Saturday, May 28, 2022

Chiến lược của Putin đã thất bại trong cuộc chiến tranh với Ukraine


Thế giới bước sang thế kỷ XXI đã “nhận lấy” ngay một vụ khủng bố kinh hoàng vào tận kinh đô tài chính của nước Mỹ, thành phố New York. Trong tất cả những hệ lụy hay hậu quả kéo theo nó, có cuộc chiến tranh tấn công vào Afghanistan. Hồi đó, cuộc tấn công của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã diễn ra trong 5 (năm) tuần và kết thúc bằng sự sụp đổ của chế độ Taliban.

Đó là một trong những ví dụ về “xung đột hạn chế” và nó đại diện cho lý thuyết chiến tranh trong thế kỷ XXI, dù thực chất lý thuyết này đã được bắt đầu từ 10 năm trước, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Sẽ có độc giả phản đối tôi khi dẫn chứng rằng cuộc Chiến tranh Afghanistan đã kéo dài 20 năm, nhưng nó là cả một quá trình chiếm đóng, bình định, nội chiến… và các hoạt động quân sự chỉ đóng vai trò phụ trợ cho quá trình kia mà thôi.

Đặc điểm nổi bật của “xung đột hạn chế” được gắn với sự phát triển mạnh mẽ đến mức bùng nổ của công nghệ tiên tiến, đặc biệt khi bước sang thế kỷ XXI là sự xâm nhập rất sâu rộng của trí tuệ nhân tạo. Việc thi hành chiến tranh ngày càng giống những gì diễn ra trên trò chơi điện tử hơn, và với rất nhiều người chỉ biết ngồi ôm bàn phím trước màn hình máy tính như chúng ta, luôn luôn có cảm giác ít khốc liệt hơn, đỡ đổ máu hơn. Thực tế là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.”

Nếu phân tích rõ ra về quá trình thâm nhập của trí tuệ nhân tạo vào công nghệ chiến tranh, thì chúng ta sẽ thấy sự tương hỗ qua lại giữa công nghệ với yêu cầu thời đại và ngược lại. Công nghệ với đặc điểm tuân theo răm rắp định luật Moore “số lượng transistor trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng” (và giá thì giảm 1 nửa) đã xâm nhập vào tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, và công nghệ vũ khí cũng không phải là ngoại lệ. Tự nó (công nghệ) thâm nhập sâu vào lĩnh vực vũ khí làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các hoạt động quân sự.

Ngược lại, thế giới bước sang kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra các quan niệm mới về địa chính trị, trong đó người ta nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền lực mềm, sức mạnh quốc gia không còn giới hạn trong đường biên giới tự nhiên mà còn vươn xa khắp toàn cầu trong mọi lĩnh vực được gộp chung là “sức mạnh tổng hợp.”

Chưa bao giờ chúng ta hình dung ra một thời đại mà chỉ cần cấm vận… điện thoại di động thôi mà cuộc sống của dân chúng trên một quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Vậy mà đang có những chuyện trên một nước nào đó xuất hiện tình trạng cướp giật iPhone trên đường phố thủ đô vì bị cấm vận và trừng phạt do những hành động chiến tranh của giới cầm quyền.

Chúng ta cũng chưa bao giờ thấy được ở một xứ “không sản xuất nổi ốc vít” nhưng tự hào là “trung tâm hòa giải quốc tế” vì hành động cho thuê hội trường và lấy đó làm tự hào vì ta đây cũng có chút tiếng nói trên trường quốc tế.

Sức mạnh quốc gia trước đây gắn liền với diện tích lãnh thổ (đương nhiên đi kèm với nó là khả năng bảo vệ lãnh thổ đó bằng tiềm lực quân sự), nó gắn liền với tài nguyên trong lòng đất, trong đại dương và mở rộng cả về không gian vũ trụ. Vì thế có những quốc gia sẽ đam mê đất đai, trong đó có cả việc tiến chiếm những hòn đảo ngoài khơi để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Ở thời đại mới thì việc bành trướng sức mạnh “mềm” của quốc gia sẽ đặt ra yêu cầu về sự ổn định tình hình ở mức độ toàn cầu, trong đó có an ninh quân sự, quốc phòng, lương thực, môi trường. Vì thế nó đã tạo ra sự thay đổi tính chất của các cuộc xung đột quân sự trong thời đại mới, là nếu không tránh được xung đột, thì cũng phải cố mà đưa nó về xung đột hạn chế. Một cuộc chiến kéo dài sẽ dẫn tới những hệ lụy phải khắc phục mất hàng chục năm thậm chí lâu hơn, đặc biệt là về nhân lực như vấn đề chảy máu chất xám.

Chúng ta có thể kể những cuộc xung đột hạn chế về thời gian điển hình như Cuộc chiến tranh 6 ngày (1967) hay Chiến tranh Nga – Georgia 2008. Tuy vậy vẫn có những cuộc chiến tranh kéo dài như Iran – Iraq những 8 năm mới hết. Đó là bối cảnh thời đại của cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine năm 2022.

~~~~

Nước Nga của Putin bước vào cuộc chiến tranh năm 2022 với người hàng xóm Ukraine lúc đầu cũng trong các toan tính của một cuộc chiến hạn chế, khi họ sử dụng mũi tấn công chính, đảm nhiệm nhiệm vụ chính là cho lực lượng quân đổ bộ đường không. Lực lượng này sẽ đổ bộ vào sân bay Hostomel, lập đầu cầu hàng không cho lục quân được không vận vào tiếp theo trong khi họ tìm cách tấn công Phủ tổng thống trong thủ đô Kyiv.

Trong kế hoạch đó, các mũi tấn công khác bằng lục quân (xe tăng, bộ binh) trên các hướng như Sumy, Kharkiv và cả hướng phía nam tấn công Melitopol, Kherson… đều là các hướng phụ. Họ không dự trù việc phải chiến đấu, mà sẽ được sự chào đón nhiệt tình của nhân dân Ukraine và quân đội Ukraine thì nhanh chóng buông vũ khí đầu hàng. Đó là lý do mà chúng ta đã thấy quân đội Nga khi tiến vào Ukraine đã yêu cầu quân đội Ukraine đầu hàng ngay lập tức, mặt khác họ chỉ chuẩn bị thức ăn, đạn dược và nhiên liệu đủ cho 3 ngày tiến quân. (Đây cũng là thông tin mà tất cả các phương tiện truyền thông căn cứ vào đó để cho rằng kế hoạch ban đầu của Nga là chỉ cần 3 ngày đủ hạ gục toàn đất nước Ukraine.)

Đầu tiên, là việc cánh quân đổ bộ của Nga vào sân bay Hostomel (Antonov) bị đánh thiệt hại nặng, có thể nói là bị tiêu diệt trong ngày 25/2; dẫn đến sự phá sản của kế hoạch đánh úp thủ đô, bắt sống nội cách Zelensky trong vài ngày đầu. Tất cả các cánh quân khác của quân Nga vẫn tiến được, nhưng thay vì bánh mì và muối cùng hoa hồng để chào đón “Hồng quân,” họ tìm thấy mình trong vai trò của một quân đội phát-xít đi xâm lược. Người Ukraine đã không chào đón họ như mong đợi, bù lại tiếp họ bằng đủ thứ từ RPG-7 đến Stugna hay thậm chí Javelin.

Đến lúc này, sự đứt gãy thông tin chỉ huy đã diễn ra, chóp bu Nga dường như chưa nhận thấy những trở ngại chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại, vẫn cố tiếp tục kế hoạch như ban đầu. Đó là lý do chúng ta đã chứng kiến đoàn xe kéo dài đến 64km xếp hàng từ biên giới  Belarus – Ukraine đến tận ngoại vi thủ đô Kyiv. Có người hỏi sao “nó” chở nhiều hàng hóa như thế mà lại để lính chết đói – nhưng hàng hóa của nó (đoàn convoy) chở chủ yếu là quân phục đại lễ để duyệt binh chiến thắng trên thủ đô Kyiv; là con dấu cho các cơ quan ban ngành đoàn thể bù nhìn sẽ được thành lập; là biển tên, biển hiệu đóng trên cửa các trụ sở… toàn là những thứ không ăn được.

Vì cấp dưới thì che giấu, cấp trên thì không hình dung được vấn đề, nên nhẽ ra cuộc chiến bất chấp kết quả, đều phải được dừng từ những ngày đầu tiên để rút quân thì họ không làm. Đó là sự phá sản đầu tiên của kế hoạch tấn công chớp nhoáng, và tính hạn chế về thời gian không còn đảm bảo nữa. Tuy thế, do đứt đoạn thông tin cũng như thông tin lên đến cấp cao bị bóp méo: tình trạng đó diễn ra ở khắp các hướng chứ không chỉ một vài nơi nhưng họ vẫn cho tiến hành kế hoạch ở mọi khu vực. Đó là sự phá sản thứ hai của kế hoạch tấn công, bây giờ thì là sự không đảm bảo về tính hạn chế về mặt quy mô chiến tranh.

Chúng ta đã phân tích với nhau về những yếu kém của quân đội Nga cũng như sự thiếu chuẩn bị của nó, chính xác là khả năng sẵn sàng chiến đấu của nó là rất có vấn đề. Thực chất thì quân đội Nga từ 2008 đã thi hành một cuộc cải tổ sâu rộng, trong đó có sự ra đời của các “Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn” (BTG – Batallion Tactical Group) và trong cuộc chiến tranh này đã chứng minh đã điểm yếu chết người của mô hình.

Để thi hành được một cuộc chiến tranh hạn chế cả về thời gian lẫn quy mô, Nga đã có ý tưởng (quân nhảy dù thọc sâu đánh đầu não) là một ví dụ, chiến thuật này họ đã sử dụng từ lâu, ví dụ như ở Tiệp Khắc năm 1968 hay ở Afghanistan năm 1979. Nhưng ở thế kỷ XXI thì người ta lại thi hành theo kiểu khác, ví dụ như Hoa Kỳ làm ở Iraq năm 1991 là đánh què các trung tâm thông tin đầu não chỉ huy của quân đội Saddam Hussein bằng tên lửa hành trình. Từ đó đến nay chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của tên lửa hành trình thông minh, bom thông minh và UAV… cũng như sự kết nối của người lính trên chiến trường với các hệ thống hỗ trợ có độ chính xác cao kiểu “đánh phẫu thuật.”

Từ đó chúng ta nhận thấy vai trò của người lính trên chiến trường đã thay đổi: tính bắn nhau trực tiếp giảm, mà càng ngày càng giống người trinh sát quan sát trực tiếp trên chiến trường và sau đó gọi trung tâm chỉ huy tấn công. Để thực hiện được việc này đòi hỏi (1) một nền giáo dục cơ bản toàn diện, trước khi là người lính phải là học sinh nắm vững kiến thức và khỏe mạnh, đầy đủ kỹ năng và (2) một nền giáo dục và huấn luyện quốc phòng công bằng cho tất cả các công dân, không phải con nhà nghèo học kém mới phải đi lính còn con của nhà tinh hoa thì trốn mất.

Đó là những điểm yếu có tính rất cơ bản của xã hội, mà khi bước vào cuộc chiến tranh này quân đội Nga đã bộc lộ những vấn đề như khí tài chỉ hoành tráng khi duyệt binh, lộ cộ ngoài chiến trường; hậu cần bị bớt xén trở nên tệ hại và thối nát; coi thường tất cả các vấn đề cơ bản của chiến tranh như phương tiện vận tải và đường sá; thì vấn đề nhân lực là vấn đề không thể khắc phục. Các BTG Nga ngoài nhược điểm về mô hình tổ chức của nó, còn là vấn đề học vấn của người lính, trong đó có cả vấn đề lính theo hợp đồng và lính nghĩa vụ đang bị nhập nhèm với nhau.

Những yếu kém kinh khủng đó không thể khắc phục được trong ngày một ngày hai, do đó chúng ta hiểu rất rõ được rằng cuộc chiến tranh có thể kéo dài, nhưng thất bại cho người Nga là kết cục tất yếu. Sức mạnh quốc gia của họ chỉ có thể suy giảm theo thời gian, chứ không thể mạnh lên như thời Chiến tranh Vệ quốc cách đây 80 năm họ đã từng làm – vì đằng sau họ là cả một nền sản xuất của Hoa Kỳ.

Một đất nước không có sức mạnh mềm đặc biệt bằng những thành tựu của thời đại văn minh, thì buộc phải khoe sức mạnh vũ khí và bành trướng bằng chiếm đất, đi kèm với đô hộ dân tộc. Đó là tiền đề đầu tiên của sự thất bại về chiến lược – sai về yêu cầu thời đại. Tiếp theo, một đất nước có những lãnh đạo coi thường thời đại trong sự phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo, làm cho lực lượng vũ trang của mình trở nên yếu kém về tri thức, về mức độ công nghệ xâm nhập vào thiết bị và khí tài, là bước thứ hai dẫn đến thất bại về chiến lược thi hành xung đột hạn chế.

Khi thất bại về chiến lược thi hành xung đột hạn chế, Putin và bộ sậu buộc phải lựa chọn một trong hai: tiếp tục duy trì cái thất bại về thời gian khi không thể đánh nhanh thắng nhanh, mà khắc phục cái thất bại về quy mô khi thu hẹp mục tiêu, khoanh một phạm vi mục tiêu nhỏ hơn. Khi thu hẹp mục tiêu như vậy, đương nhiên là họ đã ngầm thừa nhận thất bại của mình về chiến lược chiếm càng nhiều đất càng tốt; hạ gục nội các đối phương và thành lập Chính phủ bù nhìn; bằng lòng với chỉ một số thành phố nhỏ nào đó dù đã bắn phá chúng chỉ còn là đổ nát.

Đáng tiếc cho họ, vì những yếu kém của cả bộ máy tiến hành chiến tranh mà để đánh đổi vài chiến quả, họ buộc phải kéo dài bất chấp những hậu quả cho kinh tế xã hội. Đến đây thì chúng ta đã rất rõ rồi: Putin và chế độ của ông ta không thể tồn tại được lâu, nó sẽ sụp đổ cùng với những biến đổi mạnh mẽ từ các điều kiện về kinh tế và xã hội và quá trình này chắc cũng sẽ không còn quá lâu nữa.

Cuộc chiến tranh mà Putin đã khởi động, nhưng không biết rút ra như thế nào khi thất bại, sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp “lẫy lừng” của ông ta.

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment