Friday, September 9, 2022

Vũ khí khí đốt của Putin còn hữu dụng hay không trong thập kỷ tới?


Trước đầu tháng Mười hai năm 2021, giá khí đốt tự nhiên cung cấp trên thị trường châu Âu liên tục tăng nhưng chỉ bước sang tháng, thì mức giá lại hạ nhiệt với tốc độ nhanh cũng không kém. Đó chính là câu chuyện của vai trò cung cấp khí tự nhiên đường ống của Liên bang Nga và sự chuyển hướng của những con tàu chở khí hóa lỏng từ châu Á sang châu Âu, vậy câu hỏi đặt ra sẽ là: viễn cảnh cho khí đốt tự nhiên bán bằng đường ống của Liên bang Nga trong tương lai sẽ ra sao trong một hai thập kỷ tới, “vũ khí khí đốt” của V. Putin còn hữu dụng như trước hay không?

Trong bài viết trước “Liệu có nổ ra cuộc chiến tranh Nga – Ukraine?” tôi đã đưa ra vấn đề một cách sơ bộ là việc Liên bang Nga tập trung quân về gần biên giới phía tây của nước này với láng giềng Ukraine cũng được đặt trong chính bối cảnh mùa đông đang đến gần, một nước Đức đang có sự chuyển giao quyền lực với sự về hưu của bà Thủ tướng Angela Merkel, đường ống khí tự nhiên của Nga qua biển Baltic “Dòng chảy Phương Bắc – 2” (“Northstream – 2”) sang Đức vẫn chưa được vận hành chính thức để bán hàng.

Việc chuyển hướng của những con tàu vận tải khí hóa lỏng khổng lồ có đích đến nhẽ ra là Châu Á, không có câu trả lời nào khác là do sự ấm lên của khí hậu toàn cầu, dẫn đến việc Trung Quốc giảm mua. Cho đến đầu tuần thứ ba của tháng Mười hai vẫn chưa có đợt lạnh nào đáng kể và dịp Giáng sinh là đợt rét đậm được dự báo, cũng không quá nặng nề. Đánh giá về tác động của yếu tố này lên thị trường năng lượng toàn cầu cần căn cứ vào nền nhiệt nói chung của toàn thế giới và một vùng khí hậu nào đó, ví dụ như Châu Âu. Sự nóng lên toàn cầu không có nghĩa là không có rét đậm, thậm chí những đợt rét đậm đến rất khốc liệt với nhiệt độ rất thấp và dẫn đến băng giá, tuyết rơi dày kèm bão chẳng hạn… nhưng tổng thể sẽ không kéo dài, ngược lại số ngày nắng nóng trong năm cũng như đỉnh nhiệt độ cao sẽ ngày càng xác lập những kỷ lục mới.  

Quá trình ấm lên toàn cầu sẽ dẫn đến những xu thế không thể đảo ngược: về lâu dài, các cam kết về chính sách khí hậu của châu Âu sẽ dẫn đến việc loại bỏ dần khí tự nhiên hóa thạch sau quá trình chuyển đổi năng lượng trong những thập kỷ tới. Các dự án “năng lượng xanh” giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ngày càng nhận được sự ủng hộ về chính sách của các Chính phủ châu Âu. Nếu như trước đây việc này còn gây ra những băn khoăn về hiệu quả đầu tư, thì nay nó còn có được cả sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhận thức của dân cư châu Âu, thể hiện ở việc xuất hiện nhiều hơn các thành phố đi xe đạp để loại bỏ dần phương tiện giao thông cá nhân là xe hơi.

Với thái độ và hành động cụ thể của các nước phát triển hiện nay với những Hiệp định, Hiệp ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu, chúng ta chỉ có thể hi vọng những tác động tích cực của con người lên quá trình tăng nhiệt khí quyển toàn cầu vào cỡ ngoài nửa thế kỷ nữa trở ra. Thậm chí nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump còn rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, một trong những bước lùi của nước Mỹ trong đóng góp cho những tiến bộ của thế giới.

Vậy câu chuyện ở đây chúng ta sẽ xem xét các yếu tố có ảnh hưởng đến vị thế bán khí tự nhiên của Liên bang Nga trong ván bài địa chính trị, việc sử dụng đòn tổng hợp khí đốt, quân sự… liệu có thể đem lại những tác động tích cực đến vị thế của nước này trên trường quốc tế hay không?

Đầu tiên, chúng ta cần đánh giá vai trò, tương quan của các nước xuất khẩu dầu – khí, tức là các quốc gia cung cấp năng lượng hóa thạch với nhau. Hãy cùng nhớ lại thời điểm năm 2014 là năm nước Nga tiến hành việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào thành một phần lãnh thổ của mình, dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước này. Từ đó, dẫn đến một loạt những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất khẩu dầu khí của Nga, như việc tiếp cận các nguồn tín dụng quốc tế, gia hạn các khoản tín dụng sẵn có của các doanh nghiệp dầu khí Nga, các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến việc xây dựng và vận hành những đường ống dẫn dầu và đặc biệt là khí tự nhiên của Nga bán sang thị trường truyền thống châu Âu… Đặc biệt chúng ta không thể quên được cú hạ giá dầu mỏ trên thị trường toàn cầu ngay sau thời điểm đó, đã có lúc giá dầu thô thế giới xuống mức hơn 30 đô-la Mỹ/thùng, mà chúng ta cũng biết là với công nghệ từ thời Xô-viết, ngành dầu khí Nga chỉ có thể có lãi khi giá dầu thế giới ở mức trên 70 đô-la Mỹ/thùng. Người ta giải thích lần hạ giá dầu này là việc tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu khí của những doanh nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ, “cú ra đòn” này là thành quả của công nghệ khai thác dầu đá phiến mà không ảnh hưởng đến môi trường, là vấn đề vốn đang bị pháp luật Hoa Kỳ xiết rất chặt chẽ.

Từ đó đến nay, quá trình này chưa hề dừng lại, thậm chí nhờ sự tiếp tay của đại dịch toàn cầu Covid-19, nó còn xác lập kỷ lục mới: tháng Tư năm 2020 ghi nhận giá dầu cất trung gian Tây Texas (WTI) giảm xuống 15,57 ĐÔ-LA Mỹ/thùng, giảm 14,83% so với phiên trước và giảm 76,13% so với cùng kỳ năm 2019; Trong khi đó, giá dầu Brent dao động ở mức 27,90 đô-la Mỹ/thùng. Thời điểm đó V. Putin đã rất cố gắng cùng các nước OPEC đưa ra những nỗ lực cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu. Kết quả khả quan đạt được trong năm 2021: ngày 4 tháng Một giá dầu Brent biển Bắc là 51,09 đô-la Mỹ/thùng đạt đỉnh 85,82 đô-la Mỹ/thùng ngày 20 tháng Mười, và từ đó lại bắt đầu giảm nhẹ về mức giá trên 70 đô-la Mỹ/thùng. (Nguồn: Oilprice.com)

Tuy nhiên việc điều chỉnh giá dầu bằng cắt giảm sản lượng luôn là con dao hai lưỡi mà bất cứ nhà xuất khẩu dầu khí nào cũng không muốn, vì nó đồng nghĩa với việc thu hẹp thị phần, và người thiệt hại nhất luôn là người có điều kiện khai thác khó khăn hơn, công nghệ lạc hậu hơn và chất lượng hàng hóa thấp hơn – những yếu tố mà Nga hội đủ cả. Với Putin câu chuyện bán dầu khí chỉ thực sự có lợi với một thị trường toàn cầu tăng trưởng nóng, dầu khoan lên bao nhiêu bán cũng hết, giá càng cao càng bán chạy. Thời hoàng kim này – khi giá dầu thế giới ở mức trên 100 đô-la Mỹ/thùng cũng đã qua đến cỡ hai thập kỷ rồi và với xu thế hiện nay chắc không có khả năng lặp lại – chủ yếu là do sự phát triển của công nghệ của nền kinh tế sản xuất thế giới nói chung, đặc biệt là “công xưởng của thế giới” Trung Quốc.

Nhắc đến Trung Quốc, nhân tiện chúng ta bước sang một chủ đề liên quan: thế giới chắc chắn sẽ có sự đổi vai, người mua có thể trở thành người bán, thậm chí có thể vừa là người mua lớn nhất và ngày càng trở thành tay buôn bán máu mặt. Nếu như giá dầu thế giới đã có những cú hạ gây sốc với sự tham gia của những doanh nghiệp dầu khí đá phiến sét Hoa Kỳ, thì cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc chiến. Trung Quốc với tư cách là nước có trữ lượng dầu khí đá phiến sét lớn nhất thế giới mà xưa nay là nước nhập khẩu dầu khí cũng hàng lớn nhất thế giới, chẳng thể giấu được sự thèm khát với mỏ vàng dưới ngay nền nhà của mình. Vấn đề của họ chỉ còn là có “chôm chỉa” được công nghệ khai thác của Hoa Kỳ hay không mà thôi – với công nghệ sẵn có của Trung Quốc hiện nay đang cho một giá thành dầu khí phiến sét cao không có lợi cho kinh doanh.

Tháng Một năm 2021, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec Limited, công ty dầu khí tính về doanh thu lớn thứ năm thế giới) đã thông báo hoàn thành giai đoạn một dự án khí đá phiến Uy Vinh (Weirong) nằm trên địa bàn hai huyện Uy Viễn và Vinh Huyện của các địa cấp thị Nội Giang và Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Dự án này sản xuất 3,5 triệu m3/ngày, có công suất sản xuất hàng năm là 1 tỷ m3 mỗi năm, theo Sinopec. Trữ lượng đã được chứng minh là tổng cộng 124,7 tỉ m3 ở độ sâu giếng trung bình là 3.750 mét.

Sinopec cho biết họ đã khoan 56 giếng gắn với 8 giàn khoan trong giai đoạn đầu tiên, bắt đầu vào cuối năm 2019. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước hiện sẽ tiến hành Giai đoạn 2 với kế hoạch nâng công suất sản lượng hàng năm của Uy Vinh lên 3 tỉ m3 vào năm 2022, sản lượng được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của 16 triệu hộ gia đình. Còn theo nguồn tin mới nhất từ Reuter, hiện Uy Vinh đang cho sản lượng 3,5 triệu m3 khí mỗi ngày.

Mỏ Uy Vinh là khu phát triển khí đá phiến lớn thứ hai của Trung Quốc, sau mỏ Phù Lăng (Fuling, địa cấp Khu thuộc thành phố Trùng Khánh,) dự án khí đá phiến thương mại lớn đầu tiên của Trung Quốc, nằm ở phía đông gần thành phố Trùng Khánh.

Vào tháng 11, Sinopec đã ghi nhận sản lượng khí đá phiến hàng ngày cao nhất từ ​​trước đến nay của Trung Quốc ở mức 20,62 triệu m3 tại Phù Lăng cung cấp cho đường ống dẫn khí đốt Đông Tứ Xuyên và đáp ứng nhu cầu khí đốt hàng ngày của 40 triệu hộ gia đình, theo trang web của Sinopec. Sinopec ngày 14/12/2021 cho biết họ đã bổ sung 104,88 tỷ m3 trữ lượng khí tự nhiên mới được xác minh tại lô Bạch Mã ở mỏ khí đá phiến Phù Lăng, số liệu trữ lượng này đã được Bộ Tài nguyên Trung Quốc chứng nhận, nâng tổng trữ lượng đã được chứng minh của mỏ lên gần 900 tỉ m3, chiếm 34% tổng trữ lượng khí đá phiến đã được kiểm chứng của Trung Quốc.

Rõ ràng Trung Quốc hoàn toàn không giấu diếm tham vọng của mình, bước đầu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu và tiếp theo đó là ngồi vào cùng mâm chia chiếc bánh với các quốc gia xuất khẩu truyền thống. Chúng ta đã chứng kiến tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của nền kinh tế này trong bốn thập kỷ rưỡi qua, và với mức độ “khát cả tiền lẫn năng lượng” của họ, chúng ta cũng sẽ không nghi ngờ rằng chỉ trong một thời gian ngắn, họ sẽ qua mặt một số nhà cung cấp gạo cội, mà Nga là một tay đua có thể đánh giá là khá ì ạch trên đường pít…

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Ở phần trước, chúng ta đã xem xét về tương quan vai trò của các nhà xuất khẩu dầu khí truyền thống và một số đối thủ tiềm tàng trong tương lai của họ, mà đối thủ nguy hiểm nhất là Trung Quốc. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là nhà nhập khẩu lớn, nay nếu trở thành nhà xuất khẩu thì đồng nghĩa với một đòn kép kiểu “uyên ương cước” (một cú đá cao một cú đá thấp chẳng hạn là uyên ương cước, chân đá như chim uyên ương.) Như vậy Trung Quốc dần dần sẽ giảm nhập khẩu và tăng dần khả năng xuất khẩu…

Đến phần này chúng ta sẽ xem xét tiếp tương quan hay cuộc chiến cạnh tranh giữa khí đốt tự nhiên bán qua đường ống và khí hóa lỏng được bán bằng cách chuyên chở trên những con tàu khổng lồ.

Hiện nay, thị trường bán khí tự nhiên bằng đường ống truyền thống có thể kể đến: các đường ống từ Mỹ đến Canada và Mexico, Bolivia đến các nước láng giềng ở Nam Mỹ, và Bắc Phi đến Châu Âu… và tất nhiên đường ống xuất khẩu từ Nga sang Châu Âu là nổi tiếng nhất , và ngày càng được quan tâm thậm chí gây tranh cãi.

Ngược lại, thị trường khí đốt châu Á đã được thống trị bởi khí hóa lỏng (từ đây xin gọi là LNG.) Điều này chủ yếu là do các thị trường truyền thống lớn nhất ở tương đối xa – Nhật Bản và Đài Loan là các hòn đảo, và Hàn Quốc là một bán đảo bị cắt đứt tiếp cận với khí đốt đường ống. Hơn nữa, các nỗ lực kết nối các nước châu Á thông qua mạng lưới đường ống phần lớn đã thất bại do thiếu hụt nguồn dự trữ khí đốt trong khu vực và thiếu cơ quan điều phối (chẳng hạn như EU ở châu Âu). Nỗ lực quan trọng nhất gần đây là Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN, nhưng hy vọng về một hệ thống đường ống đa quốc gia ở phía Đông hiện đang tắt dần. Do đó, LNG, có nguồn gốc từ cả các nhà xuất khẩu tương đối gần như Indonesia và từ các địa điểm xa hơn ở Australia và Trung Đông (chủ yếu là Qatar) hiện đã, đang và vẫn sẽ chiếm ưu thế trong tương lai.

Một yếu tố mà đường ống dẫn và xuất khẩu LNG có điểm chung trong lịch sử là chúng đều dựa trên những giai đoạn phát triển đã từng phải trả giá trong nhiều năm mà sự ổn định và phát triển của chúng chỉ có thể được đảm bảo khi có sự tham gia của hai hệ thống: cả các tập đoàn trong ngành và các ngân hàng cung cấp tài chính; trên cơ sở các hợp đồng dài hạn, nói chung giá khí đốt dựa trên mối liên quan đến giá dầu. Điều này đặt ra rủi ro về khối lượng với người mua (người sẽ đảm bảo mua khí đốt trong khoảng thời gian 20 năm chẳng hạn) và rủi ro về giá với người bán (người sẽ cung cấp khí đốt với mức chiết khấu cho một loại nhiên liệu cạnh tranh chính, cụ thể là dầu).

Tuy nhiên, mô hình truyền thống này hiện đã bắt đầu phá vỡ, được thúc đẩy bởi sự ra đời của “Gói năng lượng thứ ba ở EU,” gói này đã tự do hóa thị trường và kích thích sự cạnh tranh giữa tất cả các hình thức cung cấp khí đốt, và sự xuất hiện của LNG Hoa Kỳ, vốn được định giá so với giá giao ngay tại điểm Henry Hub. EU cũng đã khuyến khích các nước thành viên tăng cường đa dạng hóa các lựa chọn cung cấp của họ, điều này đã dẫn đến việc xây dựng nhiều cơ sở tiếp nhận, nơi LNG có thể được điều chỉnh lại và vận chuyển vào mạng lưới đường ống.

Với sự dịch chuyển đáng kể trên đây, chúng ta có thể thấy việc bán hàng bằng đường ống khí đốt với những ưu điểm không thể chối cãi của nó: không phải hóa lỏng, không cần xây dựng các điểm tiếp nhận, chỉ cần đấu nối và cấp, sau đó thu tiền… dần dần sẽ mất đi thế thượng phong. Lại cần nhắc đến ưu điểm khó chối bỏ được của LNG là khả năng lưu trữ lâu dài của nó, trong khi khí tự nhiên đã lấy lên nếu không bán được cho ai thì chỉ có mà đem đốt. Với khách hàng, việc đảm bảo nguồn cung với giá cả phải chăng đã là quan trọng, nhưng việc chủ động lưu trữ, mua lúc giá hạ và đem ra dùng lúc giá cao, khan hiếm cũng quan trọng chẳng kém. Đồng thời trải qua hàng chục năm phát triển, công nghệ hóa lỏng khí tự nhiên đã đến giai đoạn (1) phát triển rất hiện đại, chi phí sản xuất thấp và (2) nhiều cơ sở sản xuất trên khắp thế giới đã đến giai đoạn hết khấu hao. Cả hai yếu tố này đều dẫn tới một giá thành rất cạnh tranh, trực tiếp uy hiếp khí đốt bán bằng đường ống.

Vậy tương quan lực lượng giữa các nhà xuất khẩu LNG thế giới hiện nay ra sao? Theo số liệu của IGU (International Gas Union, Liên hiệp khí đốt quốc tế hiện có 85 thành viên) thì thế giới hiện có 4 nhà xuất khẩu LNG lớn nhất:

Sản lượng (triệu tấn)

Tỷ lệ (%)

Australia

77.8

33.92935

 

Qatar

77.1

33.62407

 

Hoa Kỳ

44.8

19.53772

87.09115

Nga

29.6

12.90885

 

Tổng số

229.3

 

 

 

Bảng trên đây là số liệu xuất khẩu LNG và ở cột cuối cùng, con số hơn 87% là tổng của ba nước Australia, Qatar và Hoa Kỳ cộng lại, một mình Liên bang Nga chỉ chiếm 12,9% thị phần. Con số khiêm tốn này chúng ta có thể thấy có nguyên nhân từ việc quá quan tâm đến bán khí tự nhiên bằng đường ống, cho đến sự thua kém cả về công nghệ hóa lỏng khí tự nhiên và việc đầu tư thích đáng đội tàu chở LNG, và cuối cùng là vị trí địa lý. Hiện nay Liên bang Nga chỉ có hai điểm hóa lỏng khí tự nhiên, một ở Sakhalin và một ở bán đảo Yaman thuộc vùng Bắc Cực. Riêng điểm Yaman vừa là điểm hóa lỏng khí, vừa là điểm tiếp nhận LNG cùng với điểm Murmansk là hai điểm biến thành khí để đốt được của Liên bang Nga. Như vậy muốn bán LNG sang châu Âu là khách hàng tiềm năng nhất và truyền thống nhất, với tuyến đường ngắn nhất, Nga phải đầu tư những tàu chở LNG có khả năng phá băng. Hiện Tập đoàn Yamal của Liên bang Nga đang sở hữu đội tàu còn hoạt động (tính đến tháng Mười năm 2019) là 16 chiếc.


Nếu bạn đọc tinh ý sẽ thấy có một dấu “…” (ba chấm) sau cái câu “Như vậy Trung Quốc dần dần sẽ giảm nhập khẩu và tăng dần khả năng xuất khẩu” tôi viết ở đầu phần này của bài viết. Làm gì có chuyện đùa tếu như vậy! Trong ván bài năng lượng thế giới, cái tay chơi nguy hiểm nhất là tay chơi có trữ lượng có hạng, nhưng vẫn cố cất hàng trong kho và… đi mua của anh khác. Cho đến nay chúng ta vẫn biết đến Hoa Kỳ là một tay chơi như vậy, dù trữ lượng dầu chẳng thua kém ai trên thế giới, vẫn đi nhập khẩu đều đều… thì câu chuyện hoàn toàn có thể diễn ra đúng như vậy với Trung Quốc, nhưng bây giờ là khí đốt. Tháng Hai năm nay (2022) khi V. Putin tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, ông ta chắc chắn sẽ lôi câu chuyện đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia – 2” ra để nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đường ống “Sức mạnh Siberia – 1” theo kế hoạch sẽ vận hành thương mại trong năm nay, và kế tiếp sẽ là một dự án nữa: “Sức mạnh Siberia – 2”. Putin hy vọng những dự án này trong tương lai sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào thị trường châu Âu nói chung, Đức nói riêng khi mà dự án “Dòng chảy Phương Bắc – 2” đang gặp khó khăn khi nó bị đặt vào ván bài địa chính trị khủng hoảng Ukraine.

Đến đây, tôi sẽ không nghi ngờ rằng với tiềm năng của mình, với số lượng đầu tiếp nhận LNG dồi dào nhưng có thể biến thành cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên Trung Quốc sẽ trở thành tay chơi đáng ngại trong ván bài năng lượng thế giới. Hiện nay Trung Quốc với số lượng đầu tiếp nhận LNG là 18 điểm trong đó có những điểm rất gần đường ống khí tự nhiên Hắc Hà – Thượng Hải (Hắc Hà, một địa cấp thị tỉnh Hắc Long Giang, điểm đấu nối tiếp nhận khí đốt của dự án đường ống “Sức mạnh Siberia – 1”) để có thể hóa lỏng khí và xuất khẩu trực tiếp, như Đại Liên (Liêu Ninh) (1 điểm,) Thanh Đảo (Sơn Đông) (1 điểm,) Thiên Tân (2 điểm) và các điểm xa hơn nhưng vẫn nằm trên trục này: Thượng Hải (1 điểm,) Triết Giang (2 điểm,) Giang Tô (2 điểm,) Hà Bắc (1 điểm.) Nhu cầu hóa lỏng khí của Trung Quốc hoàn toàn có thật vì tính phát triển nóng của kinh tế nước này cùng tính chất khí hậu đa dạng nhiều vùng khắc nghiệt, đem tới nhu cầu dự trữ khí đốt để đảm bảo tính chủ động. Với sự cung cấp khí tự “nhiệt tình” của Nga thì trong tương lai việc dự đoán việc Trung Quốc xuất hiện trên thị trường LNG như một nhà cung cấp nặng ký, hoàn toàn có cơ sở.

Nga lúc đó sẽ giống như một thuộc địa bị bòn rút tài nguyên cung cấp cho… mẫu quốc theo đúng kiểu chủ nghĩa thực dân cũ man rợ khi chỉ bóc lột nguyên liệu thô. Như vậy nếu muốn nói có chuyện giảm cái này tăng cái kia, có thể là việc Nga giảm bán bằng đường ống cho châu Âu và tăng bán cho Trung Quốc, còn Trung Quốc có khi trở thành nhà cung cấp cho những khách hàng lâu đời của khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Myanmar, thậm chí có thể là Ấn Độ.

Câu hỏi ở đây sẽ là, liệu châu Âu có giảm được nhu cầu mua khí tự nhiên thông qua các đường ống của Nga, ví dụ như đường ống quá cảnh Ukraine và Ba Lan truyền thống? Về lâu dài, nhiên liệu hóa thạch sẽ phải được loại bỏ dần để tuân thủ các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Nhưng người ta cũng đánh giá rằng, dựa trên hệ thống truyền thống này khí đốt tự nhiên có thể đóng một vai trò ngày càng tăng trong hệ thống năng lượng của Đức sau khi quốc hội Đức quyết định về việc loại bỏ các nguồn năng lượng liên quan đến đốt than vào tháng Bảy năm 2020. Điều này làm gia tăng mâu thuẫn giữa một bên là các biện pháp trừng phạt của phương Tây dành cho Nga, một mặt là chính sách năng lượng của riêng nước Đức. Hơn nữa, Đức – và các nước châu Âu khác – đã và đang hỗ trợ mở rộng hơn nữa cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên song song với cả đường ống và thiết bị đầu cuối cho LNG.

Hiện trạng này cho thấy châu Âu đang và vẫn sẽ là khách hàng tiềm năng của khí đốt nói chung, khí tự nhiên cấp bằng đường ống nói riêng và nguồn nhập khẩu chính khí đốt tự nhiên là từ Nga. Các nước Liên minh châu Âu tiêu thụ khoảng 400 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, mà hơn 85% đến từ các nguồn bên ngoài bên ngoài Liên minh Châu Âu. Khoảng một nửa nhập khẩu của EU đến từ Nga, khoảng một phần ba từ Na Uy và khoảng 10% từ Algeria. Đức tiêu thụ khoảng 80 đến 90 tỉ m3 mỗi năm, được nhập khẩu chủ yếu từ Nga và Na Uy. Nhập khẩu của EU chủ yếu cấp bởi đường ống dẫn (khoảng 85%) và một phần tương đối nhỏ khoảng 15% là LNG.

Từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Crimea, tình hình xung đột với phương Tây về vấn đề Ukraine đã làm cho nước Nga của Putin đi đến nước cờ rất hay với đường ống đầu tiên: “Dòng chảy Phương Bắc – 1” (“Nordstream – 1”) trên biển Baltic bắt đầu hoạt động vào năm 2011 (công suất: 55 tỉ m3 mỗi năm). Với đường ống “Dòng chảy Phương Bắc – 2” mới xây dựng đang chờ được hoạt động (công suất dự kiến: 55 tỉ m3/năm) cũng như đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (“TurkStream”) ở Biển Đen được xây dựng đồng thời đến Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam Âu (công suất dự kiến: 31,5 tỉ m3/năm,) Nga hoàn toàn có thể tránh sử dụng đường ống cũ qua lãnh thổ Ukraine.

Với nhu cầu dài hạn đối với khí tự nhiên ở khu vực thì những đường ống bổ sung có cần hay không, là một vấn đề đáng đặt câu hỏi. Nếu nhu cầu khí đốt tự nhiên ở châu Âu được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thì thị phần xuất khẩu của Nga và Na Uy ở châu Âu và Đức hầu như không thay đổi. Đây là kết quả của các tính toán với “Mô hình Khí đốt Toàn cầu” thường xuyên được sử dụng để điều tra các kịch bản cho sự phát triển lâu dài của thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu. Sản lượng khí đốt tự nhiên từ Nga và cả Na Uy bán cho các nước Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục giảm và sẽ được bù đắp bằng khí tự nhiên nhập khẩu từ Bắc Phi và LNG; song song với sự khẳng định về xu thế không thể đảo ngược của tiến trình “thoát khí” (như trước đây người ta đã từng thoát khỏi than là nguồn năng lượng sưởi ấm chính) xây dựng cơ cấu hạ tầng năng lượng xanh thì có thể nói những đường ống lớn mới như “Dòng chảy Phương Bắc – 2” hoặc “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” thực sự là không cần thiết.

Như vậy nếu có gì đó là cần thiết và tận dụng được, chỉ là một mình nước Đức sẽ tận dụng và mua khí của Nga qua “Dòng chảy Phương Bắc – 2” nhưng không phải theo cách trước đây là vừa bán vừa dọa, mà sẽ là một cách khác. Nước Nga của Putin trên bàn cờ năng lượng quốc tế sẽ không còn vị thế “không mua của tôi thì anh chết rét” nữa, mà sẽ càng ngày càng phụ thuộc. Đó là sự phụ thuộc vào Đức, nơi điểm cuối cùng đấu nối của “Dòng chảy Phương Bắc – 2” và kinh khủng hơn là sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tên thực dân mới vẫn theo kiểu bóc lột cũ.

Là một người Việt yêu nước Nga, tôi phải lấy làm tiếc phải nhận định rằng nước Nga rất giàu tài nguyên, nhất là về dầu khí nhưng cho đến nay vẫn dừng ở mức hút lên đem bán, chứ không làm được những cú ngoạn mục về công nghệ như Hoa Kỳ với dầu đá phiến hay kể cả thượng thừa chôm chỉa công nghệ như Trung Quốc đối với khí đá phiến và cả câu chuyện gian xảo tiềm tàng “mua khí tự nhiên biến thành LNG” của họ hiện nay…

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đâytại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây


Tài liệu tham khảo:

https://www.telegraph.co.uk/business/2022/01/01/russia-looks-east-china-link-threatens-inflame-europes-gas-crisis/

https://www.express.co.uk/news/science/1544090/putin-news-russia-china-gas-deal-eu-energy-crisis-ukraine-power-of-siberia-nord-stream-2

https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Power_of_Siberia_Map.png

https://www.igu.org/about/

https://www.reuters.com/business/energy/chinas-sinopec-adds-new-shale-gas-reserve-fuling-field-2021-12-14/

https://www.reuters.com/article/us-china-shalegas-sinopec-idUSKBN29B0CN

https://www.diw.de/documents/publikationen/73/diw_01.c.794609.de/diw_focus_5.pdf

https://energy.economictimes.indiatimes.com/news/oil-and-gas/chinas-sinopec-corp-finds-shale-oil-reserves-at-shengli-field/87499034

https://www.worldoil.com/news/2020/4/13/russia-paid-a-heavy-price-to-end-the-oil-price-war

https://www.reuters.com/business/energy/chinas-sinopec-adds-new-shale-gas-reserve-fuling-field-2021-12-14/

https://www.offshore-technology.com/news/chinas-sinopec-gas-discovery-sichuan-basin/

https://jpt.spe.org/sinopec-finishes-phase-1-of-chinas-second-biggest-shale-project

https://oilprice.com/oil-price-charts/

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_LNG_terminals

https://vietnamtimes.org.vn/world-oil-prices-dropped-to-15-usdbarrel-a-record-low-in-the-past-20-years-19594.html

No comments:

Post a Comment