Friday, December 9, 2011

“Kẻ ngu trước cổng” - "Idiocy at the Gates"

(Cảm nghĩ của một người Nga sau khi xem phim “Kẻ thù trước cổng”)
Lý Thế Dân dịch

“Cái gì người Mỹ không để ý, cái đó người Nga sẽ không tha thứ”

Tôi đã xem bộ phim phương Tây được trình chiếu rộng rãi vừa qua “Enemy At the Gates” (“Kẻ thù trước Cổng”), do Jean Jaques Annaud đạo diễn. Sau “Saving Private Ryan” - vốn để lại một ấn tượng chung khá tốt, tôi đã hy vọng rằng sản phẩm này của Hollywood sẽ có được cùng chất lượng như vậy. Nhưng sự thật trái ngược với những gì tôi mong đợi… Vâng, xin hãy bắt đầu từ đoạn đầu phim.

Ngay từ giây phút đầu, tôi đã phát nghẹn khi thấy những khuôn mặt lính Nga hồng hào no đủ đang trên đường ra mặt trận. Tất nhiên, tôi biết rằng đời sống ở phương Tây vốn ngọt ngào và tươi đẹp, nhưng nếu vậy đám nghệ sĩ hoá trang bỏ đi đâu? Tất cả đám lính Xô-viết đều được mặc áo choàng mới tinh. Trong suốt bộ phim tôi chỉ trông thấy những gương mặt no đủ, nếu không muốn nói là béo mập, và thậm chí mặt mũi tay Danilov với ba ngày râu ria lởm chởm (nhân đây xin hỏi, lí do tại sao lại cho anh ta lang thang trong quân đội với bộ mặt râu ria không cạo như vậy?) che giấu một cách giả tạo vụng về khuôn mặt bảnh bao của anh ta. Tôi cho rằng tay đạo diễn thậm chí chưa bao giờ thèm lưu ý tới thực tế rằng cuộc sống ở hậu phương Liên Xô năm 1942 không ngọt ngào chút nào, các nhà hàng McDonalds không có ở đây, và xúc xích thì không được phết bơ. Tôi cũng buồn cười khi thấy mọi người lại đứng trên toa tàu hàng đang chạy. Tôi nghĩ rằng đạo diễn thậm chí chưa bao giờ thử tưởng tượng cảm giác thế nào khi đi trên một toa tàu như vậy, chúng lắc lư nghiêng ngả thế nào, và không một ai có thể đứng vững trên chân mình như vậy.

Cảnh trong phim, những người lính Xô-viết xung phong với tay không
Còn khi đoàn tàu tới một ga nọ, mọi thường dân đều được thả xuống, binh lính bị lùa lên, và… một vài tay nào đó bắt đầu khoá các toa tàu lại. Đúng vậy! Hoá ra là binh lính Xô-viết phải bị khoá nhốt lại. Tại sao? Tôi chẳng biết nữa. Có lẽ, tay đạo diễn tin rằng cha ông chúng ta chiến đấu chỉ vì sợ hãi, rằng nếu cứ để mặc họ, họ sẽ chạy biến mất, và không một ai sẽ ở lại để chiến đấu chống quân đội Đức quả cảm.

Trong khi đó, đoàn tàu đã tới nhà ga Stalingrad, các toa được mở khoá, và đám chính trị viên xấu xa bắt đầu lôi những người lính ra khỏi toa tàu! Và một tay chính trị viên khác đứng cạnh đó (có lẽ là một tay chỉ huy, một ông chủ lớn đứng trên tất cả các chính trị viên khác), vẫy một cây cờ đỏ, và hét vào một cái loa thiếc. Tôi không biết các đồng chí Phương Tây của chúng ta xem cảnh này thế nào, nhưng nó làm tôi phát cười đau cả bụng. Tôi thậm chí chưa từng xem cảnh nào ngu ngốc đến vậy ngay cả trong chuỗi phim hài “Fitil”. Nhưng nói một cách nghiêm túc, đấy đã là một sự lăng mạ, và điều này còn nghiêm trọng hơn cả cảnh đầu phim. Lính Nga được mô tả như một đàn gia súc ngu xuẩn, được dẫn đầu bởi những tên chính trị viên ma quái xấu xa. Và thật ngẫu nhiên, mọi tên chính trị viên đều khác nhau. Kẻ xấu có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, không chỉ trong đám chính trị viên, do đó việc mô tả họ trong bộ dạng bên ngoài sai lệch như vậy là một sự lăng mạ trầm trọng. Vậy mà đó chính xác là cách họ đã được mô tả! Tôi đã chụp lại rõ nhiều cảnh phim để các bạn có thể xem lại những con người với những bộ mặt ghê tởm nhất được chọn để đóng vai những chính trị viên. Tôi không biết bản thân Jaques Annaud cảm thấy xem thường các chính trị viên như thế nào, có lẽ bọn họ đã ăn cắp tiền hay ăn cắp một con bò của ông ta, nhưng sự căm ghét gay gắt của ông này đối với cha ông chúng ta đúng là “phụt” ra theo từng cảnh phim!

Cảnh trong phim, Dai-xép – Jude Law đóng xung phong (cũng tay không)
Cảnh phim trong đó binh lính được thả xuống khỏi đoàn tàu làm tôi nhớ lại một cảnh đào thoát tập thể từ một trại tâm thần, chứ không phải là về Hồng quân. Tôi cũng không biết sao, có lẽ lính của Quân đội Mỹ cũng được thả xuống theo cách đó chăng?

Rồi tới cảnh một cuộc tấn công. Tôi thực sự bị sốc khi thấy cuộc tấn công bắt đầu bằng tiếng còi của một sĩ quan dở điên dở dại! Ai là người đã đề xuất chuyện càn bậy này cho tay đạo diễn? Hay ông ta đã nghĩ rất kỹ, và rồi không thể làm ra một cách nào tốt hơn? Có lẽ đó là cái mà họ gọi là “chứng chỉ nghệ thuật”. Bản thân cuộc tấn công là làm theo đúng suy nghĩ truyền thống kiểu Phương Tây về cách người Nga tấn công. Nói cách khác – là hoàn toàn rác rưởi. Binh lính chỉ đơn giản là chạy nhanh hết mức trước họng súng máy, như một bầy gia súc! Súng máy bắn từng tràng dài vào họ. Sự ngu xuẩn gây xúc phạm này, dưới cái tên “Những làn sóng người”, được sáng tác tại Phương Tây trong thời Chiến tranh Lạnh, và Jaques Annaud đơn giản đã mô tả một cách trung thành câu chuyện cổ tích đó trên màn ảnh rộng. 

Một đơn vị khoá hậu được mô tả. Tôi không biết có những đơn vị khoá hậu như vậy tại Stalingrad không, có thể là có. Nhưng vấn đề không hề ở chỗ đó, mà là từ lính trơn cho đến sĩ quan, đều mặc đồ lính bộ binh chứ không phải quân phục NKVD. Vấn đề ở chỗ họ được mô tả thế nào. Họ bắt đầu bắn vào đám lính ta đang rút lui, và bắn chết tất cả. Và sau đó, với đoạn nhạc nền sầu thảm, hàng núi xác lính ta được chiếu lên. Thông điệp thật rõ ràng: “Bọn lính khoá hậu đó giết còn nhiều lính Nga hơn cả chính lính Đức. Chỉ có bọn man rợ Nga mới có thể nghĩ ra chuyện như vậy!” Thật khó để cãi lại điều này. Không phải vì nó là sự thật, mà bởi vì để bác bỏ nó ta buộc phải đọc một bài luận dài tẻ ngắt về số lượng người thiệt hại. Nhưng người xem đâu cần những sự thực tẻ ngắt. Họ muốn có hình ảnh, và càng bạo lực thì càng tốt! Nhân đây, xin nói thêm là các đơn vị khoá hậu từng được sử dụng rộng rãi từ thời La Mã Cổ đại! Luật giết một phần mười binh sĩ của những đơn vị hèn nhát được làm ra không phải bởi bọn man rợ Nga, mà từ chính Phương Tây “văn minh”! 

Dai-xép và Đa-ni-lốp (do Joseph Fiennes đóng)
Nhưng hãy trở lại với bộ phim. Những nhân vật chính: có ba người cả thảy: xạ thủ Vasiliy Zaitsev, chính ủy Danilov, và một nữ xạ thủ (*). Lí do tại sao Danilov giữ vai chính ủy (commissar) trong suốt bộ phim vẫn chưa được làm rõ, bởi vì chức vụ chính ủy đã bị hủy bỏ trong Hồng quân ngay từ ngày 9 tháng Mười năm 1942. Và thậm chí dù anh ta tự giới thiệu với Zaitsev rằng mình là “politruk” (“chính trị viên” - ND), Zaitsev vẫn bướng bỉnh tiếp tục gọi anh ta là chính ủy trong suốt bộ phim. Tôi nghi rằng đạo diễn đơn giản là không biết rằng “chính ủy” không phải là một chức vụ, mà là một cấp hàm, và nó tương đương cấp thiếu tá (chính ủy tiểu đoàn). Và “chính trị viên” tương đương với thượng úy. Do đó gọi một chính trị viên là chính ủy là một sai lầm to lớn dường nào. Nhân đây, tôi để ý có một nhầm lẫn với quân hàm của Danilov. Ở đầu bộ phim anh ta có ba khối vuông – quân hàm của một chính trị viên, và đó cũng là hàm anh ta tự giới thiệu với Zaitsev. Nhưng trong đôi cảnh nào đó đột nhiên anh ta có tới bốn khối vuông trên phù hiệu ở cổ áo! Đơn giản là Hồng quân không hề có cấp hiệu như vậy! Có lẽ tôi nhìn nhầm “khối vuông” với “sọc” chăng? Danilov tự nhiên nhảy vọt ba cấp và lên thẳng thành chính ủy trung đoàn! Cũng vẫn rất bậy bạ!

Nhưng thôi hãy để yên cho vị chính ủy, có thể tha thứ điều đó cho Jean Jacques Annaud, là một tay tài tử thiếu trình độ, không biết được những thực tế đơn giản như vậy. Nhưng có một điều khá khác thú vị, đó là tại sao mọi người đều gọi Zaitsev là “Vassili”, thậm chí cả đến chính ông nội của anh ta?! Tại sao đạo diễn không tìm hiểu cách xưng hô đúng phép giữa hai người Nga là họ hàng gần gụi của nhau? Thậm chí nếu trong phim X-Files Mulder và Scully cùng làm việc với nhau nhiều năm mà vẫn gọi nhau bằng họ, và mọi người đều nghĩ như thế là bình thường, thì làm như thế ở Nga giống như việc một con quạ trắng đứng lẫn trong bầy quạ đen vậy! Lấy ví dụ, tôi nhớ chưa lần nào Mẹ hay Bố tôi lại gọi tôi bằng họ hay thậm chí cả họ cả tên đầy đủ cả - chỉ là Valeriy. Nhưng rất thường xuyên cả hai gọi tôi bằng những tên âu yếm. Sẽ là rất thường tình khi ông nội gọi cháu mình là “Vasen'ka”, vậy mà trong phim người ông chỉ biết rít lên “Vassili!” (Nhân đây, tôi cũng vừa xem bộ phim Hollywood “Moscow Heat”, diễn viên là Alexander Nevsky, một tay đấu vật gốc Nga và Micheal York, tài tử gạo cội. Trong phim tay cơ bắp Alex cứ khăng khăng gọi cô gái phụ tá của mình là Sasha, một tên gọi mà người Nga chỉ dùng cho các cậu con trai – Người dịch).

Trong phim “Enemy At the Gates”, cậu bé Sasha đóng một trò hai mặt theo kiểu những điệp viên mật giỏi nhất, quá thông minh đối với tuổi của cậu ta. Đúng là một James Bond thời tuổi trẻ! Điều làm tôi buồn cười là gương mặt sạch sẽ, no đủ và hàm răng trắng của cậu ta giữa những đống xác chết, giữa mùi thối và rác rưởi của Stalingrad, cũng như việc cậu ta đi bộ vòng quanh trong chiếc quần soóc với đôi chân trần trong thành phố. Thời điểm này đã bắt đầu có sương giá! Điều này làm tôi nhớ lại một “tuyệt phẩm” khác của Hollywood với diễn viên Kurt Russel, trong đó anh ta chạy khắp nơi ăn mặc phong phanh không mũ che đầu trong cái lạnh âm 50 độ C giữa Nam Cực. Hiển nhiên là Annaud không thể tưởng tượng mùa đông thực tế ở đây thế nào. Đó là một người làm ra một bộ phim về nước Nga mà không hề biết chút gì về vấn đề mình đề cập tới.

Tôi thực sự bị sốc khi mẹ của Sasha, lạnh lùng và nghiêm túc bàn tính chuyện gì tốt hơn cho Sasha, làm việc cho người Đức hay cho người Nga! Tôi chưa từng gặp điều nào ngu xuẩn đến vậy từ trước tới giờ!

Một đoạn đối thoại giữa Danilov và Zaitsev lại là một bất ngờ khó chịu khác, và một lần nữa chứng tỏ rằng Jaques Annaud không gì khác hơn là tay tài tử thiếu trình độ. Chủ đề là những gì người ta viết về Zaitsev trên một tờ báo. Dưới đây là đoạn đối thoại:

“Bây giờ tôi là một ngôi sao!” Vasiliy vui mừng la lên.
“Đúng!” Danilov phấn khởi đồng ý.
“Thật tuyệt!”
“Đúng! Tuyệt!”
“Tôi nổi tiếng!”
“Chúng ta nổi tiếng!”
“Đúng!”
“Tuyệt!”

(“I am now a star!” Vasiliy exclaims joyfully.
“Yes!” enthusiastically agrees Danilov.
“It's great!”
“Yes! Great!”
“I'm famous!”
“We are famous!”
“Yes!”
“Great!” 
(Nguyên văn tiếng Anh)

Và họ bắt đầu ôm lấy nhau. A, vui thế đấy! “Bây giờ họ đã nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền” tôi tự nhủ. Nhưng vì lí do gì đấy, cảnh giấc mơ đời đời kiểu Mỹ trông rất lâm ly giữa đám đỏ nát của Stalingrad. Có lẽ bởi vì người Nga chiến đấu không phải để được ghi tên lên báo và trở thành nổi tiếng, mà vì những lí do gì khác chăng? Đó vẫn là một bí mật với Jacques Annaud.

Đanilốp và Khơrútsốp (Bob Hoskin đóng) 
dưới bức chân dung Stalin
Danilov tố cáo Zaitsev quả thực rất quí báu. Danilov tố cáo Vasiliy Zaitsev có mối quan hệ với một cô gái Do Thái. Trước tiên, không có bất kỳ sự đàn áp nào chống người Do Thái vào thời điểm đó, và cuộc tranh cãi này không chỉ ngớ ngẩn, mà còn nguy hiểm cho chính Danilov. Bản thân kẻ tố cáo có thể sẽ bị bắt trong vòng hai mươi bốn giờ vì đã xúi giục xung đột dân tộc! Và kế đến, chính khuôn mặt của Danilov cũng còn xa mới giống người Nga.

Một “cảnh” khác theo kiểu ưa thích của Annaud: một buổi lễ kỷ niệm trịnh trọng tại hầm của Khruschev. Thật ra, tôi chỉ nhận ra Khruschev sau khi ông ta tự giới thiệu trong khi đi duyệt trước một đám chính ủy ngây dại. Và buổi lễ bắt đầu với việc Zaitsev được vây quanh bởi những phóng viên. Tôi không ngạc nhiên chút nào về chuyện Jaques Annaud không biết các phóng viên chiến trường Xô-viết khác biệt ra sao so với những tay săn ảnh Phương Tây! Và rồi… rồi họ trưng ra một chân dung Stalin mà làm tôi kinh hoàng! Một ai đó u ám nhìn một cách nặng nề từ trong bức chân dung khổng lồ với phần nền phủ đầy màu máu và tang tóc. Nếu có nghệ sĩ nào vào thời đó dám vẽ Stalin như vậy, hừm, “một kiệt tác”, tôi nghĩ anh ta sẽ không sống nổi tới sáng hôm sau. Khruschev dẫn Zaitsev tới trước bức chân dung đó và cất lời ca tụng Người Vĩ đại và Hùng mạnh, và … tôi chờ họ, ngay lập tức quỳ sụp xuống hai gối phía trước bức chân dung khổng lồ đó! Nếu là tôi thì chắc chắn tôi sẽ làm vậy! Tất nhiên, tôi hiểu rằng bức chân dung này được vẽ đặc biệt để giúp những tay Yankee ngu ngốc nhất hiểu được Stalin là quỷ dữ, nhưng xin hãy tin tôi, xuyên tạc lịch sử không phải là cách tốt nhất để chứng tỏ anh là luôn đúng. (*)

Một cảnh khác với những lính Nga nhảy múa sau khi chiến đấu trên đường phố đã gây cho tôi một ấn tượng thật ngột ngạt khó chịu. Trên hết, đạo diễn không thể tìm thấy bất cứ thứ gì tốt hơn là gia điệu của bài “Svetit mesiats, svetit yasnyy” làm nhạc nền! Trông thật ngu xuẩn như thể người Mỹ sau khi thiệt hại nặng nề tại Ardennes lại nhảy điệu rock'n'roll với âm nhạc của Elvis Presley vậy. Tất cả những ai đã chiến đấu tại Stalingrad, cả người Nga lẫn người Đức, đều kể về sự kiệt sức, về những thứ họ mong nhất trên đời này là ăn và ngủ. Nhưng những cảm giác này là xa lạ đối với gã Jean Jaques Annaud no đủ, quay những cảnh truyện tranh gây xúc phạm về những điều mà hắn ta hoàn toàn không hiểu chút nào.

Một điều xứng đáng khen ngợi của đạo diễn là xe cộ trong phim, nhưng thậm chí cả ở điểm này cũng vẫn có sai lầm không tránh khỏi. Hầu như ngay từ đầu phim, một đoàn tàu chạy về Stalingrad có kéo thêm một toa bọc thép có gắn hai tháp pháo của xe tăng T-34-85, từ đó nhô ra những khẩu pháo không biết là loại gì. Tại một khúc nào đó ở giữa phim, có một trường đoạn chiếu cảnh đổ nát của Stalingrad. Ở giữa cảnh có một xe tăng T-34-85, vốn chỉ xuất hiện trên chiến trường một năm rưỡi sau khi những sự kiện trên phim xảy ra.

Tôi cũng muốn nói đôi lời “nồng ấm” về những khẩu hiệu Xôviết trong phim. Tôi chưa từng thấy những khẩu hiệu ngu ngốc đến thế bao giờ, trong khi tôi vẫn biết rất nhiều khẩu hiệu, như bất cứ ai từng sống trên đất nước “xã hội chủ nghĩa vĩ đại”. Có rất nhiều khẩu hiệu ngu xuẩn trong bộ phim, nhưng cái phổ biến nhất – “Mọi thứ cho tiền tuyến, mọi thứ cho thắng lợi” – lại không thấy xuất hiện ở bất cứ đâu.

Vai thiếu tá Erwin König được thể hiện bởi Ed Harris
Nói chung tôi đánh giá bộ phim này thế nào nhỉ? Có thể mô tả trong hai từ: ác cảm một cách cố chấp. Bộ phim không có chiều sâu, nó phẳng như một cái mặt bàn, và xuẩn như một cái đinh cửa. Đó không phải là những đặc điểm chính được thể hiện dở tệ, nhưng chúng bốc mùi một cách thiếu tự nhiên và diễn xuất rất quê mùa. Cả Zaitsev và Danilov dường như có vẻ không thực, như những con rối, khiến tôi cảm thấy không thể thông cảm hay ác cảm. Chúng không khiến tôi cảm xúc một chút nào ngoài một thú vui giải trí thuần túy: xem thử điều gì sẽ xảy ra với họ tiếp theo? Điều duy nhất tôi thích là tay xạ thủ Đức. Tôi nghĩ vai của thiếu tá Konig được thể hiện rất đạt, ta có thể cảm thấy cả thái độ lạnh lùng của một con cọp, lẫn sự vô cảm tột độ. Và khuôn mặt hoàn toàn làm tôi tin – đúng, đấy chính là Kẻ thù! Mặc dù vậy tôi nghe những người bạn Đức của tôi bảo rằng họ không thích người hùng đó của mình chút nào.

Ai đó có thể bảo: “Thôi hãy dễ dãi với những cảm xúc! Bộ phim này không phải cho chúng ta!”. Chẳng may, tôi không thể đồng ý với lời giải thích đó. Bộ phim này làm về chúng ta, về lịch sử của chúng ta, về cha ông của chúng ta. Nó không thể định nghĩa là “không phải cho chúng ta”. Đã có một bộ phim tựa đề là “Stalingrad”, do người Đức sản xuất. Cốt chuyện kể về số phận đáng buồn của những người lính Đức. Tôi không cảm thấy thông cảm với những vai chính trong phim, điều này cũng dễ hiểu: tôi không muốn thông cảm với những người đã giết hại tổ tiên của tôi. Anh có thể nói rằng bộ phim ấy không phải dành cho chúng ta. Nhưng vấn đề là bộ phim “Stalingrad” của Đức đúng với thực tế hơn và thú vị rằng nó hoàn toàn không có những bịa đặt để kiếm tiền.

Có thể là đạo diễn mù quáng đi theo quan niệm chung của Phương Tây về cuộc chiến đó chăng? Khán giả phương Tây có hiểu được một bộ phim như “V boy idut odni stariki” (***hay “U tvoego poroga”? Tôi nghĩ không có một chút công lao nào của đạo diễn (J. Arnaud) nào ở đây. Đúng là, ở phương Tây bọn họ không thể hiểu “V boy idut odni stariki”. Và anh có biết tại sao họ không hiểu không? Bởi vì chỉ có duy nhất một phim theo kiểu đó tại Phương Tây. Còn phần còn lại – những dạng như “Enemies at the Gates” và những câu chuyện cổ tích rẻ tiền khác. Và họ sẽ không thể hiểu phim ảnh của chúng ta cho tới khi họ bắt đầu làm những bộ phim turng thực về chúng ta.

Ai đó nói rằng Ozerov cũng làm những phim như vậy. Không, không phải như vậy! Có lẽ Ozerov cũng gặp vấn đề với xe tăng, nhưng ông không gặp vấn đề với con người. Trong phim của ông tôi thấy một cốt truyện hấp dẫn, diễn xuất bởi những diễn viên tốt (nếu không muốn nói là tài năng) hiểu rõ họ là ai và tại sao họ lại như vậy. Có lẽ, anh sẽ thích thú với những dãy sĩ quan đằng sau Khruschev. Nhưng anh có thể hỏi, tại sao tôi lại chú ý tới chúng? Tôi sẽ trả lời, tôi chú ý tới chúng vì trên màn ảnh chẳng có gì khác. Có một tay đầu hói xám xịt nào đó đi lại trước một nhóm những thằng ngốc và tiếp tục hỏi tại sao những lính của tay hói này (đấy đúng là những gì hắn nói) “ỉa ra quần vì sợ”. Để nói sự thực, tôi không thèm nhổ vào những vấn đề của tay hói đó cùng đám lính thảm hại của hắn. Thật là một cảnh đáng chán! Mười lăm phút sau khi bộ phim bắt đầu tôi đã rõ rằng tôi chẳng có gì để nói với người bạn Mỹ của tôi, người đã gửi bộ phim này cho tôi làm quà với lời giới thiệu “Đây là bộ phim hay nhất của chúng tôi về cuộc chiến của các anh”.

Tôi còn nhớ mình đã khóc thế nào khi xem “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”. Nhưng phim đó cũng có những lỗi với trang thiết bị chiến đấu! Và cốt truyện không vì thế mà bị ảnh hưởng. Nhưng vì lí do gì đấy anh không đế ý tới những lỗi ấy, anh chỉ nhớ tới những vai tuyệt vời của Burkov và Shukshin, Tikhonov và Nikulin, và những nhân vật mà họ diễn.

Tóm lại, tôi muốn hỏi liệu người Mỹ có khả năng làm phim “về chúng ta” không? Đó là những phim không có những thằng ngốc Nga với cái mõm râu ria không cạo ghê tởm đầu đội mũ lông. Hóa ra là họ làm được! Có lần họ chiếu một phim Mỹ làm về tay giết người hàng loạt nổi tiếng của chúng ta Chikotillo. Trong suốt năm phút đầu tôi và vợ thích thú với cái vai có chút gì đó hài hước, và rồi… chúng tôi quên rằng đó không phải là phim “của ta”, rằng mọi người hùng đều đang nói tiếng Anh, và rằng những trang trí chẳng giống thời Liên Xô. Chúng tôi quên và rất thích thú xem phim. Tại sao? Bởi vì bộ phim đó được làm mà không có những quy ước ngu xuẩn thời Chiến tranh Lạnh, không có những ý tưởng ngu xuẩn thể hiện như một “sáng tạo nghệ thuật”. Bộ phim ấy được làm một cách đơn giản và trung thực, và thậm chí nếu nó mô tả chủ nghĩa xã hội chân thực, nó vẫn có thể được xem dễ dàng.

Enemy At The Gates - Official Trailer - HD


“V boy idut odni stariki”
__________________
(* Tania Chécnôva, trong phim do Rachel Weisz đóng
(**)  Một chỗ sạn: Dai-xép và Khơ-rút-sốp “thành kính” nhìn lên chân dung Xta-lin vào thời điểm cuối năm 1942 trong tiếng nhạc Quốc ca Liên Xô bản 1943
(*** Phim Liên Xô dựng năm 1973 - 1975 - đạo diễn và đóng vai chính, ngôi sao người Ucraina Lêônhít Bưcốp.

Các chú thích trong bài là của Xécgây Cudơmích nên dùng phiên âm tiếng Việt. Môt số đường dẫn sang các trang khác cũng do Xécgây Cudơmích, nhưng hắn không chịu trách nhiệm về nội dung của các trang này.

No comments:

Post a Comment