Friday, February 24, 2023

Mười hai tháng chiến đấu của nhân dân Ukraine: thà đau một lần để bình an đời đời


Trong suốt gần mười hai tháng qua, thời gian mà tôi đếm từng ngày để kể với bạn đọc của “Người lang thang cuối cùng” một điều: lý do tại sao tôi gần như hàng ngày viết những nhận xét của mình về cuộc chiến tranh của Nga – Putin tiến hành ở Ukraine. Ngay khi bắt đầu viết những bài đầu tiên, tôi đã vấp phải sự phản đối của một số người, nhưng tôi vẫn làm dù có vẻ còn vướng víu một số trở ngại nào đó, dù có thể là rất mơ hồ. 

Tại sao tôi là một Phật tử, ngày ngày thực hành những yêu cầu của Pháp môn tu tập, mà vẫn viết về chiến tranh? Có một người phụ nữ hàng ngày đọc những bài của tôi khi từ nước ngoài về có liên lạc và nói lên một điều ít người nhận ra: những điều tôi viết thuần tuý là lý thuyết. Đúng vậy, tôi chỉ đọc tin tức như tất cả mọi người và sử dụng những tài liệu, giáo trình có được trong tay giúp cho mình có một số kiến thức nhất định và đem... phân tích. Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi. 

Tôi đến với mọi người trên mạng xã hội nhờ có một niềm tin. Được chứng kiến những gì diễn ra ở xã hội Nga trong một giai đoạn, tôi dần nhận ra một số điều mà nó – chắc là không giống những gì đang được mô tả ở Việt Nam. Từ đó tôi hiểu, từ những gì người Việt được tiếp cận đến những gì thuộc về sự thật, nó cực kỳ xa vời. Với lòng tin vững chắc rằng cuộc chiến tranh này có nguyên nhân chủ yếu được nhào nặn ra bởi “chủ nghĩa Putin,” tôi càng tin chắc vào tính chính nghĩa của dân tộc Ukraine, những người phải đứng lên bảo vệ Tổ Quốc và độc lập, tự do của chính mình. Rất nhiều đồng bào Việt Nam của tôi cùng chia sẻ nhận thức đó, cùng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Ukraine. 

Và có một điều không thể tránh khỏi, là lo sợ – nhất là khi người Nga lao những chiếc xe tăng của mình ầm ầm vào tận sát nách thủ đô Kyiv của Ukraine, ai cũng sợ hết. Trong hoàn cảnh đó, tôi có một mong muốn, mà trong Đạo Phật gọi là “phát nguyện” làm một điều và xác định làm đến cùng, cho đến khi hoà bình được lập lại trên đất nước Ukraine: dùng những kiến thức và tư duy của mình giúp mọi người không sợ hãi. Trong học Phật, yêu cầu với những người học Phật là phải hành phép bố thí, từ bố thí lời nói nhẹ nhàng dễ nghe, nụ cười chân thành hồn hậu... và tôi nguyện thi hành một điều, phép “vô uý thí.” Trong những bài viết của mình, tôi chân thành động viên những người ủng hộ nhân dân Ukraine xin hãy đừng sợ hãi – nếu có “khó khăn thì chỉ là tạm thời.” Đồng thời tôi cũng mong muốn không ai khởi lên trong tâm hồn mình lòng căm thù với người Nga, với những người Việt Nam vẫn còn đang tôn sùng Putin và bộ máy quân sự của lão ta. 

Và đến hôm nay, ngày 23 tháng Hai, thiếu một ngày là tròn một năm cuộc chiến tranh nổ ra, tôi vẫn ngồi và vẫn cặm cụi viết. Chắc hẳn đến đây, bạn đọc sẽ nghĩ rằng tôi sẽ làm một việc là tổng kết các sự kiện của cuộc chiến – đó là điều hết sức cần thiết nhưng sẽ có nhiều người khác làm giúp việc đó. Tôi lại mong bằng bài viết này, cùng các bạn đọc chúng ta dành những khoảng lặng để suy ngẫm về cuộc sống, về những khoảng khắc đáng nhớ của nó. 

Ngày hôm nay là Ngày bảo vệ Tổ Quốc – ngày mà tôi đã từng gửi lời chúc tới vài người bạn Nga là quân nhân – nhân ngày dành cho những người bảo vệ vinh quang. Ngày lễ của những người đàn ông. Giờ này họ ở đâu – tôi không biết nữa, vì họ đã mất tăm hơi ngay sau khi cuộc chiến tranh của Putin nổ ra ở Ukraine được vài tháng. Họ đã biến mất trên những nẻo đường của cuộc chiến, và có lẽ rất ít hi vọng rằng tất cả số họ còn sống và sẽ sống đến cuối chiến tranh. Ngày hôm qua Putin vẫn còn hô hào của sân vận động Luzhniki nhân ngày Lễ bảo vệ Tổ Quốc, và những tay ca sĩ, diễn viên Nga vẫn cạ lấy hàng bình nước mắt của dân chúng về một sứ mệnh bảo vệ của dân tộc mình. Tôi nhận ra những gương mặt lâu nay xuất hiện trong nhiều vai diễn về Chiến tranh Vệ quốc: Vladimir Mashkov, Dmitri Dyuzhev... họ hò hét, hô hoán về một nước Nga đang lâm nguy cần được bảo vệ. 

Và thấy nước Nga vẫn như vậy – “người Nga có muốn chiến tranh không?” – năm ngoái tôi viết bài đó và cho rằng cuộc chiến tranh này là cần thiết vì nó chắc chắn sẽ là một thất bại với nước Nga và nó sẽ giúp người Nga tỉnh ngộ. Nhưng những hình ảnh các bà mẹ Nga tay cầm tấm áo khoác lông thú mua được từ tiền tử tuất của con trai ở chiến trường, miệng vẫn hô hào những lời ủng hộ Putin, tôi nghĩ ra bài viết năm ngoái của tôi sẽ đúng, nhưng là còn lâu mới đúng. Để hiểu người Nga không thể dùng lý trí thông thường và người trần mắt thịt chúng ta, nhìn chung là không hiểu được. 

Trước mỗi một thất bại, trước những mất mát... người Nga lại có bài thơ “có muốn chiến tranh không” để tự an ủi và động viên. Họ ca ngợi sự hi sinh, đau khổ đến mức vĩ đại đó, và luôn cho rằng họ không muốn chiến tranh. Chiến tranh chỉ là do ai đó mang đến và họ là nạn nhân, họ sẽ vùng lên để kết thúc cuộc chiến tranh đó trong chiến thắng. Ngay cả cái ngày Lễ Chiến thắng 9 tháng Năm hàng năm, được mệnh danh một cách “cực kỳ tốn nước mắt” là “Ngày Lễ lệ tràn mi” cũng vậy – nó được bấu víu như một cái phao bởi những người dân Nga. Nhiều khi tôi tự hỏi: sao cái dân tộc này họ bất hạnh đến vậy nhỉ? Tại sao cứ phải dựa vào những chiến công quân sự, và tệ hơn nữa, những hi sinh nhiều kinh khủng về mạng người, để xây dựng cho mình sự vĩ đại? 

Nhiều khi tôi cảm thấy mình có một nhận thức mơ hồ rằng, dường như họ (người Nga) có hưng phấn đặc biệt với sự đau khổ, càng lôi những nỗi đau khổ đó ra ca ngợi thì họ càng khóc và sau đó càng có thêm sức mạnh. Putin đã khai thác được điều đó, và bây giờ hắn vẫn tiếp tục làm chuyện đó. Người dân Nga vẫn tiếp tục khóc lóc, hò hét và lại đẩy những thanh niên của mình vào lò lửa của chiến tranh. 

Ở phần mở bài, tôi đã viết về một chị ở nước ngoài về có nhận xét: tôi viết từ góc độ lý thuyết. Tôi cũng có kể đôi chút về cái “lý thuyết” này – những giáo trình quân sự được phát cho sĩ quan các cấp của Liên Xô trước đây và bây giờ việc tương tự vẫn được thực hiện với quân đội Nga. Họ răm rắp tuân theo những lý thuyết đó và nếu thất bại, họ có một lý do để bảo vệ mình là “đã làm như sách.” Đó là lý do tại sao nếu chịu khó đọc lý thuyết, học thuyết quân sự Nga thì sẽ nhận xét được thậm chí dự đoán được một số điều; và cũng lý giải luôn được rằng tại sao người Ukraine lại thường xuyên bắt bài người Nga tài tình như thế: vì họ đâu có lạ gì những hệ thống lý thuyết đó. Không những thế, họ còn biết rõ là người Nga máy móc, cứng nhắc và quan liêu đến như thế nào nữa. 

Đó là những căn cứ để chúng ta tin tưởng rằng, người Nga sẽ thất bại trong cuộc chiến, nhưng không chắc điều đó sẽ đến sớm, ít nhất là từ lựa chọn của chính người Nga. Khi nhìn hình ảnh những ông già bà già Nga được quay phim đưa lên mạng xã hội, họ cũng hô hét về việc phải bảo vệ nước Nga, tôi thấy đau lòng và thương xót. Họ là vậy đấy, vẫn nghĩ rằng họ đang chiến đấu cho một đất nước đang bị đe doạ và rộng hơn, cho nền hoà bình của nhân loại. Họ là những nạn nhân cực kỳ đáng thương của Putin, cũng giống hệt thế là rất nhiều người Việt đồng bào của chúng ta, vẫn đinh ninh như vậy. Với những con người còn lòng tin như thế, thì chưa có căn cứ nào cho thấy rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc. Nhưng chắc chắn bạn đọc sẽ hỏi tôi rằng, với nhận định có vẻ bi quan này, thì cũng phải có hi vọng nào cho một thời điểm sớm kết thúc cuộc chiến chứ? 

Trong thông điệp Liên bang của Putin đọc tới Quốc hội lưỡng viện Nga cách đây mấy hôm, hắn ta khẳng định “kinh tế Nga hoá ra không suy sụp như phương Tây tính toán.” Điều này cũng được ghi nhận bởi nhiều nguồn phân tích nước ngoài, chứ không chỉ từ Nga và chắc hẳn nó phải có những lý do ẩn dấu, đòi hỏi phải có sự phân tích sâu sắc và thấu đáo của chuyên gia. Tình thế đó cho người ta nhận thấy các biện pháp trừng phạt về kinh tế, có thể làm giảm khả năng nuôi chiến tranh của Nga, nhưng không làm ngừng hẳn. 


Phương Tây có vẻ đã nhận ra điều đó, nó được thể hiện rõ nhất ở sự kiện tổng thống Hoa Kỳ J. Biden trực tiếp sang thăm Kyiv hôm 20 tháng Hai. Hành động dũng cảm đáng ngạc nhiên của ông cụ 80 tuổi, bất chấp thủ đô Ukraine vẫn báo động phòng không là sự khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ sẽ giúp Ukraine đánh gục quân xâm lược Nga trong thời gian sớm nhất. 

Với các bạn trên mạng xã hội thường hay trò chuyện với tôi, ai cũng dần hiểu được cùng tôi rằng thất bại của quân Nga xâm lược là tất yếu, không chỉ vì họ thiếu chính nghĩa, mà còn vì những yếu kém thực sự về tổ chức và công nghệ. Vì vậy ở thời điểm kỷ niệm một năm cuộc chiến lúc này, chúng ta chỉ có thể nói với nhau rằng: cứ khi nào người Ukraine chuẩn bị xong xuôi đầy đủ, thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Nếu không thể chờ Nga sụp đổ về kinh tế, thì sẽ phải chiến thắng họ bằng hành động quân sự trên chiến trường. 

Vậy đó, thoáng cái đã một năm. Những ngày dài tưởng như đằng đẵng... tôi còn nhớ hàng ngày lên mạng xem live-camera ở Sumy, Kyiv, Lviv, Kharkiv... nhìn tên lửa rạch ngang trời và hóng từng tin tức trên mạng về chiến sự. Tôi vẫn nhớ những người bạn quá lo lắng tìm tôi bằng được để “chat” – chỉ mong nghe thấy điều chia sẻ: Nga không chiếm được thủ đô Kyiv đâu. Nga không bắt được Zelensky đâu. 

Đến đây xin bày tỏ lòng cảm phục với “người anh em thân thương” Zelensky. Trước chiến tranh, tôi không biết anh là ai, cũng như không biết nhiều về đất nước Ukraine. Nhưng bây giờ sau một năm, với tôi anh và Ukraine đã là biểu tượng của anh hùng. 

“Tôi không cần một chuyến xe!” – và cái anh chàng Zelensky tướng học trò đó đã chinh phục được trái tim toàn thế giới, lôi được toàn thế giới xích lại với nhân dân của mình. Làm được như thế thì là “anh”. Không những thế, anh chàng học trò đã chứng minh “Anh hùng” đâu có phải cởi trần cưỡi ngựa phô phang cơ bắp, leo lên máy bay chiến đấu để diễn trò. Anh hùng là người đem lại sức mạnh và đoàn kết cho toàn dân tộc. Làm được như vậy thì là “hùng.” 

Tôi cứ nhớ mãi lời của tổng thống Pháp Macron nói về Zelensky những ngày đầu tiên của chiến tranh: “Ông ấy đã là hình tượng của phẩm giá con người.” Rất giản dị, nhưng chính xác. Ukraine đã giúp thế giới hiểu được những giá trị thông thường nhưng cần thiết nhất của cuộc sống, đó là quyền được sống dưới một bầu trời tự do. 

Còn về chúng ta thì sao? Cũng trong những ngày đầu chiến tranh nước sôi lửa bỏng đó, một người bạn tôi quen từ sau những sự kiện liên quan đến Ukraine (Crimea 2014, rồi máy bay MH-17...) kể về một buổi cầu nguyện cho hoà bình tại một nhà thờ ở Hà Nội. Điều đáng nói, anh là một Phật tử và thường ngày vẫn chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tu học. Anh kể cho tôi về buổi lễ, và nói rằng trong buổi lễ đó mọi người tham gia đã làm được một việc có ý nghĩa rất lớn, mà trong nhà Phật gọi là “rải tâm từ.” 

Đứng trước một tội ác cực kỳ to lớn mà Putin đang gây ra, những người có lương tri không còn cách nào khác ngoài việc khơi dậy trong mình và bạn bè của mình lòng thương cảm với số phận của con người. Từ khi viết những bài nhận xét về cuộc chiến, tôi có thêm nhiều bạn mạng xã hội là những người Công giáo và hầu hết khi quan sát họ trên mạng, tôi hiểu rằng chúng ta đều có chung một thứ là lòng thương cảm đó. Có thể rất nhiều người không tin vào sức mạnh tâm linh, nhưng khi được hỏi rằng có cách nào giải thích về việc sáng nay anh hay chị bước ra cửa, nhưng linh tính thế nào bước chậm một bước và chậu hoa từ ban-công tầng trên rơi vỡ tan trước mặt? 

Sức cộng hưởng của tâm ác – như trong bài tôi đã viết do Putin thổi bùng trong tâm hồn rất nhiều người Nga, chúng ta đã thấy mức độ kinh khủng của nó. Nhưng nhân loại không chịu thua, và sức cộng hưởng của tâm từ bi, còn mạnh hơn thế rất nhiều. Chúng ta đấu tranh chống lại cái ác của Putin bằng tâm từ, và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của hoà bình. 

Hôm nay, ngày 23 tháng Hai... 

... năm ngoái khi đọc mấy dòng của một người bạn Việt bên Ukraine viết, chị ấy vẫn nhắc ngày “Quân đội và hải quân Xô-viết” – chứng tỏ những gì của Liên Xô để lại vẫn còn rất sâu đậm. Nhờ có Putin, ngày bảo vệ Tổ quốc của Nga trước sau cũng sẽ trở thành ngày ô nhục. Nhưng cũng nhờ có Putin, ngày 24 tháng Hai hàng năm từ nay về sau, sẽ là Ngày bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Ukraine. Lúc này những đau khổ của chiến tranh vẫn tiếp diễn với người dân Ukraine, nhưng chắc chắn hoà bình sẽ đến rất sớm thôi. Và tôi để dành câu này đến ngày hôm nay mới viết: thà đau một lần để bình an đời đời.

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment