Saturday, December 24, 2022

Ukraine mười tháng chiến tranh: lễ Giáng sinh ấm áp

Tổng thống Zelensky trao tặng các nhà lập pháp Washington
lá cờ Ukraine có chữ ký của quân đội tiền tuyến tại chiến trường Donetsk


Mốc đánh dấu mười tháng cuộc chiến tranh của Putin tiến hành ở Ukraine trùng với lễ Giáng sinh, và khi tôi bắt đầu viết bài này thì tổng thống Ukraine V. Zelensky đã đặt chân đến Washington D.C được một số giờ. Tháng thứ mười của cuộc chiến tranh trôi qua tưởng chừng như trầm lắng, nhưng nó không hề yên tĩnh như chúng ta tưởng...

 

Khi Zelensky đến Nhà trắng, thì cựu tổng thống Nga, phó chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga đã “nhanh chân” đến Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình. Đến đây tôi cho rằng chúng ta đã cần bỏ chút thời gian ra để đánh giá quan hệ Nga – Trung Quốc từ sau ngày 24 tháng Hai năm nay được rồi. 

Ngay trước thời điểm nước Nga của Putin tấn công vào Ukraine, Putin đã gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh và ông Tập – như tất cả chúng ta đều biết tuyên bố về “một mối quan hệ không giới hạn” giữa hai nước. Chiến tranh bùng nổ cũng kéo theo hàng loạt những lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, cùng những động thái không làm tăng giá dầu thô thế giới dẫn đến khả năng Trung Quốc mua được của Nga một lượng lớn dầu thô với giá chiết khấu khủng, nghĩa là mua với giá “bèo” và cả “dưới bèo”. Nga đã phải bán hòa thậm chí lỗ dầu thô không chỉ cho Trung Quốc mà còn Ấn Độ. 

Người ta – chính xác là nhiều người Việt Nam xung quanh tôi viết trên mạng xã hội: Trung Quốc hưởng lợi. Ngược lại, tôi luôn cho rằng Trung Quốc chẳng mấy lợi lộc gì trong câu chuyện này cả. Cái mất đầu tiên của Trung Quốc là uy tín hay danh tiếng xây dựng bấy lâu nay về một sức mạnh quân sự từng bước tiến tới siêu cường, bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vũ khí Trung Quốc về cơ bản vẫn được xây dựng trên nền tảng của “khối xã hội chủ nghĩa” ngày xưa và bây giờ vẫn đang phụ thuộc Nga ở nhiều phương diện... Những thể hiện kém cỏi của vũ khí Nga trên chiến trường Ukraine đã làm cho giới chuyên gia đặt ngay câu hỏi: vậy thì sức mạnh của vũ khí Trung Quốc đến đâu? 

Sự thiếu thốn về công nghệ lõi của vũ khí Nga như thế nào thì của Trung Quốc cũng vậy, có chăng đỡ hơn một chút nhưng thế giới cũng đã có câu trả lời nhanh chóng khi thấy Trung Quốc lao đao vì bị Hoa Kỳ cấm vận microchip. Đây cũng là một lý do góp phần vào việc đánh giá được phần nào sức mạnh thực sự của quân đội và hải quân Trung Quốc đằng sau những hào nhoáng họ đang biểu diễn trong bối cảnh dấy lên những lo ngại về một cuộc xâm lược Đài Loan. 

Tôi đã mở đầu bằng một thiệt hại vô hình của Trung Quốc, và nó chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại của họ về chiến lược, đặc biệt là địa chính trị. Vì những tuyên bố của mình (“không giới hạn!”) ông Tập đã lâm vào thế kẹt. Chắc hẳn ông cũng cho rằng dù Nga Putin chắc chắn tấn công Ukraine, nhưng cuộc chiến sẽ chóng vánh với phần thắng nghiêng về Putin. Trong trường hợp đó, cả Nga và Trung Quốc đều có những thắng lợi to lớn về địa chính trị, mà Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” mà chẳng mất gì. Nhưng nước Nga của Putin chính thức sa lầy (không như ông tướng về hưu nào người Việt Nam khẳng định “Nga sẽ không bao giờ sa lầy!” – không chỉ sa lầy mà còn bắt đầu chìm như Tuần dương hạm Mátxcơva) và vì những tuyên bố này của mình, ông Tập buộc phải đưa chính sách đối ngoại của Trung Quốc vào trung lập. 

Tiếc rằng thế giới văn minh không cho ai trung lập trước cuộc chiến này cả. Tháng vừa qua là tháng có những đồn đoán về việc ngay Việt Nam cũng bị mất nhiều đơn hàng từ Mỹ và EU vì những lá “phiếu trắng” của mình ở Liên hợp quốc, thì Trung Quốc cũng sẽ ở tình thế tương tự, tất nhiên là Việt Nam khó khăn mười thì Trung Quốc vốn khỏe, chỉ khó khăn một hai thôi... Cũng vẫn là câu chuyện đó khi chúng ta chứng kiến thế giới hình thành một cục diện mới: một bên là những nước ủng hộ Ukraine, và bên kia là những nước bỏ phiếu trắng. 

Ông Tập Cận Bình đang chứng kiến trước mắt mình sự hình thành một liên minh đoàn kết chặt chẽ của Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác mà khối các nước phát triển phương Tây là lực lượng mạnh mẽ nhất ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại nước Nga của Putin. Nước Nga của Putin đã tự mình đứng ra ngoài con đường phát triển của nhân loại văn minh, và có lẽ bằng việc bắt tay với Putin, ông Tập đã đi sai một nước cờ. Như đoạn mở đầu trên đây tôi nói về uy tín, trong địa chính trị hiện đại người ta quan tâm nhiều đến “quyền lực mềm.” Đi sai nước cờ này, uy tín của Trung Quốc của ông Tập đi xuống nhiều... gần bằng uy tín của Nga – Putin đồng nghĩa với sự suy giảm nghiêm trọng của “quyền lực mềm.” 

Một trong những mấu chốt của chiến lược bành trướng quyền lực mềm của Trung Quốc là gieo rắc sự lo ngại về sức mạnh quân sự – kinh tế của họ (mặc dù ngoài miệng vẫn nói rằng Trung Quốc không đe dọa ai) đặc biệt là trong mối quan hệ với Nga. Nếu đánh giá một cách khách quan, sự liên kết có tính bù đắp cho nhau giữa Nga và Trung Quốc về mọi phương diện, đem lại một sức mạnh đáng sợ và hoàn toàn có thể coi là một “cực” của trật tự thế giới mới. Các “cực” chính đó là Hoa Kỳ, Liên Âu, Trung – Nga... có mối quan hệ với nhau vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chưa đối đầu nhưng đã bắt đầu có yếu tố kình địch. Khía cạnh hợp tác, Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò công xưởng của thế giới đồng thời tiếp tục tranh thủ công nghệ phương Tây. Khía cạnh kình địch, đó là sự tăng cường sức mạnh quân sự của liên minh Trung – Nga đến mức dần dần cân bằng trong đối trọng với Hoa Kỳ và NATO. 

Hơn thế nữa, việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy nên sự lo ngại về chiến tranh, vì đã lâu thế giới được sống trong một nền hòa bình tương đối (không kể một số điểm xung đột hạn chế). Nếu như ở châu Âu, một loạt các nước khởi động lại quá trình tăng cường sức mạnh quốc phòng thì quá trình này cũng diễn ra ở châu Á – Thái Bình Dương nhưng với cái nhìn dè chừng dành cho... Trung Quốc. Trước mắt có thể chưa có những liên minh mới để chống nước này, nhưng chắc chắn những thể chế đang có cũng sẽ cố gắng đi đến những quyết sách mới mà trong đó bao giờ kẻ thù giả định cũng sẽ phải là Trung Quốc. Đó là chưa nói đến việc một số nước trong khu vực sẽ cố gắng lôi kéo những “kẻ thù tiềm tàng” của nước này ví dụ như Ấn Độ về phía mình. 

Một loạt nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines... đều có những động thái tăng cường cảnh giác và chắc chắn sẽ có những đầu tư thích đáng cho sức mạnh quốc phòng. Trong cái lý luận “Nga gây chiến được thì Trung Quốc cũng sẽ làm được” – chúng ta đã chứng kiến ngay lập tức Đài Loan có những hành động chuẩn bị cho chiến tranh và Hoa Kỳ cũng không thể ngoài cuộc. Điều này làm cho Trung Quốc cũng không thể ngồi yên: không làm gì thì mất uy tín (lo người ta đánh giá là “yếu, sợ”) mà làm thì mang tiếng là hiếu chiến và cùng hội cùng thuyền với Nga. Thế là cực chẳng đã, Trung Quốc phải tiến hành tập trận ở eo biển Đài Loan (hồi giữa tháng Tám năm nay) tốn cả đống tiền. 

Thực tế, kế hoạch của Trung Quốc với Đài Loan cho đến giờ phút này là không rõ ràng, hay chính xác là họ không để lộ ra cho thế giới biết. Một mặt, họ làm thế nào để thế giới hiểu rằng họ luôn luôn chuẩn bị một kế hoạch đổ bộ chiếm đảo, nhưng mặt khác thì họ vẫn tăng cường việc thông thương và xúc tiến đầu tư giữa hai bờ eo biển. Đầu tư của doanh nhân Đài Loan vẫn là một nguồn lực cực kỳ quan trọng cho kinh tế Đại Lục, không vì lý do gì mà nó bị phá vỡ. Chỉ cần một tin “mai Trung Quốc tấn công Đài Loan” chắc chắn thị trường chứng khoán cả khu vực mà rất nhiều sàn trên lãnh thổ Trung Quốc, đỏ rực đến chao đảo. 

Tuy nhiên trong tuyên truyền cho nhân dân quốc nội, Trung Quốc chưa bao giờ bỏ khẩu hiệu “Thu hồi Đài Loan, thống nhất đất nước bằng mọi giá.” Điều đó làm cho dư luận quốc tế tin rằng dù bằng cách này hay cách khác, ở một thời điểm thích hợp họ sẽ thu hồi vùng lãnh thổ này. Xét ra thì Ukraine là một nước có chủ quyền còn bị xâm lược, thì Đài Loan chưa được phần lớn các nước công nhận là độc lập, vị thế yếu hơn nhiều. 

Cuộc chiến tranh ở Ukraine không chỉ làm “tăng mức ưu tiên” trong chính sách của Mỹ với eo biển Đài Loan, nó còn làm ảnh hưởng cả đến cục diện bàn cờ Đông Bắc Á của Trung Quốc. Thế cân bằng đang được duy trì giữa Trung Quốc – Triều Tiên và bên kia là Hàn Quốc – Nhật Bản thì bây giờ sẽ xuất hiện những dè chừng mới, những căng thẳng mới và những sự mất cân bằng mới, thể hiện ra trước hết trong quan hệ Liên Triều. Dù thể hiện ra ở hai bên vĩ tuyến 38, nhưng về cơ bản vẫn là “Triều Tiên có Trung Quốc đằng sau.” Trong câu chuyện này, tư duy “khả năng thành lập liên minh Nga – Trung Quốc – Triều Tiên rất cao” không phải là hiếm, và nó chẳng hay ho gì cho Trung Quốc cả. Mối quan hệ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên kiểu “vừa nuôi vừa quật bằng roi nhưng ngấm ngầm” không thể bị quy kết công khai, nhất là thêm thành viên nay đã là “thằng hủi của thế giới” là Nga Putin, thật không đẹp đẽ chút nào. Nếu câu chuyện này có tiến triển ở bất kỳ mức độ nào, chắc chắn Trung Quốc là người phải ngăn chặn nó đầu tiên.    

Bên cạnh bàn cờ Đông Bắc Á, bàn cờ Nam Á cũng là một điểm đang nóng dần lên. Trên đây tôi vừa nhắc đến Ấn Độ như là một nước có thể bị “lôi kéo” chứ thật ra, nước này không đi lôi kéo nước khác thì thôi, chẳng ai lôi kéo được họ. Từ khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, Ấn Độ luôn là một nước tỏ ra có đường lối đối ngoại rất độc lập: không những không ủng hộ Ukraine và lên án Nga, mà còn xích lại gần Nga trong một loạt các phương diện quan hệ song phương, đặc biệt về quốc phòng. Thái độ này của Ấn Độ cho thấy họ có những toan tính riêng của mình về chiến lược địa chính trị, và không nên quên rằng đối với họ phương Tây vẫn là quan trọng nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục... Việc thân mật với Nga chỉ là lợi dụng Nga yếu thế để “gần gũi” hòng kiếm vị thế. Nhưng mà cái vị thế đó để làm gì? – Để đối đầu với Trung Quốc, kẻ thù trực tiếp. 

Trong cơn giãy giụa, Putin đá đổ thế cờ của Trung Quốc cả ở hai hướng Bắc và Nam Á là như thế.  

Dân gian nói: “để yên thì người ta còn sợ, bây giờ bộc lộ hết chẳng ai còn sợ nữa” rất đúng với trường hợp Nga Putin. Không chỉ bị ảnh hưởng đến uy tín sức mạnh quân sự, Trung Quốc mất luôn cả cái tư thế góp phần tạo thành một “cực” của thế giới. 

Có thể nói, ông Tập đã “trái chiếu chỉ của tiên đế” Đặng Tiểu Bình lúc sinh thời khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới.” Câu này thực sự bao hàm cực nhiều ý nghĩa: Trung Quốc có thể thách thức vị thế dẫn đầu hay nói cách khác, bá chủ thế giới của Hoa Kỳ, nhưng nó phải là một kế hoạch được lên và thực hiện lâu dài và tế nhị. Cho đến trước cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine, Trung Quốc hình như vẫn đang thực hiện tốt phương châm này. Một ý nghĩa nữa của “kim chỉ nam” là Trung Quốc vừa phục vụ thế giới, vừa làm sao để thế giới phục vụ mình, trong đó Hoa Kỳ là một phần rất lớn của cái “khái niệm thế giới” đó. 

“Sai lầm kép” của Putin – Tập Cận Bình đã bắt đầu đẩy Trung Quốc tách rời khỏi thế giới. Cú “cấm vận chip” trên đây là một trong những ví dụ cụ thể nhất cho quá trình đó. Có thể đưa ra nhận định rằng, bằng sai lầm và thất bại của mình Nga đã làm chệch hướng chiến lược của Trung Quốc. Nếu tiếp tục ở lại gần Nga, cũng có nghĩa là khẳng định cho một kế hoạch chiến lược hình thành một cực mới ở châu Á – Thái Bình Dương với một liên minh kinh tế - quân sự Nga – Trung Quốc (có thể có thêm Ấn Độ, Bắc Triều Tiên và cả... Iran, trừ Ấn Độ ra thì toàn tay có trong sổ đen cả!). Nếu nổi lên trên dư luận thế giới những lý luận về liên minh hay “cực” này, thì tất cả những quy kết cho phương Tây về “âm mưu mở rộng NATO về phía Đông” trở nên lý do chính đáng, hay quy kết đó là vô nghĩa, nói thế nào cũng được. 

Sự “tách khỏi thế giới” này dường như đang bắt đầu bằng sự tách kinh tế Nga khỏi thế giới dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, bằng những động thái như giảm sự phụ thuộc khí đốt Nga của Tây Âu cho đến khi “cai” hẳn, áp giá trần mua dầu Nga... tất cả đều dựa trên cái xương sống là chính sách trừng phạt và cấm vận. Dần dân, các công ty Trung Quốc cũng vì lo ngại “dính” cấm vận mà giảm làm ăn với Nga, dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng cả hai chiều giữa hai nước. Sâu sắc hơn nữa, chẳng hạn trong lĩnh vực vũ khí có rất nhiều thứ công nghệ Nga vẫn phụ thuộc vào vài nước Liên Xô cũ, đặc biệt là Ukraine... đứt mắt xích Nga thì Trung Quốc cũng không tiếp cận được những công nghệ đó, nếu tiếp tục đứng hẳn về phía Nga. 

Rạn nứt trong quan hệ Nga – Trung không chỉ từ góc độ hai nhà nước, mà còn từ góc độ xã hội. Bất chấp những tuyên truyền chống Ukraine và ủng hộ Nga của chính quyền Trung Quốc, dư luận xã hội Trung Quốc cũng chia hai phe và điều đáng nói là phe chống Nga càng ngày càng đông đảo. Điều này có những nguyên nhân lịch sử của nó: Nga dưới thời Đế quốc của Sa hoàng, đã tham gia xâu xé Trung Quốc thời nhà Thanh. Năm 2020 Nga tổ chức kỷ niệm 160 ngày thành lập thành phố Vladyvostok, dư luận Trung Quốc đã dấy lên ý kiến “làm thế nào đòi lại Hải Sâm Uy (tên tiếng Trung của thành phố)?” Câu chuyện những bất công của Hiệp ước Aigun năm 1858 mà nhà Thanh phải nhượng khoảng 230.000 dặm vuông lãnh thổ Trung Quốc cho Nga lại nổi lên. 

Chưa kể đến những bất hòa thời Stalin – Mao giữa hai “Đảng anh em.” 

Trên đây tôi đã nhắc đến những tuyên truyền chống Ukraine của Trung Quốc – thực chất thì câu chuyện này đã diễn ra từ trước đó nhưng được thể hiện dưới một cách khác. Nếu Nga (mà trước đây là Liên Xô) đối đầu với Mỹ, thì ai là người hưởng lợi? Là Trung Quốc! Vì thế lý luận “mối đe dọa Hoa Kỳ” và sau năm 1991 là “nguy cơ mở rộng NATO về phía Đông” có thể nói Trung Quốc là một đồng tác giả. Đến thời Putin, các lý thuyết này càng được củng cố vững chắc, trước hết là trong nội bộ xã hội hai nước. Trong quan hệ với Nga, Trung Quốc luôn muốn gây chia rẽ Nga – Mỹ, chẳng hạn trước những nỗ lực của ông Obama hồi đầu thập niên 2010 muốn cải thiện quan hệ hai nước, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Nga về “âm mưu lừa dối của Mỹ.” Về cuộc chiến này cũng như vậy, Mỹ luôn là thủ phạm chính: đưa ra những mồi, bả, thính... thơm phức để thúc đẩy sự thèm muốn của người Ukraine muốn xin gia nhập NATO và EU. 

Thực tế đã chứng minh ngay cả khi súng đã nổ trên lãnh thổ Ukraine, nước này xin gia nhập hai tổ chức trên vẫn chưa được chấp thuận. Nhưng nó là một trong những lý do chính để biện minh cho hành động xâm lược một nước có chủ quyền của Nga Putin. 

Chúng ta đã nói về câu chuyện uy tín quốc gia, thì bây giờ cũng không nên bỏ qua câu chuyện về uy tín cá nhân lãnh đạo. Cho đến trước ngày 24 tháng Hai năm nay, dường như vai trò Putin (uy tín có vẻ còn nguyên!) được xây dựng hình ảnh như là lãnh đạo nước ngoài thân cận và tin cậy nhất của ông Tập Cận Bình, thì bây giờ hình ảnh của ông Tập cũng đã xấu đi rất nhiều cùng với hình ảnh của Putin. 

Sau mười tháng chiến tranh, trong khi các hỗ trợ của phương Tây với Ukraine có thể nói là “vô tiền khoáng hậu” thì Trung Quốc vẫn kiên quyết không nhả ra cho Nga một viên đạn súng trường nào. Mặc dù gọi là “chưa” nhưng thực tế thì liên minh Nga – Trung Quốc đã chính thức tan vỡ. Putin chẳng mặt mũi nào sang gặp Tập Cận Bình vì nhiều lý do: lừa đồng minh, đang thua liểng xiểng trên chiến trường. Và ông ta cử Medvedev, cái loa rè luôn bị vodka chi phối nội dung đi thay, cho thấy bản thân Putin cũng chẳng hi vọng gì lắm vào kết quả chuyến đi. Lần trước Lavrov đi sứ đã không có kết quả, lần này cấp cao hơn cũng chẳng có gì khá khẩm, chắc hẳn phải đích thân Putin đến lạy lục mới được chăng?  

Một trong những lý do mà ông Tập dù “phiếu trắng” hay “trung lập”, không ủng hộ Putin là sự mất lòng tin. Trước những thông tin mà đáng tin cậy nhất là từ Hoa Kỳ về khả năng Nga tấn công Ukraine, rõ ràng trước cuộc chiến Putin không hề chia sẻ gì với Tập về kế hoạch của mình, ngoài những lời lẽ hoa mỹ về quân đội Nga “thứ hai thế giới.” Những gì quân đội này thể hiện trên chiến trường đã góp phần thêm vào cái sự mất lòng tin của Trung Quốc vào Nga nói chung.   

 

*

*     *

 

Ở phần trên của bài viết tôi đã đề cập đến những ảnh hưởng của cuộc chiến đến Trung Quốc, và thực tế nó đã thể hiện ra ở sự ghẻ lạnh khi tiếp D. Medvedev của ông Tập Cận Bình. Theo những thông tin tôi biết được dù chưa được xác minh, thì ông Tập đưa ra một yêu cầu cứng rắn với Nga về việc phải ngừng bắn, rút quân khỏi những vùng chiếm được sau ngày 24 tháng Hai và cùng Ukraine bước vào đàm phán; đồng thời từ chối giúp đỡ Nga về quân sự. Tất nhiên những thông tin này sẽ không bao giờ có trên mặt báo trong nước, nhưng nó là điều dễ hiểu. Trung Quốc nhận lời giúp Nga trong thời điểm này mới là khó hiểu, khi mà họ cũng đang lao đao vì Covid-19 và đã phải ngửa tay nhận lô vaccine đầu tiên từ nước ngoài. 

Cũng trong tương quan địa chính trị giữa các cường quốc thế giới, cuộc chiến Putin gây ra ở Ukraine không chỉ làm suy giảm vị thế, uy tín... nói chung là đủ mặt của cả Nga lẫn Trung Quốc, mà nó đã nâng vị thế của nước Mỹ lên một tầm cao mới. Nói chính xác, nó đã đưa Hoa Kỳ về vị trí cũ khỏi cái tình thế bị coi thường dưới thời ông Donald Trump. Cá nhân tôi không phải là người tôn sùng Hoa Kỳ, nhưng phải thừa nhận một cách khác quan rằng đó là quốc gia có sức mạnh thực sự. Không chỉ là sức mạnh kinh tế, mà ngay trong đại dịch Covid-19 vừa qua họ đã đóng góp phần lớn vào việc giúp thế giới thoát nạn. Không phải Sinopharm, không phải Sputnik, thậm chí không phải AstraZeneca, mà là vaccine của Hoa Kỳ! 

Tôi cũng không hiểu tại sao có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam cứ khấp khởi vào việc Nga Putin thách thức vị thế siêu cường của Hoa Kỳ để làm gì? Tôi chưa bao giờ cho rằng họ muốn vị thế đó cả, mà vị thế đó là tự nhiên, và nó kéo theo những vấn đề liên quan đến trách nhiệm toàn cầu. Có những “hành động trách nhiệm” tôi không ủng hộ như đem bom đạn đến đánh nước khác, nhưng có những hành động mà không có siêu cường như họ là không được. Khi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi các Hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường, tôi đã rất thất vọng – những Hiệp ước đó không chỉ yêu cầu về sức mạnh tài chính, mà còn là khả năng tổ chức và triển khai nhanh chóng các nguồn lực tới bất cứ xó xỉnh nào của trái đất. 

Cuộc chiến ở Ukraine một lần nữa khẳng định, Hoa Kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng với an ninh toàn cầu, còn Nga của Putin đang đóng vai trò tiêu cực, thậm chí phản động, phá vỡ đi cái trật tự đó. Với Trung Quốc, việc toàn thế giới nhận ra vai trò hiển nhiên đó của Hoa Kỳ là một thất bại nghiêm trọng. Putin không chỉ đốt lưới nhà, mà còn “giúp” Tập Cận Bình nhận vài bàn thua, thật chẳng cái vớ vẩn nào giống cái vớ vẩn nào.

 

*

*     *

 

Nếu như tháng thứ chín của cuộc chiến chúng ta chứng kiến cú chạy nháo nhào của quân Nga để lại cả vùng hữu ngạn Dnipro (cả thành phố Kherson luôn!) cho quân Ukraine giải phóng không tốn một viên đạn, thì tháng thứ mười này là “tháng của Bakhmut”. Trước đây tôi đã từng viết trên mạng xã hội: “Bakhmut sẽ không bao giờ mất vào tay quân Nga” – thì ngay trước chuyến bay của mình sang Mỹ, tổng thống Zelensky đã đến tận chiến hào thăm những người lính ở đây. Hành động này đã chứng minh: “Ukraine sẽ không để Bakhmut thất thủ.” 

Trên các diễn đàn, người Nga than thở: “Đánh nhau mà một ngày chết 600, 700 lính trong khi bên kia (Ukraine) người ta mất có 75 lính, thì làm sao mà thắng được?” 

Tin tức đến với chúng ta ít, làm chúng ta tưởng có vẻ trầm lắng nhưng đều đặn mỗi ngày con số báo cáo số lính Nga thiệt mạng ở Ukraine, không hề thấp. Điều đó làm chúng ta hiểu rằng người Ukraine đang giữ bí mật các hoạt động của mình, và trầm lắng đó phải chăng là sự yên tĩnh trước một cơn bão? Giữa ngày thứ 300 và ngày thứ 301 của cuộc chiến, con số lính Nga vĩnh biệt dương thế đã cán mốc 100.000 người – một con số biết nói, thật kinh khủng và tất cả tai họa đó đều từ một con người Putin – phải nói là một người tâm hồn đã bị quỷ dữ sai khiến. 

Trong tháng thứ mười này cũng là tháng của những tin đồn về một lệnh tổng động viên nữa của Putin sẽ tiến hành vào đầu năm sau. Trước đó, những tin đồn tung ra nói rằng Nga sẽ tổng động viên vào khoảng ngày 15 tháng Mười hai, nhưng cuối cùng họ đã không làm. Một người bạn ở Mátxcơva kể rằng có vẻ chuyện tổng động viên này không được chuẩn bị ráo riết gì cho lắm, vì rất nhiều người diện chắc chắn phải nhập ngũ vẫn được xuất cảnh bình thường. Điều đó cho phép chúng ta nhận xét rằng, những căng thẳng trong xã hội Nga cũng đã lên khá cao, nếu bây giờ có thêm một lệnh động viên nữa, thì chưa chắc đã lường hết được hậu quả của nó. 

Lại có những tin đồn khác về một đợt tấn công của Nga sẽ tiến hành vào đêm 25 – 26 tháng Mười hai, từ hướng Belarus. Chúng ta thì không có quyền gạt đi mọi khả năng, nhưng hãy cùng nhau đặt câu hỏi rằng, nếu điều đó họ (người Nga) cố gắng làm thật, thì khả năng thực hiện của họ sẽ như thế nào? Họ cần bao nhiêu quân, bao nhiêu xe tăng? Trong kế hoạch đó, quân dù (VDV) của họ đâu, có còn được bao lăm không? Không quân của họ có làm chủ được bầu trời hay không? Và cuối cùng, làm thế nào vượt qua được đầm lầy Polesie (hay còn gọi là đầm lầy “Pinsk Marshes” nằm giữa Ukraine và Belarus, trên lãnh thổ Ukraine nó chạy dài từ biên giới hai nước đến tận gần Kyiv) mà không phải kéo quân trên những con đường độc đạo hai bên nó? 

“Vượt qua mọi khó khăn và các kịch bản diệt vong đen tối, 

Ukraine đã không sụp đổ. Ukraine vẫn đang sống và vững bước”


Lúc Nga tấn công vào Kyiv hồi tháng Ba, là lúc họ mạnh nhất. Vậy bây giờ căn cứ nào để cho rằng họ dám làm điều điên rồ đến cỡ định xông lại đánh đối thủ bằng năm ngón tay xòe? Nếu họ còn dự trữ để đánh nhau, thì họ đã phải đem ra từ lâu để thủ thắng rồi, chứ chẳng phải để đến bây giờ. Cũng trong tháng thứ mười này, rất nhiều thông tin về những “mong muốn” của Nga – Putin về một cú “ngừng bắn” hay triển vọng đàm phán.
 

Tôi không hi vọng gì vào những điều đó – Putin sẽ không bao giờ từ bỏ chủ nghĩa tối đa của mình. Tất cả những gì ông ta nói và làm có thể đúng là mong muốn có được một thời gian hòa hoãn, nhưng rồi khi phục hồi Nga sẽ lại tấn công. Các chuyên gia ước tính, để có được số xe tăng như trước chiến tranh, Nga cần 6 năm không bị cấm vận. Để tổ chức được một trận tấn công như “Trận chiến giành Donbas” họ tiến hành hồi mùa hè (kết quả chiếm được hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk) họ cần từ 6 tháng đến một năm không bị cấm vận. Vì thế mùa đông này chứ không phải thời gian nào khác, là cơ hội duy nhất cho người Ukraine đánh quỵ quân đội của Putin, “một lần cho xong để có hòa bình vĩnh viễn.”  

Ông Zelensky đến Hoa Kỳ vào đúng dịp sắp Giáng sinh. Ngày hôm qua có người bạn nhắn trên mạng xã hội kể với tôi rằng có người “pro Putin” vẫn cố giải thích rằng liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine có sự rạn nứt nên ông Zelensky mới phải sang Mỹ. Tư duy này có logic riêng của nó, khi chúng ta đã chứng kiến Lavrov rồi bây giờ là Medvedev sang Trung Quốc và hiểu rằng đi để... cầu cứu. Tư duy giản đơn thì áp ngay cho Zelensky: đi cũng để cầu cứu. 

Nhưng hãy nhìn lại lúc quân dù Nga tràn vào chỉ cách chỗ ông ấy hơn chục cây số, ông ấy không đi, dù lúc đó nếu kêu gọi giúp đỡ được thì quý biết bao. Lúc quân Nga trút bão lửa xuống Serevodonetsk, ông ấy không đi, dù lúc đó cần M-777 và HIMARS biết bao. Bây giờ ông Zelensky đi sang Mỹ, là đúng lúc cần khẳng định: cuộc chiến sẽ có kết cục thắng lợi cho Ukraine, nên ông có thể rời nhiệm sở đi vài ngày được rồi. Và món quà Giáng sinh ông mang về không chỉ là tiền, không chỉ là vũ khí... mà là sự khẳng định Ukraine phải chiến thắng trong cuộc chiến này, và cơ hội đã ở trước mắt rồi. Đối lại, một lần nữa nước Mỹ khẳng định sẽ cùng thế giới văn minh giúp Ukraine chiến thắng chủ nghĩa phát-xít Putin. 

Hôm Zelenski đi thăm chiến hào Bakhmut, có bác viết trên mạng: “Zelensky, tôi phục ông quá!” và tôi thấy rất đồng cảm với “status” đó; thì bây giờ rất muốn viết: “Biden, cháu quý chú quá!”. Merry Christmas to you both! Giáng sinh năm nay đã bắt đầu thấy ấm, và chắc chắn Giáng sinh năm sau sẽ là Giáng sinh hòa bình thật ấm áp cho người dân Ukraine. À không, chiến tranh sẽ kết thúc vào mùa xuân sang năm. Xin nhắc lại câu tôi đã viết khi Kyiv bị quân Nga đe dọa căng thẳng nhất: “Rồi mùa xuân sẽ về trên sông Dnipro.” 

Bài trên “Nhịp cầu Thế giới” tại đây 

Bài trên Facebook tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây 


 

 

No comments:

Post a Comment