Tuesday, March 1, 2022

Nếu như lúc này tôi ở Ukraine…

Đã hơn hai ngày qua, thời gian trôi qua với tôi như vô định trong một tâm trạng buồn bã. Không buồn bã sao được khi lúc này đây, khói lửa chiến tranh đã bốc lên trên đất nước mà cả hai phía tham gia, đều là những nước mình yêu thích. Đã có những lúc tôi nói với hai con: chúng ta đang được sống trong hòa bình, dù thế nào thì hòa bình cũng cực kỳ quý giá và chiến tranh là điều tồi tệ nhất cho thân phận của con người.

 

Như nhà thơ Nguyễn Duy viết, dù bên nào thắng thì nhân dân vẫn là người bại trận. Điều đó luôn luôn đúng cho muôn đời, suốt trong lịch sử và từ nay về sau nữa. Tôi cũng đã từng dự cảm rằng thời gian của chúng ta, những người Việt đang sống trên mảnh đất hình chữ S này trong hòa bình cũng đã kéo tương đối dài, chẳng có cái gì là vĩnh viễn cả và đáng buồn thay, thứ mong manh nhất chính là hòa bình và sinh mạng con người. 

Nhưng cũng chính trong những ngày này, tôi lại cảm thấy có một tình người ấm áp len lỏi giữa mùa xuân lạnh giá bất thường của Hà Nội nối giữa mình với đồng bào bên Ukraine . Mỗi sáng thức dậy bây giờ không chỉ còn cảm ơn cuộc đời cho mình sống thêm được một ngày nữa, mà còn cảm ơn cuộc sống vì thấy những người “bạn ảo” tận phương trời xa, “vẫn còn online được” – à, vậy là họ vẫn an toàn! Nói không hề ngoa hay điêu toa gì, nhưng mỗi khi đọc một tin, một vài dòng chia sẻ của anh chị em bên Ukraine trên mạng, tôi thấy xúc động thực sự. Hóa ra có những lúc tình đồng bào, đồng loại nó vẫn đem lại cho mình những phút giây tuyệt vời đến thế trong những ngày lửa đạn. 

Tôi nghĩ sự chiêu cảm bao giờ cũng có tác dụng. Ngay từ khi nghe tin những tiếng súng đầu tiên nổ trên lãnh thổ Ukraine, thì tôi luôn luôn niệm Phật để “hồi hướng” cho không chỉ đồng bào mình bên đó được bình yên, mà còn cho cả nhân dân Ukraine lẫn những người lính Nga đang bị đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đúng, cuộc chiến tranh đó là phi nghĩa, mọi cuộc chiến tranh đều là phi nghĩa nếu xét từ góc độ Đạo, ở đây không chỉ quan niệm của Đạo Phật mà còn của Đạo Trời Đất, của tạo hóa, từ góc độ sinh mạng chúng sinh. Vì thế mà tổng thống Hoa Kỳ Lincoln mới nói “Viên đạn bắn vào người lính bên nào thì cũng bắn vào tim của một người mẹ.” Trước sinh mạng chúng sinh, chẳng cần đến Phật Tử mà bất cứ người có lương tri nào, cũng phải biết xót thương… 

… tự nhiên tôi lại nhớ đến cảm xúc của mình khi nói đến thái độ của “một bộ phận không nhỏ” người Việt, từ hôm bên đó đánh nhau họ hả hê vì Putin, thần tượng của họ đã trở thành “anh hùng” thật sự khi xua quân sang “dạy cho thằng em Ukraine một bài học.” Lý luận của họ thật “có lý” với những ý kiến “Tại lâu nay NATO chèo kéo Ukraine gia nhập thì mới có chuyện này!” “Ukraine vào NATO như con dao kề vào sườn Nga sao chấp nhận được!” “Như thế là đáng đời cho Ukraine .” “Sống cạnh nước lớn mạnh mà chính sách như thế thì ngu quá.” 

Với họ chỉ có chiến tranh mới giải quyết được vấn đề. Đến đây tôi chợt tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, tại sao Việt Nam cũng là cái xứ sở mà dân chúng phải chịu nhiều cuộc chiến tranh đến thế, liên miên trong suốt chiều dài lịch sử? Nếu giải thích theo quan niệm của Nhà Phật, thì một chúng sinh “nghiệp” phải nặng hơn chúng sinh khác, mới thác sanh vào làm dân một nước nghèo đói, lạc hậu, chiến tranh, đói kém, thiên tai liên miên. Và “chúng sinh là mê,” ở nhiều mức độ mê lầm khác nhau, mỗi chúng sinh lại có những cái nhìn với những độ thiên lệch khác nhau về các hiện tượng tự nhiên và xã hội, dẫn đến mức độ nhiễm “tam độc” (tham sân si) khác nhau. Một xứ tụ tập được nhiều người nghiệp nặng, thì cũng nhiều người sân hận và u mê, tạo thành một sự cộng hưởng và khi hội đủ nhân duyên thì nó sẽ thành tai họa, và nhiều trường hợp “cộng nghiệp” của một nhóm chúng sinh sẽ kéo tất cả họ vào chịu chung một tai họa. 

Về những câu chuyện này, người phàm phu chúng ta không thể nghĩ bàn, chỉ có thể chia sẻ với nhau những khía cạnh hết sức lý thuyết như vậy thôi, để biết mà tránh. Đến đây ắt hẳn sẽ có những băn khoăn: liệu làm người dân Mỹ có “đỡ” hơn không? Làm dân nào thì “nghiệp” nó “nhẹ” hẳn đi? Không có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi như thế, vì người nào có biệt nghiệp của người ấy. Bạn tôi sinh sống ở Mỹ, quốc tịch Mỹ nhưng là người tu Phật theo Thiền Tông chia sẻ, ở bên này con người được khuyến khích phát triển cái tôi theo hướng tự do, điều đó cũng làm nâng cái tôi “ngã mạn” của con người lên rất cao. Tất nhiên chúng ta cũng sẽ phần nào cảm nhận được, rằng con người được sinh ra ở một xã hội phồn vinh về vật chất, dễ dàng về các điều kiện giáo dục, y tế… thì “nghiệp” cũng nhẹ hơn phần nào so với những người sinh ra ở xứ khổ sở. Người Mỹ thì chắc chắn nghiệp phải nhẹ hơn dân đang chịu nạn nói hay nội chiến ở Châu Phi. 

Tôi nhớ đến câu nói của một người bạn Facebook: “Đạo Phật chỉ thịnh ở những nước nghèo.” Ơ câu này thú vị à nha… Thực sự không có giải thích hay phản đối gì được những ý kiến kiểu như thế, vì thực chất nghèo và mong muốn giác ngộ giải thoát của người học Phật, không liên quan gì đến nhau. Và xứ sở phồn vinh thì cũng không có nghĩa là con người ở đó sẽ sống an lạc hơn. Ở đây tôi dùng từ “an lạc” để chỉ trạng thái bình yên thường trực trong tâm hồn con người dù ở hoàn cảnh nào. Vẫn có năm mươi mấy nghìn người lính Mỹ lên đường và chết vì lý tưởng nào đó của họ trong chiến tranh Việt Nam, và sau đó họ vẫn lên đường tới những điểm nóng mới ở Trung Đông, Afghanistan. Và tôi không nghi ngờ rằng trên khắp nước Mỹ hay bất cứ nước văn minh nào khác vẫn còn nhiều, rất nhiều người với tư tưởng muốn trừng phạt người khác ngay lập tức bằng bạo lực. 

Nếu người có hiểu biết, lương tri sẽ thấy xót thương cho những tâm hồn còn đang hả hê khi thấy chiến tranh, mà nhiều khi họ coi đó là sự trừng phạt đối với những hành động sai trái. Trong trường hợp này, Ukraine bày tỏ mong muốn nguyện vọng của mình gia nhập EU và NATO là sai trái. Nhiều người mô tả chuyện này là “láo với ông anh Nga” và “phản bội” hay “phát-xít…” 

Tất nhiên từ góc độ của người học Phật, tôi có thể nói rằng có rất nhiều điều không phù hợp với mong muốn, nhưng… 

NATO cũng như khối Warsaw, là những định chế quốc tế thành lập nên cộng đồng chủ thể có mục đích đối kháng tổ chức khác về quân sự, dù là khi công bố tiêu chí, mục đích của họ đều là “phòng thủ.” Khổ cái, ranh giới giữa tấn công và phòng thủ không phải lúc nào cũng rõ ràng, và thường thì cái gọi là “phòng thủ” lại được bảo vệ và củng cố bằng những học thuyết kiểu “vượt trên ngăn chặn” hay “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất.” Do đó chúng ta nhìn thấy những cuộc can thiệp của Liên Xô vào các “diễn biến” ở Đông Âu; hay như NATO can thiệp và nội chiến Nam Tư… 

Những định chế đó nếu xét từ góc độ bảo vệ sinh mạng con người, thì đáng nhẽ ra là không nên có, thì nó vẫn có, vì đây là cõi Ta Bà và con người vào đây vừa để chịu khổ ải, vừa để phấn đấu lên những thân phận chúng sinh tầng bậc cao hơn. Vì thế, với chúng sinh nào rơi vào chỗ sung sướng quá (nghiệp nhẹ hơn) thì cũng không hẳn là tốt hơn, nếu như mê mải hưởng thụ không biết con đường sáng về phía giác ngộ để giải thoát, thì có khi còn u mê và vô minh hơn chúng sinh ở xứ nghèo mà biết sống an nhiên. Vì thế, sau khi hệ thống Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tan rã, tôi đã băn khoăn: vậy một khối như NATO, họ sẽ phải chống ai? Dần dần người ta giải thích một tổ chức như vậy vẫn cần để tồn tại, và bây giờ sẽ phải chống một kẻ thù mới là chủ nghĩa khủng bố. 

Tôi còn nhớ cách đây vài năm tôi có viết một bài cho “Tuần Việt Nam” về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, có ý rằng khủng bố không thể chống bằng bom đạn, vì đã là “chủ nghĩa” có nghĩa là tư tưởng. Muốn xóa bỏ tư tưởng khủng bố, chính là xóa bỏ hận thù trong con người, mà làm được điều đó chỉ có san sẻ phồn vinh về vật chất, cơ hội về giáo dục bằng lòng yêu thương. Làm được điều đó phải có những lãnh tụ tinh thần như mẹ Teresa, thánh Gandhi hay Đức Lạt Lai Lạt Ma và có sự mong muốn của các lãnh đạo quốc gia hàng đầu thế giới. 

Tiếc là đến ngày nay định chế đó (NATO) vẫn còn. Một mặt nó duy trì cuộc chiến chống khủng bố, mặt khác nó lại tạo cớ cho một thế lực nguy hiểm đang nổi lên: nước Nga của Putin. Hơn ai hết, NATO trở thành mục tiêu công kích của Putin nhằm xây dựng và thúc đẩy lòng hận thù của dân chúng trong nước. Cái gì cũng có hai mặt của nó, đến đây triết học Phật giáo vẫn tỏ ra sáng suốt: NATO tồn tại như một hiệp ước phòng thủ chung, nhưng lại là cái cớ để một nước gây chiến tranh trừng phạt một nước khác chỉ vì mong muốn gia nhập tổ chức. 

Chưa biết được bảo vệ ở đâu, mà trước mắt bị đánh bươu đầu. “Chờ được vạ thì má đã sưng” câu của các cụ nhà ta, hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Cái gì diễn ra thì không thay đổi được, nó như một định mệnh nếu giải thích theo các tư tưởng, tôn giáo khác, nhưng cái lẽ của Đạo Trời Đất mà nhà Phật giải thích “trùng trùng duyên khởi” dẫn đến những sự kiện dường như không thể tránh được. Một chính quyền thân Nga từ chối yêu cầu của dân chúng là hướng về phương Tây, thì dẫn đến phong trào Maidan, rồi bị chiếm Crimea… Khi cảm thấy bị đe dọa về an ninh, đất nước lại đưa cả chiến lược ra nhập EU và NATO vào Hiến pháp… Đó là trường hợp Ukraine (ghi vào Hiến pháp ngày 7/2/2019, bỏ phiếu bởi Quốc hội nước này – Verkhovna Rada). Chẳng biết đúng sai khôn dại thế nào, nhưng rõ ràng chuyện đó nó tạo cớ cho hàng xóm nó dựng lên thái độ thù địch và đe dọa thường xuyên. 

Chuyện này làm chúng ta nhớ đến có lúc nào đó, chúng ta đã viết vào Hiến pháp (bản 1980): “Trung Quốc là kẻ thù số Một.” Coi ai là cái gì thì cứ coi, ai lại viết sờ sờ vào Đạo luật mẹ của đất nước như thế! Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh mùa xuân năm 1979 còn kéo dài mãi đến mấy năm sau, đỉnh cao là những trận đánh ở Vị Xuyên năm 1984 và sao đó là sự kiện Gạc Ma 1988. Việt Nam rơi vào tình trạng cô lập trong suốt những năm đó vì ông anh cả Liên Xô đã đi vào ung thư giai đoạn cuối.  

Trong con mắt của Nhà Phật, không có cuộc chiến tranh nào là chính nghĩa. Những cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng như ở Triều Tiên hay sau đó là Việt Nam, là cực kỳ sai lầm từ cả hai bên. 

Chỉ có cuộc chiến tranh bắt buộc phải tham gia để bảo vệ đồng bào khi bị tấn công, và cũng là phần nào đóng góp sức con sâu cái kiến để bớt đổ máu cả hai bên, bom đạn sớm chấm dứt là phần nào ít phi nghĩa hơn. Đó là những cuộc chiến tranh của chúng ta ở biên giới phía bắc năm 1979 và ở Ukraine bây giờ. Bất luận lãnh đạo trong nước chúng tôi sai lầm như thế nào, thì đó là cái nhìn và cách giải thích của anh, không bao giờ được phép đưa quân đi gây chiến tranh để làm mất đi sinh mạng biết bao nhiêu người của cả hai bên. Ủng hộ những cuộc chiến như vậy, tạo nghiệp dữ cho mình ghê gớm – nhà Phật giải thích tạo nghiệp bởi các hành vi của cả “thân, khẩu, ý” – khởi tâm tà lên đã tạo nghiệp, nói ra tạo nghiệp, chém gió trên mạng cũng tạo nghiệp, còn đã thành hành động như sát sinh, thì kinh khủng lắm. 

Khi một cộng đồng nhất là bây giờ có mạng xã hội, rủ nhau hô hào ủng hộ chiến tranh đồng nghĩa với ủng hộ hành động tàn sát chúng sinh, thì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những làn sóng tâm sát khí đằng đằng cộng hưởng với nhau tạo thành luồng năng lượng xấu rất lớn, lâu dần “cộng nghiệp” dồn lại thành lớn mà tạo tác thành tai họa giáng xuống đầu cộng đồng. Lúc đó ai thoát chỉ còn hi vọng vào “biệt nghiệp” của mỗi người nhẹ hơn hay không mà thôi. Vì thế nếu ai nói là “đất nước Việt Nam chịu nhiều cuộc chiến tranh khổ nạn” thì cũng đừng có trách ai cả, mà tự vấn mình trước đã, là đã có lúc nào tâm mình khởi nên sân hận trong u mê, vô minh, muốn dùng bạo lực với người khác hay chưa. 

Mấy hôm, tôi có được cái hạnh phúc là chia sẻ sự thông cảm và có đôi lời động viên với một người bạn không quen bên Ukraine . Mỗi khi chat với cô, tôi cảm nhận sự lo lắng vô cùng, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ niệm Phật hồi hướng cho cả cô ấy, gia đình cô và cả những người đồng bào không quen biết bên đó. Tôi nói với cô ấy, rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua, tôi tin những lúc ác liệt đến như thế này, là lúc căng thẳng chuẩn bị lên đến đỉnh, rồi nó cũng sẽ dịu bớt cho đến khi hết hẳn. Tại sao à? Vì các cuộc chiến tranh trong giai đoạn hiện nay, nó phải là những cuộc xung đột hạn chế chứ không thể kéo dài. Xung đột hạn chế trước mắt là về thời gian, nó dài nhất là vài ngày, một hai tuần chứ không hơn. Sau đó, xung đột có thể chuyển thành chiếm đóng hay không – ví dụ như ở Afghanistan vừa qua, sự có mặt của quân đội Mỹ là một dạng chiếm đóng, dù họ có tiến hành những hoạt động có tính hòa bình và giúp đỡ khác. 

Trong trường hợp của cuộc xung đột lần này, thì tôi đoán với anh em bạn bè và cũng nói với cô ấy: vài ngày thôi. Như tôi đã viết trong bài “Hoạt động quân sự đặc biệt của Putin ở Ukraine : cái nhìn đầu tiên” – việc đưa chiến xa vào sẽ gây tác động, ấn tượng rất mạnh nhất là khi được lan truyền qua truyền thông. Nhưng nếu phân tích kỹ ra, thì đó cũng là điều cả hai bên phải làm, nhất là đối với Ukraine, là điều Ukraine cần: để họ vào sâu rồi đánh tiêu hao cho đến khi thương vong, tổn thất đủ lớn (thấm đòn) thì họ sẽ phải xuống thang. Chiến sự càng ác liệt, bên Ukraine càng phải chống cự quyết liệt, thì tình hình càng có điều kiện lắng dịu nhanh. 

Tôi nhớ đến một câu của trung tướng Bessonov, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tuyết bỏng” của Bondarev nói: “Không nên quá tin là sức mạnh của kẻ địch là vô hạn.” Một đội quân đi tấn công xa nhà, sẽ mỏi mệt gấp 10 lần đội quân phòng thủ trong nhà mình. Chiến tranh không phải là trò đánh trận giả, kéo dài chiến đấu một ngày là một ngày khủng khiếp với người lính trực tiếp cầm súng. Nếu thông tin về kế hoạch hạ gục Ukraine trong vòng 72 giờ là đúng, thì cũng sắp đến ngày nó phá sản rồi. 


Bây giờ xin nói thêm về tình hình thực tế: dấu hiệu hạ nhiệt đã có, và nếu Ukraine “phải” (hay “được”) đàm phán với Nga về quy chế trung lập của mình, thì cũng là điều tốt. Việc gia nhập NATO là… còn khướt nếu như không muốn nói là không thể trong vài chục năm tới. Với Nga cũng sẽ cần cái “cớ” và cái “thế” để tuyên bố thắng lợi mà rút quân – thắng lợi quá còn gì, có mấy chục giờ đánh đến tận thủ đô người ta chứ có phải đùa đâu! Nhưng với Ukraine cũng là cơ hội tuyệt vời để chấm dứt chiến sự, giảm thiểu thương vong cho dân chúng.
 

Giờ này không biết cô ấy đi đến đâu rồi, tối qua còn ở ngoài ga lên tàu đi Lviv, những chuyến tàu Chính phủ Ukraine miễn phí cho dân chúng đi lánh nạn. Khi cô ấy hỏi tôi: em có nên đi không anh? – Tôi trả lời, đi cũng khó khăn mà ở thì nguy hiểm quá, cô có con nhỏ thì cũng nên đi bất cứ lúc nào có cơ hội thuận lợi. Còn nếu không có cơ hội thuận lợi buộc phải ở lại, thì cũng hãy tâm niệm rằng mình đã nguyện làm việc thiện, trời đất sẽ có ngày đền đáp. Những ngày Hà Nội mười hai ngày đêm, mẹ tôi đã định bế tôi xuống hầm, nhưng bà cụ nghĩ thôi cứ nằm ở trên gường trong nhà, và bà ôm tôi như bảo vệ cho tôi trong suốt một đêm bom đạn. Đến sáng thấy ngoài làng bom đánh tan một vạt nhà, bao nhiêu hầm hào bay sạch mà nhà tôi, hai mẹ con không sao. Ngày này hàng năm bây giờ cả làng có giỗ. 

Còn nếu là tôi đang ở Kyiv trong lúc này, thì tôi cũng không đi đâu – chẳng phải dũng cảm hay anh hùng gì, mà “trâu già chẳng nệ dao phay,” tôi sống thế cũng là đủ và cũng đã có những phút giây sống có chút ích lợi, để lại cho cuộc đời vài trang viết. Vì ở lại và muốn có ích đôi chút, chắc tôi sẽ xin đi làm tải thương chẳng hạn. Cô thấy không, người Phật tử không hề yếm thế, mà lại nói “cái gì cũng có hai mặt của nó”, chiến tranh lại là cơ hội cho mình cống hiến và hi sinh. 

Ai chẳng phải đến lúc chết, đã sống là phải sống cho có ý nghĩa. 

Viết thêm: trong những lúc buồn như thế này đặc biệt khi thấy những hả hê vô minh, u mê của đồng bào mình, vẫn có những tia sáng của niềm vui. Tấm ảnh một cô gái Nga đứng trên Quảng trường Đỏ, một mình, tay cầm tấm bảng có dòng chữ “Chiến tranh với Ukraine, nỗi ô nhục của nước Nga.” Một tấm ảnh khác chụp ở cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Saint Petersburg trong đó người thanh niên cũng cầm một tấm bảng viết “Tôi là người Nga, tôi rất tiếc về điều đó” (I’m Russian, I’m sorry for that!) mà thấy mắt mình cay cay. 

11:55 sáng 26/2/2022

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Bài trên Facebook tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment