Friday, November 25, 2011

Những ánh đèn qua ô cửa sổ…


Một hôm, nhà tôi bỗng được “phân phối” một chiếc đèn ống Rạng Đông. Cả một thời gian dài có đến 3, 4 năm chiếc đèn ống Tungsram của Hung cũ bị cháy không có thay, nhà phải dùng bằng các bóng đèn đỏ (bóng đèn sợi đốt, hồi đó người ta gọi như thế). Bóng đèn đỏ thì hay cháy hơn, nhưng bù lại dễ kiếm hơn trên thị trường chợ đen.

Quãng thời gian dùng đèn đỏ đủ dài để nhớ về nó, bây giờ và mãi sau này nữa. Nhà nào có đèn ống, cũng là rất khó khăn vì ngoài bóng đèn, mua được bộ đui (hai chiếc, một bên có lỗ gài tắc-te (tiếng Anh: starter)), một chiếc chấn lưu (mua được của Hung cũ thì tốt, nếu dùng Rạng Đông thì kêu è è rất to) và chiếc tắc-te nữa chứ. Hồi đó, tắc-te cũng thường của Hung, vỏ bằng nhôm, nho nhỏ, xinh xinh.

Có đèn ống rồi, chưa chắc đã dùng được, vì thường xuyên điện cấp vào các nhà rất yếu. Do đó, phải dùng đèn đỏ là chủ yếu.

Có đèn đỏ rồi, chưa chắc đã được dùng, vì thường xuyên cắt điện. Bây giờ chỉ một hôm không có điều hòa là đã rừng rực, há cả mồm. Hồi đó, đêm nào có điện để mà ngủ quạt, thì là cả một diễm phúc lớn. Lũ con trai chúng tôi thì dễ, trước khi đi ngủ, cởi áo ra, cúi người chống tay, chúc đầu xuống đất cạnh bể nước đầu phố, thằng nọ dội cho thằng kia, thế là đủ giải nhiệt về đi ngủ, sau cả một buổi tối chạy rông ngoài phố vì mất điện.

“Aaaaa!!!... có điện!” – điện có lại, phố xá vắng bóng trẻ con, chúng nó tụ vào các nhà có TV để xem. Hồi đó, “Trên từng cây số”, “Đại úy Klose”… thường xuyên bị nhà đèn làm gián đoạn, phi được sang phố khác xem nhờ thường mất một nửa tập, cứ phải nhộn nhạo hỏi xem ai còn, ai mất (Đêanốp thì chưa chết ngay, đương nhiên). Phi sang phố khác mà gặp bọn thù địch vừa tẩn nhau ban chiều thì đúng là tai họa, nhưng thường thì “Trên từng cây số” mạnh hơn nỗi sợ.   

Tivi Stella 1505U của hãng Stasfurt - CHDC Đức
TV ở nhà tôi là chiếc Stella 1505U của hãng Stasfurt - CHDC Đức (cũ) dùng bóng điện tử, 24 inches, vỏ gỗ, về sau nó mờ mờ ảo ảo, gặp tiết trời nồm phải mất 30 phút khởi động thì mới lên hình do sản phẩm không được “nhiệt đới hóa”. Thỉnh thoảng chạm vào những chỗ bằng kim loại của nó giật tung cả người, tóc tai dựng hết cả lên.

Có điện rồi, nhưng chưa chắc đã dùng được vào việc xem phim, vì nhiều khi chiếc bóng đèn đỏ nhiều khi đỏ đòng đọc, như con đom đóm đực. Khi đó, nó chỉ còn được dùng thay đèn dầu. Ngược lại, có những nhà thuộc “pha khỏe”, sáng rực lên trong chốc lát rồi tắt ngúm, cháy ráo mất hết đồ điện. Lại chìm trong bóng tối, vì không dám dùng điện, sợ cháy đồ.

Mùa hè, ban ngày thường mất điện đến tầm 10 giờ tối mới có, nhưng với trẻ con thì không thành vấn đề. Ngoài đường, trẻ con cả phố tụ tập, có quá nhiều trò chơi. Sáng sớm, tập trung kéo nhau ra bể bơi Tăng Bạt Hổ để đi vầy nước. Trẻ con cả quận Hai Bà Trưng (hồi trước nữa, người ta gọi là Khu), và cả một phần của Hoàn Kiếm, Ba Đình đổ về đó để chen nhau qua cổng, bẹp cả ruột để vào khuôn viên bể. Có một anh thanh niên làm bảo vệ cổng bể bơi, chắc hồi đó đã ngoài 20, tên là Nam, thường dùng cái roi tre, đánh lũ trẻ con chúng tôi rất ác, không thương tiếc. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ được nét mặt dài dài, đẹp trai, nhưng cặp mắt lúc nào cũng đỏ đòng đọc như cá chày rất ác của anh ta. Bể bơi còn có ông Cầu béo dạy bơi cũng thường quật vào chân lũ trẻ trong tiếng quát “Trưưườn sấấấấấấấấấấp!!!…”.

Mùa hè cũng là mùa quà bánh. Sắp hết mùa xuân, nhà nào cũng có một trận “bánh trôi bánh chay” mùng Ba tháng Ba Âm lịch. Háo hức lắm, bà ngoại chuẩn bị một mâm bột, rồi thái mật làm nhân bánh trôi. Mấy thằng cháu, chạy ra, chạy vào, thỉnh thoảng thó một miếng mật, bỏ vào mồm, chạy chơi tiếp, ngon đáo để. Mùng Năm tháng Năm Âm lịch, chuẩn bị vào tiết hè, là vụ rượu nếp “giết sâu bọ”. Ăn xong, nhiều khi mặt đỏ dừ, lăn quay ra ngủ đến trưa. Hàng ngày, ông tào phớ vẫn gánh cái gánh của ông từ hướng chợ Mơ đi lên qua phố. Ông rao “pơơơơ pớ” nghe đến lạ. Thỉnh thoảng, có bà bánh đa kê ở vùng quê nào lạc qua phố. Bà ấy đến được  phố tôi, ắt hẳn là đang ế, vì từ Hưng Yên quê bà (về sau điều tra ra), sang đến chỗ tôi phải qua cầu Long Biên, rồi qua khá nhiều phố xá khác mới xuống được đến vùng “Hà Nội 3” này. Thỉnh thoảng, buổi tối, ở Tiểu khu (về sau là Phường) người ta bán phân phối bia. Tôi được uống một cốc vừa vừa, có pha đường. Uống xong là nằm vật ra ngủ, không cần biết đêm đó có điện hay không. Rồi có những buổi tối, có cái xe tải nhỏ chở những người bịt khẩu chao, với cỗ máy phun thuốc rất to, chạy vòng quanh khắp Quận để phun thuốc muỗi, một thứ thuốc hít vào có mùi như mùi ổi chín.

Mùa hè cũng là mùa được xuống nhà bà bác tận quê… Vĩnh Tuy, chỗ nhà máy chỉ khâu hay Khăn mặt – khăn tay gì đó. Hồi đó là đồng ruộng, ao chuôm, mồ mả. Bây giờ, anh Vượng Vincom đã biến nó thành khu đô thị mới.

Mùa thu đến, có bà hàng rươi thường đi qua phố. Bà có tiếng rao rất lạ: “Ài mua dươi già mùa!!!…” bây giờ tôi vẫn còn nhớ được như in. Có bà cụ, đi bán ốc, thường rao “Ai mò ốc!!!...” ai cũng lạ. Về sau có người dò hỏi, thì ra là bà cụ có ông cụ thân sinh tên là Mua, nên bà lão kiêng húy. Bà lão đồng nát chột mắt, thường che bên mắt hỏng bằng cái khăn mùi xoa cũng có giọng rao rất lạ: "Giầy sách giầy báo diép dựa hỏng bán hộng!!!".

Mùa đông đến, vẫn ông tào phớ bây giờ đã chuyển sang bán Chí mà phù. Ông vẫn dùng cái giọng rao đó: “Chí mà pờờờờờờ pùùùùù…” về sau này khi học tiếng Trung Quốc mới biết kiểu phát âm bật hơi như thế là của người Tàu. Một mùa đông, ở khu vực xuất hiện một anh bán bánh khúc. Anh “phi” một “con” Thống Nhất rất cũ, đèo cái thúng phủ một vỉ nan, trên là tẩm tải dứa giữ ấm. Trong thúng là vài chục cái bánh khúc. Anh phi nhanh, rao to: “Khúc nóng ơ ơ ơ ơ…”, anh phi nhanh quá, nhiều khi chạy ra gọi anh để mua anh đã phóng đến phố khác.

Nhớ những tối mùa đông, dưới anh đèn đỏ “quả lê Rạng Đông”, mẹ tôi ngồi chấm bài, soạn giáo án, rồi đan, khâu, thêu áo len để kiếm thêm, trong khi tôi học bài – mắt căng ra vì không đủ ánh sáng. Khoảng 8 rưỡi tối, học bài xong, tôi dắt chiếc xe đạp mi-ni ra, chở áo len đi trả cho cửa hàng dệt len mãi tận nhà thờ Hàng Bột. Hồ Ha-le vắng lặng, tối om, gió đông bắc thổi ào ào trên các vòm lá. Sang đến Khâm Thiên, lại thấy yên tâm vì phố đã đông hơn, nhiều ánh sáng. Vừa đi tôi vừa nhìn lên các cửa sổ, vẫn một ánh đèn đỏ ấy, khắp thành phố chỗ nào cũng thế cả. Khi mà ngoài phố là cái lạnh giá của mùa đông, thì ánh đèn đỏ đó là cả một sự ấm cúng. Nó là sự thôi thúc, cần làm thật nhanh nhiệm vụ để về hưởng sự ấm cúng của gia đình nhỏ với mẹ. Đó là năm tôi học lớp Sáu, mười một tuổi. Đầu phố, thường có hàng ngô nướng. Chị hàng ngô nướng khoảng 18, 19, xinh xắn, cầm cái quạt nan ngồi nướng ngô, mặt chị hồng lên trong ánh than, làm ngất ngây bọn thanh niên khu phố.

Hồi đó, Hà Nội là thành phố của những tin đồn. Một ngày, không thấy anh bánh khúc phi qua phố nữa. Người ta đồn, anh bị giết, ném xuống hồ Ha-le (hay hồ Văn Chương gì đó), chúng nó giết anh để lấy mấy chục đồng (hồi đó to lắm) anh thường giắt trong người, để cuối năm đem về quê ăn Tết. Một ngày khác, có tin đồn rằng, ở phố Hàng Chuối có vụ án mạng sợ chết khiếp. Có gã thợ xây tên là Hùng, hắn đột nhập vào nhà một cô gái tên là Thuận, đánh cô ấy ngất đi, rồi hiếp, rồi dùng bàn là đánh cô ấy chết hẳn, cướp đi một cái áo len của ngoại. Khi hắn đem bán, những sợi len vụn vương vãi trong chiếc va-li đã làm cho công an tìm ra hắn. Trong chuyện viết lại sau này được đọc, người cảnh sát điều tra do không đủ chứng cứ (dấu tay để lại trên hiện trường quá mờ) nên đã phải “đấu tranh” mất 49 buổi cung hắn mới nhận. Các tin đồn đã làm cho mẹ tôi sợ quá, không dám cho mang áo len đi trả vào buổi tối nữa.

Rồi người ta kể, có đám cưới trên phố, tất cả chú rể, phù rể đều diện “cả cây Le-vít” (cả bộ jeans Levi’s mang ở Thái Lan về), 100% đi xe Phượng Hoàng đến đón dâu. “Sang trọng” có lẽ là tột bậc ở thời bao cấp rồi. Anh Hùng cùng phố, khoảng sinh năm '66, sáng hôm sau nhập ngũ, tối hôm trước, nhà anh có liên hoan, giàn băng cối quay tít nện thình thình cả phố nghe. Trong đám khách có mấy thanh niên mặc Le-vít, dép “gan gà” màu vàng của Thái Lan, giãy giụa, giãy giụa trong tiếng nhạc của “Oăn mê xì ke” (*)… làm cho lũ trẻ con bám ngoài cửa sổ xem ké ngất ngây. Các chị nhớn trong phố, ngồi xung quanh nhìn mấy anh ấy, ngưỡng mộ, nhưng không dám đáp lại những lời mời chào vào nhảy cùng, nên cuộc đít-cô rút cuộc vẫn toàn đực rựa.

Hồi đó, cuộc sống Hà Nội thanh bình, yên tĩnh, có một chút gì đó trầm mặc. Thành phố ít người, nên có chuyện gì, người ta cũng biết sau một thời gian, dưới dạng tin đồn, tất nhiên.

Phố bên có hai chị Dung, chị Dung “trố”, mặt to tròn, mắt trố trố. Chị Dung “kiêu”, gày cao dong dỏng và khá xinh. Hồi đó các chị ấy ăn chơi lắm, ai cũng biết tiếng, đi chơi đêm chơi hôm suốt. Người ta “đồn” hai chị ấy làm cái nghề mà nghề đó, bây giờ công an vẫn truy quét được hết. Đến nay thấy hai chị ấy đã có tuổi, có gia đình bình thường. Chẳng thấy ai xác minh là các chị có làm cái nghề ấy thật không. Đầu phố có chị Liên, cao gầy, ngăm đen trông như Ấn Độ, xinh một cách man dại với cái đầu xù mì. Chị thường ôm eo một anh Thụy Điển trên Bãi Bằng xuống, phóng như điên trên chiếc xe máy to tướng, hồi đó Phố Huế vắng tanh như chùa bà Đanh, nên trên đường đi học thấy chiếc xe phóng tít mù giời, khiếp lắm. Hai bên chiếc xe có hai cái thùng, người ta đồn đó là hai cái thùng làm được kem. Mùa hè, chạy mấy chục cây số, đỗ lại “thở” là có kem chén. “Đó là xe Kavaxaki (**) 4 kem!” một thằng hiểu biết nhất trong hội khẳng định. “Loại này oách, chứ như xe của bạn chú tao làm thủy thủ dưới Hải Phòng, Kavaxaki 2 kem – đỗ lại chỉ lấy được 2 cái kem ra ăn thôi”. Ôi, một thời lạc hậu mà trong sáng!

Có hôm, anh Thụy Điển đưa chị Liên về bằng ô tô, bị ông anh trai chị ấy vừa ra tù, đón đánh. Ông anh vác dao đuổi, anh Thụy Điển không biết đường, phóng xe vào ngõ cụt, rồi lại quay đầu lộn ra, tội nghiệp chiếc ô tô 12 chỗ Lát-vi-a của Liên Xô (cũ) bị chém bằng dao phay, chi chít vết méo mó.

Điện đóm ổn định hơn, các nhà cũng ít dùng bóng đèn quả lê, mà dùng đèn ống, mùa hè trông nó mát hơn. Hà Nội vì thế trông cũng sáng sủa, “hiện đại” hơn đôi chút.

Một ngày, tôi đang học lớp tám, ông anh họ đột ngột đến trường, bảo tôi xin nghỉ về sớm, để đến trường mẹ tôi báo cho mẹ về ngay. “Đổi tiền” – chỉ được kê khai số tiền xin đổi đến trước 12 giờ trưa. Biến cố này là một trong những cái mốc đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ - thời kỳ bao cấp. Đất nước đổi mới cùng với sự ít đi dần dần của những ánh đèn đỏ qua các ô cửa sổ.

Các bạn trẻ ngày nay đã quen với những biển hiện nê-ông, rồi LED nhấp nháy, ít biết về những thời kỳ “tối om om” mà nhiều cảm xúc ngày xưa. Và do đó, cũng ít hiểu về những xốn xang trong lòng những người “cũ” khi bắt gặp ánh đèn đỏ hiếm hoi trên những ô cửa của những ngôi nhà Hà Nội cũ kỹ.

 Bài hát “Hà Nội ơi một trái tim hồng” – Nguyễn Đức Toàn – trình bày Hoàng Phương

(*) Bài hát "Oneway ticket" do Eruption cover lại năm 1980.

No comments:

Post a Comment