Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, February 4, 2023

Cuộc chiến tranh của Nga tiến hành ở Ukraine có phải là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm hay không?


Rất nhiều người thường là ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh mà Putin đang tiến hành ở Ukraine có câu cửa miệng: “Cuộc chiến tranh do phương Tây uỷ nhiệm để chống Nga.” Vậy nó có phải đúng như vậy hay không? Đầu tiên chúng ta sơ lược về khái niệm “chiến tranh uỷ nhiệm” và ở nguồn dễ thấy nhất: Wikipedia tiếng Việt[1].

“Chiến tranh ủy nhiệm là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động vì sự xúi giục hoặc nhân danh các bên trung lập khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự[2]. Để một cuộc xung đột được coi là một cuộc chiến ủy nhiệm, phải có mối quan hệ trực tiếp, lâu dài giữa các tác nhân bên ngoài và những người hiếu chiến có liên quan[3]. Mối quan hệ đã nói ở trên thường có các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình.” 

Theo như định nghĩa trên đây thì giai đoạn nội chiến miền đông Ukraine 2014 – 2022 là cuộc chiến uỷ nhiệm của Nga cho hai cái gọi là “cộng hoà nhân dân” Donetsk và Luhansk. Hồi đó dù cho Nga có giấu diếm đến mấy, thì những thông tin về bọn lính “người xanh” vẫn lộ ra ngoài. Sau này, cả vụ án bắn máy bay của hàng không Malaysia MH-17 cũng đã lột trần bộ mặt thật bẩn thỉu xấu xa của Putin sau vụ việc. Chưa hết, nhiều bài báo của chính người Nga nói về những hoạt động quân sự của họ ở Ukraine, chẳng hạn vụ dùng pháo binh bắn “phản chuẩn bị” vào đội hình Ukraine sắp xuất phát tấn công mà người Nga mô tả là một chiến công... Rõ ràng là đến một lúc nào đó họ không còn thèm giấu diếm sự can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến nữa. 

Từ góc độ này, tôi muốn đưa ra một số điểm để xác định tính uỷ nhiệm của một cuộc chiến tranh, vì theo cá nhân nhận thấy khái niệm trên đây khá dễ gây tranh cãi. Đầu tiên, cuộc chiến tranh có tính uỷ nhiệm phải được nổ ra dưới sự thúc đẩy của ít nhất một bên tạm hình dung là một “ông lớn” với ít nhất một bên tham chiến – bên tham chiến này có thể là một quốc gia hoặc đầu tiên, một bên nổi dậy nào đó. Trong hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, điều này thể hiện rất rõ: hai miền Bắc và Nam đánh nhau và đứng sau có hai phe đối đầu nhau rạch ròi vì nguyên nhân ý thức hệ. Thứ hai, bên được uỷ nhiệm nhân danh bên uỷ nhiệm và đồng thời đại diện cho lợi ích ngắn hạn và dài hạn của bên đó khi tham gia chiến tranh. 

Trong cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine, đầu tiên là phong trào li khai, sau đó là quá trình vũ trang cho các lực lượng li khai mà không phải ai khác, chính là nước Nga của Putin làm chuyện đó. Gây ra tình trạng li khai và nội chiến, chính là đẩy đất nước Ukraine vào bất ổn và điều đó có lợi cho Nga của Putin. Nếu như lực lượng cầm quyền ở Ukraine vẫn là những người thân Nga, hay nói chính xác là những con rối của Putin như Viktor Yanukovych là một điển hình, thì sẽ chẳng bao giờ cần có cuộc chiến đó cả. Sự xuất hiện của hai “nước cộng hòa ly khai” đã được tiếp tay bởi các cơ quan tình báo và an ninh của Nga, ngoài ra còn được ủng hộ bởi sự tham gia của các “tình nguyện viên” như Igor Girkin. Tuy nhiên, thành tích kém cỏi trên chiến trường của “quân đội” DNR và LNR trước lực lượng vũ trang Ukraine đã dẫn đến sự can thiệp quân sự công khai của Nga với các trận Ilovaisk (tháng Tám năm 2014) và Debaltseve (tháng Một/Hai năm 2015). 

Từ hai điểm tôi vừa đề nghị trên đây, thì chắc chắn cuộc nội chiến đông Ukraine trong tám năm là một cuộc chiến uỷ nhiệm. 

Vậy cuộc chiến tranh của người Ukraine chống lại sự xâm lược của nước Nga Putin có phải là uỷ nhiệm hay không? Người phương Tây có uỷ nhiệm cho người Ukraine đánh Nga hay không? 

Về thời điểm hay chính xác, đầu mối của mọi chuyện, kẻ châm ngòi cho chiến tranh là Nga, chứ không phải là phía Ukraine. Nếu như Putin không xua quân tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng Hai năm 2022, thì sẽ chẳng bao giờ có cuộc chiến tranh này, và khi đó làm gì có chuyện uỷ nhiệm hay không uỷ nhiệm. Cũng khi bàn về thời điểm hay đầu mối, hay châm ngòi cho chiến tranh... nếu nhìn lại thời điểm đó không phải nước phương Tây nào cũng sẵn sàng cho cuộc chiến. Có nhiều lý do để giải thích khía cạnh này. Nước thì không có thông tin cho biết rằng chiến tranh sẽ nổ ra. Nước có thông tin, thì không dám chắc nó có nổ ra hay không, khả năng là bao nhiêu %... Còn có những nước có thông tin, tin chắc sẽ nổ ra thì lại không tin tưởng rằng Ukraine và chính quyền của tổng thống V. Zelensky có thể trụ vững được, thậm chí cho rằng chỉ cần vài ngày là Nga sẽ hạ gục cả quốc gia này. 

Từ góc độ này, chúng ta không thấy ở đây có “kẻ xúi bẩy” nào cả đứng sau người Ukraine. Quay lại với bài về “chiến tranh uỷ nhiệm” trên Wikipedia tiếng Việt, ở phần cuối của nó có trích dẫn một đoạn dài lời của nhà triết học Trần Đức Thảo, với những đoạn như thế này: 

“Bức tường tâm lý có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ nhất chính là bức tường ý thức hệ. Bức tường này đã chia làm hai thế giới: một bên là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, lấy nguyên tắc Marxist đấu tranh giai cấp làm động lực, bên kia là ý thức tư sản, tư bản, lấy lý tưởng tự do dân chủ làm động lực.” 

“Đồng thời họ tiếp tục tuôn vũ khí vào các nước nhỏ để nuôi chiến tranh.” 

“Là một nhà triết học như tôi, thì phải tìm hiểu để biết nhìn sâu và xa hơn qua những cuộc chiến tranh cục bộ, huynh đệ như thế. Vì sau khi đã chiến thắng, thì còn lại biết bao đau thương mà người dân, ở cả hai bên chiến tuyến, phải gánh chịu.” 

Các trích dẫn này hoàn toàn phù hợp với luận điệu lâu nay của Nga, từ tổng thống (V. Putin) đến Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (D. Medvedev) đến Ngoại trưởng (S. Lavrov)... đều giải thích một cách sai lệch về bản chất của cuộc chiến. 

Cuộc Cách mạng phẩm giá mà người Ukraine tiến hành ở quảng trường Maidan năm 2014 thì bị gọi là “ý thức tư sản, tư bản, lấy lý tưởng tự do dân chủ làm động lực”. Bỏ chạy sang Nga với một hành trang đầy tội lỗi từ tham nhũng đến mafia hoá chính quyền, Viktor Yanukovych đã tự lột bộ mặt là một tên phản quốc. Người Ukraine đứng lên làm cuộc Cách mạng lật đổ chính quyền phản động này, chưa cần biết có theo cái tư tưởng “tự do dân chủ” nào hay không nhưng trước hết cũng phải là vì công bằng cho việc miếng cơm manh áo cả. 

“... qua những cuộc chiến tranh cục bộ, huynh đệ như thế” phù hợp với những lời lẽ xằng bậy của Putin coi như dân tộc và quốc gia Ukraine không tồn tại, chưa từng tồn tại trong lịch sử, dường như dân tộc Ukraine như một nhánh phái sinh nào đó của dân tộc Nga vậy. 

Và cuối cùng, khi người Ukraine xin được hỗ trợ từ nước ngoài, nhất là vũ khí từ phương Tây ắt hẳn sẽ bị giải thích đó là quá trình “họ tiếp tục tuôn vũ khí vào các nước nhỏ để nuôi chiến tranh.” Đầu chiến tranh tháng Hai năm 2022, người Ukraine chỉ có một số ít tên lửa chống tăng NLAW và đâu như 200 bộ Javelin, còn máy bay không người lái TB-2 “Bayraktar” là sản phẩm liên doanh của chính họ với Thổ Nhĩ Kỳ. Những người ủng hộ Putin ở Việt Nam còn xấu tính giải thích việc một số quân nhân của quân đội Ukraine được huấn luyện ở các nước thuộc NATO thời 2018 đến trước chiến tranh, là quá trình trở thành “tên lính đánh thuê của phương Tây trên mặt trận chống Nga,” mà họ cố tình lờ đi rằng đó là kết quả của việc cải tổ quân đội dưới thời tổng thống Poroshenko và chắc chắn chẳng có ai miễn phí cho những hoạt động đó cả. 

Từ khía cạnh về đại diện lợi ích, cũng từ góc độ “thời điểm” hai ai là người châm ngòi, ai tấn công trước... người dân Ukraine trước hết nếu để Putin thắng, thì: 

Thứ nhất, thành quả của Cách mạng phẩm giá sẽ đổ xuống sông xuống biển, đất nước sẽ quay lại với “cái máng lợn Yanukovych,” mafia hoá cùng một xã hội tha hoá đầy tham nhũng sẽ quay lại. 

Thứ hai, luận điệu phản động của Putin được khẳng định là đúng bằng vũ lực, dân tộc Ukraine về lý thuyết bị xoá sổ trên bản đồ các dân tộc thế giới. Putin đã sai lầm khi đụng vào thể diện của cả một dân tộc và đó là một nguyên nhân dẫn đến diệt vong của lão ta. 

Thứ ba, mất nước. Quốc gia bị xoá sổ. Vì vậy họ phải đứng lên để bảo vệ Tổ quốc. 

Đến đây chúng ta có thể nói về những lý do của phương Tây khi hỗ trợ người Ukraine được rồi. Có những quốc gia mà an ninh của họ gắn liền với cuộc chiến, lại có xuất phát điểm là những kinh nghiệm đầy đau thương trong quá khứ như Ba Lan và ba nước Baltic: Estonia, Lithuania và Latvia... Nhưng cũng có những nước trùng trình như Pháp và Đức, cũng lại liên quan đến những duyên nợ của họ trong quá khứ với nước Nga. 

Nhưng dù thế nào chăng nữa, thì cuối cùng ít hay nhiều người ta vẫn có hỗ trợ, vì sự thôi thúc của tư tưởng dân chủ. Đó là những giá trị được ra đời củng cố và vun đắp vài trăm năm từ cuộc Đại Cách mạng tư sản Pháp 1789, mà do tính phổ quát của nó đã thúc đẩy các nước phương Tây hành động. 

Ngày hôm nay, không chỉ những người Việt Nam yêu Putin vẫn còn phát biểu rất quy kết và chụp mũ như trên, mà chẳng thiếu những người ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến, cũng phát biểu hú hoạ như thế. Cách cư xử cảm tính chưa bao giờ rời xa con người Việt, mà vô tình họ quên đi rằng nếu như có một cuộc chiến tranh nổ ra chống lại Tổ Quốc của chúng ta, chỉ cần mất đi một hòn đảo, khi đó chúng ta có cần hỗ trợ của quốc tế hay không. 

Liệu khi đó có ai dám nói cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của chúng ta là “uỷ nhiệm?”


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_%E1%BB%A7y_nhi%E1%BB%87m

[2] ^ Osmańczyk, Jan Edmund (2002). Encyclopedia of the United Nations and International Agreements. Abingdon: Routledge Books. tr. 1869. ISBN 978-0415939201.

[3]  Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy: Proxy Warfare in International Politics. Brighton: Sussex Academic Press. tr. 5, 12–13. ISBN 978-1845196271.

Bài trên Nhịp cầu Thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment