Chẳng hẹn mà gặp, vừa hôm qua
có câu chuyện với mấy bà mẹ thì hôm nay lại có cô em họ nhắn vào Facebook
messenger mà thắc mắc. Cũng chẳng hề nằm ngoài những băn khoăn thường ngày của
các ông bố bà mẹ, giữa nhu cầu cho con đi học chữ ở trường với những kỹ năng sống
khác nữa phải học ở ngoài. Sau đây tôi xin kể lại những câu hỏi và đáp của anh em
tôi để mọi người cùng tham khảo.
Em gái: Em đang rất băn khoăn
về việc chọn trường cho con gái (cháu chuẩn bị vào lớp Một)…
Anh trai: (Đem đúng chỉ đạo của
mẹ cô bé, tôi gọi bằng bà mợ ruột) Cứ chọn lấy trường nào mà không bị bệnh
thành tích, tức là độ “hot” vừa vừa thôi, để con mình không phải chịu gánh nặng
là được. Trường công gần nhà là OK, bà đưa đón cũng dễ.
Em gái: Nhưng mà học trường công
thì lại phải học thêm nhiều…
Anh trai: Nói phải học thêm
nhiều cũng đúng, lại nói do các cô bắt học thêm cũng đúng, nhưng suy cho cùng
thì do bố mẹ là chính. Khi bố mẹ hiểu rõ, ở cấp tiểu học quan trọng nhất là rèn
kỹ năng, chứ không phải là “nhồi chữ” thì cô làm sao mà dọa được. Ở đây nhiều
khi cô chỉ cần thông báo là con anh chị học có vấn đề về kiến thức hổng nọ, hổng
kia, bố mẹ đã cuống cà kê lên thì mới là chết. Cô mà không đi học thêm trù dập
học trò, cũng đâu có nhiều đâu, cứ nghe các mẹ tuyên truyền sinh ra thành kiến
thế cũng là không nên. Nếu cô giáo thông báo là, con anh chị ý thức học tập rất
có vấn đề, cháu không tự giác, luôn luôn phải nhắc mới tập trung… thì lúc ấy hẵng
đáng lo; nhưng mà cái đó không phải giải quyết bằng đi học thêm em ạ.
Em gái: Nhưng mà cái trường
công gần nhà mình nhất (trong một khu buôn bán nối tiếng của thành phố Hà Nội về
nhiều tiền nhưng cũng… ít chữ) thì học sinh hư lắm, nên em chọn cái trường L. (cũng
chỉ xa hơn một chút thôi.)
Anh trai: Thực ra như trường
dân lập Bôn Ba Nhi Bá (con trai tôi) đang học và cả trường chị Bá Ba Nhi Bôn (em
gái của cháu) nữa, có chính sách rất phản giáo dục là cứ học sinh nào hư, vài lần
dùng biện pháp từ dỗ dành đến đe nẹt, cả phạt nữa không có kết quả là tìm cách…
mời nghỉ theo kiểu “nếu cho con chuyển trường thì sẽ xếp cháu hạnh kiểm khá.” Nếu
nói từ góc độ xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tiên tiến của những
Makarenco (hi hi) như thế thì chính sách này thậm chí là… phản động. Người ta
có cần nhà trường dạy con cùng với người ta thì mới đăng ký cho học, thế mà
không giáo dục nổi thì từ chối kiểu đó là không được. (Điều này cũng xuất phát từ
một số quan niệm sai lầm, như vào những môi trường thế này thế khác, con mình
đang hư sẽ ngoan, hoặc quan niệm là đến trường chỉ để học chữ. Như trường con
tôi học, phụ huynh đồn thổi là ở đó “học tốt, thành tích cao” như thế là người
ta quan tâm đến việc nhồi chữ, còn môi trường toàn học sinh ngoan, thì như vừa
kể, là do nhà trường bất lực.) Với các con nhà anh, anh còn cho các cháu tiếp
xúc với những lớp khác ở trường ngoài, nơi có con của các gia đình buôn bán như
thường bị gọi là “chợ búa.” Con mình còn phải học các kỹ năng xã hội, trong đó
có việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau có những cách hành xử khác nhau,
có như vậy mới biết được điều nào hay, điều nào dở… và biết cách miễn nhiễm với
những hành xử không tốt, không đúng đắn. Toàn thế giới này chỗ nào cũng có người
thế này, thế khác vậy cả chứ không phải chỗ nào cũng toàn người “đi nhẹ, nói khẽ,
cười duyên” để con mình sống trong tháp ngà được đâu. Như thế chúng ta lại càng
có cơ hội cùng con trưởng thành.
Em gái: Vâng, cái trường L. (hơi
xa hơn một tí) thực ra cũng có nhiều nhà thế này thế khác mà anh…
Anh trai: Đúng rồi em. Xã hội
ta mở cửa mấy chục năm phát triển kinh tế nhưng văn hóa, giáo dục thì không
theo kịp, làm cho nhiều giá trị bị suy đồi. Ngay cả những khu dân cư mới, khu
chung cư… cũng có rất nhiều thành phần dân cư giàu lên nhanh nhưng vốn văn hóa
chưa theo kịp. Bạn anh cho con học ở trường V trong khu T, sau đó một năm nhận
xét là phụ huynh thuộc giai cấp đòi nợ thuê rất đông, họ giàu lên, mua nhà
trong đó và con cũng “trọn gói” mà học trong khu đó luôn. Không nên nghĩ là anh
kỳ thị giới anh chị, vì bản thân anh có nhiều bạn trong giới đó, và hầu hết họ
cư xử rất đàn anh, quân tử còn hơn nhiều “trí thức đểu” nhiều. Anh muốn nói là
việc giàu lên và chọn cho con mình một trường có mức học phí cao, nhưng còn phải
tự xây dựng cho mình một vốn văn hóa nữa, điều đó đòi hỏi cha mẹ phải không ngừng
học tập và tự tu sửa bản thân. Nếu bố mẹ có ý thức học hỏi như vậy, thì con cái
mới ngoan được, và từ đó thì lớp của con chúng ta mới có nhiều bạn ngoan được
chứ. Điều này cũng đúng với chính chúng ta, chúng ta cũng phải không ngừng tự
hoàn thiện bản thân mình.
Em gái: Vậy là giáo dục kỹ
năng quan trọng hơn học chữ…
Anh trai: Còn tùy giai đoạn chứ
em. Trong giai đoạn tiểu học thì đúng là như vậy, các bé cần phải được rèn các
kỹ năng là chính, trong đó có ý thức học tập, làm sao cho chúng có thái độ học
tập suốt đời, sau đó là các khả năng như tư duy, tìm hiểu và giải quyết vấn đề…
Việc dạy kiến thức chính là phương tiện để rèn kỹ năng. Đó là nhiệm vụ chính của
và ở nhà trường. Tuy nhiên có rất nhiều kỹ năng khác mà bố mẹ phải tự trang bị
cho con mình, xuất phát từ sự thiếu thốn của xã hội nước ta hiện nay. Điều anh
muốn nói là các kỹ năng có tính xã hội và những kỹ năng có tính vận động về cơ
thể hay thể chất. Nhóm đầu, anh đã nói trên đây rồi, mọi hành động, hành xử của
mọi người xung quanh chúng ta, đều là cơ hội dạy cho chúng ta và con chúng ta
những bài học rất tốt về kỹ năng xã hội. Nhóm sau, đó là thể thao để có nền sức
khỏe tốt và các kỹ năng sinh tồn, sống sót.
Nếu em chọn cho con em một trường
mà việc học chữ mất quá nhiều thời gian, đương nhiên là sẽ khó khăn cho bố mẹ
và chính các con để có thời gian rèn luyện thêm các kỹ năng. Chính vì thế anh
muốn cùng em đặt lại tư duy: có nhất thiết phải ngay lập tức chạy theo các trường
nọ trường kia, tốp này tốp khác hay không, khi mà chính họ vì kinh doanh giáo dục,
chạy theo thành tích làm khổ con mình và chẳng còn thời gian để làm gì nữa.
Em gái: Em thấy tiếc vì hồi nhỏ
đã không được học đàn như Lý (em gái của cô này) nên bây giờ em chẳng biết gì,
cuộc sống chẳng có gì…
Anh trai: Điều này đúng, có
đàn có hát thì cuộc sống thi vị hơn, anh đồng ý. Tuy nhiên nếu trót không có,
như anh em mình, thì chúng ta cũng không chết và cũng chẳng phải là thảm họa
gì. Như chị Nhi Bôn, trước thì có một buổi sáng Chủ nhật là đi học vẽ Cung thiếu
nhi, chấm hết. Anh hoàn toàn có thể dạy cháu được, hay hàng ngày vẽ cùng con nhưng đi học ở đó là
để cho thêm vui, thêm giao tiếp xã hội… Bây giờ cuối cấp, năm nay phải thi vào
lớp Sáu nên cô bé bận, cũng tạm thời không đi học nữa chẳng sao cả.
Em gái: Nhưng mà học được cũng
có lợi mà… khổ cái bây giờ bọn em không có thời gian ấy… cả anh nói là phải cho
con chơi thể thao mà không biết thu xếp thế nào.
Anh trai: Chắc hẳn em muốn nói
đến những ích lợi người ta vẫn quảng cáo để dụ bố mẹ đưa con đi học đàn học vẽ.
Anh phải công nhận là thời thanh niên tự do phóng khoáng, nếu anh biết oánh đàn
lại nghêu ngao vài câu thì cũng rất thuận lợi trong việc… cua gái. Chấm hết.
Anh thì vẽ rất đẹp, em biết rồi, thậm chí có thể thi vào ngành kiến trúc được,
nếu tập trung luyện thi lấy một thời gian, nhưng cuối cùng anh thấy cũng không
nhất thiết có nó, cuộc sống của anh mới vui vẻ và thi vị được. Còn về ảnh hưởng
của chúng đối với trí não hay này nọ, thì xin cho anh kể vài ví dụ.
Cạnh nhà anh có 2 chị. Chị 1
sinh năm 1966, giàu sụ, kiếm tiền ác liệt. Với tiêu chuẩn của họ là rất giỏi. 2
con đi Mỹ cả. Bây giờ ngồi học piano hàng tối, cả năm vẫn “tưng, tưng...” Chị
thứ hai 1973, gia cảnh cũng rất OK. Bây giờ hàng tối kéo violin (nhị Tây) sau mấy
tháng cò cử được mấy bài hay ra phết. Cả hai chị, đều không khẳng định được rằng
nếu lúc trẻ đi tập dương cầm và nhị Tây, thì bây giờ sẽ là Richard Clayderman
hay Andre Rieu; Đặng Thái Sơn hay Bùi Công Duy. Chị dương cầm, còn chứng minh
cho chúng ta không cần đàn, vẫn có cuộc sống đầy đủ và có lẽ là hạnh phúc theo
tiêu chuẩn của chị ấy. Chị nhị Tây cho ta thấy nếu thực sự có khả năng thì tuổi
nào cũng học được.
Bây giờ anh nói tiếp đến anh
Tuấn của em (cậu em họ khác của tôi, anh họ của cô đang nói chuyện này): nhạc
không, hoạ không... nhưng nó rất thông minh và kiếm tiền rất giỏi. Nhưng không
có căn cứ khẳng định rằng nó sẽ là Donald Trump nếu có thêm nhạc hoạ từ bé. Vậy
câu chuyện ở đây là, nếu có điều kiện thì cứ làm, cuộc sống của con sau này
thêm thi vị, bố mẹ bây giờ có tự hào. Còn nếu cố quá gây stress, xung đột gia
đình thì thôi cũng không chết.
Là vì lúc trước em có nói là
không có thời gian, nên nếu cố chạy theo các thứ mà con nhà khác có, con mình
cũng phải có (cầm kỳ thi họa) thì sẽ rất dễ bức xúc, xì-choét là “Em / anh bận
không đưa con đi được” “Thôi học bận như thế thì nghỉ, đàn với hát gì…” ảnh hưởng
đến hạnh phúc gia đình lắm.
Em gái: Nhưng nhà em thì không
như thế…
Anh trai: Được thế thì tốt quá
rồi em, thuận vợ thuận chồng, thì kể cả bận cũng có cách giải quyết được vấn đề.
Thực tế có nhiều nhà, lúc đầu thì thuận nhưng đến lúc thực hiện thì vướng mắc tứ
bề. Đó là do chưa thực sự muốn xây dựng một tư duy mới và một kế hoạch thật tốt,
có hệ thống để cùng con cái thực hiện mà chỉ mới muốn màng màng ban đầu, chưa hạ
quyết tâm. Vì thế họ sẽ vướng mắc, vì ai cũng vậy, mới đi thì dễ, càng đi càng
nhiều khó khăn, đó là bình thường.
Anh muốn nói với em là cần xây
dựng hệ thống những lựa chọn ưu tiên, có những kỹ năng rất thiếu yếu với cuộc sống
của con trong suốt con đường đời sau này, như những kỹ năng tự chăm sóc bản
thân: nấu nướng, ăn uống, tổ chức cuộc sống, chăm sóc nhà cửa… đến những kỹ
năng để cuộc sống của con an toàn hơn, như biết phòng tránh tai nạn ra sao, và
kể cả nếu có tai họa thì phải có đủ năng lực để thoát ra. Chính vì vậy thiết yếu
là phải cho con được lao động cùng người lớn trong gia đình để sau này bé không
ngại việc, biết quan tâm đến người khác và đặc biệt quan trọng, là một cách lâu
dài có hệ thống con phải được tham gia hoạt động thể chất, chơi thể thao và mức
cao hơn là tham gia các khóa học kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm.
Em gái: Nhà em không được như
nhà anh, anh có thời gian… Em cũng biết là phải cho con em chơi thể thao nhưng
mà em và chồng em đi về muộn, bà chỉ đón được chứ có làm được đâu…
Anh trai: Đúng là anh có thời
gian hơn nhiều người, nhưng điều đó cũng chỉ là hơn được người ta ở ông xe ôm
không mất tiền thôi, chứ về tư duy hệ thống và chiến lược thì không phải là độc
quyền của ai cả. Ai cũng có quyền tự xây dựng cho mình một tư duy khoa học, hệ
thống… và từ đó là xây dựng kế hoạch thực hiện, sao cho nó khả thi.
Em gái: Anh còn tự dạy bơi cho
con được…
Anh trai: Thì cũng đúng, nhưng
còn nhiều thày dạy bơi giỏi hơn anh nhiều. Đồng thời cũng không nhất thiết phải
là bơi. Bơi ở mức ban đầu, là kỹ năng sống sót, sinh tồn, ai cũng phải học.
Nhưng ở mức độ sau, là môn thể thao luyện tập hàng ngày, không phải ai cũng thực
hiện được và cũng chẳng nhất thiết, mà có thể chọn môn thể thao khác. Ngay hai
đứa nhà anh, những lúc bận hoặc những hôm không bơi, chúng nó chơi môn khác. Thằng
anh, tập xà đơn – xà đơn gắn cửa thì dễ không và không nhẽ bây giờ lại còn có
nhà ai đó không có cửa ra vào. Cô em gái, vào phòng bật TV lên tập Aerobic ngày
30 phút. Môn này thì dễ nhất, cũng chẳng cần chỗ rộng lắm, và cũng chẳng cần
thày bà gì luôn, khua chân múa tay, miễn là vận động có ai bắt bò mình là tập
sai tập đúng gì đâu mà sợ. Như nhà em có khi động viên bà cháu tập cùng luôn.
TV thông minh bây giờ thì đến ở nông thôn còn có, chỗ thì cũng không khó khăn lắm
đâu. Cẩn thận chuyện “mất mạng” thì download lấy một vài đoạn về, cho vào thanh
nhớ USB và cắm vào TV… đó không phải là thể thao thì là cái gì?
Em gái: Thế nhưng cháu bác mới
chỉ có 5 tuổi…
Anh trai: (chẳng nói năng gì,
gửi cho một đường link Youtube vừa tìm thấy với cụm từ khóa “Aerobic for kids”.)
Em gái: Thế nhưng mà ở trường
mẫu giáo nó đã vận động chạy nhảy cả ngày rồi ấy…
Anh trai: Thế thì thay vì 30
phút, em cho cháu tập 15 phút thôi. Câu chuyện ở đây không phải là nó chạy cả
ngày rồi không phải tập nữa, mà là xây dựng, rèn cho con thói quen, hình thành
ý thức rèn luyện thân thể và điều đó phải được duy trì đến hết đời. Sau vài
năm, cháu lớn hơn lúc đó có thể lựa chọn những môn thể thao khác phù hợp với điều
kiện hoàn cảnh hơn, chẳng hạn bố nó lên chức, rỗi rãi hơn thì có thời gian dành
cho con nhiều hơn chẳng hạn.
Những điều anh nói với em là
muốn nói rằng, quan trọng nhất là thay đổi và sau đó là xây dựng tư duy của bố
mẹ, và anh muốn cùng em, cũng như tất cả các bố mẹ khác tìm ra được giải pháp
khả thi, chứ không phải đưa ra những chuyện giời ơi đất hỡi không thực hiện được.
Chẳng hạn anh bảo: con chúng ta phải chơi thể thao, như con tôi hàng tuần đi
đánh Golf ở Đồng Mô… thì chắc 1000 gia đình có một gia đình đủ điều kiện cho
con theo như thế. Tuy nhiên để có được sức khỏe thì không phải đặc quyền của
cháu nào, cũng như cũng không có cháu nào được phép đứng ngoài yêu cầu đó. Người
Việt Nam ta rất yếu, do đó phải được xây dựng lại về thể chất, và do đó trước hết
phải xây dựng lại tư duy của bố mẹ cái đã.
Khi đã tìm ra được cách suy
nghĩ đúng đắn, tôi có thể khẳng định rằng chẳng có gì là khó khăn cả.
No comments:
Post a Comment