Sau khi đánh đủ mức tê liệt, xã hội đủ rối loạn, mới đến cuộc tấn công của lực lượng lục quân. 

Như vậy chúng ta có thể thấy, thường khi sử dụng lục quân chỉ khi nào bên tấn công có mục đích đánh quỵ đối phương vào tận đầu não, thậm chí thay đổi chế độ ở nước bị tấn công. Điều này sẽ không xảy ra ở Việt Nam, vì hiện nay Việt Nam đang có chính sách rất hòa bình hữu nghị với tất cả các nước, thậm chí với một số nước là “đặc biệt ưu ái,” đến mức cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cách đây 43 năm còn ngại nhắc đến, nên chiến tranh chỉ là giả định. Giờ đây thì chiến tranh đã diễn ra trên một đất nước mà nhân dân của cả hai bên đã từng “sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chống đế quốc.”      

 ֍֎֎ 

Đã đến lúc quay lại với vấn đề để ngỏ trên đây và cũng là đi vào chủ đề chính. Trong bài “Liệu có xảy ra cuộc Nga – Ukraine” mặc dù tôi đã sai trong việc dự đoán nó không nổ ra, nhưng đã hình dung khá sát về kịch bản tấn công của nước này, trong trường hợp nó diễn ra. Điều đáng nói là Quân đội Nga hiện nay áp dụng rất đúng các lý thuyết quân sự Xô-viết, tức là có dọn đường bằng bắn chuẩn bị, có sử dụng các đòn thọc sâu, đổ bộ đường không và sau đó sử dụng lục quân. Khi dự đoán, tôi cũng đưa ra ý kiến là nếu Nga dùng lục quân, và quân đội Ukraine cầm cự đánh tiêu hao cho đến khi thiệt hại về người và khí tài của Nga đến mức đáng kể, thì cuộc tấn công sẽ phải dừng lại. 

Những thiệt hại về lực lượng thiết giáp chẳng hạn, có thể rất ý nghĩa với bên này (cụ thể là Nga rất coi trọng lực lượng thiết giáp, xuất phát từ việc có một đất nước rộng lớn nhiều diện tích phù hợp cho triển khai thiết giáp) nhưng trong những cuộc chiến tranh hiện đại thực sự nó không hẳn là có nhiều ý nghĩa. Đó là lý do rất nhiều nước đến nay không quá chú trọng phát triển lực lượng này, mà chỉ phát triển ở mức vừa đủ theo hướng công nghệ cao. Với Nga, nếu số lượng xe tăng bị bắn cháy đến mức “ấn tượng” và đủ không thể bưng bít được với truyền thông quốc tế và trong nước, thì sẽ là một tin không mấy dễ chịu cho giới quân sự chóp bu nước này. Song song với đó là việc mất đi một số lượng bộ binh đi kèm thiết giáp, cũng sẽ đóng góp thêm lý do để chiến dịch phải dừng lại.

Như vậy nếu “chiến dịch đặc biệt” này chỉ ở mức hạn chế tập trung vào tập kích bằng tên lửa, thậm chí bằng pháo tầm xa hoặc máy bay tấn công, thì nó sẽ đúng nghĩa là “dạy cho thằng em một bài học.” Nếu nó diễn ra như vậy, thì các vũ khí của Ukraine được phương Tây vừa rồi viện trợ là vô dụng; và cuộc chiến sẽ khó khăn theo một kiểu khác… Nhưng nếu Quân đội Nga sử dụng lục quân (tất nhiên Ukraine vẫn sẽ khó khăn theo kiểu khác nữa), thì những dự đoán của tôi đã bắt đầu đúng, nhưng vẫn cần có những giải thích và dự đoán thêm. 

Vậy, Nga muốn gì và tại sao lại sử dụng lục quân vào lúc này, khi mà các cuộc chiến tranh đã dần dần chuyển sang hình thức “chiến tranh bấm nút” mà ngay cả những nước vốn quen sử dụng sức người cũng phải nghiên cứu rất mạnh sang hướng đó? Những gì diễn ra trên thực tế 24 giờ qua có vẻ khác với truyền thống, khi vai trò của pháo binh (nói chung) Nga khá mờ nhạt, dù một số tin quốc tế mô tả là “oanh tạc như mưa sa.” Chúng ta vẫn thường quen với một hình ảnh Liên Xô và nay là Nga nổi tiếng với những giàn pháo phản lực Katiusha nhiều nòng gây run sợ kẻ thù, sao không được sử dụng trên diện rộng? 

Đơn giản là đầu đạn của chúng có độ tản mát quá lớn, sẽ gây thương vong cực kỳ lớn cho đối phương nhất là đối với… dân thường. Sử dụng những loại vũ khí công nghệ thấp như vậy, sẽ là một tội ác mà nhân loại không thể dung thứ, vì thế mới nói: bây giờ là thời lên ngôi của vũ khí công nghệ có độ chính xác cao. Đến nay đã có những báo cáo (không chính thức) về thiệt hại của Ukraine nhưng ở khu vực của dân thường gần các mục tiêu quân sự, cho thấy độ chính xác của vũ khí Nga là đáng đặt dấu hỏi. 

Cho đến sáng sớm nay theo giờ Hà Nội, vẫn thấy những người bạn từ Kharkiv, từ Kyiv… online để post bài theo sát tình hình. Như vậy là “mạng vẫn còn” bất chấp cuộc tấn công làm cho lực lượng Ukraine phải cầm cự suốt ngày hôm qua ở ngoại vi Kharkiv và tương tự như vậy ở sân bay Gostomel gần thủ đô Kyiv. Mà theo kịch bản “đánh tê liệt” thì nhẽ ra Nga phải đánh những mục tiêu năng lượng và viễn thông đầu tiên – không nhẽ họ muốn để lại để sau này chiếm xong thì… sử dụng lâu dài? Một sự thật khó tin! 

Vì thế, chúng ta có thể lờ mờ đoán được là việc sử dụng lục quân của Nga bởi một lý do hỗn hợp: (1) Thực sự muốn uy hiếp chính quyền và nhân dân Ukraine bằng đòn tâm lý: lực lượng xe tăng bộ binh hùng hậu áp sát thủ đô từ đó gây hoang mang, thậm chí có thể có lật đổ bên trong và (2) Không đủ vũ khí công nghệ chính xác cao để xử lý các mục tiêu trọng yếu để “đánh tê liệt,” do đó Nga đã sử dụng đòn đổ bộ đường không (quân dù nhảy xuống sân bay Gostomel) nhưng loại chiến thuật này chỉ hữu hiệu khi nó đi kèm đầy đủ các điều kiện: tốc độ không vận nhanh, yếu tố bất ngờ, đối phương đủ yếu và ở xa không kịp ứng cứu, bản thân người lính phải được hỗ trợ đầy đủ từ máy bay, drone, pháo binh (tên lửa chính xác cao) thậm chí vệ tinh nhân tạo. 

Quay lại với khía cạnh “chiến tranh phi đối xứng” – bên nào yếu thế cả về lực lượng lẫn khí tài, buộc phải sử dụng chiến thuật này và cố gắng lôi bằng được đối phương vào đó theo đúng ý đồ. Nếu quân đội Ukraine theo chiến thuật này, chúng ta sẽ thấy giai đoạn đầu là những bước tiến vũ bão của lực lượng Nga, đặc biệt là hình ảnh của xe tăng xuất hiện chỗ này, chỗ khác sẽ gây ấn tượng mạnh. Nhưng vào được không có nghĩa là ra được, vì điểm mạnh đáng kể của quân đội Ukraine hiện nay là ở các vũ khí mới được viện trợ như tên lửa chống tăng Javelin… Và tôi cũng thấy bất ngờ khi đêm qua xem trực tiếp trên mạng cảnh drone của Ukraine (có nguồn cho biết do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất) tấn công xe tăng Nga như trong… game, một cảnh tượng rùng rợn khủng khiếp, không khác gì ấn tượng đem lại khi hơn 200 đến dưới 300 lính đánh thuê Nga bị vũ khí Mỹ tiêu diệt ở Syria hồi nào. Nếu cảnh live này là đúng, thì hình ảnh đó sẽ còn ám ảnh tôi rất lâu, vì dưới cái đám lửa như lân tinh sáng lòa tỏa ra trên tháp xe tăng đó, là mấy mạng lính tăng Nga đang bị lấy đi một cách “thúc thủ, tuyệt vọng.” 

Nếu quân Nga có và cố duy trì mục tiêu của mình là đánh chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine, thì tất cả sẽ phụ thuộc vào việc quyết tâm tử thủ của chính quyền và nhân dân Ukraine đến đâu. Để sa lầy vào trận đánh đường phố, thì xe tăng Nga trở nên vô dụng và sẽ là mồi ngon của tên lửa chống tăng cá nhân và cả máy bay không người lái. Hơn ai hết, Quân đội Nga với kinh nghiệm của mình từ những trận chiến Berlin hay Budapest, họ hiểu cái giá phải trả và để chiếm được một thành phố như thế, thì không phải là 200 nghìn quân, mà phải chuẩn bị một triệu quân. Thời của đánh nhau bằng sức người đã qua từ rất lâu, đã đến thời của những người lính ngồi sau bàn điều khiển và ngoài chiến trường là những người lính đeo computer. 

Sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, các cuộc chiến tranh dần bước sang hình thức xung đột hạn chế, với tính chất đánh nhanh thắng nhanh, rút gọn, tiêu diệt trung tâm đầu não địch với các mục tiêu quan trọng tận tung thâm, chứ không thể cù nhầy. “Hoạt động quân sự đặc biệt” lần này mà chỉ cần kéo dài đến tuần thứ hai thôi, là đã đủ thấy họ sẽ phải rút sớm. 

Những suy tư này còn có thể suy ra được sang hiện trạng của quân đội, của vũ khí nước nhà, khi mà những cuộc xung đột trong tương lai vẫn có khả năng tiềm tàng…

Bài trên Nhịp Cầu thế giới tại đây

No comments:

Post a Comment