Putin và Tập Cận Bình: có là đồng minh tin cậy? - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Cùng với những đồn đoán quanh hai đối thủ chính là Liên bang Nga của Putin và bên kia là đất nước, nhân dân Ukraine; người ta còn chú ý đến rất nhiều “nhân vật” khác, như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và một “tay chơi” không thể thiếu là Trung Quốc. Thậm chí ngay từ đầu cuộc chiến người ta đã bình luận rằng “Ông Tập Cận Bình biết trước về kế hoạch tấn công Ukraine của ông Putin,” “Ông Tập yêu cầu ông Putin có tấn công Ukraine cũng để sau khi Thế vận hội (mùa đông ở Bắc Kinh) kết thúc” và “Ông Tập bực mình vì bị ông Putin nói dối.”
Thực tế diễn ra cho thấy những thông tin và bình luận đi kèm theo chúng không sai, thậm chí chính xác. Đúng, có vẻ như Trung Quốc của ông Tập và Nga của ông Putin đã dự liệu trước cho một hành động nào đó của Nga đối với Ukraine, nhưng hành động đến cỡ lớn về quy mô, quyết liệt về mức độ và cuối cùng là dám kéo dài về thời gian như thế này thì với ông Tập ắt hẳn cũng là điều bất ngờ.
Là người mong mỏi hòa bình đến với nhân dân Ukraine càng sớm càng tốt, cũng như những người lính Nga được rút khỏi cuộc chiến phi / vô nghĩa về với gia đình sớm nhất, tôi luôn chờ đợi ông Tập “khi nào thì có lời nói” với ông Putin, và mãi đến hôm qua (17/3) thì Đại sứ Trung Quốc ở Ukraine ông Phạm Tiên Vinh (范先荣 – 1963) đã có những lời phát biểu ca ngợi tình đoàn kết của người dân Ukraine đã tạo nên sức mạnh để đất nước đứng vững cho đến thời điểm cuộc chiến được 3 tuần.
Tuy nhiên chúng ta cũng không quên là trước đó 10 ngày, Bộ trưởng ngoại giao nước này, ông Vương Nghị (王毅 – 1953) đã tuyên bố “Quan hệ Trung – Nga vững như bàn thạch.” Quan điểm này của Trung Quốc xuất phát từ tuyên bố trước đó của hai ông Tập – Putin khi người đứng đầu nhà nước Liên bang Nga sang thăm chính thức Trung Quốc nhân Thế vận hội mùa đông: “quan hệ là không giới hạn.”
Nhưng cũng chính cái sự “không giới hạn” này lại có giới hạn, khi cuộc chiến của Putin ở Ukraine đi vào ngõ cụt thì chính Trung Quốc lại từ chối hỗ trợ Nga không chỉ là vũ khí (tên lửa, máy bay không người lái) mà cả các suất ăn khẩu phần dã chiến cho quân đội. Liệu có phải do ý kiến của người Mỹ mà người Hoa có động thái như vậy không? (Trước tình hình leo thang của chiến sự theo đà thất bại của quân đội Putin trên chiến trường, Hoa Kỳ đã “đe” Trung Quốc sẽ hứng chịu những đòn trừng phạt nếu giúp Nga, và câu trả lời là “Trung Quốc muốn tránh xa những cú trừng phạt như thế.”)
Cùng ngày hôm qua, sau khi nghe tin ông Đại sứ phát biểu những lời có cánh thì lại nghe tin ông Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đang bay sang Bắc Kinh làm cú “quay xe” ngoạn mục đâu đó trên bầu trời Kazakhstan bay về Mátxcơva. Đến đây thì giới quan tâm càng đồn đoán nhiều hơn, phải chăng định sang thuyết khách nhưng thấy tình hình không khả quan, chắc chắn không có kết quả nên ông ta nhận lệnh quay về từ Mátxcơva? Hay từ Bắc Kinh đã có cú điện thoại nào sang cho ông Putin từ ông Tập Cận Bình? Nếu có cú điện thoại như thế thì chỉ có thể là một trong hai nội dung: (1) Đồng ý luôn với các biện pháp hỗ trợ dành cho Nga và do đó Lavrov không phải sang nữa và (2) Đề nghị Putin xuống thang, giảm nhiệt của cuộc chiến, ngồi vào bàn đàm phán và rút quân. Tôi thì nghiêng về giả thuyết sau nhiều hơn.
Chúng ta cũng không nên quên rằng ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc có những động thái đáng ngờ: một mặt thì dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu lúa mì từ Nga, mặt khác một vài Ngân hàng lớn của Trung Quốc lại tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga. Thậm chí các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng dần dần tránh xa thị trường Nga.
Mới nhất: hôm qua Bloomberg đưa tin Trung Quốc chào bán cho Châu Âu khí hóa lỏng với giá rất hời. Điều này cũng đã nằm trong dự liệu của tôi khi viết loạt bài “Vũ khí khí đốt của Putin liệu còn hữu dụng trong thập kỷ tới?” – nhưng không cần phải chờ đến cả chục năm nữa, mà kết cục xuất hiện gần như ngay lập tức cùng với đà “tiến triển” của cuộc chiến Nga – Ukraine. Nhiều người nhanh chóng đánh giá “Trung Quốc ngư ông đắc lợi” – kể ra điều này cũng rất đúng. Chẳng ai có thể đứng ngoài trước một cơ hội trời cho như thế: Châu Âu thì phân vân trước nguồn khí đốt Nga với mâu thuẫn của nhu cầu trừng phạt; Nga thì khó khăn trong cuộc chiến vẫn phải bán hàng nhưng lại kẹt khâu thanh toán… Vậy thì tại sao Trung Quốc lại không “chơi luôn?”
Vậy cuộc chiến tranh Nga – Ukraine lần này có ảnh hưởng gì đến chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?
Chúng ta sẽ không nghi ngờ rằng Trung Quốc là một đất nước đang lớn mạnh và cùng với những tham vọng của họ, thì sự lớn mạnh này trở thành đáng lo ngại. Họ không chỉ tham vọng trở thành cường quốc kinh tế, mà còn về quân sự, thậm chí tham vọng đó không giấu diếm nổi trong thể thao và văn hóa. Có những quá trình mà thế giới không thể cưỡng nổi trước Trung Quốc, ví dụ như quá trình xâm lược mềm bằng di dân, thì ngay cả những rào cản hành chính bằng hạn chế thị thực cũng tỏ ra bất lực.
Là người chịu khó quan tâm đến những vấn đề về Nga và Trung Quốc, thì từ trước năm 2000 tôi đã nhận thấy: Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn mạnh trong 20 đến 30 năm tới, nhưng sẽ có những vật cản rất lớn để nước này trở thành cường quốc đủ để làm đối trọng với Hoa Kỳ hay Châu Âu. Thời đó khi công tác trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tôi đã biết về những hạn chế của nền sản xuất nước này về công nghệ, khi mà muốn hàng hóa tốt thì nhiều chi tiết phải mua của Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí Thái Lan để lắp vào. Điểm quan trọng nhất là trong tất cả các câu chuyện thời đó đều gặp nhau ở một điểm là “chip vi xử lý,” Trung Quốc không sản xuất được mà phục thuộc vào… nước nào đó. Có rất nhiều chip vi xử lý phải mua hàng sản xuất ở Đài Loan nhưng là của công ty Mỹ, và cũng có rất nhiều bộ vi xử lý mua ở Đài Loan không được, mà phải nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ.
Đến nay câu chuyện vẫn chưa có gì thay đổi, Trung Quốc đã sản xuất được rất nhiều thứ, nhất là điện thoại di động, nhưng những thứ mấu chốt và quan trọng nhất, thì vẫn chưa.
Điều này cũng đúng đối với lĩnh vực công nghệ quốc phòng, hay là sản xuất vũ khí. Trung Quốc vẫn còn thua ngay cả cái nước mà họ đang coi là “chiếu dưới” là Nga về một số công nghệ, như việc sản xuất ra động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu. Copy thì dễ, nhưng làm thế nào đảm bảo độ bền cho nó thì lại là một chuyện khác. Ngay cả máy bay Nga cũng còn thua máy bay phương Tây về độ bền động cơ, thì “Trung Quốc tuổi gì.”
Còn những vật cản khác ngăn Trung Quốc chưa thể trở thành siêu cường trong vài chục năm tới dù có thể có rất nhiều tiền, là văn hóa. Bất chấp những nỗ lực phi thường của nước này trong truyền bá văn hóa ra nước ngoài (thông qua các Viện Khổng Tử chẳng hạn) nhưng rào cản quá lớn về ngôn ngữ – học chữ Hán còn khó cả cho người Trung Quốc thì nhiệm vụ đó chẳng dễ tí nào với người nước ngoài. Trong khi đó chúng ta vẫn thấy nhà cầm quyền những nước như Nga và Trung Quốc thường xuyên hậm hực, lên án cái gọi là “sự bành trướng của lối sống Mỹ” vào xã hội những nước này.
Đến đây bạn đọc sẽ đặt cho tôi câu hỏi: dông dài nhiều thế, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc theo ông là gì? Vẫn thế thôi, chẳng có gì mới: trở thành cường quốc trước mắt về kinh tế, nôm na là có nhiều tiền. Chẳng hạn, từ một nước phụ thuộc khá sâu và năng lượng hóa thạch nhập khẩu, dần dần Trung Quốc tự chủ được về vấn đề này nhờ trữ lượng dầu khí đá phiến hàng đầu thế giới và tiếp cận dần được với công nghệ khai thác tiên tiến. Chưa dừng lại ở đó, nước này còn lợi dụng tình thế khó khăn của người láng giềng to lớn nhưng… hơi bệnh tật một chút là Nga, biến Nga thành nơi cung cấp nguyên liệu thô “trời cho và vô giá,” từ đó trở thành nhà sản xuất đầu cuối có hạng, đúng là lợi đơn lợi kép.
Nhưng tham vọng của Trung Quốc thì vẫn không thể giấu diếm được – nhất là khi nước này có một người lãnh đạo cứng rắn và thâm sâu, đồng thời đầy quyền lực như ông Tập Cận Bình. Gần như chắc chắn là ông này sẽ hướng tới cái ghế Chủ tịch Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ nữa vào nửa cuối năm nay, và nếu thành sự thật thì chắc chắn là ông ta sẽ cố làm nốt những gì phải làm để hoàn thành tham vọng của đất nước mà ông ta đang cầm lái. Tôi có thể khẳng định, tham vọng đó của Trung Quốc là trở thành siêu cường, đối trọng với Hoa Kỳ trong thập kỷ tới về mọi phương diện, kể cả kinh tế, công nghệ và quân sự.
Lúc đó, thế giới sẽ là một thế giới hai cực, một cực là Hoa Kỳ với các đồng minh lỏng lẻo với quan hệ “được” ông Donald Trump phá phách tương đối nhiều trong nhiệm kỳ của mình, với bên kia là cặp bài trùng Trung – Nga. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần hình dung thêm một chút về chi tiết đối với “cặp bài trùng” này.
– Thứ nhất, về kinh tế Nga có thể yếu kém và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế khai thác tài nguyên, nhưng vẫn còn những thế mạnh như công nghiệp quốc phòng. Một nền kinh tế sản xuất hàng tiêu dùng phát triển mạnh như Trung Quốc đến mức đã trở thành “công xưởng của thế giới” nhưng còn yếu trên những khía cạnh nhất định về công nghệ vũ khí, lại dựa trên một trữ lượng gần như… không giới hạn (ít nhất trong thế kỷ tới) về tài nguyên thiên nhiên, thì cặp Trung – Nga quả là không ngán bất cứ “cực” nào của thế giới về kinh tế. Trong quan hệ này, Trung Quốc là người cầm trịch và Nga là người phụ thuộc. Tôi còn dám hình dung trong thời gian tới sẽ có những đầu tư sâu rộng của Trung Quốc vào công nghiệp quốc phòng của Nga, nhưng chuyện này còn phụ thuộc… chút nữa tôi sẽ viết tiếp chỗ này.
– Thứ hai, về văn hóa – dân cư: Nga là một đất nước còn mênh mông và dân số già hóa nhanh, là mỏ vàng cho nhu cầu di dân của Trung Quốc. Từ hai thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc có những chính sách rất “dã tâm” trong xâm lược mềm về dân cư ra xung quanh trên toàn thế giới chứ không riêng gì với Nga, nhưng Nga vẫn luôn là điểm đến tuyệt vời và dễ dàng với người Trung Quốc. Có thể ví dụ như một người nam giới Trung Quốc nếu lấy phụ nữ Nga thì được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ căn hộ ở thành phố lớn của Nga chẳng hạn… Với tình hình giá nhà đất đắt đỏ như Mátxcơva, thì đây là một chính sách hết sức tham vọng và thâm độc. Về văn hóa, gần đây hai nước này nhất là Trung Quốc có nhiều động thái rất rõ rệt trong xây dựng cái gọi là “giao thoa văn hóa Trung – Nga” trong đó nhấn mạnh tính Á – Âu của văn hóa Nga, tính phương Đông đậm chất của văn hóa Trung Quốc và sự giao thoa của các dân tộc vùng đệm (Turkestan, Uighur, Mông Cổ…)
– Thứ ba, về quân sự. Dễ nhận thấy nếu cứ đem cộng quân số và khí tài hai nước lại, kể cả vũ khí quy ước lẫn vũ khí hạt nhân, thì ai ông này trở thành siêu cường mà không cần phải bàn cãi. Đánh giá khẳng định sức mạnh của hai nước này còn được củng cố bởi những nghiên cứu của các chuyên gia phương Tây, hầu hết có xu hướng cho điểm “cộng” (+) cho cả hai nền quân sự hai nước. Càng gần đây, Quân đội và Hải quân hai nước này cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung vừa để tăng cường khả năng phối hợp tác chiến, vừa khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hai siêu cường về quân sự. Đúng là chỉ thiếu mỗi nước… ký kết hiệp ước liên minh quân sự thành lập quy chế phòng thủ chung nữa thôi.
Nhưng tất cả dường như đảo lộn trước viễn cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ có kết quả thất bại toàn diện cho Nga cả về quân sự lẫn chính trị. Có những điều dễ giải thích thậm chí dễ… thông cảm, ví dụ “do tình trạng tham nhũng sâu rộng trong quân đội và chính quyền Nga làm suy giảm sức chiến đấu của quân đội” nhưng có những điều gây lo ngại thực sự. Nói đơn cử như khả năng tác chiến điện tử, do thám điện tử trên chiến trường, độ chính xác của vũ khí liên quan đến mức độ tích hợp hàm lượng công nghệ cao trong đó… tất cả đều cho thấy “hệ vũ khí Nga” hoàn toàn thua kém so với phương Tây ở nhiều bậc. Mà khổ, hệ vũ khí Trung Quốc cũng tương đồng với hệ vũ khí Nga, nên những kết luận rút ra từ cuộc chiến từ công nghệ quốc phòng Nga, cũng sẽ dễ dàng bị áp cho công nghệ Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc, người ta sẽ đặt dấu hỏi to tướng là một khi đã có “con gấu giấy” thì cũng có “con rồng giấy?” Chúng ta cần điểm mặt một số điểm nhấn của quân sự Trung Quốc, như xe tăng Type-99 là xương sống của lực lượng thiết giáp PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) hay chiến đấu cơ “Thẩm Dương” J-31 nhái kiểu dáng của máy bay Mỹ nhưng lại dựa trên động cơ Nga… Hay như tham vọng trở thành “cường quốc đại dương” nhưng vẫn loay hoay với cái tàu sân bay Varyag mua của Ukraine và còn cái copy nữa không biết đã đóng xong chưa.
Đó là chưa kể đến những vấn đề khác như khả năng vận hành bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh có đủ trơn tru hay không từ người lính trên chiến trường đến viên đạn hạt gạo từ tuyến sau lên tuyến đầu. Khả năng huy động sức mạnh quốc gia chuyển sang nền sản xuất thời chiến để phục vụ cho chiến tranh cũng là một dấu hỏi rất lớn đối với Trung Quốc. Cho đến nay chúng ta chỉ chứng kiến được hai siêu cường có thể làm được việc đó là Liên Xô và Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Hóa ra là, những tuyên bố “quan hệ Trung – Nga là không giới hạn” và “vững như bàn thạch” trước và ngay cả khi cuộc chiến tranh đã nổ ra được một đoạn, cứ như là những tuyên bố hớ. Trung Quốc của ông Tập Cận Bình không ngờ Putin dám leo cao đến thế, và quân đội Nga thất bại trên chiến trường thê thảm đến thế. Bao nhiêu hào quang của quân đội Nga tan biến chỉ trong vài ngày, và cả thế giới gần như choáng váng vì xưa nay đã tin tưởng vào những ca ngợi về sức mạnh quân sự của một siêu cường.
Tất nhiên, sau cuộc chiến tranh này Nga vẫn là cường quốc quân sự, ít nhất về quy mô quân số và cả số lượng vũ khí quy ước, ngoài ra còn là cường quốc về hạt nhân, nghĩa là người ta vẫn hết sức e sợ ông kẹ này. Nhưng, một “phiên bản Crimea mở rộng 2022” của “Chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ là kịch bản hoàn hảo nhưng thất bại đến như thế này thì “giá mà không đánh còn hơn.” Cái sự mất uy tín của quân sự Nga ảnh hưởng nghiêm trọng cả đến quân sự Trung Quốc và do đó, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế trận toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.
Đến đây thì chúng ta có thể đoán được rằng việc hợp tác về quân sự Trung – Nga trong thời gian tới sẽ bước sang giai đoạn mới. Trung Quốc sẽ tiếp tục “hút máu chất xám” của công nghệ vũ khí Nga, nhưng tăng cường hoạt động tình báo công nghệ để chôm chỉa những thành tựu công nghệ cao của Phương Tây, từ đó phát triển “hệ” riêng của mình. Về phần mình, nếu như Nga không thực sự thay máu được cho bộ máy chính quyền và cả quân đội để thanh toán nạn tham nhũng, thì chắc chắn họ sẽ còn yếu kém và còn bị dè chừng dài dài vì có vũ khí hạt nhân.
Nhưng cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm cho tất cả có một cái nhìn khác. Người ta sẽ không hề hết e sợ Trung Quốc nếu như có xung đột với nước này, dù sao thì đó cũng là cường quốc về kinh tế và cũng không ai nghi ngờ gì họ ở những thành tựu trong xiết chặt lại kỷ cương của bộ máy nhà nước nhất là dưới thời của ông Tập. Nhưng đồng thời cuộc chiến cũng làm bộc lộ ra rất nhiều vấn đề để khắc phục (với Trung Quốc) và khai thác (với những đối thủ tiềm tàng của nước này trong tương lai.)
Vì thế chúng ta cũng lại sẽ thấy một Trung Quốc hăm hở trong phát triển kinh tế, tiếp tục tăng cường di dân ra khắp thế giới, đánh nhau trên phim ảnh với những bộ phim “bài Nhật Bản” lấy bối cảnh thập niên 1940 và cả những bộ phim tưởng tượng về người lính PLA nhưng phong thái y như… U.S Navy Seal. Quan hệ Trung – Nga vẫn sẽ khăng khít, nhưng lại tiếp tục giữ nguyên là thuộc địa và mẫu quốc kiểu mới trong khai thác tài nguyên. Xem ra, quan hệ này vẫn có thể coi là “bàn thạch” được ở một số khía cạnh, nhưng ở những mặt quan trọng nhất như một liên minh quân sự có tầm ảnh hưởng đến cục diện an ninh thế giới, thì có thể đã là “răng bà lão” rồi.
Để kết thúc, tôi xin dùng một câu của
ông bạn đã nói: “(Sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine) Trung Quốc chưa sẵn sàng
cho việc định vị mình là siêu cường, mà rất có thể họ vẫn đang định vị họ là cường
quốc náu mình chờ thời.”
Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment