Wednesday, September 28, 2022

Cuộc chiến Nga – Ukraine: cái nhìn sau 7 tháng

Dòng xe cộ ở biên giới
Nga - Georgia


Ngày 21/9, ba ngày trước khi cuộc chiến do chính mình châm ngòi chống lại nước láng giềng Ukraine được tròn 7 tháng, Putin ký sắc lệnh “động viên một phần” mà trong đó bao gồm những nội dung của một lệnh Tổng động viên. Chỉ còn một số điểm là làm cho nó chưa trở thành lệnh “Tổng động viên” mà chúng ta có thể xem xét như sau: 

Thứ nhất: Nga chưa ban bố tình trạng chiến tranh, tức là cũng chưa tuyên chiến với Ukraine mà vẫn dừng ở mức “Chiến dịch quân sự đặc biệt” như trước đến nay họ vẫn nhắc đi nhắc lại. Việc ban bố tình trạng chiến tranh vốn là quyền của Quốc hội và Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang chỉ làm cái việc công bố nó ra là một việc thuần túy kỹ thuật. 

Thứ hai: vì chưa ban bố tình trạng chiến tranh nên chưa thể ban bố các mệnh lệnh thời chiến, cũng như áp dụng các Luật thời chiến. Có thể hình dung luật thời chiến đồng nghĩa với việc đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, mà thủ tục tố tụng hình sự là một ví dụ điển hình. Rất nhiều hành vi thuộc trường hợp phạm tội quả tang bị bắt tại chỗ và ai cũng có quyền bắt giữ trong thời bình, thì ở thời chiến sau khi bị bắt tại chỗ có thể bị bắn luôn bởi một cấp chỉ huy nào đó. 

Thứ ba: Nga chưa tuyên chiến với Ukraine, tức là chưa tuyên chiến với một quốc gia khác. Tình thế tuyên chiến bắt buộc phải xác định ranh giới địch ta với hầu hết các quốc gia và hầu hết các quốc gia cũng phải có hành động đáp trả tương xứng: tuyên bố ủng hộ hoặc phản đối, khó có chuyện quan ngại, vì có khả năng đối mặt với một số lệnh trừng phạt nào đó. 

Tuy nhiên Putin đã đặt toàn bộ nền kinh tế sản xuất trong nước vào tình trạng thời chiến, nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải sản xuất theo kế hoạch mệnh lệnh từ giới quân sự đồng thời xác định chế độ trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân từ chối hợp tác phục vụ nền quốc phòng. 

Như thường lệ, Putin luôn luôn hành xử theo kiểu “ngồi xổm vào luật lệ” mà ở đây là những truyền thống tốt đẹp của nhân loại, ngày ông ta ban bố sắc lệnh cũng trùng vào ngày Hòa bình thế giới. Từ chiều nhìn thông thường của một bộ phận không nhỏ người dân quen sống trong các xã hội mà các hoạt động tuyên truyền bao trùm sẽ nhanh chóng nắm bắt sự trùng hợp này và theo đuôi ca ngợi hành động “kiến tạo hòa bình” của Putin. Những người đang hiểu sự việc theo chiều ngược lại thì lo lắng, tại sao bây giờ người ta vẫn tin vào những tuyên truyền dối trá đến như vậy. 

Nhưng lần này thì câu chuyện không như thế: dòng những người đàn ông Nga lũ lượt rời bỏ đất nước ngay sau khi sắc lệnh của Putin được ban bố như dội cả một thùng nước lạnh vào những cái đầu nóng. Không có hình ảnh nào ấn tượng hơn, không có lý lẽ nào hùng hồn hơn tấm ảnh chụp từ vệ tinh dòng xe cộ dài 10 dặm kéo từ Nga về phía biên giới với Georgia. Một xã hội lành mạnh về tư tưởng khi 140 triệu dân chỉ có vài con sâu dám quay lưng lại với Tổ Quốc, chứ không thể là 261.000 người bỏ đi trong vòng 6 ngày! 

Cách giải thích duy nhất chỉ là sự hoảng loạn và sợ hãi, khi con người cảm thấy bất lực trước cường quyền đang hoành hành trong đất nước. Chẳng có tuyên truyền nào có thể khỏa lấp được hình ảnh ấn tượng đến thế. Không còn là lời hiệu triệu “Tổ Quốc lâm nguy” của những ngày tháng Giêng năm 1919, mà sau đó cứ ngày 23/2 hàng năm người Nga kỷ niệm “Ngày bảo vệ Tổ Quốc” nữa. Cách đây 7 tháng, Putin đã từng thành công khi cho những người lính của mình “ăn nốt cái ngày lễ kỷ niệm” và đẩy họ vào chiến tranh chỉ mấy giờ đồng hồ sau đó mà vẫn tưởng là hoặc đi diễn tập, hoặc là đi diệt “tân phát-xít” ở Ukraine để bảo vệ Tổ Quốc. 

Chưa có âm mưu nào thâm độc đến như thế khi rất nhiều chàng trai trẻ của nước Nga ngã xuống mà vẫn đinh ninh mình đi giải phóng người khác, trong khi chính họ đang bị giam vào vòng nô lệ của một tên độc tài. Bảy tháng sau, rất nhiều người lính Nga đã tỉnh ngộ và họ không bị lừa. Họ chọn cách bỏ đi vì hiểu rằng sẽ chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn, kể cả ách thống trị của Putin. Họ bỏ đi là một cách phá cho kế hoạch của Putin không thực hiện được, như thế cũng đã đủ rồi. 

Rất nhiều người trên thế giới này đoán già đoán non rằng Putin sẽ muốn gì với cái quân đội sẽ được phình lên đến mấy trăm nghìn người như thế, khi mà nó còn được coi là hùng mạnh và còn đầy đủ trang thiết bị, mà nó còn bị người Ukraine đánh cho tơi tả ở ngoại ô Kyiv? Nhanh chóng, chúng ta tìm ra câu trả lời rằng Putin muốn hăm dọa thế giới bằng một quân đội to lớn và lì lợm, dám bất chấp những thiệt hại khủng khiếp để đẩy tâm lý toàn thế giới vào một tình trạng cùng cực. 

Nhưng rõ ràng, những người đang cảm thấy thất vọng cùng cực hơn ai hết, lại là những người lính cựu của đất nước Nga. Người không bỏ đi được thì chọn cách thoát thân bằng một hành động khác: chắc chắn sẽ đầu hàng khi bước chân ra đến chiến trường. Nếu cho phép tôi bình luận trong hoàn cảnh này ai là người cần phải thấy thất vọng hơn cả, thì đó phải là Quân đội Nga nói chung và giới chóp bu quân sự nước này. 

Là người yêu thích nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cái quân đội mà trước đây tôi đã từng tưởng là hùng mạnh này, tôi đã dần đi đến những kết luận rằng họ to lớn, nhưng sức mạnh mà họ có không tương xứng với tầm vóc đó. Quen một số người Nga, nhất là các thanh niên tôi thấy quý mến và phần nào cảm phục họ vì những phẩm chất mà họ có… Nhưng cũng vì thế tình cảm của tôi luôn đi kèm với sự băn khoăn, rằng tại sao khi họ tụ tập lại thành số đông như một tổ chức là quân đội, thì luôn luôn chỉ có thể có được chiến thắng bằng sức người? Tại sao những chàng trai tuyệt vời nhường này lại luôn luôn phải chết lãng xẹt khi phục vụ trong hàng ngũ một bộ máy đầy những nguyên tắc tổ chức ngu xuẩn? 

Khi đặt những câu hỏi đó, cũng là giai đoạn kế hoạch tuyên truyền của Putin lên mạnh nhất. Kế hoạch này có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các đồng bào tôi thông qua sự ủng hộ quá nhiệt tình của đội ngũ mà bây giờ người ta thường gọi là các “dư luận viên.” Không quá khó khăn để nhận ra những người này trên mạng xã hội thông qua thái độ hung hãn và thô lỗ đến mức vô học, vô văn hóa của họ. 

Có thể nói, “vấn đề Nga” cũng là vấn đề gây chia rẽ nhất trong người Việt. Hôm kia khi gặp một người quen, một bà cô có tuổi đáng kính tôi chợt nhận ra “thái độ lạ” của bà: khi tôi chào không thèm nhìn, không thèm đáp lại. Với tôi đó là chuyện nhỏ, vì nghĩ mình không làm gì bà thì đó là vấn đề của bà, chứ không phải vấn đề của mình. Về sau tôi mới biết bà tuy không đồng tình với những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta hiện nay, nhưng vẫn yêu nước Nga và đồng nhất nước Nga với Putin. Còn như trường hợp của tôi thì yêu những giá trị Nga nhưng không đồng nhất chúng với Putin. 

Kể lại chuyện này để biết tâm lý con người chúng ta phức tạp đến như thế nào. Cá nhân tôi không có mong muốn gì cả, chỉ mong kể lại được những diễn biến tâm lý của bản thân đi từ tin bất cứ cái gì bị nhồi vào đầu, thì dần dần có những cái nhìn khác nhưng điều quan trọng hơn, là cần phải biết tôn trọng tâm tư tình cảm của người khác. Vì thế thà bị “phớt lờ không được chào lại” còn hơn là thái độ thô lỗ và vô học của các dư luận viên… nhưng câu chuyện nhiều khi không đơn giản vậy. 

Một người bạn của tôi, người tôi rất kính trọng vì anh là người phiên dịch có lẽ là giỏi nhất Việt Nam khi được hỏi về một bà chị cùng trong diễn đàn yêu nước Nga và văn hóa Nga ngày xưa: “Về chị T. T., có thể nói là thái độ khát máu!” Đến quan hệ người Việt người Việt với nhau mà còn phải rạch ròi địch ta như chị trong ví dụ đây, thì làm sao mà giữa quốc gia với quốc gia, khi ban bố tình trạng chiến tranh, vẫn “ỡm ờ quan ngại” cho được. 

Quay lại với lệnh “động viên một phần” của Putin, thiển nghĩ không cần phải nhắc lại nhiều về thái độ của thế giới đối với sự việc nữa. Nước đồng minh thì vẫn là đồng minh khi chăng hàng rào điện không cho đàn ông Nga vượt biên sang – đó là Trung Quốc. Nhưng cũng không thiếu những nước nhân đạo cho họ sang nương náu. Cách tiếp cận thứ nhất, là sự ủng hộ nước Nga khi không cho vượt biên đảm bảo kế hoạch “động viên” thành công, và ủng hộ đó là ủng hộ Putin chứ chẳng ích lợi gì cho những người Nga đáng thương kia cả. Cách tiếp cận thứ hai, ủng hộ Putin là làm hại nước Nga, nên giúp nước Nga giữ lại mạng cho những người trẻ khỏe kia, họ sẽ có ích trong xây dựng lại đất nước khi hết chiến tranh. 

Còn những nước đang ủng hộ cuộc đấu tranh của người Ukraine thì thái độ quá rõ ràng khi họ chẳng hề sợ, thậm chí cái lệnh này còn góp phần… tăng tốc quá trình chuyển giao vũ khí. Trong bối cảnh này không thể không nhắc đến trò hề Putin đang cho diễn ở bốn vùng quân đội của lão ta đang chiếm giữ: “trưng cầu dân ý.” Năm 2014 trò này đã được diễn một lần nhưng nó dựa trên sự chiếm đóng thực tế của Nga đối với bán đảo Crimea. Lần này vì những diễn biến bất lợi trên chiến trường về quân sự, thì Putin lại vội vội vàng vàng cho “trưng cầu dân ý.” 

Cái gọi là “trưng cầu dân ý,” nhưng mà đểu

Nhanh chóng hành động thu được sự tán thưởng của những tâm hồn tôn thờ Putin như thánh… hôm qua tôi còn đọc được ý kiến của một thanh niên rất sáng sủa và có vẻ có học: “Trưng cầu dân ý xong, chính thức là đất Nga thì phương Tây và Ukraine vỡ mồm.” Nếu nói về tình cảm thì thôi không bàn, ai cũng có quyền yêu cái gì đó hoặc ai đó người đó thích, nhưng hiểu biết chính trị đến cỡ đó thì đúng là giáo dục Việt Nam ta cực kỳ có vấn đề. 

Giả định tháng Hai năm 1979, Đặng Tiểu Bình xua quân sang xâm lược các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng của Việt Nam, là những địa phương có nhiều người Tày – Nùng sinh sống… Khi chiến sự vẫn chưa xong nhưng họ đã cho “trưng cầu dân ý” để bà con Tày – Nùng bỏ phiếu đồng ý nhập vùng đất còn đang khói lửa chiến tranh đó vào… khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây bên kia (vốn người Tráng – Tày – Nùng là cùng dân tộc). 

Nếu sự kiện đó diễn ra, thì chúng ta sẽ bình luận như thế nào với lịch sử? Trò điếm đàng này Đặng Tiểu Bình không làm, nhưng Putin làm. Để đáp trả thì chỉ có cách là người Ukraine kiên quyết đòi lại và trong trường hợp này là bằng vũ lực. Tôi không ủng hộ vũ lực trong bất cứ trường hợp nào, nhưng riêng với Putin thì càng đối đáp bằng hòa bình, thì lão ta càng mất dạy. Để có hòa bình lâu dài, chỉ có cách thủ tiêu sự nghiệp chính trị của lão ta, và bây giờ là bằng những biện pháp quân sự. 

Chỉ bằng một sắc lệnh, chưa thấy quân đội Nga tìm lại được sức mạnh ở đâu, mà ngay lập tức đất nước rơi vào hỗn loạn. Bạn đọc của Nhịp cầu thế giới hãy cùng tôi đặt câu hỏi: trong lịch sử chúng ta đã từng băn khoăn là một thể chế vững mạnh và vĩ đại như Liên Xô, làm sao mà làm cho nó đổ được? Ấy thế mà nó đổ sụp “chỉ sau một đêm.” Đến bây giờ chúng ta lại nhìn thấy một nước Nga vĩ đại và giàu có với một quân đội hùng mạnh thứ nhì thế giới, làm sao mà nó lung lay cho được. 

Thế mà nó bung biêng chỉ sau một chữ ký. Cái bung biêng đó có nguồn gốc từ ngày 24/2 năm nay, chứ không phải từ bây giờ. Sâu xa hơn nữa, nó bắt nguồn từ những con sâu đang rút ruột quân đội, biến nó thành thằng giẻ cùi tốt mã. Nước Nga sau cú đòn này có thể chỉ bung biêng chứ chưa sụp đổ, điều đó thật là may mắn vì sự tan rã chỉ mang lại loạn lạc. Nhưng cú đòn này cũng sẽ giúp người Nga hiểu ra một điều: một xã hội tiêu thụ mà họ đang có dựa trên tiền bán tài nguyên và phớt lờ những nguyên tắc của một xã hội văn minh, công bằng và dân chủ thì trước sau cũng lại rơi vào loạn lạc. 

Nếu tôi là người tôn thờ Putin thì cũng khó lòng mà tìm ra được lý do để ca ngợi ông ta trong trường hợp này. “Tài đến thế là cùng” – người ta thì mang lại hòa bình còn mình thì “tha chiến tranh về Tổ Quốc.” Lệnh “động viên” này về bản chất không phải để hăm dọa người Ukraine và thế giới, vì nếu sợ người ta đã sợ từ rất lâu rồi. Câu đáp trả của “người ta” với Putin cực kỳ đơn giản: “Chú thích chơi tiếp thì anh hỗ trợ U nó chơi tiếp với chú đến khi nào chú chán thì thôi. Nhưng chú mà lôi hạt nhân ra là anh đập chú bỏ mẹ.” 

Đàn áp người biểu tình tại Nga sau lệnh “động viên”

Hơn bao giờ hết Putin cảm thấy ngai vàng của mình quá đỗi bung biêng, nên lệnh “động viên” để hăm dọa chính những người dân trong nước của ông ta. Ông ta muốn chứng minh rằng, quân đội vẫn thắng lợi thể hiện qua việc sáp nhập được thêm đất, và quân đội vẫn đầy sức mạnh cưỡng chế được dân của mình ngoan ngoãn phục vụ. 

Hôm qua tôi có cuộc chat với một người bạn người Ukraine và không hiểu sao câu chuyện lại sa vào… triết học. Tôi nói với anh ấy: “Người Á Đông có câu “qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai”. Nếu anh hình dung cuộc sống của một con người, một gia đình, một đất nước… theo đường đồ thị hình sine thì đồ thị của đất nước và người dân Ukraine lập đáy chính là cuộc chiến tranh này. Con đường đó đi từ cái đỉnh ở chỗ nào, trong thời Liên Xô hay trước đó hay sau đó, tôi không biết nhưng cuộc chiến tranh này là tệ nhất rồi. Mà đã đến điểm tệ nhất, nhưng các bạn đã không thua và bắt đầu thắng lại, như thế là đồ thị của các bạn đã bắt đầu đi lên. Cái sự đi lên đó không chỉ trên chiến trường, mà là thái độ ủng hộ của quốc tế với các bạn. Sau cuộc chiến, chắc chắn các bạn sẽ là thành viên của EU chẳng hạn…” 

“Còn với Putin, đồ thị dễ hình dung hơn. Bắt đầu nhúng tay vào máu với cuộc xung đột Nga – Chechnya tháng 9 năm 1999, sau đó là Georgia năm 2008 và sự kiện Crimea năm 2014 có thể nói là “đệ nhất võ công” trong sự nghiệp của Putin. Đáng tiếc cho ông ta vì ông ta rõ ràng không hiểu biết gì nhiều về những triết lý về vận mệnh, về luật trời đất nhân quả… đặc biệt thấm đẫm trong triết lý phương Đông. Thật là lạ khi ông ta luôn giương cao ngọn cờ Á – Âu trong quan hệ với phương Tây, nhưng khi quay sang phương Đông, hầu hết thái độ của ông ta là trịch thượng bề trên, chỉ gần đây mới “như con gián” trong quan hệ với Trung Quốc của ông Tập.” 

“Đáng nhẽ ra, nếu Putin hiểu cái triết lý mà ngay như Phật Thích Ca cũng nói: “Không có gì tồn tại vĩnh viễn”, cái gì đã chết vì duyên nghiệp của nó phải chết, cái đế chế mà trước đây đã từng dưới vỏ Liên Xô, đã chết, không thể dựng nó sống dậy được. Không có gì tồn tại vĩnh viễn, kể cả cái ghế tổng thống của ông, sự nghiệp của ông… Khi đã lên đến “zenith” – đỉnh cao đệ nhất võ công thì phải biết dừng lại. Chiến thắng quá dễ dàng ở Georgia năm 2008, và sau đó chiếm Crimea không mất một viên đạn làm người lọc lõi nhất cũng mắc sai lầm.” 

Không có gì tồn tại vĩnh viễn, nhất là hòa bình. Nhưng cũng không có gì kéo dài mãi mãi, dù là chiến tranh. Ngay cả lúc khó khăn nhất khi xe tăng Nga lăn những vòng xích ở Brovary chỉ cách trung tâm thủ đô chục cây số, nhìn ông Zelensky vẫn online động viên nhân dân, chúng ta tin là quân đội Nga sẽ sụp đổ và bỏ chạy. Đúng vậy, cánh quân đó đã sụp đổ và bỏ chạy. Ngay cả lúc tưởng là khó khăn hơn khi pháo binh Nga bắn như vũ bão vào các thành phố miền đông vùng Donbas và cả Kharkiv, chúng ta vẫn tin là qua được “đận đó” thì quân đội Nga lại tiếp tục sụp đổ và bỏ chạy, điều này lại đúng nữa. 

Và đến bây giờ, một cánh quân rất lớn đã được giải ngũ của nước Nga, đã sụp đổ về tinh thần ngay từ ở nhà và bỏ chạy sang các nước láng giềng, mặc dù chúng ta còn chưa kịp… thiết lập lòng tin. Kế hoạch khôi phục Liên Xô của Putin đúng vào dịp kỷ niệm 100 tuổi của nó vào cuối năm nay, đã sụp đổ cùng với quân đội của ông ta. 

Nước Nga đã lựa chọn Putin sau Yeltsin, có thể nói từ đại loạn bước sang đại trị được hơn hai thập kỷ. Bên cạnh nó, đất nước Ukraine tao loạn liên miên, giằng xé giữa hai con đường “thân Nga” hay đi với thế giới văn minh. Cuộc chiến tranh của Putin phát động nhằm vào đất nước này như một cú hích, giúp nó dứt khoát bước ra để thoát khỏi – có thể nói là từ “đại loạn” sẽ bước sang “đại trị”. Còn với cuộc chiến tranh này, Putin chấm dứt thời gian “đại trị” của nước Nga bước sang “đại loạn.” 

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây 

Bài trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment