Monday, March 7, 2022

Liệu Putin có “dám” sử dụng vũ khí hạt nhân?

Tổng thống Nga V. Putin hôm Chủ nhật (27/2/2022) tuyên bố đã “đặt “lực lượng răn đe hạt nhân” của quân đội Nga vào tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu.” Để biện minh, vị nguyên thủ L.B. Nga giải thích muốn đáp trả “những tuyên bố gây hấn của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.” Từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, tôi đã có vài bài, phân tích có, “chém gió” tếu táo cũng có chủ yếu là những nhận định từ lý thuyết logic tiến hành chiến tranh trong bối cảnh quan hệ quốc tế.

 

Đó cũng là lý do mà tôi nhận được nhiều câu hỏi, chính xác là những câu thể hiện sự lo âu, rằng phải chăng Putin có dám sử dụng “hàng nóng” (chỉ vũ khí hạt nhân hoặc những vũ khí gì đó không phải là vũ khí thông thường để tiến hành chiến tranh quy ước) ở chiến trường Ukraine hay không? 

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, ông ta còn đưa ra một lời đe dọa còn ngớ ngẩn hơn: “Bất kể ai cố cản đường chúng tôi hoặc… tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả với các người sẽ là chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình.” 

Một phần khác của bài phát biểu của Putin dường như rõ ý hơn, Putin nói: “Nước Nga ngày nay vẫn là một trong những quốc gia hạt nhân mạnh nhất.” Để biện minh cho cuộc xâm lược, Putin cũng đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng Ukraine đang trên con đường xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Không có bằng chứng nào về điều đó cả.” 

Bà Jen Psaki, thư ký báo chí của Nhà Trắng (Hoa Kỳ), đã nhanh chóng trả lời hành động ngày 27/2 của Putin. Bà nói trên ABC’s tuần này: “Chưa có lúc nào Nga bị đe dọa từ NATO.” Nhưng bà cũng thêm: “Chúng tôi có khả năng tự vệ.” 

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân: sự ra đời của nó phải nói chính xác là việc thiết lập một trật tự thế giới mới về mặt an ninh sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Từ đó đến nay, các nước sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân đã có nhiều cuộc thử, như Mỹ và Liên Xô tập trung vào thập niên 1950, Pháp chậm hơn một chút. Ngoài ra, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan cũng tham gia vào cuộc chơi. 

Ở đây chúng ta cần hình dung để đạt được cái gọi là “sở hữu vũ khí hạt nhân” có nhiều khía cạnh: có và làm chủ được công nghệ bom hạt nhân, dưới đó là “đầu đạn hạt nhân” (nuclear warhead) và gần đây người ta đã nói nhiều đến “đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.” Đó là cách gọi nôm na, chứ “nói cho sang mồm” phải gọi là “vũ khí hạt nhân phi chiến lược” hay “vũ khí hạt nhân chiến thuật.” Được biết đến nhiều nhất có thể kể đến đầu đạn W-54 được phát triển bởi Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1960, sau đó có còn có một số biến thể khác nữa. Tháng 7/1962, loại đầu đạn này đã được thử tại bãi thử Nevada, ngày 7 trong tình trạng đầu đạn được treo lên và lần sau là ngày 17 phóng thử tên lửa thật và được cho nổ thành công cách bệ phóng 2,7 kilômét. Từ đó đến nay người ta không ghi nhận có thêm bất cứ vụ thử nào tương tự như vậy. Liên Xô cũ hay Nga bây giờ, có số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật được cho là gấp 10 lần Hoa Kỳ (2.000 so với 200) và thông tin về nó khá mờ nhạt, không rõ ràng và điều này càng gây lo ngại cho phương Tây cũng như nhân loại sợ chiến tranh nói chung. 

Một số quan chức Hoa Kỳ đã tranh cãi về việc triển khai thêm các loại vũ khí hạt nhân năng suất thấp “có thể sử dụng được” trong kho vũ khí. Tuy nhiên, ngay cả những thứ được coi là vũ khí hạt nhân năng suất thấp ngày nay vẫn có sức mạnh to lớn. Chẳng hạn, W76-2, một đầu đạn “năng suất thấp” mới được triển khai vào cuối năm 2019 cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ, ước tính có đương lượng nổ là 5 kiloton, gần bằng một phần ba đương lượng của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. 

Thông thường, các vụ thử vũ khí hạt nhân kiểu này được tiến hành dưới các hình thức: thử đầu đạn không (chủ yếu dưới lòng đất, nhưng thế giới có thể biết được nhờ các thiết bị do thám) và thử trong khí quyển, như vụ thử đầu đạn W-54 trên đây cho thấy lúc đó Hoa Kỳ đã làm chủ được công nghệ bắn thử tên lửa mang đầu đạn thật và bắn trúng đích theo ý đồ. Với Liên Xô cũ, người ta tin rằng thời kỳ tuyệt mật về thông tin chiến tranh lạnh và thiết bị do thám còn yếu kém, cũng làm chủ được công nghệ tương tự thậm chí vượt trội so với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Tuy nhiên từ khi Liên Xô tan rã cho đến nay, song song với sự phát triển của các thiết bị do thám và đo lường thì chưa ghi nhận vụ thử thực tế nào của loại vũ khí này từ phía Nga. 

Gần như tất cả vũ khí hạt nhân chiến thuật kiểu này đều phát triển từ thời chiến tranh lạnh, thực tế trong tình trạng niêm cất hoặc có thể đưa vào sẵn sàng chiến đấu, nhưng không vận hành bao giờ. Mặc dù các quốc gia sở hữu có những phương pháp và thiết bị để kiểm tra khả năng vận hành của nó, ví dụ như tháo một bộ phận ra thử; cuối cùng là bắn thử thực tế nhưng chỉ dùng đầu đạn giả lập, nhưng xác suất thành công/bị hỏng vẫn còn là dấu hỏi. Về thông tin chính thức thì những cuộc thử như trên đây đề cập đã bị dừng từ 1960. 

Vì thế việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân rất đáng sợ, nhưng chưa nhất thiết phải hoảng lạn vì thực chất tất cả các nước đang sở hữu cái này, đều không đảm bảo nó sẽ hoạt động trơn tru đúng như mong muốn thường được thể hiện trên phim Hollywood. Thậm chí với những nước có thời gian dài không phát triển, công nghệ đi ngang nếu không muốn nói là thụt lùi, thì ngay người sử dụng cũng đã sợ không kiểm soát được nó, đặc biệt là khả năng tự hủy của tên lửa khi phát hiện sự cố không thể kích nổ đúng như mong muốn. Việc tự hủy thường là tên lửa tự bốc cháy và đầu đạn “rơi xuống nhà dân” mà không nổ, nhưng nếu nó nổ trên lãnh thổ nước mình, thậm chí tệ hơn nổ ngay trên bệ phóng thì là thảm họa. 

Gần đây nhất, năm 2020 Nga tiến hành một lần bắn thử tên lửa chiến lược (ICBM) có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây chỉ có Bắc Triều Tiên cho thấy những chỉ dấu “hình như” họ đang tiến hành những cuộc thử như vậy (bắn tên lửa vào không gian nhưng chưa được khẳng định là có đầu đạn hạt nhân hay không). Do vậy nếu người ta lo sợ sẽ lo sợ các quốc gia như Bắc Triều Tiên nếu họ đã thực sự thử và đã thành công, như thế là họ đã làm chủ công nghệ ở mức hiện đại nhất. 

Điều lo ngại nhất trên thực tế, chính là việc Nga – Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường chống lại Ukraine. Ở đây chúng ta cần giả định là Nga hoàn toàn làm chủ được công nghệ loại vũ khí này, nghĩa là điều khiển được nó phóng đi và nổ như ý, nhằm đâu trúng đấy. Với quy mô một vụ nổ hạt nhân bằng 1/3 quả bom ném xuống Hiroshima, cũng đồng nghĩa với việc mỗi một đầu đạn sẽ hủy diệt một phần thành phố lớn, và những thành phố nhỏ hơn thì không có cơ hội sống sót. 

Để sử dụng loại vũ khí này thì người ta phải có một số mục đích, ví dụ như nhằm tàn sát dân chúng (không ai muốn cả, tôi tin là cả Putin cũng không muốn), vậy thì ở đây chỉ nhằm đánh quỵ sự phản kháng của quân đội đối phương. Trong trường hợp đó, cần tách được dân chúng ra khỏi quân đội và đó là lý do tại sao Nga hiện nay thường đưa ra những lời kêu gọi thậm chí… chừa đường cho dân chúng Ukraine tản cư khỏi vùng chiến sự. Đây là một “đòn kép,” vừa ngầm có ý đe dọa là sẽ sử dụng “hàng nóng,” vừa có thể sử dụng trên thực tế nếu cần. 

Nhưng, kể cả nếu đạt được việc đó – tức là tách hoàn toàn dân chúng ra khỏi lực lượng quân sự Ukraine, và việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đạt được đúng như mong muốn của người sở hữu, thì hậu quả do nó gây ra vẫn là khôn lường. Bản thân việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân dù ở mức độ và hình thức nào, thì cũng là vô đạo đức và phi lý về mặt luật pháp quốc tế. Nếu quốc gia sở hữu kích hoạt nó dù ở mức vũ khí hạt nhân chiến thuật, điều đó cũng vi phạm tất cả các tiêu chuẩn về đạo đức về khía cạnh chống lại loài người. 

Điều này đã đúng với hai quả bom Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, thì với giai đoạn hiện nay khi mà tất cả các bên đặc biệt là Nga và Hoa Kỳ đã ký kết và thực hiện nhiều Hiệp ước về không phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có cả các quy tắc về răn đe và sử dụng vũ khí hạt nhân; thì việc sử dụng lại càng không thể chấp nhận được. 

Khi đó thì dù là đầu đạn bắn vào một quân đoàn Ukraine tiêu diệt toàn bộ đơn vị, cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng thế giới không chỉ phản đối bằng mồm, mà sẽ kích hoạt một cuộc chiến. NATO dưới sự thúc giục của các thành viên phía đông như Ba Lan và các nước vùng Baltic sẽ tấn công trả đũa, nhưng trước đó sẽ có cuộc họp của Hội đồng Bảo an thậm chí của cả Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua một Nghị quyết cho phép hình thành một liên minh chống Nga. 

Một cục diện như vậy, thì tương quan 10/1 số vũ khí hạt nhân chiến lược, không có ý nghĩa gì, vì chẳng có bên nào có cơ hội dùng hết số vũ khí hạt nhân của mình. 

Putin công khai đe dọa hạt nhân đối với NATO và Hoa Kỳ và quyết định của ông về việc nâng cao tình trạng báo động cho các lực lượng hạt nhân của Nga là điều chưa từng có trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Trong lịch sử việc này đã từng có hay chưa, chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút. 

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ năm 1948 đến năm 1961 cũng như giai đoạn từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đến giữa những năm 1970, có rất nhiều cú đe dọa và cảnh báo hạt nhân được thiết lập để thay đổi hành vi của kẻ thù. Ví dụ, Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger của ông đã phát triển cái mà ông gọi là “thuyết người điên,” (The madman theory) trong đó đe dọa mức độ bạo lực quân sự lớn, thậm chí quá nhiều lần mức cần thiết bao gồm cả các cuộc tấn công hạt nhân để đe dọa Bắc Việt và người bảo trợ của họ là Liên Xô mong có được lợi thế tại bàn đàm phán. 

Vào ngày 9/10/1969, Nixon và Kissinger chỉ thị cho Lầu Năm Góc đặt các lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự khác trên toàn cầu trong tình trạng báo động nhưng được thực hiện một cách bí mật. Trong 18 ngày của tháng 10 năm đó, Lầu Năm Góc đã thực hiện một trong những hoạt động quân sự bí mật lớn nhất và quy mô nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các lực lượng máy bay ném bom chiến thuật và chiến lược cùng các tàu ngầm trang bị tên lửa Polaris đã ở trong tình trạng báo động. “Cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng của các chỉ huy liên quân” này lên đến đỉnh điểm là chuyến bay của máy bay ném bom B-52 trang bị vũ khí hạt nhân trên miền bắc Alaska. 

“Cảnh báo hạt nhân bí mật” của Hoa Kỳ năm 1969 chắc chắn đã được các nhà lãnh đạo Liên Xô chú ý, nhưng đã không thể gây áp lực lên họ cũng như Bắc Việt giúp Nixon giành được sự nhượng bộ từ Hà Nội. Nixon đã chuyển chiến lược Việt Nam của mình từ đe dọa sang một chiến lược rút dần quân để “Việt Nam hóa chiến tranh.” Chiến lược này cũng được củng cố bằng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc và đi vào hòa hoãn với Liên Xô. 

 

Vậy thực chất của hành động Putin tiến hành hôm 27/2 “đặt “lực lượng răn đe hạt nhân” của quân đội Nga vào tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu” là gì? 

Những lời đe dọa như vậy khó có thể thành công khi bên bị đe dọa sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, và cả khi một quốc gia phi hạt nhân hoặc một nhóm du kích hoặc khủng bố được cho là dưới sự bảo vệ của một quốc gia hạt nhân; hoặc khi mối đe dọa hạt nhân không tương xứng và do đó không đáng tin cậy bởi vì nó nhắm đến một quốc gia nhỏ hoặc tác nhân phi nhà nước (bên khởi nghĩa, bên tham chiến…). Một trong những trường hợp liệt kê trên đây chính là câu chuyện của cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine hiện nay. 

Cách giải thích dễ thấy nhất của “đe dọa của Putin” là Nga đang thua trong một cuộc chiến. Cơ sở của đe dọa là lý thuyết cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân “có giới hạn” có thể ngăn cản bước tiến của đối thủ hoặc thậm chí lật ngược cán cân có lợi cho bên thua, hay có một lý luận khác của Putin và giới lãnh đạo nước này: “Leo thang để xuống thang.” 

Nhưng một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng trong một cuộc xung đột liên quan đến các đối thủ có vũ khí hạt nhân – ngay cả khi ở quy mô được gọi là “quy mô hạn chế” liên quan đến một số ít các quả bom “nhỏ hơn” ở Hiroshima – thì không có gì đảm bảo rằng xung đột sẽ không leo thang và trở thành một vụ nổ hạt nhân toàn cầu theo phân tích trên đây. Cả Biden và Putin dường như đều hiểu rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ phải kích hoạt,” một tuyên bố ban đầu được các Tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev xác nhận vào năm 1985 và được 5 quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất vào tháng 1 năm 2022 nhắc lại. 

Tuy nhiên, sự thừa nhận như vậy giữa các nhà lãnh đạo không có nghĩa là một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không nổ ra. Hơn ai hết, Putin đã chứng tỏ rằng ông ta là một người dám chấp nhận rủi ro ở mức vô địch. Một khi đã có hành động như vậy, chúng ta có thể đưa ra những đoán mò như sau: 

– Một, kế hoạch của Nga – Putin đã không đạt mục tiêu ban đầu là nhanh chóng hạ gục quân đội Ukraine và giải tán chính quyền Zelenski. 

– Hai, thực tiễn chiến trường có những dấu hiệu cho thấy sự sa lầy của lực lượng quân sự Nga tham gia chiến dịch, thậm chí đã đến mức “bí cờ,” nghĩa là không biết làm gì tiếp theo. Điều này được chứng minh bằng các sự kiện thực tế: quân Nga sa vào việc buộc phải làm nhưng lại tối kỵ trong quân sự hiện đại, là bao vây đánh chiếm thành phố. 

– Ba, do những bất lợi trên, chưa thấy có giải pháp chính trị nào để Nga rút ra được khỏi cuộc chiến trong thế có thể tuyên bố thắng lợi chiến dịch. 

– Bốn, do bế tắc, Nga có thể phải thi hành các biện pháp cực đoan hơn (hơn thôi, có thể chưa phải là rất cực đoan như sử dụng vũ khí hạt nhân) như đánh phá hoại (không kích bằng bom pháo tên lửa) và chắc chắn sẽ gây nên làn sóng vừa lo ngại, vừa phẫn nộ trong lòng châu Âu. Điều này sẽ kích thích một làn sóng khác là làn sóng muốn hỗ trợ Ukraine bằng những hành động cụ thể để kháng chiến. Vì thế tuyên bố của Putin ngày 27/2 nhằm ngăn không cho các quốc gia đặc biệt là các thành viên NATO chính thức đưa quân hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine một cách riêng rẽ. Như chúng ta đã biết, NATO sẽ không tham gia hay can dự vào cuộc chiến tranh này vì Ukraine không phải là thành viên, nhưng cũng sẽ không ngăn được một thành viên nào đó của tổ chức tham chiến theo một Hiệp ước song phương giữa Ukraine với nước đó. Thực tế thì cũng chưa cần đến mức này, mà hiện nay với động thái của nhiều nước “cho phép công dân mình được tham gia cuộc chiến ở Ukraine” thì cũng đã là quá đủ để vô hiệu hóa “tuyên bố của Putin” rồi. 


Vì thế, để giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân và tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa các mối đe dọa hạt nhân vô trách nhiệm của Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Xa hơn nữa, Hoa Kỳ còn hoãn việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vốn được dự kiến từ lâu, cụ thể bằng mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Lloyd Austin phát ra hôm thứ Tư 2/3/2022 “Để tránh bị hiểu lầm là khiêu khích Nga trong hoàn cảnh đang nổ ra cuộc chiến tranh ở Ukraine.” Đây khó có thể nói là các biện pháp làm nguội cái đầu Putin đang nóng ran lên vì những tin tức không mấy vui vẻ từ chiến trường báo về, mà có ý nghĩa khác.
 

Tuyên bố và cả việc hoãn thử tên lửa đó để nhằm “không tạo cớ” cho Putin gây sự thêm với Mỹ và NATO hay phương Tây nói chung, nhưng cũng để mở một cánh cửa cho những hành động trong tương lai. Nếu Putin “túng làm liều” cũng có nghĩa là “Tôi đã tuyên bố rồi, làm việc thiện chí rồi, nhưng anh vẫn vi phạm những quy tắc đạo đức chống lại loài người, và bây giờ chúng tôi có quyền hành động.” 

Cuối cùng là câu hỏi, nếu như hồi 1994 Ukraine không từ bỏ kho 1.900 đầu đạn hạt nhân của mình, thì liệu bây giờ có bị bắt nạt như thế không? Không có câu trả lời xác đáng, nhưng khi đó thì Ukraine sẽ có tình thế tương tự như Bắc Triều Tiên, thậm chí còn thua về công nghệ vũ khí hạt nhân và có thể nhỉnh hơn chút ít về kinh tế. Để một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân một cách an toàn đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của quốc gia này cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, khoa học và công nghệ, mà tất cả những điều đó Ukraine đều không có ít nhất cho đến thời điểm trước khi ông Zelenski nắm quyền. Và nếu như vậy thì việc Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân hoàn toàn không ích lợi gì cho cả quốc gia này lẫn tình hình chung của thế giới, thậm chí tính bất ổn còn cao hơn và với một ông hàng xóm có người cầm quyền như Putin, thì có lẽ ông ta đã quyết liệt hơn nhiều từ lâu rồi.

Ảnh:

1. Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2020 từ căn cứ trên bộ Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nguồn: Thông tấn Báo chí Bộ Quốc phòng Nga / AP 

2. Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa không có đầu đạn “Minuteman III” Bộ tự lệnh tác chiến toàn cầu thuộc Không lực Hoa Kỳ ngày 11 tháng 8 năm 2021, tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg, California (Ảnh của Michael Peterson, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ)

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment