Thursday, August 24, 2023

Mười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn khoăn – phần 3

8. Có phải Nga tấn công Ukraine là sập bẫy phương Tây hay không? 

Đây là một luận điểm “đột nhiên trở nên phổ biến” từ sau khi cuộc chiến tranh của Nga – Putin ở Ukraine bùng nổ khoảng vài tuần đến vài tháng trở ra. Có một bài báo của “China Daily” rất nhanh chóng ôm lấy luận điểm này, với cái gốc từ ý kiến của Robert H. Wade, giáo sư Kinh tế Chính trị Toàn cầu tại Trường Kinh tế London và sau đó ý kiến ​​này được lặp lại bởi Joe Lauria, tổng biên tập của Consortium News, người nói rằng nếu không có cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Hoa Kỳ không thể cố gắng phá hủy nền kinh tế của Nga, dàn dựng sự lên án trên toàn thế giới và lãnh đạo một cuộc nổi dậy làm chảy máu nước Nga, tất cả như một phần trong nỗ lực hạ bệ chính phủ của nó. 

Mấu chốt trong luận điểm của Robert H. Wade là ông này dựa trên một ý kiến (rất cũ nhưng vẫn còn giá trị) của Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Trong cuốn sách “Bàn cờ lớn: Tính ưu việt của Mỹ và các mệnh lệnh địa chính trị của nó” xuất bản năm 1997, Brzezinski viết: “Ukraine, một không gian mới và quan trọng trên bàn cờ Á – Âu, là một trục địa chính trị vì chính sự tồn tại của nước này với tư cách là một quốc gia độc lập đã giúp biến đổi nước Nga.” 

Brzezinski giải thích rằng nếu Ukraine không hòa nhập hoặc liên minh chặt chẽ với Nga thì Nga vẫn là một “quốc gia chủ yếu là châu Á.” Trong khi đó, việc Ukraine sáp nhập vào Nga mang lại cho Nga cơ hội trở thành (hoặc tiếp tục tồn tại) “một đế chế Á – Âu.” Vì vậy, mục tiêu lâu dài của Mỹ là đẩy Ukraine ra khỏi Nga, như một bước quan trọng nhằm hạn chế chiến lược của Nga, từ đó duy trì vị thế bá chủ của Mỹ… – dựa trên những điều trên, Wade cho rằng Brzezinski đã tiết lộ một kế hoạch lớn hơn của Hoa Kỳ, cho rằng “việc kiểm soát Á – Âu có ý nghĩa sống còn đối với “vị thế bá quyền” hay “bá quyền” của Mỹ trong hệ thống thế giới.” 

Và từ đó, Wade khẳng định, Ukraine là một quân cờ của Hoa Kỳ trong ván cờ Á – Âu, và rõ ràng Hoa Kỳ đã giương lên một cái bẫy để cho nước Nga của Putin lao vào và… bẫy sập. 

Cách phản biện của tôi đối với những ý kiến như vậy thường là, đầu tiên tôi hoàn toàn đồng ý với những luận điểm được đưa ra, rồi sau đó đặt những câu hỏi cho một số yếu tố lớn cấu thành nên luận điểm, khi không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì đã có căn cứ cho rằng luận điểm là thiếu chặt chẽ, tuy có thể chưa đánh đổ được nó. Bây giờ tôi cũng đồng ý với Wade cái đã. 

Nếu nhìn lại năm 1991 là thời điểm Liên Xô tan rã, nước Mỹ đã đứng trước một câu hỏi rất lớn, “Liên Xô tan rã và hành động của chúng ta (là gì)?” Nhưng, có lẽ với một nước Nga suy yếu quá nhanh và một tổng thống Yeltsin vội vàng và săn đón muốn có một nước Nga đi cùng phương Tây, Mỹ nhanh chóng tạm yên lòng. Khi đó, điều mà họ quan tâm là làm sao cho kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô được nằm trong tay một ai đó “thực sự yên tâm”: không bán lung tung, không giao cho người khác, và hai điều hết sức quan trọng: không đối đầu với Mỹ cũng như không bị tan rã thêm nữa.  

Năm 1991 này với sự sụp đổ của Liên Xô cũng là sự chấm dứt tồn tại của siêu cường, nó đánh dấu sự nhận ra của nước Mỹ rằng Liên Xô có quá nhiều điểm yếu và sự lệch lạc, méo mó – với những nhược điểm này Liên Xô không thể là đối thủ của nước Mỹ, càng không thể là đối thủ của liên minh phương Tây có Mỹ ở trong. Đối thủ của Mỹ lúc đó nếu được xác định, chỉ có thể là Trung Quốc. Chúng ta tạm gọi là có 10 năm “hòa hoãn” hay nước Mỹ cũng ngủ yên trên chiến thắng (nói theo đúng cách tiếp cận của lý thuyết xã hội chủ nghĩa hay “tư duy đối đầu”), nhưng đến 2001 thì nước Mỹ, sau đó cả thế giới đứng trước một thách thức mới là chủ nghĩa khủng bố. 

Trong bối cảnh đó, “cái bẫy” Ukraine ở đâu? – lịch sử của Ukraine thời hiện đại hậu Xô-viết có thể nói là những đan xen giữa mong muốn hòa nhập châu Âu với thế lực muốn giữ nó lại trong quan hệ khăng khít với Nga. Điều này thể hiện rất rõ trong chính sách của các đời tổng thống Ukraine. Leonid Kravchuk, tổng thống đầu tiên của Ukraine độc lập sau 1991 với đường lối “không khác gì Yeltsin”: chính sách quay sang phương Tây nhưng trong nước lại dung túng một nền chính trị - kinh tế đầy tham nhũng. 

Leonid Kuchma, tổng thống thứ hai của Ukraine thì chính sách của họ là “đa vector” thân cả Nga lẫn phương Tây, làm sao có lợi nhất cho tập đoàn cầm quyền của ông ta, và chính chính sách của Kuchma cũng thay đổi theo thời gian: lúc thì xác định Ukraine hòa nhập EU nhưng sau đó lại “xoay trục” sang thân Nga. Mọi thứ tưởng chừng rõ ràng hơn với đời tổng thống thứ ba, ông Viktor Yushchenko, người mà sau này được cho là “bị FSB đầu độc” – chính sách của Ukraine cũng được đánh giá là hướng mạnh về hội nhập châu Âu hơn. 

Sau Viktor Yushchenko, việc Viktor Yanukovych một nhân vật được coi là “gián điệp của Putin” trở thành tổng thống, coi như đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực hội nhập châu Âu của Ukraine. Điều này cũng đánh dấu thắng lợi của Nga – Putin đối với địa bàn chiến lược Ukraine. 

Ý tưởng hòa nhập châu Âu, thậm chí gia nhập NATO được đặt ra ngay từ thời Leonid Kravchuk và điều đáng nói là, những vấn đề này cũng được đặt ra cả với Nga thời Yeltsin – như hai thực thể bình đẳng. Tuy nhiên điều đáng nói là nếu như hiện tại vào năm 2023 việc Ukraine gia nhập NATO hoặc được kết nạp vào EU khó khăn như thế nào thì thời đó cũng như thế – nghĩa là có những yêu cầu, những vấn đề thuộc về nguyên tắc mà nếu quốc gia xin gia nhập không đáp ứng được, thì còn phải “thay đổi rất nhiều” chứ không phải là “chờ rất lâu.” 

Khi Putin lên nắm quyền thông qua một quá trình kỳ dị do Yeltsin mở màn, việc Nga gia nhập NATO là một trong những điều “không phù hợp” với chiến lược của Putin. Một cách đương nhiên, nước Nga của Putin quay lưng lại với mong muốn hướng về “dân chủ kiểu phương Tây” là vấn đề chủ yếu nhất và “gia nhập NATO” thì chắc chắn không bao giờ có chỗ trong chiến lược này.      

Trong thời gian đó, nội bộ cả Nga lẫn Ukraine đều có những khuynh hướng đối lập nhau, ví dụ khuynh hướng hướng về “dân chủ kiểu phương Tây”. Ở Ukraine còn có sự đấu tranh giữa các “mặt đối lập” này thể hiện ra qua những chiến dịch tranh cử tổng thống và thành lập nội các – tuy theo những nhà bình luận chính trị chuyên nghiệp thì “còn lâu các quá trình bầu cử này mới đạt được tiêu chuẩn dân chủ của phương Tây,” nghĩa là vẫn có sự thao túng và tiêu cực, nhất là với một nước sát nách Nga với người cầm quyền bây giờ thích dùng những trò mờ ám của cơ quan mật vụ hơn là gây ảnh hưởng bằng những biện pháp đàng hoàng. Còn trong nội bộ Nga thì còn tệ nữa, bao nhiêu “đối lập” được Putin diệt trừ bằng sạch. 

Vậy thì, ở đâu ra cái thứ khuynh hướng nguy hiểm ấy? Phương Tây chăng? Tôi nghiêng về triết học của phương Đông để nhìn nhận những vấn đề như vậy: có âm thì phải có dương, có sáng thì phải có tối, ý là có cái này thì có cái kia chứ nếu chỉ có một cái thì trước sau trong cái duy nhất đó nó lại sinh ra mầm mống của cái đối lập. Điều này là luật trời đất, hết sức tự nhiên. Vấn đề là, chúng ta sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa, và như ở Nga thì vẫn cùng một kiểu tức là chúng ta khẳng định ngay và luôn, dân chủ của chúng ta vạn lần hơn, còn dân chủ của tư bản là thứ bịp bợm, chỉ nhằm che đậy cho chế độ người bóc lột người. 

Chính vì ở Liên Xô ngày xưa “dân chủ vạn lần hơn” và là kẻ thù của chế độ người bóc lột người, những “quan chức đỏ” chỉ được hưởng xe Volga, căn hộ xa hoa và mọi chế độ của ông chủ cấp cao, chỉ nhằm tái tạo sức lao động để phục vụ nhân dân tốt nhất. Còn kiểu dân chủ của tư bản, đó là sự lòe bịp tinh vi chỉ nhằm dụ dỗ dân chúng trong nước nổi dậy chống lại, lật đổ chế độ “dân chủ vạn lần hơn” của chúng ta. Thật là nguy hiểm và thâm độc. 

Phương pháp của chúng là gì? Chúng công khai khuyến khích những tư tưởng dân chủ, vỗ về thậm chí nuôi béo những nhân vật dân chủ trong nước, từ đó “cấy” vào đời sống chính trị trong nước những phong trào làm mầm mống cho lật đổ. Phương pháp này đã trở thành hành động cụ thể, như Boris Nemsov hay Aleksey Navalnyy là các ví dụ điển hình nhất. Những nhân vật này chính là công cụ của phương Tây nhằm reo rắc những tư tưởng dân chủ độc hại, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc trong nước. 

Dù có những sự khác nhau ở mỗi nước, nhưng âm mưu thâm độc này vẫn được âm thầm thực hiện cả ở Nga và Ukraine, và thật thâm độc chúng thường được giải thích bằng một “lý thuyết khoa học” rằng, tâm lý con người nói chung có người bảo thủ thì phải có người cấp tiến mong muốn thay đổi, phương Tây thì lúc nào cũng trong sạch và ngây thơ, vô tội… Điều mà phương Tây (vẫn một cách ngây thơ) vẫn làm là đề cao những nguyên tắc dân chủ và khuyến khích mấy con rối kia… thậm chí, bọn chúng (phương Tây) còn cho mấy con rối đó đi du học để nhuộm màu, làm biến chất như trường hợp của Navalnyy đi học ở Yale… 

Chuyện vặt vãnh cả. Đối lập hả? Một viên đạn là xong, Nemsov nằm yên đó. Một liều thuốc độc, Navalnyy suýt mất mạng… tất cả là chuyện nhỏ với trùm mật vụ. Còn về xu hướng của cả một dân tộc, thì sẽ cần một cuộc chiến tranh. 

Như vậy, về chiến lược địa chính trị hướng ra bên ngoài nước Nga, thì phương Tây đã giương lên một cái bẫy ở Ukraine. Các xu hướng dân chủ từ mầm mống đã chuyển biến thành các cuộc “cách mạng màu” lòe loẹt và dần dần sẽ đẩy nước này chệch ra khỏi quỹ đạo của nước Nga. Cái bẫy này quá tinh vi và thâm độc, nó thâm độc đến mức là… không lao vào nó không được. Đừng đùa với “ông KGB 70 tuổi,” phương Tây có thâm độc đến mấy so với ông KGB cũng chỉ là “tuổi tôm.” Ông KGB và quân đội bách chiến bách thắng thứ hai thế giới của mình sẽ phá bẫy cái rụp. 

Nôm na, cái bẫy của phương Tây là như vậy. Từ góc độ của một người đồng ý với Wade, tôi thấy mưu đồ đặt cái bẫy này thật là “đểu giả” và người phá được nó phải rất mưu lược, cũng phải tầm cỡ “ông KGB 70 tuổi” mới phá được thật. 

Quay trở lại với phân tích của Wade về luận điểm tập trung vào Brzezinski, từ đó Wade kết luận rằng cái bẫy ở Ukraine rất giống với cái bẫy do CIA đặt ra cho Liên Xô ở Afghanistan vào cuối những năm 1970. Wade khẳng định vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã bí mật bắt đầu tài trợ cho các nhóm mujahideen có vũ trang – các chiến binh du kích theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo chống lại chính phủ Afghanistan xã hội chủ nghĩa với hy vọng kích động Liên Xô can thiệp thay cho đồng minh của mình, và kế hoạch này đã thành công. Cuối năm 1979, Liên Xô đưa quân tiến vào Afghanistan theo yêu cầu của chính quyền Afghanistan. Kết quả của nó như thế nào chúng ta đều đã quá rõ: dấn thân vào cuộc chiến 10 năm, Liên Xô bước chân đến bờ vực diệt vong. 

Wade quy kết cho Brzezinski là người dàn dựng âm mưu này – khi đó là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter. Wade trích dẫn những ký ức của Brzezinski về kế hoạch: 

“Chiến dịch bí mật đó là một ý tưởng tuyệt vời. Nó có tác dụng lôi kéo người Nga vào “cái bẫy Afghanistan” và bạn muốn tôi hối hận phải không? Vào ngày Liên Xô chính thức vượt qua biên giới, tôi đã viết cho Tổng thống Carter: “về cơ bản: “Bây giờ chúng ta có cơ hội trao cho Liên Xô “Chiến tranh Việt Nam” của riêng họ”.” 

(“That secret operation was an excellent idea. It had the effect of drawing the Russians into the Afghan trap, and you want me to regret it? The day the Soviets officially crossed the border, I wrote to President Carter, essentially: ‘We now have the opportunity of giving the USSR its Vietnam War’.”) 

Đến đây, tôi bắt đầu hoang mang với một số điểm không thể sắp xếp được vào theo một trình tự logic. Ơ, nếu như Afghanistan là một cái bẫy với nghĩa đen, thì tại sao người Mỹ lại “chui đầu” vào nó một lần nữa để rồi sa lầy trong một cuộc chiến tranh dài những 20 năm (từ 2001 đến 2021) hết sức tốn kém? Nếu như nói vai trò của Afghanistan trên bàn cờ địa chính trị là hết sức quan trọng, sau khi Liên Xô sập bẫy và Mỹ là người thủ lợi, thì họ phải tiếp quản miếng mồi béo bở đó ngay đi chứ, sao lại để đến 12 năm sau tính từ năm 1989 mới can thiệp? 

ĐIỂM THỨ NHẤT. 

Điều kiện tự nhiên của Afghanistan là quá khó khăn và khắc nghiệt, những thứ tài nguyên của đất nước này (theo cách của chúng ta hay nói là bọn thực dân thì thích cướp tài nguyên) liệu có đủ hấp dẫn cho Hoa Kỳ tốn kém đến vậy không? Với vị trí của mình, Afghanistan có thể quan trọng với Liên Xô (hay với “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc bây giờ), nhưng với Hoa Kỳ thì chưa chắc. Mục đích của Hoa Kỳ thi quay lại với Afghanistan – như chúng ta thấy vào thời điểm 2001, là cuộc chiến chống khủng bố. Vì nghèo đói và cũng do điều kiện tự nhiên “thuận lợi” nguồn tài chính dồi dào và ổn thỏa nhất của nước này là… thuốc phiện. Về chính trị, dựa trên yếu tố sắc tộc có tính bộ lạc như các nhà nghiên cứu đánh giá, yếu tố bộ lạc là phù hợp nhất với đất nước có điều kiện địa lý khó khăn và hiểm trở như nước này… Do đó, mọi sự can thiệp từ bên ngoài theo các cách: xâm lược hoặc thao túng cho nội chiến (hỗ trợ một hoặc nhiều bộ lạc này chống lại một hay nhiều bộ lạc khác) đều chắc chắn sẽ đi đến thất bại. 

Lịch sử Afghanistan cận đại cho đến đầu thế kỷ XX vẫn là lịch sử của quá trình đối đầu tranh giành ảnh hưởng trên địa bàn của hai Đế quốc Anh và Nga. 

Vì vậy, nếu xét kỹ câu nói của Brzezinski ở đây, “trap” vừa có thể hiểu là “cái bẫy” vì dù sao ông ta vẫn nói đến một kế hoạch, một chiến dịch hành động bí mật (That secret operation) nhưng cũng có thể hiểu theo một nghĩa khác, ở đây ông ta nói đến sự sa lầy chắc chắn của Liên Xô nếu can thiệp vào Afghanistan, mà ông ta đã ví von nó với “Chiến tranh Việt Nam,” một “cái bẫy” khác mà người Mỹ đã mắc phải. 

Ở đây có mấy điều đáng ghi nhớ: 

Thứ nhất Afghanistan là mục tiêu của Nga từ hàng trăm năm qua, chẳng phải đến thập niên 1980 họ mới quan tâm đến địa bàn này. 

Thứ hai, quá trình “sập bẫy” của Liên Xô ở Afghanistan phải được đặt trong bối cảnh đối đầu với Hoa Kỳ, cứ hễ ở đâu có người Mỹ, thì người Nga phải hành động. Điều này sẽ giải thích tại sao, chỉ bằng những hành động đơn giản – như nhiều chuyên gia nói: vài thùng súng với ít đạn cho một nhóm vũ trang nào đó… đã là quá đủ cho một cuộc can thiệp, Mỹ đã khiến cho Liên Xô nhảy xổ vào và sa lầy trong cả một cuộc chiến tranh. Cái “chết” của người Nga ở đây không chỉ là những vấn đề to tát nào là địa chính trị, nào là tư tưởng xã hội chủ nghĩa thế giới đại đồng, mà đơn giản chỉ là thái độ ganh đua, đua tranh với người Mỹ. 

Thứ ba. Thẳng thắn mà nói dù Afghanistan chưa phải là mối lợi ngay lập tức cho Hoa Kỳ, nhưng nó vẫn là một địa bàn cần ổn định tình hình trong chiến lược chống khủng bố từ xa, và rộng hơn thì vẫn là bàn cờ địa chính trị toàn khu vực. Đến đây chúng ta tìm thấy điểm tương đồng giữa cả người Nga, người Mỹ, thậm chí cả người Trung Quốc, nghĩa là nếu cần thì dù chưa có lợi vẫn phải làm. 

ĐIỂM THỨ HAI. 

Nếu như thực sự có một “cái bẫy” – vẫn câu chuyện của Wade khi ông này cố trích dẫn Carl Gershman, Giám đốc Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) khi viết: “Ukraine là giải thưởng lớn nhất.” Ông Gershman giải thích rằng nếu nước này (Ukraine) có thể “thoát Nga” để đi với phương Tây thì “Putin có thể thấy mình đang ở thế thua cuộc không chỉ ở các nước xung quanh mà còn ngay trong chính nước Nga.” Từ đó, Wade cho rằng phương Tây cực kỳ mong mỏi có một ngày nào đó Nga tấn công Ukraine. 

Luận điểm này sẽ không thể đúng hơn nếu như phương Tây nắm rõ được thực lực quân sự của hai bên, và do đó chắc chắn được rằng quân đội Nga sẽ thất bại khi xâm lược Ukraine, và quân đội Ukraine sẽ là người chiến thắng. Đáng tiếc, đây chính là chỗ yếu nhất của luận điểm: ngay cả khi biết chắc rằng Putin sẽ xua quân xâm lược Ukraine và cố báo trước cho chính quyền Zelensky chỉ vài ngày trước khi súng nổ, người Mỹ vẫn tin rằng Nga sẽ “ăn gỏi” được Ukraine chỉ trong một thời gian rất ngắn. 

Không phải là Ukraine – đất nước có 44 triệu dân và diện tích lớn thứ hai châu Âu mà họ được coi là có sức mạnh, mà căn cứ trên tương quan quân đội giữa hai nước, những kém cỏi mà quân đội Ukraine đã thể hiện trước quân đội Nga và li khai trong 8 năm nội chiến ở vùng Donbas mà người ta đi đến đánh giá như vậy. Vì thế, tổng thống Hoa Kỳ đã đề nghị Zelensky di tản – và nhận được câu trả lời rắn rỏi: “Chúng tôi cần đạn dược chứ không cần một chuyến xe.” 

Những biểu hiện đó của Hoa Kỳ và phương Tây, cho thấy họ thực sự sợ hãi nước Nga vì sức mạnh quân sự hủy diệt của nó. Và nếu như thế, thì sẽ là quá phi lý khi phương Tây đánh liều để giương lên một cái bẫy mà không biết chắc rằng nó có đủ vững chãi để giữ được con mồi trong đó hay không.  

Trong “cái bẫy” Afghanistan với các con thú sập bẫy: Liên Xô và Hoa Kỳ, chúng ta thấy có điểm tương đồng là cả hai đều thất bại, nghĩa là không phá được bẫy. Điểm tương đồng này được copy nguyên xi về cuộc chiến tranh của Nga – Putin ở Ukraine: quân đội Nga sa lầy, đi hết từ thất bại này đến thất bại khác và xu hướng chung thì họ sẽ đi đến thất bại cuối cùng, lớn nhất và không thể tránh khỏi của cả cuộc chiến tranh. 

Điểm tương đồng này giúp chúng ta rút ra được nhận xét rằng: nếu như Liên Xô và Hoa Kỳ trước đây, và Nga ở Ukraine ngày nay mà không thất bại thì chẳng ai lôi chuyện “đánh bẫy” ra để mà nói cả. Ngược lại, nếu trong vòng từ 3 ngày đến 3 tuần mà quân đội Nga chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine, bắt được hoặc buộc Chính phủ Zelensky lưu vong, thì chỉ có sự tung hô “chiến thắng huy hoàng” cứ ai nói chuyện bẫy với cạm làm gì. Lúc đó thì chỉ có “ông KGB 70 tuổi thiên tài” với “Putin tính hết cả rồi”! Còn thực tế lúc này thì “sập bẫy” rồi, ai tính cho? 

Lịch sử đã cho thấy, các hành động chiến thuật – chiến lược liên quan đến địa chính trị, nước nào cũng phải có và quốc gia càng mạnh, càng nhiều kinh nghiệm về vấn đề này thì các nước cờ của họ càng cao. Nhưng dân gian Việt Nam còn có một câu: “Người lương thiện thì không thể bị lừa đảo” – bất kỳ ai dù là Nga hay Mỹ hay Trung Quốc, cứ hễ có âm mưu, toan tính đến mối lợi của mình, thì đều có thể bị “sập bẫy.” Ông KGB 70 tuổi nếu tài giỏi như thế, nhẽ ra phải tránh được hoặc phá được cái bẫy chứ sao để thất bại ê chề đến vậy. 

Điều thú vị là người Mỹ, với hai lần thất bại ở Việt Nam và Afghanistan, họ chẳng có ai bênh vực kiểu như “Mỹ sập bẫy của Nga hay Trung Quốc gì đó” mà hầu hết là những chỉ trích hả hê từ phía những “tâm hồn chống Mỹ”: đáng đời, đáng kiếp, gậy ông đập lưng ông… Cứ hễ Liên Xô và Nga thua, thì là bị đánh bẫy. Còn Mỹ thua, là do thói tham lam vô độ của chủ nghĩa thực dân mới. Rất buồn cười. 

Còn về quan điểm cá nhân, từ năm 2017 tôi đã có bài báo về chủ nghĩa khủng bố: không thể diệt trừ nó bằng quân sự, hoặc bằng chính trị theo cách can thiệp hỗ trợ phe cánh này chống phe cánh kia, mà chỉ có bằng cách hòa bình, diệt trừ nghèo đói. Bạn đọc có thể đọc bài báo đó tại đây

9. Nước Nga của Putin có thể sụp đổ hay không sau những diễn biến trên chiến trường Ukraine?

Hôm nay, khi tôi ngồi viết bài này – đúng kỷ niệm Ngày độc lập của Ukraine. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, chỉ vài tuần trước cái ngày  Tuyên ngôn Độc lập trọng đại đó của dân tộc Ukraine năm 1991, Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush đã tới Kyiv để cảnh báo các thành viên quốc hội Ukraine khi đó vẫn còn thuộc Liên Xô về nguy cơ của “chủ nghĩa dân tộc tự sát”. Phương Tây chưa hình dung ra nổi một thế giới sẽ ra sao nếu siêu cường Liên Xô, đột nhiên biến mất. 

Động thái này của người đứng đầu Nhà trắng khi đó, đánh tan luôn các thuyết âm mưu cho rằng phương Tây và Hoa Kỳ, thực sự mong muốn Liên Xô sụp đổ và đã có một kế hoạch rất cao tay cho chuyện này. Cạnh tranh giữa hai siêu cường là có, Liên Xô thì không bao giờ có hi vọng đánh bại được nước Mỹ, ngược lại nước Mỹ cũng không thể ngờ có kết quả đó. Nó làm đảo lộn tất cả những kế hoạch, toan tính chiến lược – địa chính trị và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu không có sự kiện này thì còn lâu mới có sự vươn lên ngoạn mục của Trung Quốc trong thậm niên 1990. 

Vậy, ở thời điểm năm 2022 sang 2023, khi cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine chính thức sa lầy, không lối thoát cho Kremlin, liệu có một kịch bản cho sự sụp đổ hay không? 

Đây là một dự đoán của nhiều chuyên gia địa chính trị trên thế giới, mà ngay vào thời điểm từ giữa năm ngoái đã bắt đầu có lác đác, đến cuối năm song song với tình hình diễn biến của cuộc chiến, thì nó lại xuất hiện càng nhiều. Trong khi đó vẫn có những ý kiến cho rằng, Putin và chế độ của hắn ta còn lâu mới sụp đổ. 

Về luồng ý kiến thứ hai này, thường nó có căn cứ từ tình hình thực tế được lấy chủ yếu từ tin tức mà rất nhiều số chúng, từ nguồn của Nga và được báo chí rất nhiều nước dẫn lại. Những biểu hiện cơ bản của tình trạng “vững chãi” này là: tỉ lệ % dân Nga ủng hộ Putin, ủng hộ Chính phủ của Putin và ủng hộ “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước này chống lại Ukraine vẫn rất cao. Ngoài ra những biểu hiện cụ thể như biểu tình chống chiến tranh… còn thấy vắng bóng trên các đường phố. 


Về các yếu tố đầu tiên – các tỉ lệ % thì nó sẽ chiếm rất nhiều thời gian để nói, và chắc chắn chúng ta không đủ sức để phân tích chúng ở đây. Còn về các cuộc biểu tình – nếu nhìn lại thì năm ngoái (2022) khoảng tháng Tư, tháng Năm đã có nhiều cuộc biểu tình ở nhiều tỉnh thành của nước Nga, thậm chí có nơi khá rầm rộ nhưng sau đó, chúng nhanh chóng… biến mất. Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi thì “không có gì ở nước Nga diễn ra mà không có oligarch đứng sau” – sự suy giảm đến mức biến mất của các cuộc biểu tình phản chiến, phải chăng được gắn với những diễn biến mờ ám ở hậu trường chính trị nước này: rất nhiều các tỉ phú hoặc những người có máu mặt trong chính trường Nga, bị chết một cách bí ẩn chẳng hạn. 

Thực sự, những người có ý tưởng chống lại cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine, đã rời khỏi Nga – chủ yếu để trốn tránh việc nhập ngũ, tránh cái chết gần như chắc chắn trên chiến trường. Mặt khác, dù có thể sẽ xảy ra những cú sốc kinh tế đáng kể khi các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực, nhờ một số biện pháp quản lý tài chính của Mátxcơva cho đến nay, đã làm giảm tác động của chúng và cần phải công nhận là họ (người Nga) rất sáng tạo. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, có một lý luận rất chắc chắn và hay được đem ra để dập tắt các tranh cãi: tại sao sau chiến tranh Việt Nam hoặc cú rút quân “kinh điển” khỏi Afghanistan năm 2021, nước Mỹ không sụp đổ? 

Nhưng những ý kiến cho rằng chế độ của Putin hoàn toàn có thể sụp đổ cũng có những căn cứ của nó. Năm 1991, Liên Xô đã sụp đổ vào lúc ít người ngờ nhất, ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên đất nước với những quầy hàng trống rỗng, cũng chưa dẫn các chuyên gia đến sự dự báo kinh thiên động địa nhường đó. Nhưng cuối cùng, Liên Xô vẫn sụp đổ. 

Vậy những căn cứ đó là gì? 

·         Đầu tiên – là vấn đề uy tín của lãnh tụ. Hồi đó Gorbachev đã trải qua một cuộc đảo chính bất thành, và bây giờ Putin cũng như vậy với binh biến của Prigozhin và tập đoàn Wagner. Cả hai cuộc đảo chính đều làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của người đứng đầu đất nước, vì cả hai lãnh tụ này đều bị phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ là những người bất lực trước sự biến. Cả hai đều… mất hút. Gorbachev đang đi nghỉ ở miền nam và gần như không kiểm soát được tình hình. Putin trốn đâu đó trong boong-ke và gần một ngày sau mới thò mặt ra… sau đó bộ máy thông tin của hắn ta tìm cách tô vẽ cho cuộc binh biến giống như một hoạt động có kịch bản soạn sẵn, có kiểm soát. 

Nền chính trị của Nga có một số đặc điểm rất đáng chú ý. Thứ nhất, được thể hiện trong Hiến pháp – nó không chuẩn bị cho việc có một ngày nào đó, tổng thống của nó có thể không còn khả năng nắm quyền nữa. Thứ hai, tất cả quyền lực tập trung hết vào tay Putin (và được cho là một nhóm các nhân vật mờ ám cùng ê-kíp với hắn ta). Thứ ba, khả năng nắm quyền của tổng thống Nga – Putin được xây dựng dựa trên uy tín cá nhân, với những biểu hiện tương tự của nạn sùng bái cá nhân trước đây đã từng có trong chính trường nước này. 

Ba đặc điểm trên đây làm cho chính trị nước Nga, khi thì có vẻ rất vững chắc, nhưng cái vững chắc đó phải được củng cố bằng những phương pháp độc tài, thậm chí đen tối chẳng hạn như cái chết không rõ ràng của các nhân vật: Alexander Litvinenko, Sergei Skripal (hai điệp viên) đều được cho là bị đầu độc hay Boris Nemsov tôi đã đề cập trên đây. Ngay cả sự việc liên quan đến nhóm nhạc Pussy Riot cũng thể hiện rất rõ một thái độ chính trị chà đạp dân chủ của nhà cầm quyền. 

·         Căn cứ thứ hai, là vấn đề dân tộc. Đầu năm nay, chính xác là ngày 31/1/2023 tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels một hội nghị tổ chức bởi các MEP từ nhóm chính trị Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) trong Nghị viện Châu Âu tìm hiểu triển vọng “phi thực dân hóa” nước Nga. Những người tham gia bao gồm đại diện của các dân tộc bản địa của Liên bang Nga, nhiều người trong số họ đã làm việc một thời gian trong khuôn khổ Diễn đàn các quốc gia tự do hậu Nga. Họ có sự tham gia của nhiều Thành viên của Nghị viện Châu Âu và một loạt các chuyên gia quốc tế. 

Sự kiện này nêu bật sự công nhận ngày càng tăng của quốc tế về bản sắc đế quốc của nước Nga hiện đại và nâng cao nhận thức về các mối đe dọa mà điều này đặt ra đối với an ninh Châu Âu. 

Từ trước đến nay, đây là một vấn đề cấm kỵ trong quan hệ với nước Nga, nhưng đến thời điểm cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine đã được gần một năm và đã có những chỉ dấu cho thấy, Putin không thể ra được khỏi vũng lầy. Hội nghị được tổ chức trước sự “quan sát” của Nga cho thấy, đã có những biến chuyển rất lớn của thế giới trong cách nhìn nhận với nước Nga của ngày hôm nay. 

Cơ sở của biến chuyển đó có một điểm tựa rất lớn là việc Nga đang hủy diệt các dân tộc bản địa mà từ trong lịch sử, “không may trở thành một dân tộc thành viên của quốc gia Nga.” Ngay từ đầu chiến tranh, chính sách đàn áp dân tộc đã thể hiện rất rõ trong cách đối xử với các đơn vị lính thuộc các dân tộc khác nhau: thương vong quân sự của Nga chủ yếu đến từ các nhóm dân tộc nghèo nhất của Nga: Dagestan, Chechen, Ingush, Buryat và Tuva. Chính sách này nhằm bảo vệ người dân Nga, chủ yếu tập trung ở Mátxcơva và St. Petersburg, khiến chiến tranh trở thành một hiện tượng trừu tượng chỉ chạm đến cuộc sống của người Nga từ đâu đó ở xa tít tắp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đẩy những người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa của Nga ra làm bia đỡ đạn ngoài chiến trường. 

Trước chiến tranh, đã có những báo cáo về tình trạng nghèo đói, khoảng cách tương đối lớn về giàu nghèo giữa các vùng, và tình trạng chậm phát triển của các nhóm dân tộc thiểu số ở Nga. Với chính sách tuyển quân nặng về trả tiền không khác gì lính đánh thuê, không có gì ngạc nhiên nó sẽ thu hút những người nghèo, học thức thấp… mà dân thiểu số có tỉ lệ lớn. Khi đó, người thiểu số và người nghèo chắc chắn sẽ có xu hướng chiếm đa số trong quân đội. 

Những cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Daghestan cách đây khoảng 10 ngày cho thấy đã có những mầm mống đổ vỡ về vấn đề dân tộc – như trên đây tôi báo cáo thì nó đã có từ lâu trong chính sách của Nga rồi. 

Căn cứ thứ ba: vấn đề cát cứ. Quân đội Nga được chia thành các vùng phòng thủ lớn mà họ gọi là các quân khu, mỗi quân khu có bộ máy hoàn chỉnh từ tổ chức đến lực lượng đầy đủ các binh chủng, quân chủng… và quy mô của chúng đạt được như một quân đội của quốc gia nhỏ. Nước Nga với diện tích địa lý rộng lớn, chạy dài từ tây sang đông với đặc điểm địa lý tự nhiên và xã hội đặc thù: đi lại khó khăn, có nhiều chia cắt (núi Ural, các sông Ob (trước đây trong các sách địa lý cũ của ta gọi là Obi), Yenisei…) cùng với cách tổ chức hệ thống phòng thủ quân sự như trên, là tiền đề cực kỳ thuận lợi cho việc bất cứ một quân khu nào cấu kết với chính quyền địa phương của một vài vùng (Oblast) để li khai. 

Vậy, chúng ta có thể tạm kết luận cho tiểu mục trên đây như sau: nước Nga của Putin đang phải chịu đựng một loạt căng thẳng có tác động qua lại tương hỗ lẫn nhau, và những gì đang diễn ra cho thấy Putin trong 20 qua thực chất đã tạo ra một nhà nước mong manh hơn nhiều so với những gì mà kẻ khoác lác này vẫn sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình tô vẽ. Các căng thẳng trên bao gồm: thất bại về quân sự, sự suy đồi về đạo đức được thể hiện trong chính cuộc chiến tranh và suy thoái kinh tế trong cuộc chiến Ukraine… 

Chưa hết, yếu tố quan trọng dường như hàng đầu là sự mong manh và kém hiệu quả của hệ thống chính trị siêu tập trung của Putin. Ngoài ra các yếu tố tồn tại sẵn có trước chiến tranh: sự sụp đổ của hình tượng cá nhân khi Putin đối mặt với thất bại bệnh tật và tuổi tác; sự quản lý yếu kém của nền kinh tế dầu khí của Nga; nạn tham nhũng tràn lan xâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội; và sự chia rẽ rộng lớn về sắc tộc và khu vực... Mặc dù ngày nay có thể ít người muốn nước Nga tan rã, nhưng không quá khó để tưởng tượng một kịch bản trong đó sự bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng, đến một lúc nào đó, sẽ buộc các đơn vị cấu thành của Nga phải tìm kiếm sự an toàn bằng một nền độc lập nào đó. 

Liệu nước Nga có thể sụp đổ ngay trong khi cuộc chiến còn chưa kết thúc không? Ít khả năng. Nước Nga có thể vượt qua cuộc khủng hoảng và tiếp tục tồn tại dưới hình thức hiện nay nó đang có, dù dưới thời Putin hay người kế nhiệm. Nhưng ngay cả như vậy thì nó sẽ bị suy yếu nghiêm trọng với tư cách là một nhà nước, và tất cả những căng thẳng về cơ cấu sẽ vẫn còn. Vậy tại sao tôi lại dám trả lời là việc này ít có khả năng xảy ra? Đầu tiên, giới tinh hoa – hay chóp bu cầm quyền ở Mátxcơva “sẽ phản ứng bằng bạo lực trước bất kỳ chủ nghĩa ly khai nào” – đây là ý kiến của nhà sử học Marlene Laruelle, giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu, Nga và Á – Âu tại Đại học George Washington. Tuy nhiên, hỗn loạn là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra và phản ứng của giới oligarch hay chóp bu cầm quyền trong nước Nga như vậy sẽ dẫn tới nội chiến đẫm máu. Các vùng hay khu vực đi tìm kiếm độc lập sẽ tranh giành với nhau về đường biên giới, về các tài sản còn lại của nước Nga… Nguy cơ này là cực kỳ hiện hữu, do đó trong bài phát biểu đầu năm mới 2023, Putin đã viện dẫn mối đe dọa tiềm tàng của chiến tranh đối với nền độc lập của Nga – điều mà trước đây hắn ta chưa từng đề cập. 

Bây giờ đến câu hỏi về kịch bản, thì nhìn chung chúng ta sẽ thấy rằng, người dân Nga gần như sẽ đứng ngoài mọi chuyện, mọi diễn biến liên quan đến chính trị. Vì thế khó có thể thấy được một sự nổi dậy của dân chúng lật đổ chính quyền của Putin hay bất cứ chính quyền nào khác sau nó nhưng vẫn cùng một bản chất độc tài. Nhưng, những diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine càng ngày càng bất lợi cho Nga, đầu tiên là quân đội Nga đứng trước nguy cơ suy sụp và tan rã, các khí tài chủ yếu bị mất, bị tiêu hủy… viễn cảnh quân đội Nga sau thất bại của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang dần tái hiện: các đơn vị Nga tan rã thành nhiều nhóm nhỏ, kéo lũ lượt từ chiến trường về quê và trên đường đi, đi đến đâu làm loạn đến đó. 

Song song với viễn cảnh trên, là nền kinh tế chỉ có tồi tệ đi, chứ không thể khá hơn do cái gọi là “suy thoái công nghệ của thời thế kỷ XXI” – tức là một ngày người Nga sẽ nhận ra là họ bị biến thành một giống man di ngay trên quê hương trù phú của mình; còn nếu để bù đắp những thiếu hụt nghiêm trọng đó thì Chính phủ Nga buộc phải hi sinh kho ngoại tệ và vàng dự trữ của mình. 

Những đợt tấn công liên tục bằng UAV trong thời gian qua vào sâu trong lãnh thổ Nga, đánh thẳng vào thủ đô làm cho hoạt động hàng không bị ngừng trệ, thì cũng chính là những cái tát vào thẳng mặt Putin. Từ trước đến nay, tất cả là khoác lác và nói láo hết, từ Putin đến cái bộ máy của lão ta. Đúng là cháy nhà ra mặt chuột. 

Sẽ đến lúc, bọn oligarch nhận ra không thể duy trì Putin được nữa vì lúc đó, Putin là đối tượng dễ bị đổ lỗi nhất cho những thất bại chiến tranh và đó sẽ là bước đầu tiên của quá trình sụp đổ của nước Nga. Putin có thể chưa hết đời, nhưng sinh mạng chính trị sẽ chấm dứt. Ngay lúc này nhu cầu của giới chóp bu cầm quyền Nga đã có rồi chứ không phải là không, vấn đề của họ là ai sẽ là người thay Putin trong thời gian đầu tiên mà thôi. Ai? Sergei Kiriyenko, Nikolai Patrushev hay Sergei Sobyanin? Hay Mikhail Mishustin? – Chịu, mà đoán làm gì. 

Sớm hôm nay theo giờ Hà Nội, mọi người quan tâm được “đón chào” bằng một tin nóng hổi, không biết nên mừng hay nên… không mừng: Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của Wagner đã chết trong một vụ rơi máy bay, mà bây giờ thì đã quá nhiều thông tin cho rằng nó (cái máy bay) bị bắn bằng vũ khí phòng không trong chính nước Nga. Cũng có những phỏng đoán rằng, Prigozhin không chết mà chỉ là một chiêu “Kim thiền thoát xác.” 

Cần phải nhìn lại rằng, ngoài vụ binh biến chết yểu hồi tháng Sáu, thì Prigozhin đã “có công” trong việc đánh thẳng vào uy tính của ba nhân vật “tuy ba mà một:” Putin, Shoigu và Gerasimov. Do vậy rất dễ để suy đoán rằng, vụ rơi máy bay là “tác phẩm” của cái bộ ba kia. Nhưng cũng nếu mà nhìn kỹ ra rằng, một vụ binh biến khinh nhờn phép nước đến cỡ đó mà nước Nga với “quân đội thứ hai thế giới” không xử lý nổi, cuối cùng phải thỏa hiệp để tên cầm đầu đưa gần hết lực lượng ra nước ngoài – thật là một trò hề. Trò hề này không chỉ làm xấu hổ và nhục nhã cho nước Nga, mà cả cho những nước và những người đến giờ này còn đắm đuối ôm mộng nước Nga văn minh và thành trì của hòa bình… Cái nhục đó nó có từ trước, mà tôi đã bình luận đôi lần: không có một nước nào, quân đội nào sử dụng một đội quân đánh thuê với bản chất kẻ cướp để thi hành một cuộc chiến tranh mà họ tự gọi là ái quốc, là văn minh và chống phát-xít. 

Hơn thế nữa, khi để lũ kẻ cướp này phình lên thành một lực lượng lớn mạnh còn hơn cả quân đội, thì chơi dao ắt có ngày đứt tay. Cái đứt tay ấy là đến lúc con chó quay lại cắn chủ nhưng chủ không biết làm gì với nó. 

Vì vậy, Prigozhin chết hay sống, không quan trọng vì sinh mạng chính trị của hắn đã hết – nhưng cái sự khai tử sinh mạng chính trị này lại được thể hiện ra bên ngoài bằng một vụ ám sát và chỉ có nội bộ bọn chúng – chóp bu cầm quyền Nga với nhau, mới có thể thực hiện được. Hóa ra, đúng là bộ sậu Putin đê hèn như vốn có: bị ném phân vào mặt không làm gì được, cuối cùng tính chuyện cắn trộm. Tờ “ The Economist” hôm nay có bài: cái chết của Prigozhin có thể củng cố quyền lực của Putin. Điều này có thể không sai, nhưng cần phải phân tích kỹ rằng, cái chết của Prigozhin trước hết là để củng cố quyền lực của Putin, còn có củng cố được hay không, củng cố đến đâu… thì chưa ai biết. Đúng, củng cố bằng cách bịt mồm thì vẫn là “nghề của chàng” và đến nay “bổn cũ vẫn soạn lại.” 

Nhưng Prigozhin đại diện cho ai? Cũng sẽ phải có những người rất thế lực đứng sau hắn, chống lưng cho hắn… Cuộc chiến tranh trong nội bộ nước Nga, bây giờ mới bắt đầu. 

Hết cả 3 phần, đọc lại phần 1 tại đây và phần 2 tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây 

Bài trên Facebook tại đây  


No comments:

Post a Comment