Điều đáng nói năm đó cũng là năm đầu tiên mà Nga tổ chức rất to, trọng thể Lễ chiến thắng sau mười mấy năm nó gần như đi vào quên lãng – một lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ song song với diễu binh ở rất nhiều thành phố trên khắp nước Nga, những hoạt động kỷ niệm, tri ân cựu chiến binh. Lại có điều đáng nói nữa, nếu ai còn nhớ được (tôi thì còn vì vẫn lưu nhiều đoạn video trong máy tính) thì hoạt động kỷ niệm năm đó các lực lượng Đồng minh rất được coi trọng: ca sĩ Mỹ, Pháp (Mireille Mathieu tối hôm đó hát “La Vie en Rose” trên Quảng trường Đỏ).
Thế rồi mỗi năm một lần, kể cả những năm V. Putin hết hai nhiệm kỳ lui về làm thủ tướng tạm nhường ghế tổng thống cho D. Medvedev, nước Nga vẫn tổ chức những Lễ Chiến thắng thực sự tình cảm chứ không chỉ hoành tráng. Trong những ngày đó nếu ở nước Nga, chúng ta hoàn toàn có thể cảm động trước tình cảm của người dân dành cho những người cựu chiến binh đã hi sinh xương máu cho hòa bình. Tôi còn nhớ các cháu thiếu nhi xếp hàng vòng quanh chỉ hai người lính già lụ khụ của một trung đoàn nào đó – họ chỉ còn hai người vào năm 2007, các cháu thiếu nhi đồng thanh hàng trăm lần: “Xin cảm ơn, xin cảm ơn!” và tôi thấy nước mắt mình chảy xuống.
Đúng, giáo dục thế hệ trẻ là phải như thế, được hưởng hòa bình hôm nay không được quên những người đã hi sinh cả tuổi trẻ, đã đổ máu cho tất cả.
Ấy thế nhưng, cũng chỉ vài năm sau đó, tôi dần cảm nhận thấy có sự thay đổi, nhất là từ khi Putin quay lại với nhiệm kỳ tổng thống lần thứ ba. Nếu chúng ta cố tìm trên mạng để nghe lại diễn từ của ông ta trong suốt các năm, cũng sẽ thấy đến khoảng từ 2010 trở đi, thái độ của ông ta ngày càng khác. Vai trò của các nước Đồng minh ngày càng giảm đi, và thông qua Putin, nước Nga ngày càng độc chiếm Chiến thắng lịch sử của nhân loại.
Một người quen của tôi, người sống ở nước Nga mấy chục năm và “am hiểu nước Nga còn hơn người Nga” nói với tôi một câu: với người Nga bây giờ, ngoài những ngày đương nhiên như lễ năm mới (người Nga theo đạo Chính thống nên Giáng sinh không quan trọng bằng Năm mới) và sinh nhật bản thân, họ chỉ còn có ngày Lễ Chiến thắng.
Tôi có một người quen cũng không biết nước Nga là gì và yêu Liên Xô vô điều kiện (như tôi và nhiều người Việt Nam khác) khi đến nước Nga vào tháng Sáu, về nhà post ảnh lên Facebook và viết “Đến Mátxcơva đúng ngày Quốc khánh Nga” – rất nhiều người Việt Nam tưởng như thế, không phải mình anh ấy. Từ năm 2002, kỳ nghỉ ngày 12 tháng 6 được tổ chức như là “Ngày nước Nga” là ngày tuyên bố chủ quyền của Liên bang Nga khỏi Liên Xô, và với Putin sau này tất cả những ngày kiểu như thế mà các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ dùng làm Quốc khánh, không khác gì sự ô nhục.
Vì ông ta muốn phục hồi Liên Xô, hoặc ít nhất là không gian Xô-viết cũ trong đó ảnh hưởng của Nga với các lân bang như một đế chế.
Vậy đó, ngay cả cái “Ngày nước Nga” cũng không là gì so với Lễ Chiến thắng, nó trọng đại hơn nhiều. Càng trở lại đây, ngày lễ này càng khiến người dân Nga tự hào nhiều hơn, khi mà họ không còn đóng góp được cái gì cho nền văn minh nhân loại trong suốt cái thời gian gọi là “Kỷ nguyên Putin.” Nước Nga ngày càng phụ thuộc hơn vào nền sản xuất nước ngoài, từ cái radio bỏ túi đến bật lửa gas, từ con chip máy tính đến phụ tùng ô tô… Tất cả… thậm chí khoảng năm 2010 chính tôi giúp một người Trung Quốc mua lại một xưởng sản xuất búp bê gỗ Matrioshka ở Nga để sản xuất và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Càng ngày, Lễ chiến thắng đã biến thành công cụ của Putin để thổi bùng lòng tự hào của người dân Nga với cái ngày 9 tháng Năm lịch sử cách đây gần 80 đó. Không có gì của hiện tại, họ đành tự hào bằng cách gặm nhấm quá khứ, dường như dần dần tự huyễn hoặc rằng ta cũng đã từng làm nên một kỳ tích. Điều đáng sợ nhất, là cái kỳ tích đó bằng một thành tựu quân sự, mà để có nó nhân loại đã mất đi hàng chục triệu sinh mạng. Riêng các dân tộc Xô-viết, đã mất đi 27 triệu người, trong đó có rất nhiều người chết vì sai lầm của lãnh đạo Xô-viết, chỉ huy Xô-viết và cả chiến thuật quân sự Xô-viết chuyên đánh nhau bằng sức người.
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn từ sau năm 2014 khi nước Nga của Putin cướp trắng trợn bán đảo Crimea của Ukraine, và ngay Lễ chiến thắng năm đó tôi chứng kiến cảnh người Nga tự hào vì chiến thắng vĩ đại – thậm chí rất nhiều người Việt Nam cũng hô khẩu hiệu coi đó là một chiến công lẫy lừng. Không sao, vì chính tôi cũng đã từng như thế, nhưng từ năm đó mỗi lần nghe Putin đọc diễn văn ở Lễ Chiến thắng, tôi lại thấy lạnh gáy.
Mỗi năm người ta lại có thể đánh dấu sự thù địch tăng lên của Nga – Putin dành cho người hàng xóm Ukraine (mà trước đó mấy năm là Georgia, nhưng nước này đã nhanh chóng trở nên “ngoan ngoãn.”) Tôi nghĩ: thôi hỏng rồi, gọi cả đất nước, cả dân tộc người ta là phát-xít như thế này, kết cục chỉ có thể là chiến tranh thôi. Những ai đã ở cả Nga lẫn Ukraine rồi đều sẽ thấy có những thời gian, hai xã hội có tính tương đồng rất cao và vấn đề của chủ nghĩa cực hữu, “tân phát-xít” là vấn đề rất nổi cộm, nghiêm trọng. Ngay xã hội Nga cũng không hề thanh bình với các phong trào đầu trọc, rồi sự tồn tại của đảng “Quả táo” phát-xít đúng nghĩa. Nhưng qua những cái loa của Putin, chúng ta ở rất xa tưởng như họ đang chính nghĩa, còn hàng xóm của họ cả một đất nước đang bị phát-xít hóa.
Đó là chiêu bài phản động. Nếu một nước như Ukraine biến thành phát-xít, thì đó sẽ đồng thời với sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt và phân biệt chủng tộc – trong khi đó những đặc điểm này thì chưa biết ở Nga đã tiến bộ hơn được bao nhiêu, nếu như không muốn nói là tệ hơn. Nếu như một nước bị phát-xít hóa, sẽ dẫn tới rất nhiều nước tiến bộ văn minh trên thế giới cắt quan hệ ngoại giao với nước đó, nhưng chúng ta tin ở đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khi vẫn giữ quan hệ ngoại giao tốt đẹp với tất cả các nước của Liên Xô cũ trong tình cảm thắm thiết từ mấy chục năm qua.
Tất cả những diễn biến này, không có cách giải thích nào khác là con đường Putin vạch sẵn: chiến tranh để hủy diệt một nước Ukraine tự do.
Ngày 24 tháng Hai năm 2022, Putin phát động cuộc chiến tranh chống lại nước láng giềng Ukraine, mà ông ta và bộ sậu gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà thực chất nó là một cuộc chiến tranh với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ đó. Nhanh chóng, cuộc chiến tranh của Putin đi vào ngõ cụt, nhưng người ta thấy khắp nơi hình ảnh xe tăng Nga lao vào những xóm làng Ukraine với lá cờ đỏ của Hồng quân Liên Xô, như một lực lượng giải phóng. Thực tế thì những gì người lính Nga đã làm ở trên đất nước Ukraine mới thể hiện rõ họ là lực lượng phát-xít, còn người Ukraine thì phải bảo vệ Tổ Quốc của mình.
Đến đây chúng ta nhận ra một sự thật khủng khiếp: Putin đã đánh tráo tất cả các khái niệm. Người lính Hồng quân Liên Xô, không phải là người lính Nga bây giờ, nhưng ông ta đã gắn họ vào nhau, và đổi vai bắt những người lính Ukraine phải đóng vai phát-xít. Ngược lại những người Ukraine đang phải bảo vệ quê hương mới là những người đang chống phát-xít trong thế kỷ 21. Điều đáng nói là những lập luận rất dễ lừa người nhẹ dạ, nhất là với những người vốn quen với lý thuyết: phương Tây là diều hâu, là lái súng, là sen đầm quốc tế…
Tất nhiên, những gì các nước như Anh, Mỹ, Đức… đang giúp Ukraine ở thời điểm hiện ở thời điểm hiện tại tại không thể làm thay đổi vai trò của họ trong những cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ, vốn là người chống chiến tranh tôi cũng không coi chúng là chính nghĩa bao giờ… Nhưng vì sự không rạch ròi của quá khứ với hiện tại, những người ủng hộ Putin sẽ dễ dàng gắn những lần các nước phương Tây can dự vào chiến tranh ở vùng Vịnh, ở Nam Tư, ở Afghanistan… để đảo ngược vị trí của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine lần này. Cuộc sống không đơn giản như thế, nó luôn luôn có sự phức tạp nhất là khi mọi quân bài, mọi người chơi cờ đã đổi vai, và đó cũng là sự nguy hiểm cái xảo trá của Putin.
Với tất cả những gì Putin đã làm trong hơn một thập kỷ qua, đỉnh cao là cuộc chiến tranh lần này, không phải ai khác chính ông ta là người có tội với thanh danh người lính Hồng quân, với máu xương của họ đã đổ xuống ướt đẫm tuyết trắng Mátxcơva, Stalingrad đến từng viên gạch thành Kyiv, đổ xuống bên bờ sông Oder và cuối cùng là từng viên đá của thành phố Berlin.
Người ta cứ hỏi nhau tại sao với những hậu quả trên chiến trường như thế, Putin vẫn cố tổ chức lễ duyệt binh ngày chiến thắng, bây giờ thì đã rõ – từ mười mấy năm qua, nó đã là liều thuốc phiện cho dân chúng. Vẫn còn rất nhiều dân chúng Nga tin vào sứ mệnh giải phóng của họ, như bà nhạc sĩ già Pakhmutova vẫn khóc thương cho người dân Ukraine đang phải “rên xiết dưới ách phát-xít.”
Ngày Lễ Chiến thắng năm 2022, một Putin yếu ớt trên lễ đài đã bắt đầu khó ăn nói với quốc dân đồng bào khi mà không còn bao lâu nữa người ta sẽ rõ về tất cả những thất bại của quân Nga trên chiến trường, người ta sẽ hiểu tại sao cả thế giới văn minh quay ra chống… “những người đi tiêu diệt phát-xít.” Cũng sẽ chẳng còn bao lâu nữa người ta hiểu rõ chân tướng của kẻ độc tài phản động. Máu của ai cũng đều là màu đỏ, nhưng máu của những người lính Nga đổ xuống đất Ukraine của ngày hôm nay là kết quả của một tư tưởng tội ác, tội ác của Putin, không ai được phép đồng nhất với những giọt máu của Hồng quân đã giải phóng đất Nga, Belarus, Ukraine và một phần Châu Âu 77 năm trước.
Bài trên Nhịp cầu Thế giới tại đây
No comments:
Post a Comment